Blogger templates

Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện Ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện Ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

Truyện Ngắn: Hai nửa hy sinh


Hai nửa hy sinh

Khi cô giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh, anh thường ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi cho cô.

Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh - một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.

Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô.

Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.” Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa.

Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới.

Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kỹ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở.

Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này, vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa.

Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.

“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em...”

Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời...

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Truyện Ngắn: Chiếc Lá Sạch


Chiếc Lá Sạch
Hiểu Kỳ

Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế chùa Nhiên Đăng, thưa rằng: 

- Con là một thư sinh luôn biết tam cương-ngũ thường.. từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn hủy nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa, nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi hồng, xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử! 
                          
Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng: 
- Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch, thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì. 

Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ chảy ngang qua chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo với một chú tiểu đi lấy dùm cho mình một cái thùng và một cái gáo múc nước. 

Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư. 

Thích Tế kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai: 
- Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy. 

Vừa nói, Thích Tế vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng nói: 
- Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, hủy nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế, có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không ? 

Chàng trai thở dài gật đầu thưa: 
- Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng. 

Đại sư Thích Tế đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói: 
- Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ. 

Vừa nói, vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước. 

Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng: 
- Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào ?    
                              
Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ. 

Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư: 
- Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà cách miệng thùng càng lúc càng gần. 

Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng : 
- Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn.. không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước (những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm. 

Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước tràn đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên mặt thùng. 

Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước. 

Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng: 
- Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt. 

Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng: 
- Vì sao Ngài lại nói như thế ? 

Thích Tế cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi. 

Đại sư bảo chàng trai: 
- Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi .. rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá vượt thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang. 

Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Thích Tế : 
- Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi. 

Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Truyện Ngắn: Tên ăn trộm ("Chuyện Cửa Thiền")


A heart of infinite compassion has no ulterior motive; it considers neither gain nor loss, good nor bad.

Tên ăn trộm
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Trích "Chuyện Cửa Thiền"

Có tiếng ồn ào ở phía trên rẫy, Nhà Sư vừa bước ra khỏi thiền thất thì chú Liễu Minh cũng vừa đi tới.

- Bạch Thầy! Rẫy mình vừa bị mất trộm, sáng nay lên nhổ sắn chúng con mới biết.

- Thế à!

- Dạ mất đâu khoảng chừng vài vồng.

Nhà Sư dừng lại, chậm rãi nói:

- Con ạ! Mất sắn và trộm sắn không phải là vấn đề của chúng ta! Là kẻ tu hành, vấn đề của chúng ta là, nhân đó, ta thử lắng nghe lại lòng mình một cách trung thực hơn. Ta sẽ lắng nghe rằng: ta có thể rộng lượng tha thứ được cho người chăng? Ta có móng khởi một tiếc rẻ nào khi mất đi một ít vật chất, của cải? Ta có thể san sẻ cho người bằng cách nhịn ăn một vài bữa! Và, sau hết, trong ta có dậy mối bất bình, phiền não chăng? Chúng ta là người học hạnh giải thoát, có gì phải giải quyết ngoài những vấn đề tương tự?

Liễu Minh sững lại, Nhà Sư mỉm cười nắm tay chú theo lối mòn lên rẫy.

Liễu Minh nói:
 
- Bạch Thầy! Hồi nãy, con với chú Bất Đạt cãi nhau. Con thì nói "tha". Chú Bất Đạt lại nói "bắt". Con và chú ấy thường có quan niệm bất đồng.

Bất Đạt và Bất Ác từ trong những lùm sắn bước ra, mỗi người tay xách mấy chùm sắn vụn. Thấy Nhà Sư, Bất Đạt cất giọng oang oang:

- Bạch Thầy! Cái lũ ăn trộm này, gặp con, chúng sẽ biết tay!

Liễu Minh cãi lại:

- Biết tay như thế nào? Chú "bắt" chăng? Ý Thầy là Thầy sẽ "tha" cho phù hợp với tâm từ!

Nhà Sư nói:
 
- Không, Liễu Minh con! Thầy không "tha"! Vì tâm từ nên Thầy không "tha"!

Bất Đạt reo lên:

- Đó, chú Liễu Minh thấy chưa? Vì tâm từ nên Thầy không "tha", Thầy sẽ "bắt".

Nhà Sư cười:

- Không, Bất Đạt con! Thầy không "bắt"! Vì tâm từ nên Thầy sẽ không "bắt".

Cả ba chú đều ngơ ngác:

- Bạch Thầy, thế thì...

Thấy vầng trán và cặp chân mày của Liễu Minh cau lại, Nhà Sư dịu dàng nói:

- Liễu Minh! Con hiểu về tâm từ như thế nào mà bảo nên "tha"?
 
- Vì tâm từ là thương người, yêu chúng sanh!

- Như vậy, vì tình thương mù quáng, con sẽ dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian!

Bất Đạt góp lời:
 
- Vì không muốn dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian, cho nên, con sẽ "bắt" mới đúng nghĩa tâm từ!

- Như vậy, vì tâm từ nóng vội con sẽ nuôi dưỡng hận thù giữa cuộc đời!

Im lặng một lúc, Nhà Sư tiếp:

- Các con ạ! Từ bi là vậy mà không phải vậy. Thật ra, trong các con, chưa ai hiểu tâm từ là gì!

Biết là cả hai chú đều rơi vào hoài nghi to lớn, nhưng Nhà Sư vẫn chưa trả lời vội, người dẫn cả ba chú đến một lùm cây rậm, chỉ vào đám cỏ rạp.

- Đêm kia, Thầy thấy cậu ăn trộm rình núp ở đây. Người bạn ăn đêm kiên nhẫn đợi Thầy tắt đèn và đi nghỉ, nên thầy đã tắt đèn và đi nghỉ!

