Blogger templates

Hiển thị các bài đăng có nhãn Ích Quốc Lợi Dân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ích Quốc Lợi Dân. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Ích Quốc Lợi Dân: Cơm chay ấm lòng sĩ tử


Sùng Phúc Temple in Long Biên, Hà Nội, north Việt Nam has provided thousands of complimentary vegetarian meals to college entrance examinees and their families in the past two years. 

Cơm chay ấm lòng sĩ tử
Phú Mỹ

(TT&VH) - Hai năm nay, Thiền viện Sùng Phúc (Long Biên, Hà Nội) đã phát miễn phí hàng nghìn suất cơm chay cho các sĩ tử lên kinh ứng thí.

Lòng vòng trên con đường đê nhẫy nắng trưa hè, chúng tôi có mặt ở Thiền viện Sùng Phúc lúc 3 giờ chiều. Bước chân vào cửa Thiền viện, hương hoa quyện mùi khói nhang, vang vang từ xa là tiếng mõ của bậc cao tăng trộn với tiếng cười nói "rất đời" vang ra từ căn bếp của Thiền viện…  

Khác với vẻ thâm u, tịch mịch của ngôi chùa hơn 300 năm tuổi, hôm nay Thiền viện rộn ràng lạ: trước ngày thi, một vài sĩ tử tìm cho mình những giây phút nghỉ thanh tịnh nơi cửa Phật, nhiều bậc phụ huynh khẩn nguyện cho con cái "chân cứng đá mềm"… Và đặc biệt là cả bốn, năm chục con người, trong màu áo xanh tình nguyện, áo pháp trứng sáo và cả áo vàng cà sa, đang tất bật chuẩn bị những suất cơm chay để "tiếp sức mùa thi" cho các sĩ tử ngày mai.

Trong không gian trầm mặc của ngôi cổ tự, Đại đức Thích Tâm Thuần - trụ trì Thiền viện Sùng Phúc chia sẻ: "Những lúc này các sĩ tử không nên chỉ mưu cầu số mạng mà phải nỗ lực để làm bài thi. Song cố gắng không có nghĩa là thái quá hoặc bất cập. Thái quá là học ngày học đêm rồi đến lúc thi mệt mỏi, sợ hãi, ảnh hưởng đến làm bài. Bất cập nghĩa là lơ là không chịu học, đến lúc thi cầu thần cầu thánh cũng không làm gì được. Cả hai trạng thái này đều không hợp lý. Học phải cho đều, phải nhiệt tâm, có sức mạnh từ nội lực bản thân, đến khi thi mới không sợ hãi gì".

Đại đức cho hay, sĩ tử không nên quá quan trọng việc thi cử được hay không được. Vì khi đã đặt ra áp lực được - mất, càng lúc cận ngày thi mình sẽ càng mệt mỏi. Và sự căng thẳng này sẽ làm mình không làm sao bình tĩnh sáng suốt để phát huy tài năng.

Bởi muốn nhắn gửi những thông điệp này tới các bạn trẻ trong một kỳ thi quá đỗi nặng nề, nên các thầy trò trong Thiền viện đã miệt mài trắng đêm để nấu 2.000 suất cơm chay miễn phí cho sĩ tử và người nhà trong đợt thi này.

Cửa Phật gieo duyên

9 giờ sáng ngày 9 tháng 7, ngày thi đầu của kỳ thi Đại học đợt 2, trước cổng Đại học Công đoàn (Hà Nội) đông nghẹt người. Nào phụ huynh, xe ôm, hàng rong, hàng trà đá, thanh niên tình nguyện… và những Phật tử đang hối hả chuẩn bị những suất cơm chay miễn phí cho các sĩ tử.

Luôn tay buộc những hộp sữa đậu vào những hộp cơm, Phật tử Chu Hải Yến, hiện đang là sinh viên Đại học Thăng Long, chia sẻ: "Ba năm trước mình cũng đi thi. Năm ngoái cũng đưa đứa em đi thi. Nên mình rất hiểu những khó khăn trong việc hậu cần của phụ huynh cũng như những áp lực mà thí sinh phải chịu đựng. Hi vọng những suất cơm chay này sẽ tiếp thêm sức mạnh cả thể chất lẫn tinh thần cho các em".

Yến cũng cho hay, năm nay Thiền viện phát cơm làm hai đợt theo hai đợt thi: đợt 1, phát 1.500 suất cơm tại 8 điểm; đợt 2 phát 2.000 suất tại 10 điểm thi. Các suất cơm trước khi đem tới các địa điểm thi đều đã được đem đi kiểm tra lấy mẫu và cấp chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy các món chay được chế biến từ bột mì, đậu phụ, rau xanh,…nhưng bữa ăn rất đa dạng (gồm: rau xào, đậu, giò, chả, nem, cơm trắng, sữa đậu nành…) và đầy đủ chất dinh dưỡng.

10 giờ, những thí sinh đầu tiên bắt đầu ra khỏi phòng thi. Những suất cơm nghĩa tình lần lượt được các nhà sư, Phật tử trao tận tay các sĩ tử. Phần quà từ cửa Phật nhỏ song cũng đủ là tươi lại những gương mệt rũ vì 180 phút làm bài môn văn.

