Blogger templates

Hiển thị các bài đăng có nhãn Cùng Đọc Sách Hay. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cùng Đọc Sách Hay. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

Cùng Đọc Sách Hay: Chuyện Cửa Thiền (Minh Đức - Triều Tâm Ảnh)


Keep your inner station clean with principles, heart, and wisdom, so that the spiritual train may ever journey on the path of contentment and peace.

Ga Xe Lửa và Những Chuyến Tàu
Trích: Chuyện Cửa Thiền
Tác giả: Minh Đức - Triều Tâm Ảnh

Hôm kia, có một vài nơi mời đi giảng pháp, Nhà Sư ôm bát cùng với Liễu Minh lên đường. Trời nắng như đổ lửa, sân ga đầy người. Nhìn cảnh chen chúc hỗn loạn, Liễu Minh buột miệng than:

- Ôi! Thiệt là cái địa ngục trần gian!

Nhà Sư và Liễu Minh đứng tần ngần trước một đám đông đang cãi vả, chửi mắng, xô đẩy nhau, chưa biết phải bước đi lối nào; thì từ phía sau lưng, một biển người ập đến. Tiếng khóc, tiếng la vang lên. Cái tay, cái chân, thúng mủng, bao bì, tóc tai, nón xách, guốc dép, nồi niêu, soong chảo, quang gánh... cùng với bao nhiêu thứ khác bị lùa đi, bị đẩy đi, chất chồng, hỗn loạn. Biển âm thanh tạp náo. Rừng ảnh tượng quay cuồng. Từng con người gầy khô, xanh xao, hớt hãi. Từng gương mặt lo âu, mất sắc, nhễ nhại mồ hôi...

Khi thoát ra khỏi đám đông, Nhà Sư mới biết rằng mình đã vào được sân ga. Liễu Minh từ đằng xa chạy tới:

- Con thấy Thầy bị người ta đẩy xô, nghiêng bên ngày, ngả bên kia... mà con không thể giúp Thầy được.

Nhà Sư trở lại ngay với "Pháp ngữ" để giáo huấn đồ đệ:

- Trong cuộc sinh tử lênh đênh vô định, trong dòng trôi lăn của nghiệp báo, con ạ, không ai có thể giúp ai! Mỗi người hãy tự cứu mình.

Lẳng lặng nhìn Nhà Sư, giọng Liễu Minh đầy xúc động:

- Trán Thầy rướm máu, y Thầy cũng rách nữa!

- Phải, chúng sanh ai rồi cũng phải bị rách da, rướm máu, bị chặt đầu, bị treo cổ, bị móc ruột, bị phanh thây, xác trôi trên dòng, xương phơi giữa nghĩa địa, giữa sa trường... Trong cõi tử biệt, sinh ly, chiến tranh, máu lửa, nước mắt, thống khổ, hoạn nạn... là nơi chốn mà chúng sanh chen chúc, xô đẩy nhau để đi vào. Con ạ, "tam giới bất an do như hỏa trạch" (Ba cõi không an, như ở trong nhà lửa). Do vậy, nơi ba cõi sáu đường, vào ra lên xuống đó, ai là người thật sự có được sự an bình? Ai là người chẳng đổ mồ hôi khi nghiệp lực lôi đi không cưỡng được? Chúng sanh vẫn bị cuốn trôi, bị hút đi hoài hoài, triền miên như vậy đó con à!

Đợi cho mọi người lên hết, Nhà Sư với Liễu Minh mới kiếm được một chỗ đứng gần cửa lớn - trong lúc sóng người và hàng hóa vẫn còn đang di chuyển, tấp lên, đẩy lên. Người ta chất lên vai, quẳng lên lưng, thảy lên đầu... Liễu Minh hét lên:

- Mấy người chi lạ rứa? Phải để cho Thầy tôi thở với chứ!

Nhà Sư nghiêng người ra khỏi kiện hàng to tướng, khẽ mỉm cười cho Liễu Minh an tâm:

- Thầy còn có chỗ thở, không sao đâu, con hãy bình tĩnh lại! Con ạ, dù bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải giữ trầm tĩnh, biết nhẫn nại và biết cảm thông.

