Blogger templates

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Văn Hóa Việt Nam: Nguồn gốc lễ Vu Lan


Nguồn gốc lễ Vu Lan
Bài & ảnh: Thi Trân

[VNE] - Nếu ở Tây Phương có ngày Mother's Day (ngày của mẹ), Father's Day (ngày của cha) thì Việt Nam có ngày lễ Vu Lan truyền thống mang ý nghĩ báo hiếu đấng sinh thành, đồng thời nhắc nhở con người tìm về nguồn cội.

Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TP HCM) giải thích, ý nghĩa của "Vu Lan" tức là "cái chậu" (hoặc bồn để đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng chư tăng nhằm cầu siêu cho những vong hồn thoát khỏi địa ngục).

Tích xưa kể rằng, khi đức Phật còn ở dương thế, trong số những người theo hầu đức Phật có ngài Mục Kiền Liên, một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Tưởng nhớ mẹ nên một ngày nọ Mục Kiền Liên dùng đôi mắt thần nhìn xuống địa ngục, thấy mẹ là bà Thanh Đề bị Diêm Vương đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều nghiệp ác.

Thương mẹ quá, Mục Kiền Liên dùng phép thuật xuống địa ngục để mang cơm dâng cho người. Bà Thanh Đề do lâu ngày nhịn đói nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình vì sợ các cô hồn khác đến tranh. Chính vì vẫn còn tính "tham sân si" nên khi bà bát đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ không thể ăn được. Chứng kiến cảnh này Mục Kiền Liên đau xót vô cùng bèn cầu xin Đức Phật giúp mình cứu mẹ.

Đức Phật dạy rằng: Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Vào ngày Rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.

Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.

Từ đó về sau theo lời Phật dạy, các Phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn, người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.

Ngay từ đầu Công nguyên, đạo Phật được ghi nhận đã có mặt trên đất nước Việt Nam. Giáo lý Phật đà đã sớm được tiếp nhận và từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc. 21 thế kỷ qua, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển thành ngày lễ có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, là lễ Vu Lan.

"Trong đời sống tinh thần của người Việt, sự tích hay nguồn gốc của Rằm tháng bảy dường như không quan trọng. Điều linh thiêng là vào ngày đó, một chiếc cầu vô hình dường như được bắc giữa hai bờ của thế giới Dương (người sống) và thế giới Âm (người chết)", nhận định của Đại đức Nhật Thiện.

Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta nhưng để có cha mẹ thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế trong "mùa hiếu hạnh" này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.

Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành thì của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...

Vào ngày này, mỗi người thường được cài lên áo một chiếc hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.

"Nếu người Tây Phương tự hào về ngày truyền thống Mother's Day, Father's Day của họ thì người Việt Nam nói chung cũng có niềm tự hào không kém về ngày lễ Vu Lan của mình. Tuy nhiên là phận con cái, mỗi người chúng ta cần thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ mọi lúc chứ không chỉ riêng trong dịp này", Đại đức Nhật Thiện nói.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/08/nguon-goc-le-vu-lan/

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Tin Vui Ăn Chay: Xu hướng cưới chay để tiết kiệm, tránh sát sinh

Một đám cưới ở nhà hàng Việt Chay.
(Ảnh: Việt Chay)
Xu hướng cưới chay để tiết kiệm, tránh sát sinh
Thi Trân

[VNE] - "Tôi không muốn vì ngày vui của mình mà nhiều sinh vật bị sát hại làm thức ăn. Thử hỏi làm gần 20 bàn tiệc như thế này thì phải giết bao nhiêu tôm, cua, cá, bò...", cô dâu Trang tổ chức tiệc cưới chay tại chùa Vĩnh Nghiêm TP HCM, chia sẻ.

Khoác tay chồng đứng ở cổng nhà hàng tiệc cưới chay chào khách, chị Trang cho biết do cả dòng tộc đều theo đạo Phật và ăn chay trường nên cha mẹ đã khuyên chị tổ chức tiệc cưới chay.

"Mẹ tôi bảo đám cưới mà không sát sinh sẽ tích được phước lành và cuộc sống gia đình về sau mới hạnh phúc. Ban đầu quyết định như thế tôi hơi lo vì bạn bè đâu phải đều theo đạo Phật và ăn chay như mình, nhưng cũng may khách mời đến đông đủ và rất vui vẻ", tân nương mỉm cười chia sẻ.
Đối diện chùa Vĩnh Nghiêm là một nhà hàng chuyên đãi tiệc chay với quy mô 140 bàn cũng đang tổ chức đám cưới (hằng thuận) cho một đôi uyên ương Phật tử. Trong tiếng nhạc réo rắt nhẹ nhàng với những bài hát ca ngợi công ơn sinh thành, đôi uyên ương cùng trao nhẫn cho nhau rồi khui sâm banh, uống rượu giao bôi, cắt bánh cưới 3 tầng trong tiếng vỗ tay chúc mừng của quan viên hai họ và bạn bè.