"Em rất bất ngờ và vui trước suất cơm chay miễn phí này. Chưa bao giờ ăn cơm chay nhưng em sẽ ăn vì đây là lộc nhà chùa mà. Em nghĩ ăn cơm chay sẽ giúp mình thanh thản và bình tĩnh hơn để chiều làm bài tốt môn sử"- Nguyễn Văn Thắng, thí sinh dự thi Đại học Công Đoàn chia sẻ.

Cảm nghĩ của Thắng cũng là mục đích "gieo duyên" của Thiền viện. Đại đức Thích Tâm Thuần cho biết, các sĩ tử có thể tuy chưa hiểu gì về Phật pháp song cũng sẽ có những ấn tượng tốt về đạo Phật, đặc biệt là về những Phật tử luôn gắn liền với đời sống để chia sẻ những khó khăn của mọi người. Những sĩ tử sau khi học xong Đại học, họ sẽ ra ngoài đời, và họ sẽ cảm nhận được giá trị Phật pháp, để rồi “hành thiện”.

Sau chưa đầy 20 phút kể từ lúc chính thức hết giờ làm bài thi, toàn bộ 800 suất cơm chay tại địa điểm thi Đại học Công đoàn đã tới tay các sĩ tử và người nhà. Có người ngồi gốc cây, người ngồi quán trà đá, tất cả cùng vui vẻ ăn cơm chay và vững tin môn thi buổi chiều sẽ làm bài tốt vì có sự trợ duyên của Tam Bảo.

http://thethaovanhoa.vn/132N20120710075110520T132/com-chay-am-long-sy-tu.htm

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Ích Quốc Lợi Dân: Cơm chay cho người nghèo


Since 2001, the 33-year-old humanitarian Nguyễn Tiến Danh has been providing free vegetarian meals to low-income patients, college students, children, and laborers in some parts of Việt Nam. He has the full support of his wife, whose salary is used to feed the family while his own salary is dedicated to volunteer efforts. Danh believes that vegetarianism ias a way to expand love and enhance health for all.

Cơm chay cho người nghèo
Lưu Trinh

TP - Hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Tiến Danh, SN 1979, khu phố 6, thị trấn Nhà Bè (TP HCM) đã đồng hành cùng hàng ngàn bệnh nhân, sinh viên và người lao động nghèo bằng các suất cơm chay miễn phí.

Nếm trải cuộc sống chật vật của một sinh viên xa nhà, từng phải vào chùa đđộ nhật, Tiến Danh thường trăn trở làm sao để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Năm 2001, Danh cùng nhóm bạn thành lập Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng và đưa ra sáng kiến nấu cơm chay miễn phí cho sinh viên và bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện vào ngày rằm và mồng một hằng tháng.

“Theo quan điểm của Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng can lành và mở rộng tình yêu thương bao la với mọi loài. Ngoài ra, khoa học cũng chứng minh rằng, nhờ ăn chay mà con người khỏe mạnh, nhiều chứng bệnh nan y được thuyên giảm. Ý tưởng nấu cơm chay của mình cũng mong muốn mang đến những điều tốt đẹp đó cho người nghèo”, Tiến Danh lý giải.

Ban đầu, dự án của Danh gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực. Anh xin nấu tại chùa, tự tay đi chợ lựa chọn thực phẩm và mày mò học công thức nấu cơm chay.

Ngày càng nhiều người tìm đến cơm chay của anh, không chỉ sinh viên, bệnh nhân nghèo mà còn có cả những người lang thang, ăn xin, xe ôm, người bán hàng rong cũng tìm đến.

Không kham hết việc, anh mang cơm chay về nhà riêng nấu để tận dụng không gian cũng như sự giúp đỡ của gia đình.

Từ chỗ nấu mỗi tháng 4 buổi, sau lên 10 buổi, giờ, ngày nào cũng nấu 300 – 400 suất, riêng chủ nhật lên tới 1.000 suất. Giúp sức với anh, có thêm 30 tình nguyện viên vừa phụ giúp nấu nướng, vận chuyển phát cơm đến tận tay người nghèo.

Anh tính toán, hiện mỗi suất cơm có giá 10.000-20.000 đồng, kinh phí mỗi tháng tính ra cũng lên tới cả trăm triệu đồng.

Để có tiền duy trì các bữa cơm chay, anh dốc hết tiền lương hằng tháng của mình, kêu gọi sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình, bạn bè, cũng như đồng nghiệp, trong đó có nhiều mạnh thường quân gắn bó lâu năm với anh.

“Nhiều người bảo mình là thằng mặt chai, dở hơi, gặp ai cũng kêu gọi ủng hộ, suốt ngày chỉ lông nhông ngoài đường lo cho người dưng. Nhưng có đi nhiều mới biết, cuộc sống còn nhiều mảnh đời cần được sẻ chia”.

Anh kể, nhiều hôm trời mưa như trút nước nhưng hàng trăm người bệnh, người già yếu vẫn đội mưa xếp từng hàng dài. Cầm được suất cơm trên tay, nhiều người bị ướt sũng, cơm cũng đẫm nước mưa.

