Blogger templates

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Quán Chay Nở Rộ: Ăn chay sang ở LA - Veg fine dining in LA

Gà thuần chay - Vegan chicken
A January 24, 2012 report by Los Angeles' KABC ("Fine dining in LA for vegetarians and vegans") features a taste of veg fine dining in Los Angeles, California, USA. 
Món tráng miệng thuần chay - Animal-free tiramisu
[VNAC] Đài truyền hình KABC Los Angeles, California, Hoa Kỳ hôm thứ tư, 24 tháng 1, 2012 giới thiệu một số món ăn chay tại các nhà hàng sang như Breeze ở khách sạn Hyatt Regency Century Plaza và Windows Lounge ở khách sạn Four Seasons, Beverly Hills. Thực phẩm chay với sự sáng tạo của các bếp trưởng và nguyên liệu phong phú ngày nay nâng cao văn hóa ẩm thực chay đã có từ ngàn năm qua.

Xem tường thuật, xin bấm vào đây.

Nếp Sống Ăn Chay: Ăn chay ngày Tết theo đạo Phật - Vegetarianism on New Year, a tradition for many Vietnamese

Thanh tịnh món cơm tấm bì chay

Eating vegetarian at the start of the new year is a tradition for many Vietnamese, no matter if they're from the countryside or city.

Ăn chay ngày Tết theo đạo Phật
Bùi Hiền

Bee.net.vn - Ăn chay ngày Tết không hẳn là tu hành mà chỉ đơn giản là để được lắng lòng, thanh lọc cơ thể, chay tịnh tinh thần để chiêm nghiệm cuộc đời nhân lúc xuân sang.

Vừa thanh tịnh vừa... sớm siêu thoát 

Ngày nay trên thế giới, ăn chay là thời thượng, có tính văn hóa và văn minh cao. Ở Việt Nam, ngay từ ngày đầu năm mới, người ta thường ăn chay bên cạnh việc đi chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm.

Vì vậy, ăn chay ngày Tết mang ý nghĩa tâm linh, là nét văn hóa Tết độc đáo của dân tộc ta. Cũng cần nói thêm, ở Nam bộ, ăn chay ngày Tết là hiện tượng khá phổ biến ở một số gia đình từ nông thôn đến thành thị.

Nhắc đến ăn chay hay ăn lạc, ăn tương, người ta thường nghĩ đó là cách ăn của những người theo đạo Phật, không sử dụng nguyên liệu chế biến từ động vật mà chỉ dùng toàn bằng thực vật.

Phật giáo chủ trương ăn chay giúp con người bớt sát sinh, bớt tạo nghiệp ác để gieo lòng từ bi, hướng thiện. Trong Ngũ giới cấm của nhà Phật có giới cấm sát sinh. Do đó, cấm sát sinh và ăn chay có mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ với nhau.

Do cả năm bề bộn công việc mưu sinh, nên một số người chỉ ăn chay vào ngày mùng 1 Tết để bù cho cả năm, nhằm cầu phước đức, may mắn cho năm mới và sám hối những gì đã làm không phải trong năm cũ.

Mấy ngày cuối năm, đối với những gia đình có ăn chay, mấy bà nội trợ đã lo mua hoặc tự làm nguyên vật liệu để nấu các món chay cho mấy ngày Tết như: Cá chay, ruốc chay, bánh tráng, rau củ, tương, chao...

Với những ngày đầu năm, người ta ăn món gì thì cúng ông bà tổ tiên món nấy. Cúng chay ngày Tết mang ý nghĩa cầu mong cho cửu huyền thất tổ được nhiều phước lành, hướng về Phật pháp, hướng về điều lành được thanh thản và sớm siêu thoát.

Mặt khác, ăn chay ngày Tết giúp cho mỗi người biết hướng về điều thiện, điều lành, phát từ tâm, tạo nhân duyên tốt… ngay từ những ngày khởi đầu năm mới. Góp phần chứng minh sự ảnh hưởng khá sâu sắc của Phật giáo vào đời sống văn hóa người Việt Nam, trong đó có văn hóa Tết.

Trong thời khắc giao hòa của năm cũ và năm mới, bữa cơm chay đã mang đến cho con người sự an lạc và thanh tịnh.

Đa dạng món chay... mỹ miều

Nếu như vào những mùa chay của Phật giáo, người ta nhớ đến thực đơn với tên gọi khá đặc biệt: Thập bát La hán, Tứ sự, Bát bửu, Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế… thì những món chay ngày Tết cũng rất đặc trưng của mùa.

Người ta thường gọi “Nắng xuân ươm mầm” bao gồm cơm xào với các loại đậu, cà rốt, khoai tây và một chút gia vị là sự ấm áp của nắng xuân, chất xúc tác làm cho hạt nảy mầm.