Thực khách tham dự đám cưới bày tỏ sự ngạc nhiên thích thú khi thưởng thức các món ăn chay lạ miệng được bày trí bắt mắt với những tên gọi hấp dẫn như: gỏi Cửu niên diện bích, lẩu Dược sư hải hội, súp Kiến tâm kiến Phật, cơm Bạch ngọc long bửu, món tráng miệng Thưởng nguyệt luyến hoa...

Mặc dù là tiệc chay nhưng khách vẫn được nhà hàng đãi uống "bia" tẹt ga. Theo giải thích của bà Hoàng Long Ngọc Diệp, giám đốc điều hành Việt Chay thì loại "bia" này thực chất là một loại nước giải khát không cồn chiết xuất từ lúa mạch. "Nước này có mùi, vị, màu sắc như bia nhưng không có cồn. Khách càng uống càng tốt cho sức khỏe mà không lo bị say", bà nói.

Bà cho biết chi phí cho mỗi bàn tiệc chay khoảng 1,4 triệu đồng bao gồm cả các khoản về hoa nến, MC và các chi phí nghi thức khác. "So với tiệc cưới bình thường thì tổ chức tiệc chay còn giúp các bạn trẻ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Một số đôi uyên ương nghèo còn được nhà hàng hỗ trợ thêm", bà chủ nhà hàng chia sẻ.

Cũng tổ chức tiệc cưới chay tại chùa, dưới sự chứng kiến của ban trụ trì chùa Giác Ngộ và quan viên hai họ, chú rể Minh Đức và cô dâu Hồng Nhung đã cầm tay, trao nhẫn và nói lên lời yêu thương chung thủy vợ chồng.

Chị Nhung chia sẻ: "Theo đạo Phật từ nhỏ nên chúng tôi luôn ý thức việc ăn chay, nhất là làm đám cưới chay sẽ giúp tâm hồn thanh tịnh và tránh được nghiệp sát sinh. Hơn nữa tổ chức đám cưới ở chùa là nơi đất thiêng và được sự chúc phúc của các tăng ni Phật tử thì đời sống gia đình chúng tôi sau này sẽ hạnh phúc".

Còn vợ chồng anh Trương - chị Tuyết không theo đạo Phật nhưng vẫn quyết định tổ chức tiệc cưới chay để tiết kiệm chi phí. "Bây giờ một bàn tiệc mặn ở TP HCM giá bèo cũng gần 3 triệu đồng, còn tiệc chay tiết kiệm được hơn một nửa. Vì sợ mọi người chê tiệc chay nên hai vợ chồng thống nhất với nhau chỉ mời 100 khách là người nhà, họ hàng và bạn bè thân thiết", anh Trương bộc bạch.

Trao đổi với VnExpress.net, Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TPHCM) cho biết, thay vì tổ chức đám cưới ở nhà hàng, khoảng vài năm trở lại đây các bạn trẻ có xu hướng chọn cửa Phật là nơi tổ chức nghi lễ quan trọng nhất của đời mình. Thời gian cao điểm gần như tuần nào cũng có lễ cưới đãi tiệc chay ở chùa này.

"Việc tổ chức lễ hằng thuận (thành hôn) với thức ăn chay thanh tịnh vừa giữ được nét văn hóa dân tộc, không làm tổn hại sinh linh, tránh cảnh rượu chè say xỉn và giúp tiết kiệm chi phí trong hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn", vị đại đức nói.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/08/xu-huong-cuoi-chay-de-tiet-kiem-tranh-sat-sinh/

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Vì Sao Ăn Chay: Ăn một bữa tiệc chay, giúp 4.000 trẻ em không thiếu nước


Ăn một bữa tiệc chay, giúp 4.000 trẻ em không thiếu nước
Bài & ảnh: Lê Hồng Thái

[VNE] - Để sản xuất một kg ngô cần 900 lít nước, trong khi đó một kg thịt bò phải tiêu tốn tới 15.500 lít nước. Do đó ăn chay giúp hạn chế các sản phẩm chăn nuôi, là một nguyên nhân phác thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Bà Hà Quỳnh Nga, điều phối viên của mạng lưới Thế hệ xanh Việt Nam thông tin như trên tại buổi tiệc buffet chay mang thông điệp bảo vệ môi trường, diễn ra ở nhà ăn ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội tối 25/8 [2012].

