Blogger templates

Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hóa Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Hóa Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Văn Hóa Việt Nam: Nguồn gốc lễ Vu Lan


Nguồn gốc lễ Vu Lan
Bài & ảnh: Thi Trân

[VNE] - Nếu ở Tây Phương có ngày Mother's Day (ngày của mẹ), Father's Day (ngày của cha) thì Việt Nam có ngày lễ Vu Lan truyền thống mang ý nghĩ báo hiếu đấng sinh thành, đồng thời nhắc nhở con người tìm về nguồn cội.

Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TP HCM) giải thích, ý nghĩa của "Vu Lan" tức là "cái chậu" (hoặc bồn để đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng chư tăng nhằm cầu siêu cho những vong hồn thoát khỏi địa ngục).

Tích xưa kể rằng, khi đức Phật còn ở dương thế, trong số những người theo hầu đức Phật có ngài Mục Kiền Liên, một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Tưởng nhớ mẹ nên một ngày nọ Mục Kiền Liên dùng đôi mắt thần nhìn xuống địa ngục, thấy mẹ là bà Thanh Đề bị Diêm Vương đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều nghiệp ác.

Thương mẹ quá, Mục Kiền Liên dùng phép thuật xuống địa ngục để mang cơm dâng cho người. Bà Thanh Đề do lâu ngày nhịn đói nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình vì sợ các cô hồn khác đến tranh. Chính vì vẫn còn tính "tham sân si" nên khi bà bát đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ không thể ăn được. Chứng kiến cảnh này Mục Kiền Liên đau xót vô cùng bèn cầu xin Đức Phật giúp mình cứu mẹ.

Đức Phật dạy rằng: Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Vào ngày Rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.

Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.

Từ đó về sau theo lời Phật dạy, các Phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn, người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.

Ngay từ đầu Công nguyên, đạo Phật được ghi nhận đã có mặt trên đất nước Việt Nam. Giáo lý Phật đà đã sớm được tiếp nhận và từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc. 21 thế kỷ qua, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển thành ngày lễ có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, là lễ Vu Lan.

"Trong đời sống tinh thần của người Việt, sự tích hay nguồn gốc của Rằm tháng bảy dường như không quan trọng. Điều linh thiêng là vào ngày đó, một chiếc cầu vô hình dường như được bắc giữa hai bờ của thế giới Dương (người sống) và thế giới Âm (người chết)", nhận định của Đại đức Nhật Thiện.

Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta nhưng để có cha mẹ thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế trong "mùa hiếu hạnh" này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.

Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành thì của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...

Vào ngày này, mỗi người thường được cài lên áo một chiếc hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.

"Nếu người Tây Phương tự hào về ngày truyền thống Mother's Day, Father's Day của họ thì người Việt Nam nói chung cũng có niềm tự hào không kém về ngày lễ Vu Lan của mình. Tuy nhiên là phận con cái, mỗi người chúng ta cần thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ mọi lúc chứ không chỉ riêng trong dịp này", Đại đức Nhật Thiện nói.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/08/nguon-goc-le-vu-lan/

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Văn Hóa Việt Nam: "Vọng cổ" là gì? - The meaning of "Vọng cổ", a Vietnamese traditional music genre

The precursor of the modern-day "vọng cổ" is a song named "Dạ cổ hoài lang," meaning "[hearing] the night drum, yearning for one's beloved." The term "vọng cổ" itself, according to author Trần Phước Thuận, means "reminiscing the past." 

BÀN VỀ XUẤT XỨ VÀ Ý NGHĨA CỦA TỪ "VỌNG CỔ"
Trần Phước Thuận
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 6 (73) năm 2005

Vọng cổ là một tên gọi rất quen thuộc với người Việt Nam, nhất là ở Bạc Liêu, ai cũng biết nó là một bản nhạc phổ thông nhất và tiêu biểu nhất trong cổ nhạc Nam Bộ. Vọng cổ hiện nay còn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu âm nhạc và thực tế đã có nhiều sách vở, nhiều cuộc hội thảo khoa học đề cập đến. Tuy nhiên tên gọi Vọng cổ từ đâu mà có và ý nghĩa đích thực của nó là gì thì đến nay vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng.

Lý giải vấn đề này có 2 ý kiến tiêu biểu. Một là, ông Cao Kiến Thiết (1) cho rằng: “Theo ba tôi kể thì năm 1919 thầy Thống tức ông Trần Xuân Thơ (2) người miền Bắc, giỏi chữ Nho, ngụ tại An Trạch Đông, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị ba tôi thay chữ Dạ cổ (tiếng trống đêm) thành Vọng cổ (tiếng trống vọng lại). Lý do là ba tôi lấy điển tích “Tô Huệ chức cẩm hồi văn” làm nội dung của bài ca và bản nhạc. Bởi lòng Tô Huệ khi chức Cẩm hồi văn thì nghe tiếng trống đánh từ xa vọng lại, chứ không phải là tiếng trống đêm, cho nên chữ Dạ cổ thì tối nghĩa còn chữ Vọng cổ thì càng làm rõ điển tích này đã chọn. Và trong cuộc họp đó ba tôi đã đồng ý đổi chữ Dạ cổ hoài lang thành Vọng cổ hoài lang, nghĩa là theo tiếng trống vọng lại mà nhớ chồng. Nhưng lúc đó bản Dạ cổ hoài lang đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, nên phải mất thời gian khá lâu mới thống nhất được tên gọi “Vọng cổ”. Đây là lời phát biểu của ông Cao Kiến Thiết trong cuộc hội thảo khoa học về Cao Văn Lầu tổ chức tại Bạc Liêu năm 1989 (3).