Người chế biến khá dễ dàng nhưng phải tạo được hấp dẫn, bắt mắt, gợi cảm giác đầy đủ, sum vầy và đầy thi vị. “Nắng xuân ươm mầm” nếu kết hợp với “Nghiêng nón đón xuân” được chế biến từ nấm rơm rim khô với nước dừa thì không có gì thú vị bằng.

Món lẩu nấm chay
Ngày Tết, ta thường có cảm giác chán ăn thì đã có “Nghinh xuân” gồm đu đủ xanh ngả vàng, đậu hủ cắt nhỏ tẩm chiên vàng, đậu phụng rang vàng thơm. Tất cả trộn với chanh ớt, nếm vừa miệng, nó còn gọi là gỏi đu đủ rất dễ làm người ta “ngã lòng” bởi hương vị và màu sắc.

Hay đặc biệt hơn với “Cội mai già hóng gió” gồm các loại rau xà lách, một ít bột thính khoai tây cuốn lại với nhau, người sành ăn chay gọi đó là bì cuốn dùng để “ăn chơi”. Tuy chế biến cực kỳ dễ nhưng đòi hỏi một chút công phu, khéo léo nên khi thưởng thức nó với nước chấm chua ngọt thì quả là không phí công sức.

Và đừng quên chế biến thêm “Hội tụ tháng Giêng”, đó chính là món bún riêu cua đầy “ma lực” mà rất nhiều người sành ẩm thực chay ưa thích. Sự kết hợp của cà chua, đậu hủ, nấm rơm, riêu, bún tươi, rau muống bào, hoa chuối, giá và một chút mắm đầy… “hương” lan tỏa làm người xa quê phải chạnh lòng nhớ mãi.

Ẩm thực chay ngày Tết rất đa dạng nhưng nếu kết hợp các món kể trên, ta sẽ có một bàn tiệc chay với đầy đủ chất, hương, vị và sắc. Sau bữa cơm chay đầy hấp dẫn này, ta cũng có thể dùng thêm các món tráng miệng “Nắng, mưa và nụ tầm xuân” không gì khác là hạt lựu, sương sa, sương sáo. Hay thưởng thức vị mát lành của “Hoa quả mùa xuân” gồm các loại trái cây bốn mùa đầy sắc màu… Mâm cơm chay gia đình ngày xuân bỗng dưng đầm ấm, vui vầy đến lạ.

Ngày Tết càng trở nên đáng yêu hơn nếu trên mâm cỗ thết đãi khách có thêm những món chay mang hương vị, màu sắc phong phú từ thiên nhiên, bên bạn bè và người thân gia đình sẽ khiến cho ta bỗng thấy yêu đời, yêu đất trời quê hương kỳ lạ.

http://bee.net.vn/channel/1994/201201/an-chay-ngay-Tet-theo-dao-Phat-1823084/

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

Sức Khỏe Của Bạn: Uống nước ngọt có ga, tăng nguy cơ tích mỡ nội tạng - Sweetened drinks can be dangerous


From Aarhus University's article "Sweetened drinks can be dangerous": “Our results show that there is a direct connection between the daily ingestion of one litre of sucrose-sweetened beverages and the fat content in the liver, muscles and abdominal cavity. The fat content of the blood increases as well, and cholesterol levels rise. All these changes are known to increase the risk of developing diabetes and cardio-vascular diseases,” says Professor Bjørn Richelsen from Aarhus University.

Uống nước ngọt có ga, tăng nguy cơ tích mỡ nội tạng
Tuyết Nhung (Theo Reuters)

TPO - Theo một nghiên cứu mới của Đan Mạch, những người uống 1 lít nước ngọt có ga mỗi ngày sẽ có nguy cơ tăng lượng mỡ ở gan, cơ và xung quanh các cơ quan nội tạng vùng bụng.

Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện đại học Aarhus (Đan Mạch) đã đề nghị các đối tượng nghiên cứu mỗi ngày uống 1 lít một trong số các loại đồ uống sau: nước, sữa, nước có ga không đường và nước ngọt có ga thông thường trong vòng 6 tháng. Tất cả 47 đối tượng nghiên cứu đều thừa cân hoặc béo phì.

Sở dĩ các nhà nghiên cứu chọn nhóm đối tượng này vì họ đoán trước những người thừa cân hoặc béo phì sẽ nhạy với những thay đổi trong chế độ ăn hơn người có trọng lượng bình thường.

Kết thúc quá trình nghiên cứu, những người uống nước nước ngọt có ga tăng 25% chất béo quanh các tạng và khoảng 50% chất béo ở gan và cơ.

