Blogger templates

Hiển thị các bài đăng có nhãn Lời Thương Cho Bạn Trẻ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lời Thương Cho Bạn Trẻ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Lời Thương Cho Bạn Trẻ: Khi bạn thất tình: hãy học cách yêu bản thân

khi that tinh hay hoc cach yeu ban than
Khi bạn thất tình: hãy học cách yêu bản thân
Tác giả: Thúy Hằng / DeltaViet  

Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái thất tình chưa? Cảm xúc tiêu cực nhất mà bạn có lúc đó là gì?

Gần đây, tôi lại nghe có những vụ liên quan đến thất tình: con trai thì tự tử, hoặc dọa giết người mình yêu, con gái thì rơi vào lối sống sa đọa, cặp kè với người khác “cho bõ tức”. Phần đông, các bạn còn thuộc thế hệ trẻ, mới ở độ tuổi đi học, còn ở trên giảng đường. Nhận thức chưa đủ sâu để đối mặt với việc thất tình một cách tích cực nhất, thế nhưng hành động mà các bạn gây ra lại để lại hậu quả khôn lường. Vậy nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là gì?

Hãy sống với nỗi thất tình nhưng đừng để nó hủy hoại bạn

Cho tôi hỏi một câu chân thành: “Trước khi học cách yêu một người khác, bạn đã học cách yêu bản thân mình hay chưa?”

Hủy hoại bản thân là bạn không biết yêu cả chính bản thân mình

Đừng ai vội khoe khoang rằng “tôi là một người yêu hoàn hảo”, “tôi biết cách làm cho người mình yêu được hạnh phúc, tôi biết cách chăm sóc người khác…, "tôi sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho người tôi yêu…”

Trước khi học cách yêu thương một ai đó, bạn phải học cách yêu bản thân mình đã. Chuyện này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự, để yêu bản thân mình, bạn phải biết cách.

Trả lời câu hỏi của DeltaViet để xem thử bạn đã biết cách yêu bản thân mình chưa nhé:
  1. Bạn không quan tâm đến sức khỏe của bản thân?
  2. Bạn có thường vì cả nể mà chiều theo ý người khác?
  3. Bạn không dám sống thật với con người của mình vì sợ người khác chê cười?
  4. Bạn lúc ở nơi đông người và lúc ở một mình là hai con người hoàn toàn khác nhau?
  5. Bạn biết cách động viên người khác nhưng tự giấu nỗi đau của chính mình?
  6. Bạn sẵn sàng làm mọi chuyện để được ở bên người mình yêu thương?
  7. Nếu bị người yêu từ bỏ, bạn sẽ rất đau khổ và không chịu được?
Xem nào, bạn trả lời “đúng” cho bao nhiêu câu hỏi? (lưu ý, những bạn độc thân vẫn có thể trả lời những câu hỏi này, chỉ cần bạn tưởng tượng)

Còn nếu một ngày chúng ta thất tình…

Cách tốt nhất là đối diện với nỗi buồn này và suy nghĩ tích cực. Thực chất, những người thất tình còn mang tâm lý lòng tự trọng bị tổn thương, cảm thấy mất sĩ diện với bạn bè, cảm giác bị chê bai là kém cỏi (nhất là đối với bạn trai)… dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, chứ không hẳn là do bản thân quá đau khổ vì ai đó không còn yêu mình nữa. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi tình yêu ngày càng mất đi màu sắc thuần khiết của nó, mà đã trở nên thực dụng và đầy tính toan. Chúng ta khó có thể nói rằng tình yêu là vĩnh cửu, là không bao giờ thay đổi…

Hãy nghĩ lại đi, thất tình có đáng để bạn hủy hoại bản thân mình không? Hãy biết quý trọng bản thân một chút, đừng vì người khác mà tự làm mình trở nên xấu xí, tàn tạ.

KHÔNG AI XỨNG ĐÁNG VỚI VIỆC LÀM BẠN TỔN THƯƠNG NGOÀI CHÍNH BẢN THÂN BẠN.

Chỉ có bạn là người yêu mình nhất mà thôi, mà bạn cũng không biết cách quý trọng nữa, thì bạn có thể làm cho ai hạnh phúc?