Hai là, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (4) nói rằng: “Chính soạn giả Trịnh Thiên Tư (5) trong buổi lễ giỗ tổ cổ nhạc ở Bạc Liêu năm 1935 đã đề nghị với ông Sáu Lầu và mọi người như sau: Bản nhạc gốc 20 câu của ông Sáu vẫn nên gọi là Dạ cổ hoài lang vì đó chính là cái tên gốc, cái tên lịch sử không nên sửa đổi. Hơn nữa nhớ chồng lúc ban đêm là điều thích hợp với người chinh phụ, lại hợp với nội dung bản nhạc của ông Sáu. Chúng ta không thể lấy ý nghĩa và hoàn cảnh của nàng Tô Huệ như thầy Thống đã nói lúc trước để sửa đổi cái tên Dạ cổ hoài lang, vì đây là hai tác phẩm khác nhau, cũng như không thể lấy Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để sửa Truyện Kiều của Nguyễn Du được. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay bản Dạ cổ hoài lang đã được biến thể sang nhịp 8, vậy cũng nên dùng 2 chữ Vọng cổ để đặt tên cho các bản đã được canh tân này. Nhưng Vọng cổ do tôi đề nghị hôm nay cũng không theo nghĩa “tiếng trống vọng lại” mà lại mang ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”, vì các bản nhịp 8 tuy chữ đàn đã khác xa bản gốc, nhưng vẫn từ Dạ cổ hoài lang mà ra, vì vậy “truyền thống xưa” ở đây chính là bản Dạ cổ hoài lang. Ý kiến của ông Trịnh Thiên Tư được ông Sáu cùng mọi người chấp thuận và hoan nghênh nhiệt liệt. Và cũng từ đó đến nay mọi người đều gọi bản nhạc gốc là Dạ cổ hoài lang và gọi chung các bản được canh tân là Vọng cổ”.

Như vậy, từ Vọng cổ được xuất hiện do lời đề nghị của hai ông Trần Xuân Thơ và Trịnh Thiên Tư, nhưng từ Vọng cổ được sử dụng là của ông Tư hay ông Thơ? Muốn giải quyết vấn đề này ắt hẳn phải xác định cái nghĩa đang được sử dụng của nó, nói cách khác bản Vọng cổ ngày nay - cái tên của nó mang ý nghĩa gì?

Như trên đã nói từ Vọng cổ (望 鼓) của ông Trần Xuân Thơ, thì có nghĩa là “tiếng trống vọng lại”, còn từ Vọng cổ (望 古) của ông Trịnh Thiên Tư có nghĩa là “trông về xưa”. Như vậy về phần nghĩa của hai từ này không dính dáng với nhau nhưng phần âm lại đồng âm nên thường hay nhầm lẫn. Muốn xác định từ Vọng cổ mang ý nghĩa nào, tốt nhất là dùng tên gốc của nhạc bằng chữ Hán để chứng minh và dùng phương pháp so sánh để giải quyết vấn đề này?

Hiện nay có một bản rất phổ thông gọi là Tân cổ giao duyên (新 古 交 緣), bản được thành lập do phương pháp gối đầu Vọng cổ của soạn giả Mộng Vân và sau đó được nhiều soạn giả khác thực hiện bằng cách kết hợp giữa tân nhạc và bản Vọng cổ. Chúng tôi tạm mượn cái tên Tân cổ giao duyên này để làm cơ sở để truy tìm ra cái nghĩa đang được sử dụng của từ Vọng cổ. Tạm nêu ra hai trường hợp như sau:

1/ Nếu từ cổ ở đây có nghĩa là cái trống thì Tân cổ giao duyên (新 鼓 交 緣) sẽ được hiểu là “cái trống mới giao duyên”. Nghĩa là không phù hợp với kết cấu và nội dung của bản Tân cổ giao duyên. Nếu cố hiểu là “mới” và “cái trống” giao duyên với nhau lại càng không có ý nghĩa gì cả.

2/ Nếu từ cổ ở đây có nghĩa là xưa thì Tân cổ giao duyên (新 古 交 緣) theo nghĩa đen là “mới” và “cũ” giao duyên, nghĩa bóng muốn nói tân nhạc và cổ nhạc cùng hòa hợp, thật đúng với kết cấu và nội dung bản Tân cổ giao duyên.

Rõ ràng là trường hợp thứ nhất không hợp lý. Và như vậy, cổ ở đây được xác định là xưa thì Vọng cổ phải mang nghĩa “trông về xưa” hay “chiêm ngưỡng truyền thống xưa”, ý nghĩa này là do ông Trịnh Thiên Tư đề xuất.

Tóm lại: Từ Vọng cổ có xuất xứ tại Bạc Liêu và được sử dụng từ tháng 08 năm ất Hợi (1935) do lời đề nghị của soạn giả Trịnh Thiên Tư.

Căn cứ vào lời phát biểu của ông Tư và xét theo thực tế thì Dạ cổ hoài lang và Vọng cổ là hai bản khác nhau, nhưng Vọng cổ do Dạ cổ hoài lang mà có, vì vậy Vọng cổ phải mang ý nghĩa “trông về truyền thống xưa”.

CHÚ THÍCH
(1) Con trai lớn của ông Cao Văn Lầu.
(2) Thầy tuồng đoàn hát bộ của ông Ba Xú, một trong những đoàn hát đầu tiên ở Bạc Liêu.
(3) Từ Dạ cổ hoài lang, Nxb. Mũi Cà Mau, 1992, tr.84-85.
(4) Nhạc sĩ Năm Nhỏ (1921-1982), học trò nhỏ nhất của Nhạc Khị, cũng là người thừa kế thờ Tổ Cổ nhạc Bạc Liêu sau khi thầy qua đời.
(5) Tác giả sách Ca nhạc cổ điển - 1962, nhà ở xã Vĩnh Mỹ, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu, ông cũng là bạn đồng môn với nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Văn Hóa Việt Nam: Năm Rồng, tản mạn về rồng - The revered dragon


Dragon is a  highly revered mythical creature, often associated with power, courage, nobility, and wisdom. In fact, it is said that the English word "dragon" derives from a Greek word - δράκων (drákōn) - which in turn comes from the verb δρακεῖν (drakeîn), meaning "to see clearly". May all be blessed to "see clearly" in this auspicious Year of the Dragon.

NĂM RỒNG, TẢN MẠN VỀ RỒNG

(Tổng hợp) - Rồng, chữ Hán là Long, chữ Phạn là Nâga, là một loài sinh vật thuộc thế giới vô hình, và cũng là một loài trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng). Rồng trong tiếng Anh (dragon) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp, vốn có nghĩa là “con trăn”. Do đó, rồng trong các chuyện thần thoại phương Tây mô hình cơ bản là loài rắn.

Theo thần thoại, rồng có hình dạng rất lạ kỳ: đầu rồng giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng giống như bụng con giao [thuồng luồng], mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy cá ly.