Sự tích tụ chất béo ở các tạng rất nguy hiểm bởi nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về chuyển hóa như tiểu đường, tim mạch và đột quỵ.

http://www.tienphong.vn/Suc-Khoe/564642/Uong-nuoc-ngot-co-ga-tang-nguy-co-tich-mo-noi-tang-tpod.html

Giới Trẻ Ăn Chay: Bạn trẻ rủ nhau ăn chay ngày Tết - Vietnamese youth go veg this lunar New Year of the Dragon

Thức ăn chay - Vegan food (Photo: Duy Minh)
Vietnamese youth are leaning toward the compassionate vegan cuisine at the start of their traditional New Year.


Bạn trẻ rủ nhau ăn chay ngày Tết
Thiên Hương

TTO - Ngày Tết, nhiều người quen với những bữa ăn đầy ắp thịt, giò lụa, giò thủ... nhưng một số bạn trẻ vẫn chọn cho mình những món chay thanh đạm vừa tốt cho sức khỏe, vừa tiết kiệm.

Hấp dẫn những món ăn chay

Cũng như mọi năm, Thái Việt (24 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại hào hứng xuống bếp chế biến các món chay thết đãi bạn bè trong những ngày Tết. Thái Việt cho biết: “Với tôi, ăn chay chỉ đơn giản là để thanh thản, chay tịnh sau một năm bộn bề công việc. Ăn chay thường mang lại cho người ta cảm giác nhẹ bẫng, thoải mái vô cùng”.

Nấu chay - Cooking veg (Photo: Trần Duy)
Vừa ngon miệng lại khá dễ làm nên các món chay như bì cuốn (làm từ  rau xà lách và bột thính khoai tây chấm với nước chấm chua ngọt), gỏi đu đủ (làm từ đu đủ xanh ngả vàng, đậu hủ cắt nhỏ, rắc đậu phộng rang)… rất được bạn trẻ ưa chuộng.

Nhiều bạn không thể tự chế biến món ăn thì rủ bạn bè ra các quán chay trên đường Nguyễn Tri Phương, Huỳnh Mẫn Đạt, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ hay xóm Giá (Q.11, TP.HCM)… để “đổi món” trong những ngày Tết thịt cá ê hề.

Ngọc Nhung (sinh viên Trường ĐH Văn Hiến) cho biết, ăn chay những ngày Tết cũng giống như một cách thư giãn… bao tử: “Ăn chay giúp cho cơ thể lẫn tâm hồn thoải mái hơn. Đặc biệt trong những ngày Tết, đồ ăn dầu mỡ khá nhiều nên mình quyết định ăn chay để bao tử đỡ vất vả”.

Ăn chay thêm yêu thương

Với nhiều bạn trẻ, ăn chay không còn là việc xa lạ: ăn chay để thay đổi khẩu vị, ăn chay để tâm trạng thoải mái hơn hay ăn chay khi một mong muốn được thành sự thật…. Ăn chay trong ngày Tết cũng gắn liền với những suy nghĩ và ý nghĩa riêng của mỗi người.

Thưởng thức món chay - Enjoying vegan food (Photo: Trần Duy)
Hoàng Mai (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Đây là Tết đầu tiên mình đón Tết xa nhà vì một số lý do. Tết năm nào gia đình mình cũng ăn chay nên dù xa nhà nhưng mình vẫn muốn duy trì thông lệ này. Mình đã rủ thêm bạn bè, cùng làm những món chay mà mẹ đã dạy. Tết ăn chay vừa vui vừa vơi nỗi nhớ nhà”.

Nhóm bạn của Kim Ngân (sinh viên Trường ĐH KHXHNV TP.HCM) rủ nhau làm tiệc tất niên chay thay vì kéo nhau đi ăn lẩu, ăn ốc hay la cà quán xá. Minh Thư (sinh viên Trường ĐH KHXHNV TP.HCM) cho biết ý tưởng này chợt đến khi nhóm lên thực đơn cho buổi tiệc. Một thành viên trong nhóm chợt nhắc đến những vụ hành hạ động vật gây bức xúc trong năm qua.

Câu chuyện về những vụ hành hạ, giết thịt động vật như việc một chàng thanh niên ở Anh nắm đuôi mèo xoay vòng, một nhóm thiếu nữ Trung Quốc dùng giày cao gót giẫm chết thỏ, rồi hình ảnh thương tâm về chú chó bị chủ cột pháo vào mõm để đốt lan truyền trên mạng, được các thành viên chia sẻ với nhau trong sự xót xa. Từ đó, cả nhóm nghĩ đến việc ăn chay. "Ăn chay không chỉ ngon, bổ, rẻ mà còn nhắc nhở tụi mình hãy yêu thương động vật, yêu thương môi trường hơn. Buổi tất niên không có thịt cá, hải sản nhưng ai cũng vui và cảm thấy nhẹ lòng” - Minh Thư chia sẻ.