Với khoảng 20 món ăn chay và cách tính 900 lít nước cho một kg ngô, bà Nga cho rằng sẽ góp phần giảm bớt con số 4.000 trẻ em bị thiếu nước mỗi ngày, sẽ ít hơn những cánh rừng bị phá để lấy đất cho chăn nuôi. "90% thức ăn dành cho chăn nuôi ở Anh được lấy từ các nước nghèo đói", nữ điều phối viên Thế hệ xanh Việt Nam nhấn mạnh.

Tại buffet, 4 nữ sinh viên đến từ Tuyên Quang cùng nhau thưởng thức những món ăn vì môi trường. Một bạn trong nhóm học Đại học Kinh tế Quốc dân vui vẻ nói: “Mình rất ngạc nhiên khi biết những món ăn chay này lại có thể giúp bảo vệ môi trường. Từ nay có lẽ mình sẽ ăn chay thường xuyên hơn”.

Bà Vũ Thị Cậy (62 tuổi), ở khu tập thể quân khu thủ đô, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội, nói: “Một tháng tôi ăn chay 6 lần. Ăn chay rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi như tôi. Bây giờ tôi biết thêm ăn chay còn có thể bảo vệ môi trường. Lâu nay tôi vẫn bảo vệ môi trường mà không biết”.

“Chúng tôi tổ chức bữa tiệc này nhằm giáo dục mọi người về việc ăn đồ chay giúp bảo vệ môi trường”, Phạm Trọng Hiếu, thành viên ban marketing LinkVn - đơn vị tổ chức cho biết. Hiếu nói rằng bữa “Tiệc Xanh” sẽ được đưa đến nhiều trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/am-thuc/2012/08/an-mot-bua-tiec-chay-giup-4-000-tre-em-khong-thieu-nuoc/

Quả Ngon: Cây chuối - giữ hồn làng quê Việt


Cây chuối - giữ hồn làng quê Việt
Phương Lam

Còn nhớ ngày bé, chúng tôi thường lấy thân chuối làm phao bơi lội thỏa thích, hay đóng thành bè thả ra sông hoặc cắt những tàu chuối, dọc hết lá làm thành những cây súng chơi trò chiến tranh.

Ở quê tôi, nhà nào cũng có vườn, nên đa số nhà nào cũng trồng chuối. Cây chuối là loại cây ăn quả lâu năm, quả giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Vì thế nhiều người rất ưa chuộng thứ quả ngon ngọt, đầy chất bổ dưỡng này.

Chuối được người dân quê tôi trồng quanh năm. Cả cây chuối, từ thân cây chuối, củ cây chuối đến bắp chuối, trái chuối, lá chuối, bẹ chuối... đều được sử dụng hết, không bỏ thứ nào.

Bà tôi vẫn thường nói: Cây chuối có những buồng chuối, coi như những đứa con bâu lấy mẹ. Hình ảnh đó được nhân dân ta so sánh: Chuối bảo rằng chuối đồng trinh/Chuối đứng một mình sao chuối có con?

Bà kể: những năm đói kém, những lúc chạy giặc, đói không có gì ăn, người ta ăn chuối thay cơm. Nếu không còn trái, người ta đào củ chuối lên luộc ăn cho đỡ đói.

Những năm khó khăn, chính thân chuối, củ chuối xắt mỏng trộn với cám nấu lên làm thức ăn chính cho heo. Hay thân chuối băm ra, trộn ít muối là thức ăn nuôi trâu bò.

Chuối non, còn xanh, đem gọt vỏ, ngâm nước pha giấm cho khỏi bị đen. Chuối chát này xắt nhỏ từng khoanh cùng với khế, dưa, rau... Hay cắt từng khoanh đem om... Chuối xanh này cũng được đem dùng nấu canh...

Thân cây chuối cũng được dùng làm món dưa: thân cây chuối xắt mỏng, trộn chung với ớt xắt nhỏ, củ kiệu, khế cắt sợi dài, bỏ vào vại rồi chế nước muối còn ấm vào, dùng lá chuối nén cho hỗn hợp trên ngập trong nước muối, đậy kín vại để khoảng 2-3 ngày, thấy dưa thơm là đem dùng được. Khi ăn, dùng đũa sạch và khô vớt ra rổ vắt ráo, sắp ra đĩa...

Những ngày giỗ Tết, trên bàn thờ tổ tiên không thể không có nải chuối. Sau khi thờ xong, người ta để ăn tráng miệng, đem nấu chè chuối với bột báng, đem luộc, làm mứt, lăn bột đem chiên, bọc với nếp trong lá chuối đem nướng, làm bánh hay chế biến một số món ăn..., ngoài ra chuối còn được ép mỏng phơi nắng cho khô làm chuối khô, rắc lên một ít muối ớt, bỏ vào lọ để dành.