Qua các thời đại, hình thù rồng trong trí tưởng tượng của loài người không ngừng biến đổi. Chẳng hạn như hình rồng ở thời kỳ vương triều New Babilon xa xưa (trước công nguyên 6 thế kỷ) có bốn chân và đôi cánh, trên mình có đầy vẩy. Rồng trong sách Kinh Thánh được miêu tả thành loài rắn già có nhiều đầu. Vì rồng vừa có ý nghĩa thần linh phù hộ cho con người, vừa có thể làm cho loài người khiếp đảm kinh hồn, nên từ lâu, rồng cũng được coi là tượng trưng cho dũng cảm, thiện chiến. Trong sử thi (trường ca) Iryande của Homeros, huy hiệu trên chiếc mộc của quốc vương Hy Lạp, người chỉ huy trận đánh thành Troy hồi đó, là hình một con rồng màu xanh lam có 3 đầu. Về sau, cướp biển ở miền bắc châu Âu cũng thường vẽ hình rồng trên mũi tàu và những chiếc mộc của đồng bọn mình. Nước Anh trước khi bị người Normandie chinh phục, cha của quốc vương Atjeh, cũng dùng hình rồng làm phù hiệu chính trên cờ xí của quân đội Hoàng gia. Cho tới thế kỷ 20 này, hình rồng vẫn còn là tượng trưng của hoàng tử Wells ở nước Anh.

Rồng là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân phân thì lên trời, nhằm tiết thu phân thì xuống biển hay xuống đất. Kinh Phật nói: “Long thường tại định, vô hữu bất định thì,” nghĩa là: Rồng thường ở vào thiền định, không có lúc nào chẳng thiền định.

Có rất nhiều loại rồng, được phân ra tùy theo màu sắc, tùy theo hình dáng đầu rồng hoặc tùy theo phận sự của nó:

I. Phân loại theo màu sắc: Có 5 loại:

Rồng trắng: Bạch long, toàn thân màu trắng, chúng ta thấy trong BQĐ [Bát Quái Đài] Tòa Thánh Tây Ninh có 8 con bạch long nằm dưới Quả Càn Khôn, đầu hướng ra ngoài như để bảo vệ Quả Càn Khôn.

Rồng vàng: Huỳnh long, toàn thân màu vàng, chúng ta thấy 8 rồng vàng quấn trên 8 cột chung quanh Quả Càn khôn tại BQĐ, và 2 cây cột tại Cung Đạo.

Rồng xanh: Thanh long, toàn thân màu xanh sậm, chúng ta thấy 18 con rồng xanh quấn trên 18 cây cột nơi CTĐ [Cửu Trùng Đài].

Rồng đỏ: Xích long, toàn thân màu đỏ, quấn trên hai cây cột dưới bao lơn trước Tòa Thánh.

Rồng đen: Hắc long, toàn thân màu đen.

II. Phân chia theo hình dáng: 3 loại:

Rồng trẻ, đầu không có sừng, gọi là Ly long.

Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là Cù Long.

Rồng sống được 1000 năm trở lên thì có sừng dài và mọc thêm cánh, gọi là Ứng long.

III. Phân chia theo nhiệm vụ: có 4 loại:

Thủ Thiên cung long: Rồng ở cõi Trời, gìn giữ Thiên cung.

Hành võ long: Rồng làm mưa (Hành là làm, võ hay vũ là mưa). Rồng nầy có hai hạng:

Thiện long thì làm cho mưa thuận gió hòa.

Ác long thì làm cho mưa to, gây lũ lụt,

Địa long: Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm khoét hang, làm thành sông, hồ, biển.

Phục tạng long: Rồng giữ gìn kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh vương và các nhà phước đức lớn.

■ Tương truyền, rồng ở đáy biển, có lầu đài cung điện, có tổ chức vua, quan, quân lính. Rồng làm vua gọi là Long vương, cung điện của Long vương là Long cung, các quan của vua rồng là loài cá lớn, quân lính là các loài cá nhỏ.

Theo truyện Phong ThầnTây Du Ký, có Tứ Hải Long vương là 4 vị Long vương ở bốn biển:

Đông Hải Long vương: ở biển Đông tên Ngao Quảng.

Nam Hải Long vương: ở biển Nam tên Ngao Thuận.

Tây Hải Long vương: ở biển Tây tên Ngao Khâm.

Bắc Hải Long vương: ở biển Bắc tên Ngao Nhuận.

■ Cũng trong truyện Tây Du, con Bạch mã (ngựa trắng) mà Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con tiểu long (rồng nhỏ) biến thành. Con tiểu long nầy vốn là Thái tử, con của Bắc Hải Long vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị bắt treo lên chờ xử trảm. May nhờ Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang, tiểu long van xin cứu mạng. Đức Quan Âm Bồ Tát thương tình, tâu xin Thượng Đế tha chết cho tiểu long để sau nầy bắt tiểu long biến thành bạch mã, đỡ gót cho Tam Tạng thỉnh kinh. Nhờ công lao chuộc tội nầy, sau khi thỉnh kinh xong, bạch mã được biến trở lại thành rồng, trở về Long cung.

■ Long Nữ là con gái của Đệ tam Thái Tử của Nam Hải Long vương Ngao Thuận, ngày kia hóa thành con cá dạo chơi nơi mé biển, bị một ông chài bắt được, đem ra chợ bán. Đức Quan Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi đến chợ mua con cá ấy, rồi đem xuống biển Nam thả xuống.

Nam Hải Long vương nhớ ơn Bồ Tát cứu tử cháu nội gái của mình, nên dạy Long Nữ đem cục ngọc Dạ Minh Châu đến dâng tặng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm không cần đèn.

Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát nên xin quy y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử. Từ ấy, Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để phụng sự Bồ Tát.

Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Long Nữ thay mặt Đức Quan Âm Bồ Tát giáng trần để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo, cứu độ các tín đồ nữ phái. Đó là bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh (1874-1937).

Trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu: "Thời thừa lục long" nghĩa là thường cỡi sáu rồng. Đây là nói tượng của quẻ CÀN, Càn là Trời, gồm 6 vạch dương (vạch liền), tượng trưng bằng 6 con rồng, vì rồng thuộc dương.

Do đó, trên plafond dù của Tòa Thánh Tây Ninh có bông hình 6 con rồng đoanh nhau theo ba màu đạo để tượng trưng 6 vạch dương của quẻ CÀN: 2 con rồng màu vàng, 2 con rồng màu xanh và 2 con rồng màu đỏ.