Trước khi về quê đón Tết, nhóm còn hẹn sang năm sẽ lập hội kêu gọi yêu thương, bảo vệ vật nuôi.

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/474722/Ban-tre-ru-nhau-an-chay-ngay-tet.html

Tin Vui Ăn Chay: Đầu năm ăn chay - Vietnamese stars enjoy veg food on lunar New Year

Vào dịp Tết hay sinh nhật, Hồ Quỳnh Hương
lại được thỏa thích ăn những món chay mẹ nấu

An increasing number of Vietnamese artists (singers, actors, actresses, composers etc.) are embracing the plant-based diet for health and ethics. In the above photo, singer Hồ Quỳnh Hương is enjoying delicious vegan food cooked by her mother this lunar New Year. Both of her parents have also turned veg. 

Đầu năm ăn chay
Bài: Nguyên Vân, Ảnh: Q. T.
24/01/2012 9:47

(TN Xuân Nhâm Thìn) Ngày càng nhiều nghệ sĩ ăn chay, không chỉ trong những ngày đặc biệt của tháng mà còn vào dịp đầu năm.

Tết đạm bạc

Tuy còn trẻ, nhưng ca sĩ Võ Hạ Trâm, Hà Okio... đã ăn chay trường từ nhiều năm nay. Hà Okio cho biết Tết đến, để mang hương vị xuân, mẹ anh nghiên cứu thêm nhiều món mới, dù nấu giống món mặn nhưng không phải kiểu giả thịt-tôm-gà...

Với ca sĩ Võ Hạ Trâm, vì bố là cư sĩ nên cả nhà cùng ăn chay. Do đó ngày Tết, ngoài những món “hay ăn và được mẹ chế biến rất ngon từ sakê, rau muống…, những thực phẩm chay đặc trưng cũng được mẹ chuẩn bị rất nhiều, nhất là dưa kiệu và bánh chưng chay”, Hạ Trâm kể.

Hồ Quỳnh Hương ăn chay được 3 năm nay, và bố mẹ cô cũng ăn chay theo con gái. Tết đến, buổi tối, sau khi Hương diễn về, mọi người lại quây quần bên mâm cơm. Món mà Hương thích mẹ nấu nhất chính là miến xào chay hoặc nem chả chay và canh rong biển.

Do sống một mình, phải tự nấu nướng, nên tết đến diễn viên Đại Nghĩa thường không cầu kỳ chuyện cơm nước. Mỗi lần chạy show, túi xách của Đại Nghĩa y như một tủ đồ ăn di động. Hỏi Đại Nghĩa nếu bạn bè đến chơi sẽ tiếp đãi thế nào, anh cười vô tư: “Mình nói trước chứ nhà toàn món chay thôi, ai thích ăn mặn thì... tự mang theo”.

Ca sĩ Bảo Yến, vì ăn chay ngày Tết nên “bạn bè đến mình chỉ đãi... nước uống, nếu ai nhã hứng dùng cơm chay thì ăn cùng gia đình”. Còn ca sĩ Cẩm Vân ngoài thực đơn chay cho 2 vợ chồng - cũng được nấu đơn giản - trong mùng 1 Tết, chị “sơ cua” thêm món mặn để “khách thích gì mình chiều nấy”!

Diễn viên Việt Trinh “sáng tạo” món bún chay đặc biệt mà bạn bè nghệ sĩ nào ăn xong cũng tấm tắc vì “hương vị đậm đà, lạ miệng”, đến mức mọi người đã đặt thành tên “bún chay Việt Trinh”. Vậy nên Tết này, đến chơi nhà Việt Trinh thể nào cũng được chủ nhân thết đãi món ruột!

Ăn chay vẫn hát tốt

Dù ăn chay trường (như NSƯT Bạch Tuyết, diễn viên Việt Trinh, người đẹp Trương Thị May…), mỗi tháng ăn một tuần (như Dương Triệu Vũ), không ăn thịt động vật (như Bảo Yến), chỉ ăn vào rằm, mùng một (Cẩm Vân - Khắc Triệu, Phạm Quỳnh Anh...), hay ăn mỗi khi thích (như Phương Thanh), hầu hết các nghệ sĩ đều cho rằng ăn chay tốt cho sức khỏe, sắc diện tươi tắn hơn nhiều.

Ca sĩ Bảo Yến chia sẻ, từ 6 - 7 tuổi, chị đã ăn chay cùng ba mẹ trong 10 ngày đầu năm mới. Từ khi có gia đình, chị ăn chay thêm rằm và mùng một, và tránh ăn thịt động vật. Chị cho rằng chính vì ăn theo chế độ ấy, mà đến nay chị vẫn có thể hát gần 20 bài liên tục và vẫn say nồng như trước.