Người ta còn làm món chuối khô ngào đường để ăn. Món này dùng chuối khô, xắt thành cọng như đu đủ bào, bỏ vào chảo đường thắng, xào đều, rồi cho nước cốt dừa, gừng xắt nhuyễn vào ngào chung cho đến khi bốc mùi thơm lừng mới bỏ đậu phộng rang. Miếng chuối ngào đường bỏ vào miệng, vị ngọt ngào trộn lẫn vị béo, thật thơm, thật ngon, không dai, không bở…, dù để suốt cả tháng mà vẫn giữ được hương vị đậm đà.

Bắp chuối còn được chế biến thành nhiều món ăn, món nhậu, trong đó có món nộm hoa chuối. Người ta còn chế biến bắp chuối thành món ăn chay. Bắp chuối luộc, xẻ thành miếng, ướp gia vị rồi đem chiên hay chỉ luộc thôi, chấm xì dầu, ăn cũng ngon...

Còn nhớ ngày bé, chúng tôi thường lấy những bẹ chuối đem phơi khô đúng nắng, bẹ chuối sẽ có màu trắng ngà và được làm thành những chiếc làn, giỏ xách... thật xinh xắn.

Lá chuối khô còn dùng để gói bánh gai, bánh mật, hay dùng để chèn trái cây cho khỏi giập, cuộn lại để làm nút chai, bịt miệng vò, miệng lọ. Ngày xưa, khi cuộc sống còn khó khăn, mùa đông tới, người dân quê tôi còn dùng những tàu chuối khô để đun thay rơm cho đỡ tốn vì ngọn lửa cháy rất to.

Cây chuối đã gắn bó và đi vào đời sống của người Việt như thế!

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Cay-chuoi--giu-hon-lang-que-Viet/40695

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Sắc vị cuốn chay


Sắc vị cuốn chay (Vegan rice paper wrap)
Hướng dẫn: Nhà hàng Wrap & Roll
Theo Mai Khoa (Phụ Nữ Việt Nam)

Nguyên liệu: 

  • Chả chay
  • 1/2 củ cà-rốt
  • 1 quả dưa leo
  • Bánh tráng
  • Rau sống
  • Nước tương
  • Giá
  • Hành lá
  • Đậu phộng

Cách làm:

  1. Chả chay cho vào lò nướng qua. Phi hành với dầu ăn, đậu phộng rang chín, sau đó rắc đậu phộng, quết hành phi lên miếng chả.  
  2. Cà-rốt thái chỉ, dưa leo thái miếng mỏng, sau đó bóp với nước muối pha loãng.
  3. Rau sống rửa sạch, giá cắt bỏ phần gốc, rửa sạch.
  4. Dùng bánh tráng cuốn các loại thực phẩm trên, khi ăn chấm với nước tương rất ngon miệng.


Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Làm Thế Nào Để: Massage làm đẹp da mặt


Massage làm đẹp da mặt
Lương y Đình Thuấn (Sức Khỏe & Đời Sống)

(SucKhoeDoiSong.vn) - Massage mặt là phương pháp đơn giản, dễ làm, mất ít thời gian lại không tốn kém giúp phụ nữ có được làn da đẹp, mịn màng. Làm đều đặn, da sẽ sáng hồng và không còn nếp nhăn. Dưới đây là những bước massage mặt chị em có thể tự thực hiện trước khi đi ngủ. Bài tập này có tác dụng tuần hoàn huyết dịch, nhằm cung cấp nhiều hơn chất dinh dưỡng cho tế bào, đào thải các chất cặn bã.

Định thần, chà xát ngón và bàn tay: Đứng thẳng, thư giãn, ưỡn ngực, thẳng lưng (gọi là điều thân); hít thở đều, giữ hơi tại đan điền (gọi là điều tức); tĩnh tâm, ý niệm nhất quán (gọi là điều tâm); hai tay chập nhau, bóp ngón, xoa bàn tay (chà xát tay), làm từ 1 - 2 phút.
Công dụng: Định thần và làm nóng bàn tay.

Day mũi, trán, chà xát mặt và tai (xem ảnh): Hai bàn tay xòe ra, áp vào hai bên má, rồi chà xoay từ trong ra ngoài: ngón út miết vào hai bên mũi, 4 ngón xoa trán, bàn tay xoa má, ngón cái day xoa vành tai.
Thứ tự: từ bên mũi lên đến trán, miết ngang tới thái dương, xuống tai, má rồi hai bàn tay gặp nhau. Lặp lại 10 - 15 lần. Lưu ý thao tác phải nhẹ nhàng, nhanh, chắc chắn.
Công dụng: làm nhờn da, tăng độ bóng của da, tăng tính đàn hồi, trừ nếp nhăn, giảm tích lũy mỡ dưới da.