Rồng lúc đầu là biểu tượng chung của tập thể thị tộc, có ý nghĩa là tài giỏi, cao quý, đẹp đẽ, nên có những thành ngữ như “mong con sớm trở thành rồng”, “mong được chú rể cưỡi rồng”, “dịp may chẳng khác nào “rồng mây gặp hội”, “rồng tới nhà tôm”, “đó là chốn rồng ẩn hổ náu” (tàng long ngọa hổ), “nơi ấy long xà hỗn tạp”, “chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa” v.v. . Nhưng dần dần về sau, các giới cầm quyền phong kiến chiếm độc quyền sử dụng danh từ và đồ án rồng, khiến rồng trở thành tượng trưng cho uy quyền, cao sang của hoàng tộc. Người đầu tiên chiếm địa vị độc tôn này là Lưu Bang nhà Hán. Từ đó về sau, bất cứ ai hễ lên ngôi vua nắm quyền cai trị đất nước là tự cho mình là rồng thật. Áo vua được gọi là long bào, mũ vua được gọi là long quân, giường vua ngủ được gọi là long sàng, sân vua được gọi là long đình, xe vua dùng được gọi là long xa, thuyền vua ngự được gọi là thuyền rồng... v.v. Như ai nấy đều biết, triều đình Mãn Thanh trước khi bị lật đổ, từng dùng hình rồng làm huy hiệu của hoàng tộc mình. Cột trụ cung điện, bia trụ, trang phục, đồ dùng của nhà vua đều có chạm trổ, tô vẽ, thêu thùa, hình rồng để làm tăng thêm vẻ sang trọng, quyền quý. Triều đình bá quan văn võ, dù chức tước cao tới mấy, cũng không ai được quyền mặc áo long bào, nhiều nhất chỉ có thể mặc áo “mãng bào”. Triều phục của các quan đại thần có thể thêu rắn thêm chân, nhưng không được thêu thành hình mãng xà chân có 5 vuốt như vuốt rồng, tượng trưng của nhà vua.

Trong lịch sử Việt Nam, lúc Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lý Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp không phải là nơi đóng đô, muốn dời đến La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem xét, vua thấy một con rồng vàng xuất hiện, từ La Thành bay thẳng lên trời. Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành, nên chọn La Thành làm nơi đóng đô, đổi tên lại là Thăng Long (Rồng bay lên) để kỷ niệm ngày thấy rồng vàng bay lên trời. Nhà Lý đóng đô tại Thăng Long, truyền ngôi được 9 đời, kéo dài 215 năm.

Thực tình mà nói, chẳng phải chỉ riêng có người Trung Quốc mới coi rồng là vật tổ của mình. Ngay ở Việt Nam, ở Nhật Bản và các nước khác ở vùng Đông nam Á, cũng rất kính trọng rồng. Bạn không thấy nước Bhutan, một nước nhỏ nằm giữa hai nước Trung Ấn, tự nhận mình là quốc gia Thần Rồng. Trên quốc kỳ của họ có hình tượng một con rồng, chẳng khác nào hình rồng của người Trung Hoa ngày nay..

Đối với các quốc gia ở Phương Đông, rồng là sinh vật có tính chất thần linh, rồng ở Trung Quốc và Việt Nam tượng trưng cho hoàng tộc và quyền quý. Rồng ở Nhật Bản có thể biến hóa thành lớn nhỏ tùy ý, thậm chí có thể ẩn thân, tàng hình. Rồng của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam hiện nay đều không có cánh, nhưng có thể lên trời, xuống biển, cưỡi mây đạp gió, tung hoành bốn phương. Người Trung Quốc ngày nay bất cứ là sinh sống ở đại lục, Đài Loan hay ở hải ngoại, đều cho rằng mình là con cháu của Hoàng đế - Viêm đế, là dòng giống Rồng. Người Việt Nam bao đời qua cũng tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên.

Ngày nay, khoa học tiến bộ, nhận thức của loài người có khác xa với người đời thượng cổ. Họ không còn nhắm mắt đi mê tín những điều dị đoan huyền hoặc. Nhưng đôi với rồng, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc vẫn coi đó là tượng trưng cho tài giỏi, cao quý, là điềm lành, cho nên ngày nay, trong những buổi lễ quan trọng, như chúc mừng năm mới, nghênh đón tân khách hay hôn lễ giữa hai họ, chúng ta vẫn có thể trông thấy những hình thức múa rồng hay hình tượng rồng và phượng.

Ngày nay, nói mình là con cháu giống rồng, điều đó có nghĩa là muốn nói lên rằng tổ tiên mình là giống người tài giỏi, dân tộc mình có một lịch sử văn hóa lâu dài, nhân dân mình có một truyền thống vẻ vang. Hôm nay, người viết mong rằng, những người con cháu dòng giống Tiên Rồng bất cứ hiện đang sinh sống ở trong nước, nơi quê cha đất tổ, hay đang phấn đấu ở hải ngoại, nơi đất khách quê người, dù sao cũng nên hãy sống sao cho ra sống, sống sao không làm nhơ danh cha ông tiên tổ, dòng dõi giống rồng, sống sao để khỏi hổ thẹn với đất nước non sông.

http://cadn.com.vn/News/Suc-Khoe/2012/1/14/71553.ca
http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/r/r2-004.htm

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Văn Hóa Việt Nam: Bánh phồng nếp quê - Sticky rice cracker

Sticky rice cracker (bánh phồng) is a traditional food in southwestern Việt Nam, especially prepared and enjoyed around the lunar New Year.

Bánh phồng nếp quê
Lê Thúy Bảo Liên

Bánh phồng - món ăn đặc sản miền Tây Nam bộ. Từ đầu tháng chạp âm lịch, bà con ở nông thôn khởi sự làm bánh phồng chuẩn bị ăn Tết. Nghề làm bánh phồng đang dần ít đi, phần vì bánh mứt đã quá phong phú, phần vì đó là nghề cơ cực và dày công.

Khi những cánh đồng lúa nếp gặt xong, mùa bánh phồng nếp bắt đầu. Hương thơm nồng nàn của nếp mới từ ngoài đồng tràn về khắp ngõ xóm, quyện trong cái nắng hanh hanh mùa gió chướng len vào từng căn bếp nhỏ.

Một chút bí quyết...

Nếp ngâm từ chập tối chiều hôm trước, đến 5 giờ sáng đem ra tút thật sạch rồi xôi lên. Xôi tức là nấu cách thuỷ, nấu bằng nồi đất, độ nóng đều và lan tỏa, xôi sẽ chín đều và ngon hơn. Xôi chín đổ ngay vào cối, quết khi xôi còn nóng hổi bột mới mau dẻo.