Đề cập chuyện sức khỏe khi ăn chay, ca sĩ trẻ Hạ Trâm cũng nhận ra mình ít ốm vặt hơn trước. Diễn viên Đại Nghĩa tâm sự, lúc tham gia Bước nhảy hoàn vũ anh đã ăn chay rồi, khi tập luyện mất sức nhiều, anh bổ sung thêm sữa tươi nên vẫn khỏe re và “bê, vác” bạn nhảy vô tư.

Dương Triệu Vũ bảo “ăn chay điều độ nên sức khỏe và đặc biệt là tinh thần rất tốt, thoải mái”.

Phương Thanh thì sau mỗi ngày ăn chay, không chỉ “nhẹ ruột, mà người cũng nhẹ luôn, nên mùng nào trong Tết thấy hoan hỉ là ăn chay, để niềm vui càng bay bổng, tinh thần cũng phấn chấn hơn”.


http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120121/dau-nam-an-chay.aspx

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012

Quán Chay Nở Rộ: Nhà hàng chay D'Vegan - D'Vegan Restaurant (Dallas, Texas, USA)

Photo: Kristy Yang
Ann Mai, a Vietnamese vegan student from the University of Texas at Arlington explained in the school newspaper's Green Expectations blog: "At the start of the new year, the custom of abstaining from animal foods, or ăn chay, stands for the renewal of a commitment to peace for the rest of the year." 
Ann recommended a local eatery called D'Vegan; so did Kristy Yang who wrote "D'Vegan: Making Meatless Choices Easier" in the Dallas Observer.

D'Vegan Restaurant
9780 Walnut St Suite 360E
Dallas, Texas 75243 USA
Phone: 1-972-437-3939
www.dvegan.com


Some of the animal-free dishes from D'Vegan:
D'Vegam, nhà hàng thuần chay Việt Nam ở Dallas, Hoa Kỳ do bạn Ann Mai, một sinh viên thuần chay tại đại học địa phương giới thiệu trên trang blog xanh của trường.

Cô Kristy Yang, người Công giáo, cũng đã khen món phở chay và bún thịt nướng chay tại đây trên báo Dallas Observer.
Photo: Kristy Yang
Photo: Kristy Yang

Môi Trường Quanh Ta: Máu lợn từ lò sát sinh Dallas trôi ra sông - Pig's blood in a Dallas river

Aerial photo taken by the Dallas County health department show what appears to be pig's blood coming from a meat-packing plant heading into the Trinity River. | Jan. 20, 2012

A 99-year-old slaughterhouse and meat-packing plant in Dallas, USA, the Columbia Packing Company on East 11th Street, is under criminal investigation for dumping pig's blood into a creek that leads to the Trinity River. An underground pipe leading to the Cedar Creek was found, the substance in which tested positive for swine blood.
For more information, please click here and watch the video below.


[VNAC] Lò sát sinh và hãng gói thịt Columbia ở Dallas, Hoa Kỳ đang trong vòng điều tra của pháp luật vì bị tình nghi là đổ máu lợn vào một con suối dẫn ra sông Trinity. Những tấm ảnh chụp từ trên không gian cho thấy một dòng nước đỏ giống như máu lợn đang trôi dài trên suối Cedar. Các điều tra viên của chính phủ đã tìm ra một ống dẫn nước dưới lòng đất và khám nghiệm tìm ra máu lợn trong ống này. 

Các chất bẩn từ kỹ nghệ thịt, dù ở nơi nào trên thế giới, đều là một hiểm họa cho môi trường và sức khỏe con người.

Vì Sao Ăn Chay: Martha Stewart kêu gọi chấm dứt nhà máy chăn nuôi - Martha Stewart urges an end to cruelty

American TV host Martha Stewart has spoken out against the brutal practice of factory farming. An international celebrity, Ms. Stewart has written many bestselling books. She is the publisher of Martha Stewart Living magazine, and her talk show, Martha, is broadcast worldwide. 


The following is Martha Stewart's public service announcement produced with the non-profit Farm Sanctuary. Please join other citizens in the USA and around the world to end cruelty: toward animals and within the human hearts.



Martha Stewart kêu gọi chấm dứt nhà máy chăn nuôi

[VietNamAnChay.com] Tác giả nhiều quyển sách bán chạy hàng đầu, chủ nhiệm tạp chí và người dẫn chương trình truyền hình được chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới Martha Stewart đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt các nhà máy chăn nuôi. Trong một thông báo cộng đồng thực hiện chung với hội Farm Sanctuary (Nông Trại Ấn Trú), cô Stewart nói:

“Đa số mọi người không biết rằng nông súc rất tuyệt vời. Như tất cả mọi loài vật, họ là những chúng sinh thông minh, sống hợp quần và có tình cảm. Gà có 30 tiếng kêu trong ngôn ngữ của họ mà chúng ta có thể nhận ra. Khi vui, bò đá chân lên trời. Heo có tình nghĩa gắn bó suốt đời với nhau và với loài người. Cừu kêu la thống khổ khi bị bắt phải xa con cái và anh chị em. Mặc thế, trong các nông trại, những loài vật mẫn cảm này không được sống theo tự nhiên và bị đối xử như những chiếc máy vô cảm.”