Vẫn muốn cho Nhà Sư có một chỗ đứng thẳng lưng, Liễu Minh phải giằng co, lôi kéo với mấy người chở hàng. Nhà Sư nép mình vào một góc, nắm tay Liễu Minh và nói rằng:

- Con đừng tạo thêm cảnh hỗn loạn nữa, phải giữ tâm bình lặng và bất tranh với cuộc đời! Con hãy suy nghĩ sâu xa từ bài học này là: nếu trên thế gian, ai cũng đòi một chỗ đứng tiện nghi, an toàn, bảo đảm... thì biết bao nhiêu thảm cảnh sẽ xảy ra, con có thể tưởng tượng được rồi chứ?

Liễu Minh lặng người đi:

- Dạ, là sẽ sinh ra cảnh chém giết, giật giành, hận thù, mưu sâu, kế hiểm... Bạch Thầy con đã hiểu vậy, nhưng sao tâm con vẫn bất an? Con thương Thầy, mà cũng yêu thương mọi người! Ôi, ai gây ra chi cảnh!?

- Đừng yếu đuối, đừng nản lòng, hỡi con! Người tu sĩ lập hạnh thì ma chướng chừng nào, chí nguyện của ta càng bất khuất, kiên cường chừng đó. Con hãy tâm niệm như vậy.

- Con hiểu. Nhưng những thực trạng này, những đói rét, thống khổ, ở đợ, ăn xin, tật nguyền, trộm cắp, chửi rủa bát nháo như thế này, ai là người chịu trách nhiệm?

- Là trách nhiệm của Thầy và con đấy!

- Chúng ta? Sao lại?!

- Phải! Một tiếng cá quẫy đuôi ngoài Đông Hải ảnh hưởng đến cơn gió băng qua lục địa! Một nạn lụt cuốn trôi mùa màng bên Ấn Độ, có thể cũng do từ một đám người đốt rẫy trên núi kia! Ảnh hưởng tinh thần mà vật chất không tìm ra kẽ hở. Vạn vật vốn nương nhau mà tồn tại, nương nhau mà hủy diệt. Cái này sinh thì cái kia sinh trong một mắc xích liên đới trùng trùng. Do vậy, cái ăn, cái mặc, củ khoai, củ sắn, đôi dép, sợi chỉ, cây kim... vốn được làm từ đám chúng sanh hỗn loạn kia, chúng ta sử dụng những thứ ấy, thì chắc chắn chúng ta phải có dự phần trong trách nhiệm liên đới chung. Sống trên cõi đời này là chúng ta đã mắc nợ ân chúng sanh, ân xã hội.

Liễu Minh thở ra:

- Con hiểu. Nhưng ý con muốn hỏi: những cảnh hỗn loạn này, nguyên nhân chính do đâu mà có?

Nhà Sư ôn tồn giải thích:

- Không phải do hoàn cảnh chiến tranh và xã hội, không phải do ngẫu nhiên, do tất định, do bất định, do tự nhiên, do thiên nhiên, do các năng lực siêu nhiên mù quáng, do Thượng đế, do kinh tế hoặc một vài nguyên nhân khách quan ở bên ngoài. Cái hỗn loạn giật giành, trộm cắp, chửi rủa, chen lấn, xô đẩy... vốn có sẵn bên trong tâm địa của con người; gặp duyên thuận lợi nó sẽ hiện hành, hiển lộ ra bên ngoài. Do vậy, dứt cái bên trong, đừng để cho tham, sân ở bên trong chi phối, thì cái cảnh hỗn loạn kia sẽ chấm dứt; tự nó sẽ chấm dứt mà không cần bất cứ một biện pháp kỷ luật, giáo dục, kinh tế hay một biện pháp xã hội, chính trị nào!

- Con đã hiểu!

Đến ga, một số hành khách xuống, một số khách lên, hàng hóa xuống, hàng hóa lên. Nhà Sư và Liễu Minh đã có được một khoảng khí trời để thở. Gạo, bắp, sắn, khoai, rau, gồng, gánh... bây giờ đã ở yên vị trí của nó. Liễu Minh nói:

- Ôi! Sân ga và chuyến tàu! Cuộc đời và con người! Bạch Thầy, con nghe như có một cái gì liên hệ thật khắng khít!