Những đứa con xa quê khó mà quên được tiếng chày quết bánh phồng mùa giáp Tết. Tiếng bình bịch vang đều khắp cả xóm từ sáng tinh mơ. Tiếng chày âm âm trong giấc chiêm bao tuổi thơ và vang mãi trong nỗi nhớ của người xa quê.

Bánh phồng có ngon, khi nướng có chuồi to hay không chủ yếu là nhờ quết kỹ, quết khéo. Chỉ có bàn tay kinh nghiệm của người thợ vùa bột mới cảm nhận được khi nào thì bột đủ dẻo, vừa tới bánh. Lúc này, bột sẽ được nêm đường, nước cốt dừa. Khi xem thợ làm bánh, bạn sẽ không thấy có bột đậu nành đâu cả, nhưng có đó! Với chừng 200g đậu nành ngâm, xay nhuyễn nêm vào một cối bột sẽ giúp cho bánh chuồi, phồng to hơn. Đó là bí quyết của nghề làm bánh phồng mà chẳng ai nói ra.

Và một chút khéo léo...

Khi bột được quết thấm đều gia vị rồi sẽ được bắt thành viên, đem cán. Cán bánh cho nhanh, cho khéo không phải ai cũng làm được. Tay ngang vào cán, bánh sẽ không tròn, không mỏng đều, cán được mươi cái đã mỏi nhừ cả cánh tay. Công việc cần sự khéo léo, sự dẻo dai kiên trì nên hầu như chỉ có phụ nữ làm được. Cán bánh phải thật đều tay, nếu dày bánh sẽ ướt và dính, nếu mỏng bánh khô giòn dễ bể.

Ngày xưa thú lắm, các cô thôn nữ thường tụ họp lại một nhà, cán bánh vần công cho nhau, cán thi xem ai nhanh hơn, khéo hơn. Cuộc chuyện trò ở bàn cán bánh bao giờ cũng vui và rôm rả nhất.

Bánh cán xong mớ nào đem phơi ngay mớ nấy. Chiếu dùng để phơi phải là chiếu mới, được xử lý sạch trước khi phơi bánh. Nếu không, sợi gai dệt chiếu sẽ dính bánh, nhìn không đẹp. Nắng tốt, phơi chừng nửa ngày là khô, gỡ bánh ra, phải xốc xới và quạt cho thật nguội mới sắp bánh. Nếu không, bánh phồng sẽ bị chảy đường và dính khó gỡ.

Bánh phồng nếp ngon là phải dày mịn, ít lẫn hột nếp, màu đục. Phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề mới làm được như vậy.

Bánh phồng – món nguồn cội

Bánh phồng mì cách làm tương tự như bánh phồng nếp nhưng nguyên liệu là khoai mì. Có hai loại: bánh phồng ngang không có sữa, nướng lên mới ăn được, bánh phồng sữa để ăn sống rất béo và ngon. Cách nêm bánh phồng sữa khác với bánh phồng nếp, nhiều đường, nhiều nước cốt dừa hơn. Cứ 10kg khoai mì thì nêm tới 6kg đường cát trắng... Bánh phồng là món ăn dân dã rẻ tiền nên Tết năm nào cũng bán đắt. Việt kiều về thăm quê ai cũng tìm mua bánh phồng, lớp ăn, lớp mang đi làm quà cho bà con bên đó để thưởng cái hương vị độc đáo của quê hương miền Tây Nam bộ.

Bánh phồng Trà Vinh ngon nổi tiếng. Lò bánh dì Ba Cúc ở ấp Đa Cần, xã Hoà Thuận, huyện Châu Thành có thị trường mở rộng gần khắp miền Tây. Những ngày cận Tết, lò ra bánh trên 10 thiên mỗi ngày mà cũng không kịp bỏ mối.

Ngày nay, những lò bánh chuyên nghiệp đã trang bị máy quết bánh. Một ngày nào đó, khó còn được nghe tiếng chày rộn rã. Rồi đây than tổ ong hoặc bếp ga thay dần bếp củi với mùi khói nồng nàn. Và chắc một điều, bếp ga không thể nào nướng được cái bánh phồng chuồi to như nướng lửa rơm.

Ngày tết, mâm cơm cúng ông bà ở quê thường có dĩa bánh phồng - như món nguồn cội. Dĩa bánh thật to, tròn đầy như sự ước mong đầy đủ, viên mãn, cầu xin cho những mùa lúa trúng tràn đồng.

http://sgtt.vn/Huong-vi-que-nha/Am-thuc/81713/Banh-phong-nep-que.html

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Văn Hóa Việt Nam: Nhà thờ Sài Gòn rực rỡ chờ đón Giáng sinh - Churches in Sài Gòn this Christmas 2011

Churches in Sài Gòn are ready for Christmas celebration this weekend. Though primarily a Buddhist country, Việt Nam also embraces Christianity, which enhances the nation's beauty with spiritual and traditional values.

[VNAC] Từ thế kỷ thứ 16, Thiên Chúa giáo đã là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, dù nước ta đa số theo truyền thống Phật giáo và Nho giáo. Tinh thần bao dung, hòa đồng, rộng lượng... là một điểm son nên mãi mãi duy trì, bởi chia rẽ và ngăn cách không bao giờ có chỗ đứng trong dòng sinh mệnh của dân tộc.

Nhà thờ Sài Gòn rực rỡ chờ đón Giáng sinh
Thu Huyền

Bất kể bạn là ai! Người “ngoại đạo” cũng có thể đến nhà thờ để cùng hòa vào không khí trang nghiêm của đêm Giáng sinh, cùng nguyện cầu đến Chúa Hài Đồng về sự an lành cho mình, cho người thương yêu, cho toàn thế giới và toàn nhân loại...

Nhà thờ Ba Chuông, nhà thờ Nam Hòa, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định…, tất cả đã tràn ngập sắc màu, trang hoàng lộng lẫy chuẩn bị cho Giáng sinh vào cuối tuần này.

Nhà thờ Đức Bà - Đồng Khởi, Quận 1

Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - 38 Kỳ Đồng, Quận 3

Nhà thờ Nam Hòa - cư xá Bắc Hải, Quận 10

Nhà thờ Ba chuông, đường Lê Văn Sĩ - Quận 3, lung linh trong ánh đèn




Những hang đá được trang trí đầy sắc màu....
 

Cây thông tại nhà thờ Thanh Đa được trang hoàng lộng lẫy

http://yeudulich.vn/Chi-Tiet-Tin/11/2044/Nha_tho_Sai_Gon_ru_ro_cho_don_giang_sinh.html

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Văn Hóa Việt Nam: Nguồn gốc một số địa danh miền Nam (Hồ Đình Vũ)

An essay on the interesting - and often practical - roots and meanings of some locales in southern Việt Nam.