Ngày hôm nay, nếu lỡ có người nói với bạn rằng, họ không còn yêu bạn nữa, hãy tặng họ một nụ cười. Sau đó, bạn có thể lăn lóc, kêu khóc, buồn đời… nhưng, chỉ 1 ngày thôi nhé. Sau đó hãy tắm một cái thật sảng khoái, mặc quần áo đẹp và thưởng cho mình một món ăn ngon, đi dạo phố để ngắm đời tươi đẹp.

Bạn không việc gì phải lãng phí quá nhiều thời gian cho ai đó làm bạn bị tổn thương. Đơn giản, họ đã làm bạn bị tổn thương. Và họ không xứng đáng với giọt nước mắt của bạn.

Và, thời gian sẽ xoa dịu mọi vết thương. Bạn tin không?

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Lời Thương Cho Bạn Trẻ: Tương lai của bạn bắt đầu từ ngày hôm nay


Tương lai của bạn bắt đầu từ ngày hôm nay
Trà An Lạc

Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng bạn đang ở đâu? Vị trí của bạn trong cuộc sống này? Bạn muốn gì? Bạn đã đạt được gì? Hay làm thế nào để có cuộc sống theo ý muốn của bạn? Bạn có sẵn sàng chiến đấu vì giấc mơ của mình…?

Tại Phòng Thiền & Pháp thoại - Nhà hàng Chay Hanoi Vegan tối 12.1.2013 (Nhằm ngày 01.12 Nhâm Thìn) đã diễn ra chương trình Pháp thoại chuyên đề với nội dung “Tương lai bắt đầu từ ngày hôm nay” do Đại Đức Giảng sư Thích Đạo Quang (Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa, Phó ban giáo dục Tăng Ni tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa) chủ giảng, với sự tham dự của gần 100 Phật tử trẻ thủ đô.

Sau thời khóa thiền tập, tĩnh tọa, mở đầu thời Pháp Thầy đã chia sẻ hành trang cần có của các bạn trẻ để tiến vào tương lai đó là lòng tin, sự kiên trì, tính quyết đoán và sự tinh cần.

Bạn trẻ nên có sự tự tin khi có đủ cơ sở; nếu chưa đủ cơ sở, chúng ta cũng không gì phải sợ. Không có con đường nào hoàn toàn bằng phẳng đón bước chân ta. Chỉ có bước chân dám đạp trên chông gai mới mang chúng ta đến mục tiêu thành công. Ai cũng phải ít nhất một lần kinh qua sự thất bại. Vấp ngã chỗ nào, đứng lên chỗ ấy, nơi đó cho chúng ta một cái note mặn mà trên “timeline” của mình. Cũng có thể xem vấp ngã là một cơ hội để chúng ta được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng mới.

Sự kiên trì rất cần thiết khi bước đi trên lộ trình ấy. Sau khi vấp ngã, ta lại đứng lên, tiếp tục hành trình, không từ bỏ. Nếu từ bỏ, có nghĩa là ta đã thất bại từ đầu.

Cơ hội chỉ đến với chúng ta một lần. Khi đã đặt ra mục tiêu, phải thực hiện cho kỳ được. Khi nắm được cơ hội, hãy quyết đoán, không do dự. Tâm nghi (do dự) là một trong năm sợi dây trói dạng thô làm trở ngại việc tu tập của hành giả.

Siêng năng có tác dụng thúc đẩy tịnh tiến, nếu dừng nửa chừng có nghĩa là chúng ta phải khởi động lại từ đầu, như hình ảnh con thuyền ngược dòng, nếu dừng tay chèo có nghĩa là trôi lui.

Nhận thấy các bạn trẻ trong đạo tràng đa số đang đi làm, hoặc đang trong thời kỳ đại học, sẽ bước chân ra xã hội để tìm cho mình một chỗ đứng thích hợp, Đại đức Giảng sư đã chia sẻ một số lời Phật dạy thiết thực và phù hợp trong việc kinh doanh, giữ chữ tín, cân đối giữa sản xuất lợi tức và nắm bắt giá trị tinh thần, quan hệ tốt trong công tác, v.v.

Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4, phần Buôn bán, đức Phật nêu đại ý: Phước báo là một căn cứ điểm của kinh doanh thành công. Cơ may thị trường là điều ngành kinh tế học khó lý giải, nó liên hệ mật thiết đến phước báo đã gieo trồng trong quá khứ. Do đó, khi đắc không tự mãn, khi thất không bi quan. Ý thức điều này, nên tô bồi phước đức, làm điều thiện, tạo cơ hội cho người thành tựu giới đức tu tập.

Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp đem lại lợi tức cho mỗi người. Tuy nhiên, người Phật tử cần lưu ý “làm giàu đúng pháp”. Đây chính là chánh mạng, một trong tám ngành mà đức Phật nêu trong Bát Chánh đạo.

Người Phật tử nên tránh 5 nghề dữ: buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. (Kinh Tăng Chi, chương 5, phẩm Người cư sĩ) Để kiếm tiền nhanh chóng, chạy theo siêu lợi nhuận không ít người đã táng tận lương tâm, làm ăn phi pháp, gây ra biết bao tai họa. Đức Thế Tôn đã lên án, tuyên chiến và khai tử đối với các loại tội phạm vô cùng nguy hiểm này. Người Phật tử, vâng lời răn dạy của Thế Tôn không nên và không được buôn bán đao kiếm, người, thịt, rượu và thuốc độc.

Về sự cân đối giữa làm giàu và làm phước, Đại đức đã trưng dẫn ba hạng người theo kinh Tăng Chi (chương 3, phẩm Người, phần Mù lòa): hai mắt, một mắt và người mù. Người có hai tức là có mắt biết thu hoạch tài sản chưa thu, tăng trưởng tài sản đã thu, có mắt biết pháp thiện và bất thiện, có tội không tội. Người một mắt là người thiếu con mắt thứ hai, và người mù là cả hai mắt đều không có. Người mắt sáng là biết làm ăn chân chính, đem lại lợi ích xã hội đồng thời phân biệt tốt xấu, thiện ác, họa phúc. Người một mắt thì còn có thể tự nuôi mình, dù không biết làm phước, nhưng người “có mắt mà như mù” thì không biết cách sống, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, thuộc Kinh Trường Bộ II, nêu ra mối quan hệ tốt giữa chủ và người làm. Đối với người chủ: giao việc đúng sức lực, trả lương hợp lý, điều trị bệnh tật, chia sẻ đồ ngon, cho nghỉ phép đúng thời. Đối với người làm: phải dậy trước và ngủ sau chủ, tự bằng lòng với thưởng vật chủ ban cho, khéo làm công việc chủ giao và tạo tiếng thơm cho chủ.

Cuối buổi pháp thoại, Đại đức Giảng sư phân tích những giá trị thiết thực của giây phút hiện tại theo chủ đề “Tương lai bắt đầu từ hôm nay”:

Căn cứ theo hệ quy chiếu luật Nhân-Quả mà đức Phật đã dạy, nếu muốn có quả tốt là một tương lai tươi sáng, thì phải gieo trồng nhân tốt ngay bây giờ. Hiện tại là thời điểm của nhân, tương lai là phạm vi thọ quả. Đừng mải mê chạy theo những giá trị phù phiếm, mộng ảo của tương lai mà quên đi trách vụ thiết thực ngay từ bây giờ và hiện tại đây.

Đầu óc hay con người vật lý của chúng ta cũng như một cổ máy, hoạt động phải khoa học và cũng cần có những giây phút nghỉ ngơi. Mỗi chúng ta nên sắm sửa con người mới, khởi động hành trình mới. Tuy nhiên, trong việc thực hiện làm mới ấy, chúng ta không cần thay đổi phụ kiện, nguyên vật liệu... mà chỉ thay đổi cách vận hành.

Như một họa sĩ cần có nền vẽ trắng, nếu nền vẽ không trắng sạch thì rất khó thực hiện họa phẩm. Như người xưa soi gương cần có thau nước tĩnh, nếu mặt nước không lắng đọng, không thể soi rõ khuôn mặt của mình. Muốn thực hiện một pháp môn nào, trước hết phải thực tập chánh niệm, an lạc trong từng giây phút của hiện tại. Điều này thể hiện qua nghệ thuật điều phục tâm lý dựa vào kinh Niệm Xứ mà đức Phật đã dạy rất rõ ràng, cụ thể là phương pháp theo dõi hơi thở.