- Phải! Cuộc đời muốn hết tao loạn, lầm than, yếu tố cần và đủ là con người phải biết thiết lập một nền văn hóa nội tâm, một nền hòa bình nội tâm. Các chuyến tàu muốn có trật tự thì sân ga phải biết thu xếp cho ổn định. Nếu con muốn có được những chuyến tàu ra đi đầy an vui, thoải mái, con phải biết lấy GIỚI để ổn định cái SÂN GA của con - cái sân ga đầy tội phạm, tà vạy, bất chánh, dối trá, tật nguyền, xấu xa, ích kỷ, kiêu căng và bản năng... của mình! Con phải quét sạch cái  SÂN GA của con bằng chổi tuệ Minh Sát. Con phải rưới nước từ bi mát dịu lên những tâm niệm nóng nảy, bất bình. Con phải nhẫn nại, chăm chuyên, tinh tấn từng ngày, từng giờ, từng giây, từng khắc để làm vắng lặng cái  SÂN GA của con bằng giáo pháp tối thượng, thì chắc chắn những chuyến tàu ra đi sẽ từ an lạc mà đến nơi an lạc. Nền tảng của Ngũ Giới là điều kiện cần và đủ cho an lạc nhân sinh, ấm no và hạnh phúc của con người.

Liễu Minh như uống cạn những lời giáo giới của Nhà Sư. Chú nói:

- Vì thiếu giới nên những chuyến tàu mang sự hỗn loạn ra đi. Phương trời nào sẽ đón đợi những chuyến tàu tốc hành thiên lý ấy? Con đã biết. Con đã thấy. Những khổ cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Atula... sẽ chờ đón chúng mà thôi!

Nhìn đệ tử bằng tất cả sự quan tâm, Nhà Sư nói:

- Con ạ! "Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (Thân người khó được, Phật pháp khó nghe [khó vì đi ngược dòng đời]). Chúng ta duyên may có được thân người, trọn vẹn thân thể, tứ chi, trí óc, tâm hồn và ngũ quan, lại nghe được pháp Phật, thì chúng ta hãy cố gắng tu trì. Một bước lầm lạc sa chân thì muôn đời rơi vào vực thẳm, chìm vào bóng tối khổ đau khó có cơ hội để thoát ra. Vậy con hãy khắc ghi trong tâm khảm những điều Thầy đã giáo giới!

- Dạ, bạch Thầy! Như là lời thề chém đá, con đã cương quyết ra đi, ít nhất là không bao giờ còn rơi vào bốn ác đạo.

- Lành thay! Thầy tin tưởng con sẽ làm được điều đó!

Sau những thời thuyết pháp đó đây, Nhà Sư nói với Liễu Minh, đại ý rằng, thế gian có tai mà khó có người nghe; thế gian có trí nhưng trí ấy kiêu căng, đặc đầy chữ nghĩa, sở tri, một chiều, chỉ mong nhồi nhét cho đầy dục vọng kiến thức; còn trí để thấy được giáo pháp như thực, cụ thể, thiết thực hiện tại, vượt thời gian... thì như bãi cát tìm kim, mò châu đáy biển! Thảng hoặc, không thế, thì họ cầu lộc, cầu tài, cầu phước, cầu vinh thân phì gia, cầu triệu phú, cầu hoàng đế...! Không như thế thì họ lại hẹn, lại chờ, mong một tương lai khác, một thế giới khác, một chỗ mà hạnh phúc hữu vi được khuếch đại đến tột cùng... Ôi! Khó thay! Đạo ta không nói được nữa rồi!

- Thôi, về con!

Thế là hai thầy trò lại lầm lũi cô đơn trên lối về. Đường xa vất vả, cảnh cũ lại tái diễn, nhưng trông Liễu Minh đã có vẻ chững chạc hơn, vắng lặng hơn, mát mẻ hơn. Nhà Sư mừng mà nói rằng:

- Con đã học được nhiều hơn là Thầy tưởng, Thầy vui lòng lắm, con có biết không?

Liễu Minh cúi đầu nhũn nhặn:

- Bạch Thầy, con vẫn chưa xứng đáng.

Bước vào cổng chùa, cây xanh mát mẻ, gió thổi rì rào, hoa nở đó đây, Liễu Minh rưng rưng nước mắt:

- Thật vắng lặng bình yên! Bạch Thầy, đây đúng là quê hương, chưa dám nói là cảnh Phật, nhưng đâu có khác nước Nhược, non Bồng? Khắp nơi trên trái đất này, có đâu một nơi chốn không hận thù, tranh chấp, không đố kỵ, tỵ hiềm, không giật giành, hỗn loạn, không dối trá, keo bẩn, không thủ đoạn, lọc lừa? Phải chăng chỉ dưới bóng mát của Đức Phật trí tuệ và từ bi mới có được cảnh giới hòa bình chân thật và hạnh phúc chân thật như thế này?

