Blogger templates

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Góc Đẹp Tâm Hồn: Con chim trong bàn tay


Con Chim Trong Bàn Tay

Người Ba Tư có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Ngày xưa, tại quảng trường của một thành phố nọ, có một nhà hiền triết xuất hiện và tuyên bố giải đáp được tất cả mọi thắc mắc của bất cứ ai đến vấn kế.

Một hôm, giữa đám người đang say mê lắng nghe nhà hiền triết, có một mục tử từ trên núi cao đến. Nghe tiếng đồn về sự thông thái và khôn ngoan của nhà hiền triết, anh muốn chứng kiến tận mắt, nghe tận tai và nhất là để hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông. Anh tiến đến gần nhà hiền triết, trong tay bóp chặt một con chim nhỏ. 

Anh đặt câu hỏi như sau: "Thưa ngài, trong tay tôi có cầm một con chim. Ngài là bậc thông thái biết được mọi sự. Xin ngài nói cho tôi biết con chim tôi đang cầm trong tay sống hay chết?"

Nhà hiền triết biết đây là một cái bẫy mà người mục tử tinh ranh đang giăng ra. Nếu ông bảo rằng con chim đang còn sống, thì tức khắc người mục tử sẽ bóp cho nó chết trước khi mở bàn tay ra. Còn nếu ông bảo rằng con chim đã chết thì lập tức con người khôn manh ấy sẽ mở bàn tay ra và con chim sẽ bay đi. 

Sau một hồi thinh lặng, trước sự chờ đợi hồi hộp của đám đông, nhà hiền triết mới trả lời như sau: "Con chim mà ngươi đang cầm trong tay ấy sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi muốn cho nó sống thì nó sống, nếu ngươi muốn cho nó chết thì nó chết."

Suy ngẫm (BBT Phật Học Tịnh Quang)

Trên đời này, chuyện gì cũng có hai mặt. Bàn tay cũng có hai mặt. Đồng tiền, tờ giấy cũng có hai mặt. Tâm con người cũng có hai mặt: chân tâm và vọng tâm. Hành động lời nói ý nghĩ của con người cũng có hai mặt: thiện và bất thiện (ác). Cuộc đời cũng có hai mặt: hạnh phúc và khổ đau. Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc. Ai trong chúng ta cũng mong ước được cuộc sống an bình, vui tươi. Nhưng lắm khi chúng ta chạy theo chiếc bóng mờ ảo của hạnh phúc hơn là hưởng nếm hương vị chính hạnh phúc đang trong tầm tay của chúng ta. Hạnh phúc ấy còn hay mất tùy ở mỗi người chúng ta, tùy sự hiểu biết và cách cư xử trong cuộc sống hàng ngày với tất cả mọi người chung quanh. Chúng ta được hạnh phúc, chúng ta được an bình hay không là do chính chúng ta quyết định, không do bất cứ ai, bất cứ thánh thần thiên địa nào ban cho.
- Tại sao vậy?
- Bởi vì, nếu thực có đấng nào đó có quyền năng ban phước cho - tại sao không ban cho ai khác, lại ban cho mình. Mình có xứng đáng được hưởng hơn người khác chăng? Suy nghĩ ban phước cho chính mình như vậy, chỉ vì cái bản ngã, ích kỷ, không vị tha, làm sao có được hạnh phúc?

Hạnh phúc đích thực của chúng ta, niềm vui đích thực của chúng ta chính là chúng ta quên mình vì người, cứu đời giúp người, dù cho hoàn cảnh thế nào vẫn cảm thấy an bình, hạnh phúc. Ý thức được sự xả kỷ vị tha, quên mình vì người trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ có được niềm vui hạnh phúc đích thực do chính mình quyết định, chính mình làm chủ, không làm nô lệ.

http://phtq-canada.blogspot.com/2012/07/con-chim-trong-ban-tay.html

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Sức Khỏe Của Bạn: Nghiện cờ bạc hại sức khỏe


Nghiện cờ bạc hại sức khỏe
T. Nghĩa (Theo Alternet)

[PNO] -Trong các thói quen tai hại, nghiện cờ bạc thường được cho là ít hại sức khỏe nhất, nhưng theo các nhà khoa học của Hội đồng Quốc gia về các Vấn đề của Cờ bạc (NCPG) Mỹ, cờ bạc có sức tàn phá sức khỏe bạo liệt nhất, đặc biệt là sức khỏe tâm thần, và biểu hiện phổ biến nhất là tự tử.

Vấn đề đáng lo nhất, xét theo góc độ sức khỏe, là cờ bạc không có triệu chứng nào báo hiệu cơ thể con bạc đang bị đe dọa. Chơi ma túy hay nhận say “quắc cần câu”, cuộc chơi có thể kết thúc ở bệnh viện hay nhà xác tùy theo sức chịu đựng của cơ thể. Những con nghiện cờ bạc dẻo dai một cách lạ thường. Họ có thể chơi trò đỏ đen từ sáng đến tối, ngày này sang ngày nọ mà không sợ bị kiệt sức.

Tiến sĩ Rachel Volberg, Chủ tịch công ty Gemini Research, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về cờ bạc, nhận định rằng con nghiện cờ bạc nếu có bệnh là do lạm dụng rượu và thuốc lá. Suy nhược cơ thể và lo âu cũng là những vấn đề của con bạc.

Tuy nhiên, theo ông Volberg, những thứ đó chỉ làm cho vấn đề thêm mơ hồ, bởi vấn đề cốt lõi của con bạc gói gọn trong một từ duy nhất: nợ. Đó chính là sát thủ giấu mặt. Nó thường đẩy con bạc tới bước đường cùng là tìm đến cái chết để thoát nợ tiền và nợ đời.

Theo báo cáo mới đây của NCPG đăng trên trang tin trực tuyến Alternet, có đến 80% con bạc nghĩ đến tự tử và cứ 5 người thì có 1 người tự kết liễu đời mình bằng cách này hay cách khác. Tỷ lệ này nhiều gấp đôi so với nghiện thuốc lá, ma túy, rượu và các dạng nghiện ngập khác.

Con nghiện cờ bạc tìm đủ mọi cách để giấu nợ, kể cả giấu vợ (chồng) và con. Họ tự cô lập với gia đình và xã hội. Họ làm những điều mà họ biết là tội lỗi như rút tiền tiết kiệm của vợ, bán đất bán vườn. Con nghiện nào cũng có thể đi cai nghiện nhưng con nghiện cờ bạc thì không. Keith Whyte, Giám đốc điều hành NCPG, giải thích: “ Nếu bạn cai rượu, bạn còn cơ hội đi làm trở lại. Nhưng nếu bạn nghiện cờ bạc và món nợ của bạn nhiều hơn thu nhập cả năm gấp nhiều lần thì bạn không có cơ hội nào. Nói chung, sống mà thiếu rượu đỡ khổ hơn nhiều thiếu tiền và thiếu nợ”.

Tại Hồng Kông, một cuộc nghiên cứu năm 2010 cho thấy trong số 233 trường hợp con bạc tự tử, có 110 trường hợp do thiếu nợ không thể trả. Đa số là đàn ông, tuổi trung niên, sức khỏe bình thường, có gia đình và có công ăn việc làm đàng hoàng. Rất ít người có triệu chứng mắc bệnh tiền tâm thần.

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bac-si-gia-dinh/nghien-co-bac-hai-suc-khoe/a74672.html