“Nhìn thấy những cảnh đó, tôi và các tình nguyện viên khác không thể cầm lòng. Có cụ già 80 tuổi, hơn 3 năm nay gắn bó thường xuyên với quán cơm chay của tôi. Hồi đầu, mỗi lần nhận cơm cụ đều cúi mặt. Hỏi ra mới biết, cụ không có con cái, hoàn cảnh quá khó khăn nên phải ăn nhờ thế này, cụ thấy xấu hổ”, anh kể.

Đầu năm 2012, anh mang dự án cơm chay ra Hà Nội để giúp đỡ sinh viên nghèo và bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo ở các bệnh viện.

Do kinh phí còn hạn hẹp, nên cơm chay ở Hà Nội chỉ nấu vào ngày rằm và mồng một hằng tháng. Các tình nguyện viên ở đây ngoài việc kêu gọi sự ủng hộ của mạnh thường quân còn tổ chức thu gom ve chai để gây quỹ.

Việc làm của anh được hậu thuẫn đặc biệt từ vợ - từng là thủ lĩnh thanh niên của một trường ĐH, đam mê công việc tình nguyện. Hồi cưới vợ, anh đưa ra thỏa thuận, vợ nuôi cả gia đình còn lương của anh dành để làm tình nguyện.

“Tưởng vợ sốc, ai dè cô ấy vui vẻ đồng ý. Giờ ai muốn vay tôi 1.000 đồng cũng khó, bởi cứ đến ngày nhận lương tôi chuyển thẳng vào tài khoản của hội để lo các bữa cơm chay”, anh Danh nói.

Khó khăn nhất với anh là thời gian. Thời gian nghỉ trưa ở cơ quan và hai ngày nghỉ cuối tuần đều dành cho cơm chay và các hoạt động tình nguyện khác. Con trai anh được đi theo bố mẹ làm từ thiện từ năm 3 tuổi, giờ bé 7 tuổi đã trở thành một trong những tình nguyện viên tích cực của bố mẹ.

Ngoài việc nấu cơm chay, anh Danh cùng hội Chung tay vì cộng đồng tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện khác. Hiện hội đã xây dựng được ngân hàng máu sống tại TPHCM, trong đó anh Danh là một trong những thành viên tích cực với 35 lần hiến máu.

Trong hai ngày 23, 24-6 tới, hội có chuyến tình nguyện về An Khê (Gia Lai) và Quy Nhơn tặng 500 suất quà cho người nghèo và nấu 400 suất cơm chay miễn phí cho bệnh nhân tâm thần.

http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/581925/Com-chay-cho-nguoi-ngheo-tpp.html

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Ích Quốc Lợi Dân: Phan Thiết có quán cơm chay miễn phí - Complimentary veggie meals in Phan Thiết

Bonsai Café located on 51 Võ Thị Sáu Street in Phan Thiết, central Việt Nam is offering free vegetarian meals every Sunday.

Phan Thiết có quán cơm chay miễn phí
An Nhiên

[Báo Bình Thuận] - Mới hơn 7h sáng, nhưng khuôn viên quán cà phê Bonsai (51 Võ Thị Sáu – Phan Thiết) đã tấp nập kẻ đến người đi. Không phải khách đến uống cà phê như thường lệ mà khách đến thưởng thức các món chay…

Chúng tôi có mặt tại quán cà phê Bonsai vào sáng sớm, thật ngạc nhiên khi nhìn thấy bên trong quán đủ mọi thành phần, già trẻ, lớn bé ngồi quây quần bên những chiếc bàn gỗ, được trang trí bởi những chậu bonsai uốn lượn, xanh mướt. Trên mỗi bàn là hộp khăn giấy, chai tương, lọ tăm được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Hỏi thăm mọi người mới hay gần một tháng nay, vào mỗi chủ nhật hàng tuần (từ 7 – 9h sáng và 11 – 14h chiều) tại địa chỉ này sẽ cung cấp cơm chay miễn phí cho các thực khách xa gần. Tất cả chi phí của buổi cơm chay đều do Hội từ thiện chùa Phật Quang đảm đương, lo liệu. Các thành viên của quán, từ những người trực tiếp chế biến món ăn đến đội ngũ phục vụ đều là những Phật tử của chùa, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cùng nhau san sẻ công việc, giúp ích cho đời. Chủ quán cà phê cũng là một Phật tử hết lòng vì mọi người, chị đã tự nguyện lấy không gian của quán để tổ chức nấu nướng và phục vụ cơm chay cho mọi người.