LỊCH SỬ CÁC ĐỊA DANH
Hồ Đình Vũ

Sơ lược về nguồn gốc một số địa danh miền Nam

    Có nhiều nơi ở miền Nam mình đã đi qua, đã ở đó, đã nghe nói tới hoặc đã đọc được ở đâu đó... riết rồi những địa danh đó trở thành quen thuộc; nhưng chắc ít khi mình có dịp tìm hiểu tại sao nó có tên như vậy? Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn “Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ” của Bùi Đức Tịnh, với mục đích chia sẻ những hiểu biết của các tiền bối về tên gọi một số địa phương trên quê hương mình. Xin mời các bạn cùng tham khảo và đóng góp ý kiến từ các nguồn tài liệu khác - để đề tài này được đầy đủ và phong phú hơn.

Phần 1: Tên do địa hình, địa thế

Bắt đầu bằng một câu hát dân gian ở vùng Ba Tri, tỉnh Bến Tre:
"Gió đưa gió đẩy
...
về giồng ăn dưa..."

     Giồng là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai củ cùng một số loại cây ăn trái. Bởi vậy nên mới có bài hát: "Trên đất giồng mình trồng khoai lang..." Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm đã trở thành tên của một quận (huyện). Lại nhắc đến một câu hát khác: "Ai dzìa Giồng Dứa qua truông Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em..."

Giồng Dứa ở Mỹ Tho, khoảng từ chỗ qua khỏi ngã ba Trung Luơng đến cầu Long Định, ở bên phải quốc lộ 4 là Giồng Dứa. Sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở hai bên bờ sông có nhiều cây dứa. (Dứa đây không phải là loại cây có trái mà người miền Nam gọi là thơm, khóm. Đây là loại cây có lá gai dáng như lá thơm nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh, đặc biệt là bánh da lợn).

Vừa rồi có nhắc đến truông, hồi xưa về Giồng Dứa thì phải qua truông, vậy truông là gì?

     Truông là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai bên và phía trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ. Ở vùng Dĩ An có truông Sim. Ở miền Trung, thời trước có truông nhà Hồ. 

     "Thương em anh cũng muốn vô Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang" Tại sao lại có câu ca dao này? Ngày xưa truông nhà Hồ thuộc vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, còn gọi là Hồ Xá Lâm. Nơi đó địa hình trắc trở, thường có đạo tặc ẩn núp để cướp bóc nên ít người dám qua lại.
     
      Phá là lạch biển, nơi hội ngộ của các con sông trước khi đổ ra biển nên nước xoáy, sóng nhiều thường gây nguy hiểm cho thuyền bè. Phá Tam Giang thuộc tỉnh ThừaThiên, phía bắc của phá Tam Giang là sông Ô Lâu đổ ra biển, phía nam là sông Hương đổ ra cửa Thuận An.

      Bàu là nơi đất trũng, mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ còn những vũng nước nhỏ hay khô hẳn. Khác với đầm, vì đầm có nước quanh năm. Ở Sài Gòn, qua khỏi Ngã Tư Bảy Hiền chừng 1 km về hướng Hóc Môn, phía bên trái có khu Bàu Cát. Bây giờ đường xá được mở rộng, nhà cửa xây rất đẹp nhưng mùa mưa vẫn thường bị ngập nước. Ở Long Khánh có Bàu Cá, Rạch Giá có Bàu Cò.

     Đầm chỗ trũng có nước quanh năm, mùa mưa nước sâu hơn mùa nắng, thường là chỗ tận cùng của một dòng nước đổ ra sông rạch hoặc chỗ một con sông lở bờ nước tràn ra hai bên nhưng vẫn dòng nước vẫn tiếp tục con đường của nó. Ở Cà Mau có Đầm Dơi, Đầm Cùn. Ở quận 11 Sài Gòn có Đầm Sen, bây giờ trở thành một trung tâm giải trí rất lớn.

     Bưng từ gốc Khmer là bâng, chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng không có nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có các thứ lác, đưng... mọc... Ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.

      Láng chỗ đất thấp sát bên đường nước chảy nên, do nước tràn lên làm ngập nước hoặc ẩm thấp quanh năm. Ở Đức Hòa (giữa Long An và Sài Gòn) có Láng Le, được gọi như vậy vì ở láng này có nhiều chim le le đến kiếm ăn và đẻ. Vùng Khánh Hội (quận 4 Sài Gòn) xưa kia được gọi là Láng Thọ vì có những chỗ ngập do nước sông Sài Gòn tràn lên. Người Pháp phát âm Láng Thọ thành Lăng Tô, một địa danh rất phổ biến thời Pháp thuộc.

     Trảng chỗ trống trải vì không có cây mọc, ở giữa một khu rừng hay bên cạnh một khu rừng. Ở Tây Ninh có Trảng Bàng, địa danh xuất phát từ một cái trảng xưa kia có nhiều cỏ bàng vì ở vùng ven Đồng Tháp Mười. Ở Biên Hòa có Trảng Bom, Trảng Táo.

       Đồng khoảng đất rất rộng lớn bằng phẳng, có thể gồm toàn ruộng, hoặc vừa ruộng vừa những vùng hoang chưa khai phá. Một vùng trên đường từ Gia Định đi Thủ Đức, qua khỏi ngã tư Bình Hòa, trước kia toàn là ruộng, gọi là Đồng Ông Cộ. Ra khỏi Sài Gòn chừng 10 km trên đường đi Lái Thiêu có Đồng Chó Ngáp, được gọi như thế vì trước kia là vùng đất phèn không thuận tiện cho việc cày cấy, bị bỏ hoang và rất vắng vẻ, trống trải. Ở Củ Chi có Đồng Dù, vì đã từng dược dùng làm nơi tập nhảy dù. Và to, rộng hơn rất nhiều là Đồng Tháp Mười.

     Hố chỗ đất trũng, mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa có nơi nước lấp xấp. Ở Củ Chi có Hố Bò, vì bò nuôi trong vùng thường đến đó ăn cỏ. Biên Hòa có Hố Nai, là nơi những người Bắc đạo Công Giáo di cư năm 1954 đến lập nghiệp, tạo thành một khu vực sầm uất.