Không cưỡng được ý mình, Liễu Minh buột miệng:

- Thế là thầy đã tha!

- Ừ! Thầy đã tha nhưng cái tha của Thầy khác với cái tha của con. Thầy tha mà không dung dưỡng kẻ trộm trên thế gian. Rồi con sẽ hiểu điều ấy.

Im lặng một lúc, Chú Liễu Minh lại nói:

- Thế là con sai ít mà chú Bất Đạt sai nhiều. Thầy đã không "bắt"!

- Không, không phải thế đâu con! Thầy có bắt, nhưng không nuôi dưỡng hận thù, nên cái bắt của Thầy khác với cái bắt của Bất Đạt!

Đầu óc của các đệ tử rối loạn như một mớ bòng bong, như tổ chim, chẳng biết đạo lý câu chuyện nó nằm ở đâu nữa!

* * * * *

Buổi chiều, trong giờ học Đạo, Nhà Sư lấy trong túi ra một lá thư bằng giấy học trò, nét chữ cứng cáp, không thẳng hàng thẳng lối, chẳng có chấm phết, sai chính tả lung tung. 

Liễu Minh và Bất Đạt chăm chú đọc:

"Thưa Thầy,

Thầy biết con là thằn ăn cắp không những hai vồng thắn mà còn ăn cắp một tượng Phật nhỏ bằng đồng đen, ăn cắp mười giò phong lan tước đây nữa. Thầy biết mà Thầy lặng lẽ không nói với ai, cũng không hề tả lời một câu khi công an xã qua điều ta! Bây giờ Thầy lại còn giúp con vốn liếng, tiền ăn tiêu mười ngày để con lên "đá bạc" khai thác đá là nghề cũ tước đây của con. Tiền Thầy cho, con còn dư dã để thắm thanh dụng cụ hành nghề. Ơn đức Thầy thật là kể thao cho xiết. Con hứa từ nay cho đến tọn đời, con thề làm người lương thiện để khỏi phụ tấm lòng cao cả của Thầy.

Con, ..."

Lá thư bên dưới có ký tên nhưng Nhà Sư đã lấy kéo cắt đi rồi.

Bất Ác bây giờ mới cất giọng nói:
 
- Con nhận nhiệm vụ bí mật của thầy, con biết cả. Con nghe hai chú Liễu Minh và Bất Đạt cãi nhau, con chỉ cười.

Nhà Sư hỏi:

- Con cười sao?

- Con cười vì cả hai chú đều sai!

- Không đâu con! Cả hai chú đều không sai!

Câu trả lời của Nhà Sư thật bất ngờ.

Nhà Sư lại phải giải thích:

- Cả hai không sai, nhưng cả hai chú đều không đúng! Tại sao vậy? Vì trên sự tướng, tha hay bắt không quan trọng. Tha hay bắt chỉ quan trọng là khi tha để làm gì và bắt để làm gì? Tha rồi có giáo hóa được người và bắt thì có giáo hóa được người? Trên tất cả, đối với chúng ta, tha hay bắt là để học bài học giác ngộ mà thôi!

Bất Đạt chợt nói:

- Ý con cũng có thể là vậy lắm! Con "bắt" rồi con sẽ tìm cách giáo dục người ta nữa chứ!

Liễu Minh nhíu mày:

- Chú mà giáo dục! Chú thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì có! Rồi chú còn bắt trói người ta mà giải qua công an! Cái bắt đó là cái bắt của người đời, chỉ tăng thêm oán thù chứ không được tích sự gì!

Bất Đạt không giận mà cười khì khì:

- Còn chú thì sao hử? Chú "tha" rồi chú giáo dục người ta làm sao nào, nói đi? Tha trống không cái kiểu của chú thì chi bằng kêu ba thằng ăn trộm vô khiêng chùa chiền đi hết cho khỏe! Vậy là tha theo hạnh "Bố thí Ba la mật" đấy!

Nhà Sư khoát tay:

- Các con tranh cãi hay tranh luận đấy? Các con đừng nghĩ rằng giải pháp của Thầy là tối ưu, từ đó, lấy làm thước đo để xử sự ở đời! Các con có biết rằng, tha hay bắt chỉ là sự thể hiện bên ngoài? Tha hay bắt rồi sau đó tìm cách giáo hóa, cũng chỉ là sự khôn ngoan của sự thể hiện bên ngoài ấy mà thôi. Có một cái tâm, các con ạ! Khi biết cái tâm ấy, trú nơi cái tâm ấy, thì tha hay bắt đều trở nên đúng cả vậy. Tâm ấy là tâm gì, ai biết?

Cả ba chú đồng đáp:

- Dạ, Tâm Từ!

- Đúng thế! Vậy thì từ rày về say, khi gặp bất cứ tình huống nào cũng phải sáng suốt, bình tĩnh. Sáng suốt là Tuệ, bình tĩnh là Định. Từ Tuệ, từ Định mà khởi Tâm Từ thì mọi hành động của các con đều phù hợp với giáo pháp cả, không sợ sai lầm đâu!

- Chúng con đã hiểu cả rồi. Ôi! Thật tuyệt vời thay cái bài học hôm nay!

Nhà Sư từ bi nhìn ba chú, tủm tỉm cười, thầm nghĩ: "Chỉ nên dẫn cho chúng lên ngang chỗ đó thôi! Chúng đâu có hiểu rằng, Tâm Từ còn có trước ý, dụng ý, còn vấn đề lợi và hại, hay và dở, tốt và xấu thì Tâm Từ ấy đâu đã được gọi là Từ vô lượng?"