Bước vào quán, khách có thể tự tìm cho mình một góc yên tĩnh trong vườn bonsai để thưởng thức món chay và nghe các thầy thuyết giảng qua tivi thì không còn gì bằng. Chỉ cần bước vào quán, “nhân viên” của quán sẽ phục vụ khách hàng rất tận tình, lịch sự ngay từ khâu gửi xe. Trung bình mỗi ngày chủ nhật, quán phục vụ gần 1.000 suất ăn cho mọi người. Dù là một địa chỉ ăn uống, nhưng khách hàng chưa bao giờ chứng kiến cảnh xô bồ, ồn ào. Dường như hiểu được sự nhiệt tình, chu đáo của những người trong quán, nên khách đến quán ăn chay cũng rất ý tứ giữ gìn trật tự, vệ sinh hơn so với các quán ăn thông thường. Có lẽ đó là đặc điểm riêng mà chỉ có ở quán cơm chay bonsai này có được. Cho nên, khách đến ăn chay đủ mọi thành phần, từ các cô cậu bé học mẫu giáo được mẹ dắt tay đến cho đến các cụ già tóc bạc trắng. Không chỉ riêng những người có hoàn cảnh khó khăn mới tìm đến quán, mà cả những người khấm khá cũng ưa đến quán, trước để ăn chay, sau là để được hòa mình trong không gian Phật pháp nơi đây. Hòa thượng Thích Huệ Tánh, Trụ trì chùa Phật Quang cho biết, thông điệp mà Hội từ thiện của chùa muốn gửi đến cho mọi người, thông qua quán cơm chay miễn phí là mong muốn bà con Phật tử phát tâm ăn chay, hạn chế giết hại động vật, giúp mọi người hướng thiện, mở rộng lòng thương yêu nhân loại, vạn vật.

Không chỉ tổ chức buổi cơm chay hàng tuần, Hội từ thiện của chùa còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: mổ mắt miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, cùng đón Tết Trung thu, Tết Nguyên đán với người già neo đơn, trẻ em mồ côi; xây dựng nhà tình thương; giúp trẻ em nghèo đến trường; tổ chức đi thăm tặng quà, khám chữa bệnh cho người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, các viện dưỡng lão, trại khuyết tật. Vì thế, để công tác từ thiện xã hội luôn được duy trì thường xuyên, Hội từ thiện chùa Phật Quang rất cần sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm…

http://www.baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?news_id=46070#content

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Ích Quốc Lợi Dân: Cụ ông mù 30 năm làm từ thiện - Út Hợp, charitable blind gentleman

Mr. Thái Văn Hợp, 69, though sightless from a wartime injury, has been quietly helping the poor and unfortunate in Việt Nam for more than 30 years. He initiated a soup kitchen program for destitute patients in Sóc Trăng, providing complimentary vegetarian meals three times a day.

Cụ ông mù 30 năm làm từ thiện
Bài & ảnh: Thiên Phước

Mất đôi mắt trong chiến tranh, nhưng hơn 30 năm qua ông Út Hợp vẫn lặn lội đi khắp nơi để làm từ thiện. Nghe nơi đâu có mảnh đời bất hạnh là vài ngày sau ông xuất hiện để giúp đỡ.

Căn hộ nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, TP Sóc Trăng ít khi có ông chủ ở nhà bởi cụ Thái Văn Hợp (Út Hợp, 69 tuổi) thường xuyên đón xe ôm rong ruổi khắp nơi để làm việc thiện. Có hôm vợ con kiên nhẫn chờ cơm đến khuya mới thấy xe ôm đưa ông đến cổng, gương mặt ông ánh niềm vui vì vừa giúp cho một học sinh nghèo vượt khó ở huyện vùng sâu suất học bổng để tiếp tục đi học.

Ông Út Hợp bị bom đạn cướp đi đôi mắt tại chiến trường miền Trung khi mới 28 tuổi. Xuất ngũ, ông về lại Sóc Trăng với người vợ hiền. Thiếu ánh sáng nhưng còn đôi chân khỏe, thế là 2 năm sau giải phóng, ông đi châm cứu từ thiện khắp các tỉnh miền Tây rồi lên Đông Nam bộ, ròng rã suốt 17 năm trời. Ở đâu có ông là có hàng trăm người nhận phiếu châm cứu miễn phí mỗi ngày.

Trước khi “giải nghệ”, Út Hợp được một nhà sư ở Sóc Trăng mời tham gia hướng dẫn cho học viên lớp châm cứu, bốc thuốc nam được tổ chức tại chùa nên sau đó ông có được một đội ngũ kế thừa việc châm cứu từ thiện.

Vài năm sau, biết nhiều địa phương người dân rất thiếu nước sạch nên ông liền khăn gói lên Sài Gòn tìm bạn bè làm ăn khá giả vận động chi phí khoan giếng bơm tay cho hàng trăm hộ dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Thời gian này, những lúc rảnh tay ông vò bột nghệ thành viên để cho những bệnh nhân bị đau bao tử mà không có tiền mua thuốc uống.

Có lần nghe bạn kể nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng không có tiền mua cơm, cháo, ông bèn liên hệ với bạn bè đến bệnh viện đặt vấn đề nấu cháo từ thiện phát miễn phí. Nhờ vậy mà bếp ăn từ thiện tại bệnh viện này ra đời, phát triển tốt đến nay với khoảng 300 phần cháo vào mỗi buổi sáng.