Cô Martha Stewart nói rằng "sự vô tình đối với loài vật không thể chấp nhận được và phải được chấm dứt."

Đoạn phim ngắn trên cho thấy một vài hình ảnh loài vật bị đối đãi vô cùng tàn nhẫn. Đã đến lúc nhân loại nhìn lại thức ăn của mình và đặt câu hỏi vì sao.

Bạn Thú Mến Yêu: Các loài thú ăn chay - They're strong, they're beautiful, they're herbivorous

Our world is graced with strong, beautiful, vegan animals. Here are some among the many to wish you good luck for a vegan New Year of the Dragon.

Nhiều bạn thú quanh ta ăn chay. Sau đây là 12 bạn thú ăn chay điển hình, kính chúc quý vị và các bạn một năm mới may mắn, mở rộng tình thương mang lại hòa bình cho gia đình các bạn thú, công đức vô lượng.


Cừu


Gấu trúc

Hà mã

Hưu cao cổ

Nai

Ngựa

Tê giác

Thỏ

Vẹt đỏ đuôi dài

Voi

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Văn Hóa Việt Nam: Năm Rồng, tản mạn về rồng - The revered dragon


Dragon is a  highly revered mythical creature, often associated with power, courage, nobility, and wisdom. In fact, it is said that the English word "dragon" derives from a Greek word - δράκων (drákōn) - which in turn comes from the verb δρακεῖν (drakeîn), meaning "to see clearly". May all be blessed to "see clearly" in this auspicious Year of the Dragon.

NĂM RỒNG, TẢN MẠN VỀ RỒNG

(Tổng hợp) - Rồng, chữ Hán là Long, chữ Phạn là Nâga, là một loài sinh vật thuộc thế giới vô hình, và cũng là một loài trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng). Rồng trong tiếng Anh (dragon) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp, vốn có nghĩa là “con trăn”. Do đó, rồng trong các chuyện thần thoại phương Tây mô hình cơ bản là loài rắn.

Theo thần thoại, rồng có hình dạng rất lạ kỳ: đầu rồng giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng giống như bụng con giao [thuồng luồng], mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy cá ly.

Qua các thời đại, hình thù rồng trong trí tưởng tượng của loài người không ngừng biến đổi. Chẳng hạn như hình rồng ở thời kỳ vương triều New Babilon xa xưa (trước công nguyên 6 thế kỷ) có bốn chân và đôi cánh, trên mình có đầy vẩy. Rồng trong sách Kinh Thánh được miêu tả thành loài rắn già có nhiều đầu. Vì rồng vừa có ý nghĩa thần linh phù hộ cho con người, vừa có thể làm cho loài người khiếp đảm kinh hồn, nên từ lâu, rồng cũng được coi là tượng trưng cho dũng cảm, thiện chiến. Trong sử thi (trường ca) Iryande của Homeros, huy hiệu trên chiếc mộc của quốc vương Hy Lạp, người chỉ huy trận đánh thành Troy hồi đó, là hình một con rồng màu xanh lam có 3 đầu. Về sau, cướp biển ở miền bắc châu Âu cũng thường vẽ hình rồng trên mũi tàu và những chiếc mộc của đồng bọn mình. Nước Anh trước khi bị người Normandie chinh phục, cha của quốc vương Atjeh, cũng dùng hình rồng làm phù hiệu chính trên cờ xí của quân đội Hoàng gia. Cho tới thế kỷ 20 này, hình rồng vẫn còn là tượng trưng của hoàng tử Wells ở nước Anh.

Rồng là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân phân thì lên trời, nhằm tiết thu phân thì xuống biển hay xuống đất. Kinh Phật nói: “Long thường tại định, vô hữu bất định thì,” nghĩa là: Rồng thường ở vào thiền định, không có lúc nào chẳng thiền định.

Có rất nhiều loại rồng, được phân ra tùy theo màu sắc, tùy theo hình dáng đầu rồng hoặc tùy theo phận sự của nó:

I. Phân loại theo màu sắc: Có 5 loại:

Rồng trắng: Bạch long, toàn thân màu trắng, chúng ta thấy trong BQĐ [Bát Quái Đài] Tòa Thánh Tây Ninh có 8 con bạch long nằm dưới Quả Càn Khôn, đầu hướng ra ngoài như để bảo vệ Quả Càn Khôn.