Phần 2: Tên bắt nguồn từ tiếng Khmer

Miền Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người Việt và người Khmer sống chung với nhau,văn hóa đã ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Điều đó biểu hiện rõ nét qua một số địa danh. Một số nơi, tên gọi nghe qua thì rất Việt Nam nhưng lại bắt nguồn từ tiếng Khmer; người Việt đã Việt hóa một cách tài tình.

     Cần Thơ: Khi đối chiếu địa danh Cần Thơ với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (sông tre), không thấy có liên quan gì về ngữ âm, người nghiên cứu chưa thể vội vàng kết luận là Cần Thơ là một địa danh hoàn toàn Việt Nam và vội đi tìm hiểu căn cứ ở các nghĩa có thể hiểu được của hai chữ Hán Việt "cần" và "thơ". Cần Thơ không phải là từ Hán Việt và không có nghĩa.Nếu dò tìm trong hướng các địa danh Việt hóa, người nghiên cứu có thể thấy ngữ âm của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer "kìntho", là một loại cá hãy còn khá phổ biến ở Cần Thơ, thông thường được gọi là cá sặc rằn, nhưng người ở Bến Tre vẫn gọi là cá "lò tho". Từ quan điểm vững chắc rằng "lò tho" là một danh từ được tạo thành bằng cách Việt hóa tiếng Khmer "kìntho",người nghiên cứu có thể sưu tầm các tài liệu về lịch sử dân tộc, về sinh hoạt của người Khmer xa xưa trong địa phương này, rồi đi đến kết luận là địa danh Cần Thơ xuất phát từ danh từ Khmer "kìntho".

     Mỹ Tho: Trường hợp Mỹ Tho cũng tương tự. Sự kết hợp hai thành tố có ngữ âm hoàn toàn Việt Nam, "mỹ" và "tho", không tạo nên một ý nghĩa nào theo cách hiểu trong tiếng Việt. Những tài liệu thích ứng về lịch sử và sinh hoạt của người Khmer trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi là "Srock Mỳ Xó" (xứ nàng trắng). Mình gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock,chỉ còn giữ lại Mỳ Xó thôi.

     Sóc Trăng: Theo cố học giả Vương Hồng Sển, đúng ra phải gọi là Sốc Trăng. Sốc Trăng xuất phát từ tiếng Khmer "Srock Khléang". Srock có nghĩa là xứ, cõi. Khléang là kho chứa vàng bạc của vua. Srock Khléang là xứ có kho vàng bạc nhà vua. Trước kia người Việt viết là Sốc Kha Lăng, sau nữa biến thành Sốc Trăng.Tên Sốc Trăng đã có những lần bị biến đổi hoàn toàn. Thời Minh Mạng, đã đổi lại là Nguyệt Giang tỉnh, có nghĩa là sông trăng (sốc thành sông, tiếng Hán Việt là giang; trăng là nguyệt).Đến thời ông Diệm, lại gọi là tỉnh Ba Xuyên, châu thành Khánh Hưng. Bây giờ trở lại là Sóc Trăng.

      Bãi Xàu: Bãi Xàu là tên một quận thuộc tỉnh Sóc Trăng. Đây là một quận ven biển nên có một số người vội quyết đoán, cho rằng đây là một trường hợp sai chính tả, phải gọi là Bãi Sau mới đúng. Thật ra, tuy là một vùng bờ biển nhưng Bãi Xàu không có nghĩa là bãi nào cả. Nó xuất phát từ tiếng Khmer "bai xao" có nghĩa là cơm sống. Theo truyền thuyết của dân địa phương, có địa danh này là vì nơi đây ngày trước, một lực lượng quân Khmer chống lại nhà Nguyễn đã phải ăn cơm chưa chín để chạy khi bị truy đuổi.

     Kế Sách: Kế Sách cũng là một quận của Sóc Trăng. Kế Sách nằm ở gần cửa Ba Thắc (một cửa của sông Củu Long), phần lớn đất đai là cát do phù sa sông Hậu, rất thích hợp cho việc trồng dừa và mía. Cát tiếng Khmer là K'sach, như vậy Kế Sách là sự Việt hóa tiếng Khmer "k'sach".

     Một số địa danh khác: Cái Răng (thuộc Cần Thơ) là sự Việt hóa của "k'ran", tức cà ràn, là một loại bếp lò nấu bằng củi, có thể trước kia đây là vùng sản xuất hoặc bán cà ràn. Trà Vinh xuất phát từ "Prha Trapenh" có nghĩa là ao linh thiêng. Sông Trà Cuông ở Sóc Trăng do tiếng Khmer "Prek Trakum", là sông rau muống (trakum là rau muống). Sa Đéc xuất phát từ "Phsar Dek", phsar là chợ, dek là sắt. Tha La, một địa danh nổi tiếng ở Tây Ninh (Tha La xóm đạo), do tiếng Khmer "srala",là nhà nghỉ ngơi, tu dưỡng của tu sĩ Phật giáo. Cà Mau là sự Việt hóa của tiếng Khmer "Tưck Khmau", có nghĩa là nước đen.

      Phần 3: Địa danh do công dụng của một địa điểm hay do một khu vực sinh sống làm ăn

Đây là trường hợp phổ biến nhất trong các địa danh. Theo thói quen, khi muốn hướng dẫn hay diễn tả một nơi chốn nào đó mà thuở ban đầu chưa có tên gọi,người ta thường hay mượn một điểm nào khá phổ biến của nơi đó, như cái chợ cái cầu và thêm vào một vào đặc tính nữa của cái chợ cái cầu đó; lâu ngày rồi thành tên, có khi bao trùm cả một vùng rộng lớn hơn vị trí ban đầu.

     Chợ: Phổ biến nhất của các địa danh về chợ là chợ cũ, chợ mới, xuất hiện ở rất nhiều nơi. Sài Gòn có một khu Chợ Cũ ở đường Hàm Nghi đã trở thành một địa danh quen thuộc. Chợ Mới cũng trở thành tên của một quận trong tỉnh An Giang. Kế bên Sài Gòn là Chợ Lớn, xa hơn chút nữa là Chợ Nhỏ ở Thủ Đức.

Địa danh về chợ còn được phân biệt như sau:
- Theo loại hàng được bán nhiều nhất ở chợ đó từ lúc mới có chợ, như: Chợ  Gạo ở Mỹ Tho, Chợ Búng (đáng lý là Bún) ở Lái Thiêu, Chợ Đệm ở Long An, Chợ Đũi ở Sài Gòn.
- Theo tên người sáng lập chợ hay chủ chợ (độc quyền thu thuế chợ), như: chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hom, chợ Bà Quẹo, chợ Bà Rịa.
- Theo vị trí của chợ, như: chợ Giữa ở Mỹ Tho, chợ Cầu (vì gần một cây cầu sắt) ở Gò Vấp, chợ Cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn.