Buổi trưa và chiều cũng có hàng trăm phần cơm được phát miễn phí, có đủ thức ăn chay. Từ mô hình này, một số bệnh viện tuyến huyện ở Sóc Trăng cũng hình thành bếp ăn từ thiện cung cấp cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Biết ông tận tâm nên bạn bè, anh em ở Mỹ, TPHCM… cũng gửi tiền về để Út Hợp chia sẻ với người nghèo. Vì vậy, rất nhiều học sinh tật nguyền, hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học đã được người đàn ông mù đón xe ôm đến tận nhà trao học bổng.

Mới đây, có đoàn làm phim muốn ghi hình về cuộc đời của “những người tử tế” nhưng ông từ chối bởi không muốn ồn ào. Ông bảo chỉ muốn thầm lặng làm việc nghĩa. Và sáng hôm sau ông một mình đón xe từ Sóc Trăng lên TPHCM để tìm đến nhà một gia đình nghèo ở quận 9.

“Tôi mới nghe radio kể về một cô bé nhà nghèo ham học. Cha liệt nằm một chỗ, em trai bại não nên mẹ phải ở nhà chăm sóc hai người. Không có tiền, bà ấy nhận giữ mấy đứa trẻ trong xóm để tằn tiện lo thang thuốc cho chồng, con. Đứa con gái tên Thanh đang học lớp 12 mà có hôm nhịn đói đến lớp nên tôi phải tìm để trao học bổng, hỗ trợ tiền hàng tháng cho em này có điều kiện ăn học”, ông chia sẻ.

Trò chuyện cùng VnExpress.net, bà Lý Thị Thum ở Bắc Tà Ky, phường 4, TP Sóc Trăng cho biết cứ vài tháng là thấy cụ Hợp xuất hiện với vài người phụ việc để trao quà hoặc quần áo xin được từ TPHCM mang về Sóc Trăng chở đi cho người nghèo.

“Tôi quý cụ Hợp ở chỗ là không phải như những người khác cứ đổ quần áo ra một đống bên đường rồi ai lựa thì lựa theo kiểu ‘bố thí’. Cách làm của cụ Hợp là khi xe chở quần áo đến, người nào hỏi xin và xin bao nhiêu bộ thì cụ kêu người giúp việc chọn áo quần vừa theo kích cỡ người cần mặc, đúng số lượng, đúng giới tính nên mang về là mặc được ngay, không bỏ tùm lum phí phạm”, bà Thum tâm đắc kể.

Nói về bếp ăn từ thiện trong Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng do cụ Hợp khởi xướng, bác sĩ Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết 7 năm trước khi ông nhận công tác ở bệnh viện đã thấy có bếp ăn từ thiện do ông Hợp với các cộng sự phát cháo cho bệnh nhân nghèo vào mỗi buổi sáng. Hiện nay ông Hợp không trực tiếp tham gia mà giao lại cho người khác đồng thời phát triển thêm hai buổi cơm chay vào trưa và chiều.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/cau-chuyen-cuoc-song/2012/03/cu-ong-mu-30-nam-lam-tu-thien/

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Ích Quốc Lợi Dân: Gia đình Hoa tình thương

Mrs. Trần Thị Thanh Thủy is the founder of a charity group named Hoa Tình Thương (Love Flower) Family. She often stays up late to make candied fruits and vegetarian food to fund raise. Nowadays, the number of participating volunteers has risen to almost 70. The group's activities include providing rice to the elderly, scholarships for poor students, and relief items for people afflicted by floods.

Cho đời mãi thêm tươi
Bài, ảnh: Thiên Hương

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi…”. Đồng cảm với người nhạc sĩ giàu lòng nhân ái này, hơn hai mươi năm nay, ở xã Tiên Thủy (Châu Thành) có một người phụ nữ đã tình nguyện là ngọn gió chở những bông hoa tình thương đến khắp muôn nơi, giúp đỡ để những mảnh đời bất hạnh có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đó là chị Trần Thị Thanh Thủy - một trong những người sáng lập và là người điều hành hoạt động của nhóm từ thiện xã hội Hoa tình thương.

Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ trung niên có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu. Đã quá giờ nghỉ trưa mà chị vẫn còn miệt mài bên bếp lửa. Lau vội giọt mồ hôi trên trán, chị phân trần “Ráng làm cho kịp mẻ mứt dừa để giao cho khách”. Thì ra để có thêm kinh phí cho việc từ thiện, chị đã không quản khó nhọc để sản xuất và bán các loại bánh, mứt, đồ chay… Nhìn đôi bàn tay đã phần nhiều bị “tàn phá” vì ngâm, rửa các thứ trái cây mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Anh Huỳnh Như Ý - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS tỉnh (chồng chị) chia sẻ, có hôm thấy chị thức tới tận gần 1 giờ sáng để làm mắm lóc chay, sợ chị bệnh anh nhắc, được hai hôm là... đâu lại vào đấy. Riết rồi anh Như Ý chẳng những không la mà còn tham gia và là “cánh tay đắc lực” trong công tác từ thiện xã hội. Chị tâm sự: “Xuất thân trong một gia đình nghèo, thấu hiểu được cái khổ, cái nghèo, tôi nguyện với lòng, khi có cơ hội sẽ góp chút sức lực ở đời để giúp đỡ mọi người”. Chắt chiu từng đồng tiền lời, hễ nghe, hễ biết ở đâu có người già neo đơn không ai chăm sóc hay học sinh nghèo hiếu học là chị lập tức đến tận nơi, trao tặng tiền, hiện vật cho họ. Cứ thế, hơn hai mươi năm nay, chị đã giúp đỡ được không biết bao nhiêu hoàn cảnh.