Day lông mày, chà xát trán:

  • Nhắm mắt, dùng bụng ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn ấn miết huyệt ấn đường, toản trúc giữa lông mày. Miết chặt và êm. Làm 15 - 20 lần.
  • Nhắm mắt, dùng bụng 4 ngón khép lại chà miết từ giữa trán sang hai bên đến thái dương. Thứ tự: ấn đường - ngư yêu - thái dương - suất cốc, ấn đường. Làm khoảng 5 - 10 lần. Lưu ý dịch chuyển chậm. 
  • Nhắm mắt, dùng đại ngư tế (xem ảnh mô lòng bàn tay ngón cái) và ngón trỏ, ngón giữa chập lại đẩy miết xoay ngược lên từ trán sang hai bên thái dương: mép trên hốc mắt - chân tóc trên trán. Làm khoảng 5 lần. Lưu ý làm chắc chắn và chậm.

Công dụng: Tăng cường cơ mí mắt, cơ trán, cơ thái dương và cơ quanh mắt, làm bóng trán, da giữa lông mày, góc ngoài mắt, vết nhăn giữa lông mày, các điểm đốm.

Day khoang mắt, ấn 4 góc khóe mắt:

  • Nhắm mắt, dùng bụng các ngón miết day mép khoang mắt:  từ huyệt tình minh - ngư yêu - đồng tử liêu - thái dương. Làm 5 - 10 lần. Lưu ý di chuyển chậm, day mạnh góc mắt.
  • Nhắm mắt, dùng đầu ngón cái ấn vào các huyệt tình minh, ngư yêu, tứ bạch, đồng tử liêu 5 - 10 lần.

Công dụng: Phòng ngừa những nếp nhẽo, túi mỡ đọng tại mắt, các vết nhăn ở góc mắt và dưới mắt.

Chà xát hai má, môi mồm:

  • Hai bàn tay chà xát hai bên má, ngược lên rồi rẽ sang hai bên, sau đó đi xuống, thuận tay lấy ngư tế xát hai bên cánh mũi và hai bên trước tai, làm 5 - 10 lần.
  • Dùng khuỷu ngón cái gập lại rồi di xung quanh mồm: lần lượt từ nhân trung, thừa tương, địa thương hai bên đến giáp xa, nhĩ môn. Làm 5 - 10 lần.

Công dụng: Trừ vết nhăn trên mặt, các điểm đốm, mỡ đọng dưới da, khôi phục độ chắc mịn của môi, phòng ngừa nếp nhăn hai mép và làm chắc răng.

Chà xát cằm, cổ gáy:

  • Mím môi, ngẩng đầu: Dùng ngư tế và bụng ngón trỏ, ngón giữa chà xát từ chỗ nhọn của cằm lên hai bên má, lần lượt: phần nhọn của cằm, hai má, chỗ hõm trước tai - chỗ lồi sau tai, miết chặt chắc 5 - 10 lần. Tiếp theo dùng bụng của ngón cái, ngón trỏ miết dưới cằm kéo ra hai bên, làm 5 - 10 lần.
  • Dùng hai bàn tay chà xát hai bên cổ: lần lượt từ chỗ lồi sau tai - mỏm châm chũm. Làm chắc và chậm, lên mạnh, xuống nhẹ mà êm, làm 3 - 5 lần.

Công hiệu: Phòng ngừa bị nhẽo dưới cằm, cổ, tích mỡ.

Chải đầu, kéo tóc, gõ đầu, vỗ mặt:

  • Hai tay hơi cong, dùng lực của 5 ngón chải và gãi da đầu, sát vào chân tóc, lần lượt: từ chân tóc (trán) - đỉnh đầu - sau gáy. Chải miết, gãi nhẹ 5 - 10 lần. Tiếp theo ấn da đầu, kéo chân tóc. Sau đó gõ da đầu, thông chân tóc, gõ chậm chắc 5 - 10 lần.
  • Bàn tay hơi cong vỗ vào mặt và đầu lần lượt: trán - xung quanh mắt - hai bên mũi - hai má - đỉnh đầu - thái dương - sau gáy - cổ. Thứ tự như trên, làm chắc, chậm 3 - 5 lần.

Công dụng: Cải thiện thần kinh ngoại biên của đầu mặt, công năng của huyết quản và tổ chức lông, tóc, thúc đẩy độ dai của cơ bắp và mịn da, kích thích tóc sinh trưởng và hình thành sắc tố, phòng ngừa bạc tóc, tóc khô và rụng.