Rồng vàng: Huỳnh long, toàn thân màu vàng, chúng ta thấy 8 rồng vàng quấn trên 8 cột chung quanh Quả Càn khôn tại BQĐ, và 2 cây cột tại Cung Đạo.

Rồng xanh: Thanh long, toàn thân màu xanh sậm, chúng ta thấy 18 con rồng xanh quấn trên 18 cây cột nơi CTĐ [Cửu Trùng Đài].

Rồng đỏ: Xích long, toàn thân màu đỏ, quấn trên hai cây cột dưới bao lơn trước Tòa Thánh.

Rồng đen: Hắc long, toàn thân màu đen.

II. Phân chia theo hình dáng: 3 loại:

Rồng trẻ, đầu không có sừng, gọi là Ly long.

Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là Cù Long.

Rồng sống được 1000 năm trở lên thì có sừng dài và mọc thêm cánh, gọi là Ứng long.

III. Phân chia theo nhiệm vụ: có 4 loại:

Thủ Thiên cung long: Rồng ở cõi Trời, gìn giữ Thiên cung.

Hành võ long: Rồng làm mưa (Hành là làm, võ hay vũ là mưa). Rồng nầy có hai hạng:

Thiện long thì làm cho mưa thuận gió hòa.

Ác long thì làm cho mưa to, gây lũ lụt,

Địa long: Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm khoét hang, làm thành sông, hồ, biển.

Phục tạng long: Rồng giữ gìn kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh vương và các nhà phước đức lớn.

■ Tương truyền, rồng ở đáy biển, có lầu đài cung điện, có tổ chức vua, quan, quân lính. Rồng làm vua gọi là Long vương, cung điện của Long vương là Long cung, các quan của vua rồng là loài cá lớn, quân lính là các loài cá nhỏ.

Theo truyện Phong ThầnTây Du Ký, có Tứ Hải Long vương là 4 vị Long vương ở bốn biển:

Đông Hải Long vương: ở biển Đông tên Ngao Quảng.

Nam Hải Long vương: ở biển Nam tên Ngao Thuận.

Tây Hải Long vương: ở biển Tây tên Ngao Khâm.

Bắc Hải Long vương: ở biển Bắc tên Ngao Nhuận.

■ Cũng trong truyện Tây Du, con Bạch mã (ngựa trắng) mà Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con tiểu long (rồng nhỏ) biến thành. Con tiểu long nầy vốn là Thái tử, con của Bắc Hải Long vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị bắt treo lên chờ xử trảm. May nhờ Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang, tiểu long van xin cứu mạng. Đức Quan Âm Bồ Tát thương tình, tâu xin Thượng Đế tha chết cho tiểu long để sau nầy bắt tiểu long biến thành bạch mã, đỡ gót cho Tam Tạng thỉnh kinh. Nhờ công lao chuộc tội nầy, sau khi thỉnh kinh xong, bạch mã được biến trở lại thành rồng, trở về Long cung.

■ Long Nữ là con gái của Đệ tam Thái Tử của Nam Hải Long vương Ngao Thuận, ngày kia hóa thành con cá dạo chơi nơi mé biển, bị một ông chài bắt được, đem ra chợ bán. Đức Quan Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi đến chợ mua con cá ấy, rồi đem xuống biển Nam thả xuống.

Nam Hải Long vương nhớ ơn Bồ Tát cứu tử cháu nội gái của mình, nên dạy Long Nữ đem cục ngọc Dạ Minh Châu đến dâng tặng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm không cần đèn.

Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát nên xin quy y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử. Từ ấy, Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để phụng sự Bồ Tát.

Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Long Nữ thay mặt Đức Quan Âm Bồ Tát giáng trần để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo, cứu độ các tín đồ nữ phái. Đó là bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh (1874-1937).

Trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu: "Thời thừa lục long" nghĩa là thường cỡi sáu rồng. Đây là nói tượng của quẻ CÀN, Càn là Trời, gồm 6 vạch dương (vạch liền), tượng trưng bằng 6 con rồng, vì rồng thuộc dương.

Do đó, trên plafond dù của Tòa Thánh Tây Ninh có bông hình 6 con rồng đoanh nhau theo ba màu đạo để tượng trưng 6 vạch dương của quẻ CÀN: 2 con rồng màu vàng, 2 con rồng màu xanh và 2 con rồng màu đỏ.