Ngoài chồng và hai con, chị còn “lôi kéo” được các chị ruột đang sinh sống làm việc tại nhiều nơi tham gia vào công tác từ thiện xã hội của mình. Năm 2006, 11 chị em gái của chị đã cùng nhau sáng lập ra nhóm Gia đình Hoa tình thương với tôn chỉ, mục đích hoạt động là giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh... Trong đó, chị là người đại diện cho cả nhóm để trao hương “hoa tình thương”. Sở dĩ lấy tên nhóm là Gia đình Hoa tình thương, theo chị Thủy, vì hoa thơm sẽ lan tỏa - đem tình thương đến khắp muôn nơi, làm đẹp cho đời. Mỗi thành viên là một bông hoa bằng những hành động thiện nguyện của mình để làm đẹp cho người, cho đời. Đến nay, số lượng thành viên của nhóm đã lên đến con số gần 70, gồm anh, chị, con cháu, dâu rể... trong đại gia đình. Ngoài ra, nhóm còn được sự “hiệp sức, đồng tâm” của nhiều mạnh thường quân, tổ chức từ thiện khác như nhóm Mai vàng, câu lạc bộ Doanh nghiệp nữ TPHCM, chị Ngô Thị Nhiên, chị Huỳnh Thị Hoanh... Nhóm đang nhận trợ cấp gạo cho 55 người già neo đơn khó khăn; cấp học bổng cho hơn 80 học sinh, sinh viên nghèo hiếu học với mức từ 500 ngàn đến 1,2 triệu đồng; phối hợp với nhiều đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách; tặng nhà tình thương; cứu trợ đồng bào lũ lụt… Phạm vi giúp đỡ của nhóm không chỉ trong tỉnh mà đã lan rộng sang các tỉnh bạn như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Quảng Trị, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nội… Tổng kinh phí thực hiện hàng năm của nhóm lên đến hàng tỷ đồng.

Ở Bến Tre, Mỏ Cày Bắc là một trong những địa phương thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác từ thiện xã hội của Gia đình Hoa tình thương. Nhóm nhận nuôi dưỡng 20 người già, 56 học sinh nghèo, xây dựng 5 căn nhà tình thương, xây cống chứa nước cho người nghèo… Ông Nguyễn Văn Bàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, huyện có được sự giúp đỡ nhiều như thế cũng là nhờ vai trò sứ giả cầu nối của chị Thanh Thủy.

Nhằm tạo nguồn quỹ cho các hoạt động xã hội của nhóm, bên cạnh việc làm mứt và đồ ăn chay để bán, năm 2011, chị Thanh Thủy mạnh dạn mở cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai Tiên Thủy (tại ấp Tiên Đông Vàm, xã Tiên Thủy). Cơ sở đã góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 10 công nhân ở địa phương. Một điều thú vị là tri ân tấm lòng thiện nguyện của chị cũng như nhóm Gia đình Hoa tình thương, nhiều cán bộ, công nhân viên ở huyện Mỏ Cày Bắc đã tranh thủ những ngày cuối tuần rảnh rỗi để tham gia phân phối sản phẩm cho cơ sở.

Là người tâm huyết, tích cực với công tác từ thiện xã hội, chị Thanh Thủy luôn tâm niệm giúp được cho người, cho đời là nhiệm vụ không của riêng ai. Chính vì thấu hiểu được tâm từ thiện của nhóm Gia đình Hoa tình thương mà ngày càng có nhiều người tham gia vào nhóm, để cho đời mãi thêm tươi.

http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=24595

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Ích Quốc Lợi Dân: Chú tiểu Chân Tâm - Young Vietnamese monk Chân Tâm

Young Buddhist monk, Thích Chân Tâm, is 5 years old. His master is the Venerable Thích Chân Giác.  They are vegetarian.

Phỏng vấn ĐĐ. Thích Chân Giác: Pháp ứng biến duyên
Hiền Huy Hòa Hiệp (thực hiện)

Hiền Huy Hòa Hiệp: Kính bạch Thầy, xin Thầy giới thiệu đôi nét về bản thân Thầy?

Đại Đức Thích Chân Giác: Thầy sinh năm: 1980.
- Xuất gia: Ngày 17/07 AL (Nhằm 1998).
- Thọ giới Tỳ kheo: 2003.
- Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Phật Học TP.HCM: 2008.
- Pháp tu: Tịnh Độ.
- Nơi chuyên tu: Tịnh Thất Chân Tâm. (Hiện đang sửa chữa để xin giấy phép)

Hiền Huy Hòa Hiệp: Nhân duyên nào Thầy đã gặp được chú tiểu Chân Tâm?

Đại Đức Thích Chân Giác: Nhân duyên gặp chú Chân Tâm là khi bà cố chú qua đời. Lúc này, thầy đã đến phụ giúp tang lễ cùng gia đình. Từ đây, thầy trò đã gặp nhau.