Đến đây, Đại đức giảng sư đã dành vài phút yên tĩnh cho đại chúng được thực tập theo dõi hơi thở, tri nhận hơi thở một cách tự nhiên mà không cố gắng điều chỉnh, hãy để tâm ngay chóp mũi như một người quan sát mà không ra lệnh dẫn dắt hơi thở theo chủ ý của mình.

Điều quan trọng cũng nên lưu ý là xây dựng cái nhìn về chủ trương “An lạc hiện tại” cho đúng đắn. Cần phân biệt rõ giữa chánh niệm hiện tại khác với hưởng thụ hiện tại. Tâm lý chấp nhận hiện tại một cách thụ động hay đắm chìm trong đó chính là chủ trương “Hiện tại Niết Bàn luận” được đức Phật xếp vào một trong 62 tà thuyết của ngoại đạo.

Với cách truyền tải nhẹ nhàng, gần gũi lẫn một chút dí dỏm, hài hước với nội dung bám sát thực tế, đời sống hiện tại của các bạn trẻ, Đại Đức Thích Đạo Quang đã mang đến cho toàn thể đại chúng những giây phút trải nghiệm tuyệt vời và hoan hỷ bên cạnh những bài học thực tiễn bổ ích và quý giá để trải nghiệm và thực hành tinh tấn hơn trên con đường tu học và cuộc sống.

http://www.phattuvietnam.net/tuhoc/phapthoai/21977-t%C6%B0%C6%A1ng-lai-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%A1n-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-t%E1%BB%AB-ng%C3%A0y-h%C3%B4m-nay.html

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Lời Thương Cho Bạn Trẻ: Teen bị 'bịt mắt' về tình dục


Sex education for teens in Việt Nam needs to be improved to avoid unwanted pregnancies and sexually transmitted diseases. 

Teen bị 'bịt mắt' về tình dục
Phương Trang

>>Chương trình Giáo dục Giới tính
>> Sách miễn phí: "Tuổi trẻ và Tình dục"

"Có thiếu nữ bảo mấy hôm nay em ăn không được, mua que về thử thì thấy 2 vạch rồi. Mấy hôm sau, em đó thản nhiên nói 'đã xử lý xong'. Có cậu trai hỏi 'Chúng em vừa quan hệ xong, đặt thuốc tránh thai khẩn cấp có được không?'"...

Những trường hợp này được một cô giáo cấp 3 ở Nghệ An tổng hợp từ các học trò của mình và ghi vào một bức thư, vừa được tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ tại Hội nghị quốc gia về Tình dục và Sức khỏe diễn ra ở Hà Nội.

"Những điều mà cô giáo đó kể cũng chính là thực trạng mà thanh thiếu niên Việt Nam đang sống ngày hôm nay. Tôi đã nghe những lời tâm sự của các cô gái vì không thể thuyết phục bạn trai dùng biện pháp ngừa thai để rồi phải trải qua biết bao đau đớn dằn vặt khi phải bỏ đi kết quả tình yêu của họ. Có những người phụ nữ lại bị chồng hắt hủi vì bị nghi ngờ không còn trong trắng… Đau lòng hơn cả là chuyện những đứa trẻ non nớt bị xâm hại tình dục", tiến sĩ Hồng nói.

Sự gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm, có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai của vị thành niên… đã trở thành nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Thế nhưng đến nay, quan điểm đối với giáo dục tình dục: cấm đoán, bỏ mặc hay định hướng, dẫn dắt vẫn chưa được xác định rõ ràng. Thêm vào đó, sự ngần ngại khi thảo luận càng khiến tình dục trở thành một chủ đề nhạy cảm.
Theo thạc sĩ Trần Giang Linh, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thì ở Việt Nam vẫn tồn tại quan niệm phổ biến cho rằng tình dục là bản chất tự nhiên, không cần phải dạy. Có người lo lắng rằng giáo dục tình dục "sớm" sẽ khuyến khích thanh thiếu niên quan hệ sớm hơn.