Rồng lúc đầu là biểu tượng chung của tập thể thị tộc, có ý nghĩa là tài giỏi, cao quý, đẹp đẽ, nên có những thành ngữ như “mong con sớm trở thành rồng”, “mong được chú rể cưỡi rồng”, “dịp may chẳng khác nào “rồng mây gặp hội”, “rồng tới nhà tôm”, “đó là chốn rồng ẩn hổ náu” (tàng long ngọa hổ), “nơi ấy long xà hỗn tạp”, “chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa” v.v. . Nhưng dần dần về sau, các giới cầm quyền phong kiến chiếm độc quyền sử dụng danh từ và đồ án rồng, khiến rồng trở thành tượng trưng cho uy quyền, cao sang của hoàng tộc. Người đầu tiên chiếm địa vị độc tôn này là Lưu Bang nhà Hán. Từ đó về sau, bất cứ ai hễ lên ngôi vua nắm quyền cai trị đất nước là tự cho mình là rồng thật. Áo vua được gọi là long bào, mũ vua được gọi là long quân, giường vua ngủ được gọi là long sàng, sân vua được gọi là long đình, xe vua dùng được gọi là long xa, thuyền vua ngự được gọi là thuyền rồng... v.v. Như ai nấy đều biết, triều đình Mãn Thanh trước khi bị lật đổ, từng dùng hình rồng làm huy hiệu của hoàng tộc mình. Cột trụ cung điện, bia trụ, trang phục, đồ dùng của nhà vua đều có chạm trổ, tô vẽ, thêu thùa, hình rồng để làm tăng thêm vẻ sang trọng, quyền quý. Triều đình bá quan văn võ, dù chức tước cao tới mấy, cũng không ai được quyền mặc áo long bào, nhiều nhất chỉ có thể mặc áo “mãng bào”. Triều phục của các quan đại thần có thể thêu rắn thêm chân, nhưng không được thêu thành hình mãng xà chân có 5 vuốt như vuốt rồng, tượng trưng của nhà vua.

Trong lịch sử Việt Nam, lúc Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lý Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp không phải là nơi đóng đô, muốn dời đến La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem xét, vua thấy một con rồng vàng xuất hiện, từ La Thành bay thẳng lên trời. Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành, nên chọn La Thành làm nơi đóng đô, đổi tên lại là Thăng Long (Rồng bay lên) để kỷ niệm ngày thấy rồng vàng bay lên trời. Nhà Lý đóng đô tại Thăng Long, truyền ngôi được 9 đời, kéo dài 215 năm.

Thực tình mà nói, chẳng phải chỉ riêng có người Trung Quốc mới coi rồng là vật tổ của mình. Ngay ở Việt Nam, ở Nhật Bản và các nước khác ở vùng Đông nam Á, cũng rất kính trọng rồng. Bạn không thấy nước Bhutan, một nước nhỏ nằm giữa hai nước Trung Ấn, tự nhận mình là quốc gia Thần Rồng. Trên quốc kỳ của họ có hình tượng một con rồng, chẳng khác nào hình rồng của người Trung Hoa ngày nay..

Đối với các quốc gia ở Phương Đông, rồng là sinh vật có tính chất thần linh, rồng ở Trung Quốc và Việt Nam tượng trưng cho hoàng tộc và quyền quý. Rồng ở Nhật Bản có thể biến hóa thành lớn nhỏ tùy ý, thậm chí có thể ẩn thân, tàng hình. Rồng của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam hiện nay đều không có cánh, nhưng có thể lên trời, xuống biển, cưỡi mây đạp gió, tung hoành bốn phương. Người Trung Quốc ngày nay bất cứ là sinh sống ở đại lục, Đài Loan hay ở hải ngoại, đều cho rằng mình là con cháu của Hoàng đế - Viêm đế, là dòng giống Rồng. Người Việt Nam bao đời qua cũng tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên.

Ngày nay, khoa học tiến bộ, nhận thức của loài người có khác xa với người đời thượng cổ. Họ không còn nhắm mắt đi mê tín những điều dị đoan huyền hoặc. Nhưng đôi với rồng, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc vẫn coi đó là tượng trưng cho tài giỏi, cao quý, là điềm lành, cho nên ngày nay, trong những buổi lễ quan trọng, như chúc mừng năm mới, nghênh đón tân khách hay hôn lễ giữa hai họ, chúng ta vẫn có thể trông thấy những hình thức múa rồng hay hình tượng rồng và phượng.

Ngày nay, nói mình là con cháu giống rồng, điều đó có nghĩa là muốn nói lên rằng tổ tiên mình là giống người tài giỏi, dân tộc mình có một lịch sử văn hóa lâu dài, nhân dân mình có một truyền thống vẻ vang. Hôm nay, người viết mong rằng, những người con cháu dòng giống Tiên Rồng bất cứ hiện đang sinh sống ở trong nước, nơi quê cha đất tổ, hay đang phấn đấu ở hải ngoại, nơi đất khách quê người, dù sao cũng nên hãy sống sao cho ra sống, sống sao không làm nhơ danh cha ông tiên tổ, dòng dõi giống rồng, sống sao để khỏi hổ thẹn với đất nước non sông.

http://cadn.com.vn/News/Suc-Khoe/2012/1/14/71553.ca
http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/r/r2-004.htm