Hiền Huy Hòa Hiệp: Chú Tiểu Chân Tâm có 11 điều kỳ lạ rất khác biệt so với những trẻ sơ sinh chào đời, xin Thầy vui lòng nói chi tiết về những điều kỳ lạ đó cho chúng con được biết rõ.

Đại Đức Thích Chân Giác:
Mười một điều kỳ lạ của chú Chân Tâm:

01. Trong suốt thời gian nằm trong bụng mẹ, chú Chân Tâm đã khiến cho mẹ mình thích ăn chay, thích đến chùa làm công quả, tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp.
02. Hơn 8 tháng đã sanh ra đời.
03. Khi bác sĩ mổ ra, đã thấy bé mở mắt và tay bắt ấn tam muội.
04. Người nữ đụng vào là khóc.
05. Không thích uống sữa mẹ.
06. Thích ăn chay.
07. Thích cạo đầu.
08. Thích mặc đồ tu.
09. Khi ngủ hay nằm nghiêng bên phải.
10. Khi ai cho thức ăn, thức uống gì, chú đều hỏi đó là chay hay mặn?
11. Thích nghe nhạc niệm Phật và thích đọc thần chú.

Hiền Huy Hòa Hiệp:
Thầy có thấy rằng mình là người may mắn có được một vị đệ tử như vậy không? Cảm xúc và nhận xét cá nhân Thầy về chú tiểu ra sao? 

Đại Đức Thích Chân Giác: Thầy rất hạnh phúc và may mắn có được một vị đệ tử như chú Chân Tâm. Chú Chân Tâm rất ngoan hiền, dễ thương, dễ nuôi, dễ dạy, thích yên tĩnh một mình, không thích nô đùa, vui chơi như bao đứa trẻ khác, mà chỉ ưa thích gõ mõ tụng kinh, học giáo lý, và học chữ. Đặc biệt, chú Chân Tâm rất thông minh, nghe đến đâu nhớ đến đó, học đến đâu thuộc đến đó. Những câu kinh, bài kệ, và thần chú chỉ nghe qua, học qua hai ba lần là thuộc. Với những đức tính hết sức hoàn hảo của chú Chân Tâm, nên thầy rất quý mến và yêu thương chú. Thầy dành hết thời gian của mình chăm sóc, dạy bảo cho chú, vì thầy biết đây là chủng tử của Phật giáo.

Hiền Huy Hòa Hiệp: Chú Tiểu Chân Tâm học thuộc kinh rất nhanh, thuộc thần chú rất mau. Chú tụng kinh, gõ mõ rất bài bản. Thầy có mất nhiều thời gian để dạy chú không?

Đại Đức Thích Chân Giác: Chú Tiểu Chân Tâm học thuộc kinh rất nhanh, thuộc thần chú rất mau. Chú tụng kinh, gõ mõ rất bài bản. Những năng khiếu này chú đã sẵn có từ bao giờ, nên khi thầy chỉ sơ cho chú là chú nắm bắt ngay, thầy không phải mất thời gian nhiều về vấn đề này.

Hiền Huy Hòa Hiệp:
Hiện nay, vấn đề tu học của chú tiểu Chân Tâm đang ở thời điểm nào? Định hướng của Thầy đặt ra cho chú tiểu là gì? 

Đại Đức Thích Chân Giác: Chú Chân Tâm mới có 5 tuổi, chú đã đánh vần và đọc được chữ. Thầy sẽ cho chú ăn học đến nơi đến chốn, từ trường thế học cho đến trường Phật học. Khả năng của chú đến đâu, thầy sẽ lo đến đó. Thầy chỉ có chú Chân Tâm là vị đệ tử duy nhất. Nên việc dạy bảo, chăm sóc cho chú rất chặt chẽ và sát sao. Mong muốn duy nhất của thầy, sau này Chân Tâm sẽ thay thầy Hoằng truyền Chánh Pháp lợi lạc quần sanh.

Hiền Huy Hòa Hiệp: Trong bài hát "Hóa Thân Mẹ" có một câu rất hay, đó là “ Mẹ mong con được bình thường ”, Thầy có chia sẻ và nhắn nhủ gì với tất cả các bậc làm cha mẹ khi nhà chỉ có mỗi con trai nhưng lại muốn đi tu?