Lưu ý:

  1. Trước khi xoa bóp nên rửa mặt sạch sẽ, dùng một loại kem dưỡng phù hợp với da của mình.
  2. Thủ pháp ấn huyệt làm đẹp da mặt yêu cầu phải nhẹ nhàng, mềm mại, ổn định.
  3. Điểm lực của thủ pháp phải vận động liên hợp giữa da và cơ bắp sao cho vừa cương vừa nhu, độ mở rộng vừa phải, thao tác chậm, di chuyển cũng chậm.
  4. Thông thường là khi di chuyển lên trên, ra ngoài phải thao tác ổn định, chắc chắn; còn khi đi xuống và vào trong thì thao tác nhẹ nhàng và mềm mại.

Vị trí huyệt:

  • Ấn đường: Tại điểm giữa đường nối hai đầu trong lông mày.
  • Tình minh: Cách khóe mắt trong 0,1 tấc, cạnh bờ trong hố mắt.
  • Thái dương: Ở chỗ lõm cách điểm giữa đường nối đầu ngoài lông mày và khóe mắt ngoài 1 tấc.
  • Ngư yêu: Ở giữa lông mày, thẳng phía trên đồng tử.
  • Đồng tử liêu: Cách khóe mắt ngoài 0,5 tấc.
  • Tứ bạch: Chỗ lõm dưới khoang mắt.
  • Suất cốc: Từ đỉnh tai lên thẳng 1,5 tấc.
  • Nhân trung: Nằm trên đường giữa, tại chỗ tiếp nối 1/3 trên và 2/3 dưới rãnh nhân trung.
  • Thừa tương: Tại chỗ lõm giữa rãnh cằm - môi.
  • Địa thương: Cách khóe miệng 0,4 tấc về phía ngoài.
  • Giáp xa: Trên má, chỗ lõm khi nhai thì cơ đó phồng lên.
  • Nhĩ môn: Khi há miệng, huyệt nằm ở chỗ lõm phía trước khe trước vành tai và hơi chếch lên trên mỏm lồi cầu xương hàm dưới.

http://suckhoedoisong.vn/20090924104449335p44c60/massage-lam-dep-da-mat.htm

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bánh bột lọc chay


Bánh bột lọc chay

Hướng dẫn: Quán Ruốc (38/26 Nguyễn Văn Trỗi, P.15, Q. Phú Nhuận, TP.HCM)
Hoàng Oanh ghi

Nguyên liệu:
  • 500g bột năng khô (khoảng 4 chén)
  • 1/2 lít nước (khoảng 2 chén)
  • 1 củ cà-rốt
  • 2 miếng đậu hủ chiên
  • 50g nấm mèo (khoảng 1/3 chén)
  • Muối
  • Bột nêm rong biển
  • Boa-rô
  • Tiêu
  • Xì dầu
  • Dầu ăn
  • Đường
  • 1kg lá chuối (khoảng 2 cân Anh)

Thực hiện:
  1. Lá chuối rửa sạch, lau khô.
  2. Ngâm nấm mèo cho nở, rửa sạch, bỏ gốc. 
  3. Cà-rốt, đậu hủ, nấm mèo xắt lát mỏng, dài cỡ 5cm. 
  4. Bắc chảo dầu nóng, phi boa-rô cho thơm.
  5. Cho cà-rốt, đậu hủ, nấm mèo vào chảo rim với một ít xì dầu.
  6. Nêm thêm chút bột nêm rong biển, tiêu, đường, đảo đều tay cho thấm rồi tắt bếp.
  7. 500g bột năng khô trộn với 1/2 lít nước. Bắc lên lửa nhỏ, khuấy đều đến khi nặng tay thì nhắc ra khỏi bếp, khuấy thêm một lúc nữa cho bột khỏi vón cục.
  8. Múc bột trải đều lên lá chuối, cho thêm một lớp nhân lên trên, gói hơi chặt tay. 
  9. Khi ăn để lên xửng hấp khoảng 15 phút. Ăn nóng, kèm với xì dầu.
http://phunuonline.com.vn/dinh-duong//banh-bot-loc-chay-nbsp-/a3267.html

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Giới Trẻ Ăn Chay: “Tiệc Xanh” của sinh viên Hà Nội


“Tiệc Xanh” của sinh viên Hà Nội
Tiến Cường/VOV-Trung tâm tin

(VOV) - Với ý tưởng đưa các món chay đến gần hơn tới các bạn trẻ, tiệc Xanh (Green Party 2012) sẽ được tổ chức vào tối ngày 25/08 tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Lấy ý tưởng từ câu chuyện "thằng Bờm", những sinh viên năng động của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và các thành viên của Linkvn đã cùng nhau tổ chức bữa tiệc với chủ đề "Tiệc Xanh". Trong bữa tiệc, thực khách sẽ được thưởng thức những bữa ăn chay đơn giản, ngon miệng, bổ dưỡng, hơn nữa còn được biết lợi ích của đồ chay đối với môi trường, sức khỏe.