Nghĩ ngợi một lúc, Liễu Minh tự kết luận:

- Bạch Thầy! Cho đến bây giờ, sau một chuyến đi, con mới hiểu thấm thía một đoạn Kinh mà đức Đạo Sư đã thuyết: "Chúng sanh vì vô minh, vì ái dục, vì tà kiến nên rối loạn như mớ bòng bong, như ổ kén, như vùng cỏ gai, như đám cỏ lác,... chen lấn, xô đẩy nhau nhảy vào giữa dòng tử sinh triền miên thống khổ"...

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Cùng Đọc Sách Hay: Pháp Hoa Thi Hóa - Lotus Sutra versified

A versified version of the Lotus Sutra was penned by Vietnamese poet Vũ Anh Sương.

Vũ Anh Sương, hóa ngòi bút trong Diệu Pháp Liên Hoa…
Trần Hoàng Vy

Giác Ngộ - Mở đầu tập Pháp Hoa Thi Hóa dày 360 trang là các lời giới thiệu của Đại đức-Tiến sĩ Thích Minh Thành, Giảng viên trường Đại học Phật giáo VN, Đại đức-Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Phó ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, lời tựa của Thượng tọa Thích Huyền Diệu và 2 bài thơ đề từ của Phạm Thiên Thư, độc giả mới thấy hết được tầm “quan trọng” được sự quan tâm của các bậc chân tu đạo hạnh đối với công việc “thi hóa” tập kinh Pháp Hoa của nhà thơ Vũ Anh Sương, là tác phẩm thứ 14 của anh.

Vũ Anh Sương  tên thật cũng là bút danh, mà theo cách diễn giải của Đại đức Thích Minh Thành đó là “Hạt sương tinh anh trong lòng vũ trụ”. Anh sinh tại huyện Bến Cầu, Tây Ninh. Một thời gian dài sinh sống ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, Tây Ninh, là cây bút thơ quen thuộc với nhiều độc giả và anh em Văn nghệ sĩ ở TP.HCM và Tây Ninh. Đã bước qua cái tuổi 60…thuận nhĩ, nhưng vóc dáng xem ra còn “bụi bặm” với mái tóc quăn “phiêu bồng”. Thơ Vũ Anh Sương được biết đến vừa mang cái tính cách “giang hồ”, phóng khoáng, lại trìu trĩu những tâm sự của một nghệ sĩ thích đi vào chiều sâu của tư tưởng và nghệ thuật.

Công việc “thi hóa”, đưa ngòi bút thơ đầy chất… phàm trần để làm cho những bài kinh gần hơn với chất văn học, chất nhân sinh, gần gũi với đệ tử chúng sinh, xưa nay cũng đã có nhiều người nghĩ đến và thực hiện. Cụ thể, trong thập niên 70 của thế kỷ trước, nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng đã thực hiện ở bộ kinh “Kim Cang”, và bây giờ, Vũ Anh Sương cũng có cái tâm thi hóa kinh Phật, tiếp nối một công việc đầy khó khăn nhưng cũng hết sức thú vị bởi tấm lòng hướng thiện và cái duyên với cửa thiền…

Theo Đại đức Thích Nhật Từ: “Pháp Hoa Thi Hóa là một thi phẩm rút ngắn triết lý của kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”, dựa trên bản dịch chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập, thành bốn ngàn năm trăm ba mươi sáu câu, là nỗ lực rất lớn để bản kinh triết lý sâu xa trở nên gần gũi và dễ hiểu” và Đại đức đã đánh giá: “Bản Thi Hóa này súc tích và ngắn gọn hơn nguyên tác rất nhiều, ngay cả so với phần thi kệ trùng tụng của phần chánh văn. Câu chữ và lời thơ rất trong sáng, vần điệu êm dịu, giúp người đọc dễ tiếp cận, dễ đọc tụng và đặc biệt là dễ hành trì…”.

Có lẽ chính vì thế, mà nhà thơ Phạm Thiên Thư, người đi trước trong việc thi hóa đã có những câu thơ “Cảm đề”: “ Hỏi non/Rằng ngọc nơi đâu?/Non rằng/Kho báu ở đầu cố nhân!/Hỏi sông rằng bến xa gần?/Sông rằng/Cái bến chính chân nơi lòng!..”. Đó chính là những giác ngộ, cảm nhận thật gần gũi của nhà thơ: “Như ngồi trong nhà này/Ngoài đường anh có thấy/Thương ghét ở lòng người/Lòng anh anh có biết?” (trang 80), hay như : “Anh nên nhìn nhận rằng/Cái sáng kia là tối/Cái anh cho tối mù/Thật ra là trí sáng!” (trang 81).