     Xóm: là một từ để phân biệt một khu vực trong làng hay một địa phương lớn hơn, về mục tiêu sản xuất, thương mại hay chỉ đơn thuần về vị trí. Trong một làng chẳng hạn, có Xóm Trên, Xóm Dưới, Xóm Trong, Xóm Ngoài, Xóm Chùa, Xóm Đình... Về các mục tiêu sản xuất và thương mại, ngày nay cách phân biệt các xóm chỉ còn ở nông thôn mà không còn phổ biến ở thành thị. Những địa danh còn sót lại về xóm ở khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn: vùng phụ cận chợ Bà Chiểu có Xóm Giá, Xóm Gà. Gò Vấp có Xóm Thơm. Quận 4 có Xóm Chiếu. Chợ Lớn có Xóm Than, Xóm Củi, Xóm Vôi, Xóm Trĩ (Trĩ là những nhánh cây hay thân cây suôn sẻ to cỡ bằng ngón chân cái, dài chừng 2 mét, dùng để làm rào, làm luới hay làm bủa để nuôi tằm).

     Thủ: là danh từ chỉ đồn canh gác dọc theo các đường sông, vì khá phổ biến thời trước nên "thủ" đã đi vào một số địa danh hiện nay hãy còn thông dụng, như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An),Thủ Dầu Một (Bình Dương). Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa có lẽ là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và đã giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với nơi làm việc của họ. Còn Thủ Dầu Một thì ở thủ đó ngày xưa có một cây dầu mọc lẻ loi.

     Bến: ban đầu là chỗ có đủ điều kiện thuận tiện cho thuyền ghe ghé vào bờ hoặc đậu lại do yêu cầu chuyên chở, lên xuống hàng. Sau này nghĩa rộng ra cho cả xe đò, xe hàng, xe lam... Cũng như chợ, bến thường được phân biệt và đặt tên theo các loại hàng được cất lên nhiều nhất. Một số tên bến đặt theo cách này đã trở thành tên riêng của một số địa phương, như: Bến Cỏ, Bến Súc, Bến Củi ở Bình Dương. Bến Đá ở Thủ Đức. Bến Gỗ ở Biên Hòa. Ngoài ra bến cũng còn có thể được đặt tên theo một đặc điểm nào ở đó, như một loại cây, cỏ nào mọc nhiều ở đó, và cũng trở thành tên của một địa phương, như: Bến Tranh ở Mỹ Tho, Bến Lức ở Long An (đáng lý là lứt, là một loại cây nhỏ lá nhỏ, rễ dùng làm thuốc, đông y gọi là sài hồ).

     Một số trường hợp khác: có một số địa danh được hình thành do vị trí liên hệ đến giao thông, như ngã năm, ngã bảy, cầu, rạch.. .thêm vào đặc điểm của vị trí đó, hoặc tên riêng của một nhân vật có tiếng ở tại vị trí đó. Ở Sài Gòn có rất nhiều địa danh được hình thành theo cách này: Ngã Tư Bảy Hiền, Ngã Năm Chuồng Chó, Ngã Ba Ông Tạ... Ở Trà Vinh có Cầu Ngang đã trở thành tên của một quận.

Trường hợp hình thành của địa danh Nhà Bè khá đặc biệt, đó là vị trí ngã ba sông, nơi gặp nhau của 2 con sông Đồng Nai và Bến Nghé . Lúc ròng, nước của hai con sông đổ ra rất mạnh thuyền bè không thể đi được, phải đậu lại đợi con nước lớn để nương theo sức nước mà về theo hai hướng Gia Định hoặc Đồng Nai. "Nhà Bè nước chảy chia hai, Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về." Tương truyền có ông Thủ Huồng là một viên chức cai quản "thủ" ở vùng đó, tham nhũng nổi tiếng. Có lần nằm mơ thấy cảnh mình chết bị xuống âm phủ phải đền trả những tội lỗi khi còn sống. Sau đó ông từ chức và bắt đầu làm phúc bố thí rất nhiều; một trong những việc làm phúc của ông là làm một cái bè lớn ở giữa sông trên đó làm nhà, để sẵn những lu nước và củi lửa. Những ghe thuyền đợi nước lớn có thể cặp đó lên bè để nấu cơm và nghỉ ngơi. Địa danh Nhà Bè bắt nguồn từ đó.

Kết:

Miền Nam là đất mới đối với người Việt Nam, những địa danh chỉ mới được hình thành trong vài thế kỷ trở lại đây nên những nhà nghiên cứu còn có thể truy nguyên ra nguồn gốc và ghi chép lại để lưu truyền. Cho đến nay thì rất nhiều địa danh chỉ còn lại cái tên mà ý nghĩa hoặc dấu vết nguyên thủy đã biến mất theo thời gian. Thí dụ, Chợ Quán ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, bây giờ chỉ biết có khu Chợ Quán, nhà thờ Chợ Quán, nhà thương Chợ Quán... chứ còn cái chợ có cái quán đố ai mà tìm cho ra được. Hoặc Chợ Đũi (có một số người tưởng lầm là Chợ Đuổi vì người buôn bán hay bị nhân viên công lực rượt đuổi) ban đầu chuyên bán đũi, là một thứ hàng dày dệt bằng tơ lớn sợi, bây giờ mặt hàng đó đã biến mất nhưng địa danh thì vẫn còn.

Ngoài ra, đất Sài Gòn xưa sông rạch nhiều nên có nhiều cầu, sau này thành phố được xây dựng một số sông rạch bị lấp đi, cầu biến mất, nhưng người dân vẫn còn dùng tên cây cầu cũ ở nơi đó để gọi khu đó, như khu Cầu Muối. Và cũng có một số địa danh do phát âm sai nên ý nghĩa ban đầu đã bị biến đổi nhưng người ta đã quen với cái tên được phát âm sai đó nên khi ghi chép lại, vẫn giữ cái tên đã được đa số chấp nhận, như Bến Lức, chợ Búng (Lứt là tên đúng lúc ban đầu, vì nơi đó có nhiều cây lứt; còn chợ Búng nguyên thủy chỉ bán mặt hàng bún, sau này bán đủ mặt hàng và cái tên được viết khác đi).