Đại Đức Thích Chân Giác: Nếu những bậc cha mẹ có con muốn đi tu, dù chỉ một đứa duy nhất, chúng ta hãy hoan hỷ, động viên và tạo thuận duyên, không nên ngăn cản bước chân của con mình. Bởi vì, đi tu là con đường đạo đức tốt đẹp, hướng đến “Chân - Thiện - Mỹ”, mà tất cả các bậc Thánh, ai ai cũng đều tán thán và gia hộ. Vả lại, môi trường chùa chiền là nơi đạo đức, trang nghiêm, thanh tịnh, hướng dẫn con người tu nhân tích đức, bỏ ác làm lành, sống một đời sống thanh khiết, thánh thiện. Cho nên, những gia đình có con đi tu là gia đình đại phúc. Nếu chúng ta tạo thuận duyên cho con mình đi tu, sau này con mình tu đắc đạo không chỉ gia đình được lợi lạc mà tất cả muôn loài chúng sinh cũng được an vui và hạnh phúc. Làm được như vậy, thì phước đức của chúng ta vô lượng, vô biên. Nhất là xã hội bấy giờ, đời sống vật chất quá dồi dào, văn hóa đồi trụy xâm nhập quá nhiều. Tệ nạn xì ke, ma túy, cướp bóc, tranh giành tràn lan khắp nơi, điều ác lấn chiếm điều thiện. Liệu chúng ta có đứa con sống trong môi trường xã hội như thế này, chúng ta có yên tâm không? Chúng tôi xin thưa: Không bao giờ yên tâm. Cho nên, những ai có con đi tu là điều vinh hạnh và may mắn rất lớn cho gia đình. Không phải ai cũng được như vậy! Nếu chúng ta có được diễm phúc này, thì phải biết trân quý và chăm sóc.

Thầy còn nhớ, cha mẹ chú Chân Tâm có lần kể với Thầy câu chuyện lúc chú mới hơn hai tuổi. Mẹ chú trêu chú rằng nếu chú đi tu, mẹ sẽ sinh em bé khác. Chú Chân Tâm lúc đó liền nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Mẹ đừng sinh em bé nữa. Làm người khổ lắm. Chỉ những ai đi tu như con mới sướng thôi! Con đi tu vẫn có hiếu với ba mẹ được mà! Sau này ba mẹ già đến chùa ở với con để tu luôn nha!”.

Cha mẹ chú lúc ấy rất bất ngờ. Cha chú hỏi: “Sao con nói như vậy? Ai dạy con vậy hả?” Chú Chân Tâm trả lời: “Là Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy con đó! Đêm qua con ngủ nằm mơ, con thấy Tổ dạy con như vậy!”

Cha mẹ chú hết bị bất ngờ này tới bất ngờ khác. Vì từ trước đến giờ họ chưa bao giờ nói cho Chân Tâm biết, Tổ Bồ Đề Đạt Ma là ai… Vì muốn kiểm chứng lời Chân Tâm, hôm sau cha mẹ dẫn chú tới chùa và bảo Chân Tâm chỉ cho họ xem Tôn tượng Tổ ở đâu?

Thế là chú dẫn cha mẹ mình đến ngay trước bàn thờ Tổ, rồi reo lên: “Tổ Bồ Đề Đạt Ma đây nè! Con nằm mơ thấy Tổ nói với con như vậy đó!” Cha mẹ chú lúc đó mới thật sự tin con mình, và họ nửa mừng nửa lo vì những sự kiện kỳ lạ quanh đứa con thơ dại, bé nhỏ.

Và bây giờ chú Chân Tâm thật sự đã đi tu, xuất gia hành đạo. Mẹ chú vì cảm lời nói năm xưa của đứa con thơ, nên đã viết như thế này:

“Mẹ ơi!
Mẹ đừng khóc và đừng sầu mẹ nhé…
Con vẫn là con của mẹ đấy thôi
Dù tóc xanh con gởi lại mẹ rồi
Nhưng tim vẫn mang theo hình bóng Mẹ!”

Một lần nữa, chúng tôi xin khuyên: “Nếu những ai có con muốn đi tu, dù chỉ một đứa duy nhất, phải hết lòng động viên và tạo thuận duyên cho con mình thực hiện được lý tưởng”. Có như vậy, bậc làm cha làm mẹ mới gọi là người hiểu biết và thương con thật sự.

Hiền Huy Hòa Hiệp: Con được biết, Thầy sắp ra DVD ca nhạc Phật giáo viết về Hồng danh chư Phật! Thưa Thầy, vậy khi nào DVD sẽ hoàn thành? Thời gian thực hiện là bao lâu?

Đại Đức Thích Chân Giác:
Đúng vậy. Thầy đang thực hiện DVD ca nhạc Phật giáo viết về Hồng danh của chư Phật, chư đại Bồ tát, chư Hộ pháp, cũng như ca ngợi tấm lòng từ bi và công hạnh vĩ đại của các Ngài dành cho muôn loài chúng sanh. Thầy dự định DVD này sẽ hoàn thành trong cuối năm nay ( 2011 ).

Hiền Huy Hòa Hiệp: Chúng con xin gởi lời tri ân đến Thầy, đã dành chút ít thời gian quý báu để trả lời bài phỏng vấn này. Kính chúc Thầy sức khỏe - an lạc - hạnh phúc.

Đại Đức Thích Chân Giác: Nam mô A Di Đà Phật! Thầy cũng xin chân thành cảm ơn Hiền Huy Hòa Hiệp đã dành thời gian giúp Thầy chia sẻ về chương trình đầu tay của Tịnh Thất Chân Tâm. Thầy chúc Hiền Huy Hòa Hiệp luôn an lạc - hạnh phúc và thành công trong mọi lĩnh vực.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát!



http://www.daophatngaynay.com/vn/mobile/phatgiao-vn/con-nguoi-vn/9393-Phong-van-nhanh-DD-Thich-Chan-Giac-Phap-ung-bien-duyen.html