Và trong cái thế giới loài người, rất nhiều những nhà tư tưởng đã đưa ra những suy nghĩ để đúc kết tìm kiếm chân lý, cũng chỉ là : “Dưới thế giới Ta bà/Phân biệt chỗ suy nghĩ/Sức chí niệm vững bền/Chướng ngại không vướng phải” (trang 179).

Khuyên con người ta làm lành lánh dữ, không bị cái bã vinh hoa vật chất quyến rũ, là điều mọi người mơ ước và nghĩ đến, cũng như hành thiện, là luật bù trừ cho một xã hội tốt đẹp, vượt qua cảnh khổ: “Thời gian triệu quang niên/Kiếp người bao nhiêu tuổi/Trời tham vọng não phiền/Vướng luân hồi, sanh tử” (trang 341) và đấy cũng là trách nhiệm của những người mong ở chốn yên bình và giải thoát giữa Đạo và Đời…

Chỉ ghé dạo để mà cảm nhận ở góc độ của một người làm thơ, mong cho ngòi bút của mình hữu dụng. Chưa có cái tham vọng lĩnh hội sâu sắc bởi “triết lý và văn chương của kinh Hoa Sen Chánh Pháp được thể hiện qua chín ngụ ngôn, mang tư tưởng khai phóng và phát kiến chất liệu giác ngộ… Trọng tâm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là giúp ta nhận thức được lớp triết lý sâu xa đó.” (trang 11).

Cho nên với bản thi hóa, sử dụng cấu trúc thơ ngũ ngôn tự do, cước vận gieo ở câu một- ba và hai- bốn, nhà thơ Vũ Anh Sương đã thực hiện được sự “thi hóa”, đem kinh gần gũi đến người đọc trong một tâm thế “tu dưỡng”, ít ra cũng giúp mọi người cảm và hiểu được qua ngòi bút của nhà thơ với mong ước: “Nếu thực lòng bụng đói/Tự tay lấy thức ăn/ Kinh sách đọc vô ích/Nếu đọc không thực hành”…

Gò Dầu, tháng 9-2011
(Nhân ghé đọc Pháp Hoa Thi Hóa, NXB Phương Đông ấn hành tháng 8-2011)

http://www.giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/10/01/5E7403/

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Cùng Đọc Sách Hay: An Lạc Từng Bước Chân - Peace Is Every Step (Thích Nhất Hạnh)

An excerpt from "Peace Is Every Step - The Path of Mindfulness in Everyday Life" by Vietnamese Buddhist Master, the Most Venerable Thích Nhất Hạnh:

"When you plant lettuce, if it does not grow well, you don't blame the lettuce. You look for reasons it is not doing well. It may need fertilizer, or more water, or less sun. You never blame the lettuce. 

Yet if we have problems with our friends or family, we blame the other person. But if we know how to take care of them, they will grow well, like the lettuce. 

Blaming has no positive effect at all, nor does trying to persuade using reason and arguments. That is my experience. No blame, no reasoning, no argument, just understanding. 

If you understand, and you show that you understand, you can love, and the situation will change."

AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN
Phương Pháp thực Tập Hạnh Phúc
Thích Nhất Hạnh
Chân Nguyện dịch từ bản Anh ngữ
Nhà Xuất Bản Lá Bối, Hoa Kỳ, 1995

Trách Móc Không Giúp Được Gì  

Nếu ta trồng cải xà lách, mà cải xà lách mọc không tốt, thì ta đâu có trách móc cải xà lách đâu.

Bởi vì ta có thể tìm biết nguyên do từ đâu cải xà lách không mọc tốt: có thể nó thiếu nước, có thể nó cần thêm phân, có thể vì nắng nhiều quá. Ta hiểu vậy nên ta không trách móc cây cải xà lách. 

Thế mà khi ta có vấn đề với gia đình hay với bạn bè, ta lại hay trách móc đổ lỗi cho nhau. Nếu chúng ta không chăm sóc nhau kỹ lưỡng thì chúng ta cũng không mọc lên được tốt tươi như những cây xà lách vậy. Cho nên trách móc qua lại không có lợi ích gì hết. Chỉ cần hiểu là đủ, không cần lý luận phân trần.

Khi bạn chứng tỏ mình hiểu được và mình thương được là tình thế thay đổi ngay tức khắc.