Ngoài ra, hình ảnh thằng Bờm, phú ông với những câu chuyện vui về cuộc sống, tình huống hài hước và các trò chơi vui nhộn mang thông điệp bảo vệ môi trường sẽ có trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Bạn Phùng Quang Hải, sinh viên Trường Đại học Bách Khoa, cho biết: "Để có ý tưởng này, nhóm đã phải lên kế hoạch từ rất lâu và xin ý kiến của rất nhiều chuyên gia về cách gọi cũng như cách chế biến món ăn sao cho chay mà vẫn ngon, xanh và thân thiện với môi trường. Không chỉ được thưởng thức những món ăn chay ngon, thực khách sẽ được sống trong những giây phút thoải mái với hình ảnh của làng quê Việt Nam như cây đa, mái nước, sân đình”.

Có thể nói, hiện nay chất béo có rất nhiều trong món ăn. Vì thế ăn chay rất tốt cho sức khỏe. Nói là ăn chay, nhưng không phải ai cũng biết ăn thế nào cho đúng, chế biến như thế nào cho đúng khẩu vị. Thông qua bữa tiệc này, ngoài việc được các chuyên gia của quán ăn chay Nguyên Hồng tư vấn về món ăn, những sinh viên của Thủ đô muốn chuyển tải một thông điệp: mỗi cá nhân có thể tự xây dựng lối sống xanh cho bản thân, sống xanh bắt nguồn từ những hành động nhỏ trong cuộc sống quanh ta.

Đồng thời, thông qua việc bán vé, ban tổ chức sẽ dùng số tiền này để xây dựng những hoạt động cộng đồng ý nghĩa như tái hiện lại lễ hội Trung Thu cổ xưa cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; quay lại thăm và chữa bệnh cho trẻ em tại bản Thung Cuông (Mộc Châu, Sơn La)…

Với những ý nghĩa lớn lao đó, các bạn sinh viên Đại học Bách Khoa và nhóm Linkvn hy vọng bữa “Tiệc Xanh” sẽ là sự khởi đầu tốt đẹp cho những hoạt động vì cộng đồng lớn hơn trong tương lai.

http://vov.vn/Home/Tiec-Xanh-cua-sinh-vien-Thu-do/20128/221979.vov

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Tin Vui Ăn Chay: Ấm lòng đón Vu Lan với buffet chay


Ấm lòng đón Vu Lan với buffet chay
(Nguồn: Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới Metropole)

Tháng 7 về cũng là lúc không ít người dân Sài Gòn bắt đầu tháng ăn chay cho mùa Vu Lan, như một cách để báo hiếu công ơn của cha mẹ.

Chiều ngày 16/8/2012 vừa qua chương trình Buffet Chay hàng năm tại Nhà hàng Vân Cảnh, 184 Calmette, quận 1, đã chính thức được khai trương tại Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới Metropole, 216 Lý Chính Thắng, Phường 9, Quận 3.

Sài Gòn Những Món Chay – "Xưa và Nay” là chủ đề năm nay của chương trình Buffet Chay tại Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới Metropole.

Tại đây, Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới METROPOLE trân trọng giới thiệu đến Quý Thực Khách bộ sưu tập các món ăn đặc sắc và phong phú từ tên gọi đến phong cách chế biến với hơn 60 món ăn chay thay đổi mỗi ngày được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên giàu dinh dưỡng, không sử dụng hóa chất và chất bảo quản.






Thực khách sẽ được thưởng thức những món ăn được người dân Sài Gòn yêu thích như cà-ri, bún "mắm", hủ tiếu hoành thánh, mì "vịt" tiềm, bánh xèo… trong một không gian ấm cúng nhưng không kém phần sang trọng, thanh lịch.

- Thời gian tổ chức: 
Từ chiều thứ 5, 16/8/2012 đến chiều chủ nhật, 16/9/2012, nhằm ngày 29/6 âm lịch – 1/8 âm lịch.

- Thời gian mở cửa:
• Trưa: Từ 11:00 đến 13:30
• Chiều: Từ 17:30 đến 21:00

- Vé người lớn:
• Trưa: 140.000 VNĐ
• Tối (ngày thường/ trưa Rằm): 190.000 VNĐ
• Tối (ngày Rằm): 210.000 VNĐ

- Vé trẻ em: 90.000 VNĐ

- Chương trình ưu đãi: Khách hàng mua 10 vé sẽ được tặng 01 vé.