Thực tế các chuyên gia cho rằng dù có "nhốt hươu" thì "hươu" vẫn chạy bất luận phía trước là điều gì. Những kết quả từ nghiên cứu về sức khỏe gia đình Việt Nam (2009-2010) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện là một minh chứng.

Theo kết quả này, trong số hơn 5.000 người từ 18 đến 65 được hỏi, tỷ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân là gần 23%, trong đó nam giới hơn 33%, ở nữ là gần 14%. Cứ 5 nam giới được hỏi thì một người cho biết có quan hệ tình dục với người vừa mới quen, so với nữ là 2%. Tuổi quan hệ tình dục lần đầu sớm nhất là 12.

Bên cạnh đó, hơn một nửa số người tham gia nghiên cứu chia sẻ không biết gì về tình dục khi ở độ tuổi 14.

Trong khi đó, tỷ lệ nạo phá thai lại rất cao, lên đến gần 20% số nữ giới được hỏi. Đặc biệt, khoảng 13% phụ nữ chưa kết hôn từng có thai.

"Rõ ràng các thực hành liên quan đến quan hệ tình dục trước hôn nhân đang diễn ra. Thế nhưng, thanh thiếu niên Việt Nam lại bị 'bịt mắt'. Gia đình và xã hội đều im lặng, né tránh, trì hoãn hoặc thậm chí từ chối cung cấp các kiến thức về các vấn đề liên quan đến tình dục cho họ", thạc sĩ Linh nói.

Tuy nhiên, gia đình và xã hội lại trông chờ thanh thiếu niên "bịt mắt" mà vẫn “bắt được dê”.

Họ được trông đợi phải tự mình mày mò tìm đúng cách để có thể tự bảo vệ mình khỏi HIV và các hậu quả tiêu cực khác như: mang thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các bệnh hoa liễu..., thạc sĩ Giang cho biết.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải có thái độ dứt khoát. Chúng ta không thể 'nhốt hươu' mãi được nữa, không thể bỏ mặc cho 'hươu chạy' để rồi đuổi theo kêu cứu. Mà ngược lại cần phải chỉ cho 'hươu' chạy đúng đường, để xóa mù về tình dục”.

Theo bà, kiến thức về tình dục không chỉ cần cho giới trẻ mà cần cho cả người lớn và người già. Không chỉ trẻ con mà cả cha mẹ, ông bà cũng phải học. Vì vậy, tình dục không chỉ được dạy ở nhà trường mà phải được dạy ở cả gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải đưa giáo dục giới tính vào nhà trường. Tuy nhiên, thực tế việc này vẫn còn hạn chế do vấp phải nhiều rào cản từ vấn đề tâm lý ngại ngùng của cả giáo viên và học sinh.

Ở nhiều nước trên thế giới, trẻ được dạy về giới tính từ rất nhỏ. Nhưng ở nhà trường Việt Nam, việc dạy sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên vẫn chưa được chú trọng đúng mức, chỉ lồng ghép vào các môn học. Một số trường cũng mời chuyên gia về nói chuyện về giới tính các em nhưng cũng chỉ là “cưỡi ngựa, xem hoa”.

Theo thạc sĩ Trần Thị Huyền, Đại học An Giang, học sinh rất thích học nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản nhưng không dám học công khai, còn tâm lý ngại ngùng xấu hổ. Trong khi đó, giáo dục sức khỏe sinh sản chưa trở thành một môn học nên giáo viên chỉ dạy dưới dạng lồng ghép. Ngoài ra, phương pháp dạy của giáo viên không thu hút học sinh, giáo viên còn né tránh khi dạy các nội dung này.

Vì thế, để thay đổi những trở ngại tâm lý của các em khi học các nội dung này không đơn giản. Tuy nhiên, có thể hạn chế tối đa những trở ngại đó bằng các phương pháp dạy học tích cực và thảo luận nhóm. Bên cạnh đó, giáo viên phải tạo cho học sinh ứng thú, tích cực trong học tập. Bản thân họ cũng phải có chuyên môn vững về nội dung này, đồng thời phải gỡ bỏ rào cản tâm lý của chính mình khi dạy về sức khỏe sinh sản.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/08/teen-bi-bit-mat-ve-tinh-duc/