Trung tâm Hội nghị và Tiệc cưới Metropole
216 Lý Chính Thắng, Quận 3, Tp.HCM
ĐT: (84.8) 3526 2288
Hotline: 0909 216 216
Email: sales@metropole.com.vn


Bếp Chay Thanh Nhẹ: Chè bưởi thơm ngọt mát lành


Chè bưởi thơm ngọt mát lành
Hướng dẫn: Cún Khang (NgoiSao.net)

Bát chè mát lạnh, với cùi bưởi ăn giòn giòn và ngọt mát của đỗ xanh, điểm thêm nước cốt dừa béo ngậy sẽ làm món chè ngon tuyệt cho gia đình bạn.

Nguyên liệu:

  • 2 quả bưởi nhỏ (hoặc 1 quả bưởi to)
  • 200g đỗ xanh đã xát vỏ (khoảng 1 bát)
  • 1/2 bát con đường 
  • 1 bát con bột năng
  • Tinh dầu hoa bưởi
  • Muối hạt
  • 1 lóng nhỏ phèn chua (bắt buộc dùng)
  • 200ml nước cốt dừa đóng hộp  (khoảng 1 bát)
  • 1 thìa nhỏ muối
  • 2 thìa nhỏ đường
  • 1 thìa nhỏ bột bắp

Cách làm:

1. Bưởi gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, giữ lại phần cùi trắng. Trong khi gọt, không nên gọt sát phần vỏ xanh bên ngoài để cùi bớt đắng.

2. Dùng tay tước bỏ bớt phần xơ bên trong của cùi bưởi, xắt cùi thành từng miếng ngắn.

3. Trộn vào cùi bưởi khoảng 6 thìa canh muối hạt, dùng tay bóp nhẹ, thêm vào khoảng hai bát con nước ấm vào ngâm cùng, dùng bát nhỏ đè lên mặt cùi bưởi để cùi bưởi ngập trong nước muối.

4. Ngâm khoảng 5 - 6 tiếng, sau đó đem xả lại nhiều lần nước cho thật sạch và không còn mặn.

5. Phèn chua tán nhuyễn, thêm khoảng hai bát con nước lọc, đun sôi đến khi phèn chua tan, cho cùi bưởi vào ngâm khoảng 20 phút, vớt ra, xả lại nhiều lần nước cho sạch. Ăn thử cùi bưởi không còn đắng là được.

6. Lấy cùi bưởi ra bạn dùng tay vắt ráo, thái hạt lựu lớn.

7. Trộn vào bát cùi bưởi một nửa phần đường, để từ 5 đến 7 tiếng.

8. Sau đó lăn cùi bưởi qua một nửa bát bột năng để bột năng áo đều khắp miếng cùi bưởi. Đun nồi nước thật sôi thả cùi bưởi vào, đến khi cùi bưởi nổi lên mặt nước thì lấy thìa khấy nhẹ tay.

9. Khi cùi bưởi chuyển sang màu trắng trong thì vớt ra, đổ vào một âu nước lạnh có để sẵn đá lạnh. Vớt ra rổ để riêng cho ráo nước.

10. Trộn lẫn phần nước cốt dừa vào nồi, đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đến khi đặc lại. Nếu không có nước cốt dừa bán sẵn, bạn có thể dùng dừa tươi nạo vắt lấy nước cốt.

11. Đỗ xanh đãi sạch, ngâm đỗ trong nước trước 1 tiếng rồi cho ra rổ, để ráo.

12. Cho đỗ xanh vào nồi hấp, hấp vừa chín tới, không hấp đỗ quá chín nát.

13. Nửa bát con bột năng còn lại, khuấy tan với một phần tư bát con nước lọc.
Đun khoảng hai bát con nước lọc, đun cùng phần đường còn lại. Đun đến khi sôi thì cho cùi bưởi vào đun cùng. Tiếp theo cho bát con bột năng vào, vừa đổ vừa khấy đều cho đến khi thấy nước chè bắt đầu sánh lại đặc.

14. Cho tiếp đỗ xanh vào, khuấy đều ở mức lửa nhỏ, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn. Tắt bếp, thêm tinh dầu hoa bưởi.

15. Múc ra bát, thêm đá bào và chan một ít nước cốt dừa lên bề mặt, dùng lạnh.

http://ngoisao.net/tin-tuc/an-choi-xem/2012/07/che-buoi-thom-ngot-mat-lanh-206022/