Blogger templates

Hiển thị các bài đăng có nhãn Giúp Nhau Khi Cần. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giúp Nhau Khi Cần. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Giúp Nhau Khi Cần: Bữa cơm từ thiện ở một cơ sở Đông y

Hưng An Temple's free Oriental medicine clinic in Ba Tri, Vietnam offers complimentary vegetarian meals daily to its patients and volunteer staff. Every Sunday, the temple also provides about 150 free vegetarian meals to Ba Tri General Hospital.

Bữa cơm từ thiện ở một cơ sở Đông y
Bài, ảnh: Đức Chính

Mỗi ngày, Phòng Chẩn trị từ thiện của chùa Hưng An (thị trấn Ba Tri) khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho hàng chục người, đa số là người nghèo mắc phải các chứng bệnh nan y như: viêm khớp, di chứng do tai biến, đau nhức cột sống… Nơi đây cũng là điểm tựa, giúp cho người nghèo cái ăn trong thời gian điều trị, dù chỉ là bữa cơm chay đạm bạc.

Theo những người lớn tuổi ở thị trấn Ba Tri cho biết, trước năm 1975, chùa Hưng An (Hưng An Tự) đã có phòng khám bệnh từ thiện. Năm 1985, phòng khám được đổi tên là Phòng Chẩn trị từ thiện chùa Hưng An. Sau đó, năm 1990, lương y Võ Văn Hưng được cơ quan chức năng ra quyết định công nhận là chủ cơ sở. Lương y Hưng cho biết: “Đã hơn 20 năm, cơ sở này không lấy tiền khám, chữa bệnh của bất cứ ai. Đối với những người quá khó khăn, cơ sở còn giúp cho bữa cơm từ thiện và hỗ trợ tiền đi xe”.

Theo ông Hưng, Phòng Chẩn trị được một số nhà hảo tâm giúp đỡ và đã có những người khá giả tới đây trị bệnh, sau khi khỏi bệnh họ đã đóng góp vào thùng từ thiện để cơ sở có kinh phí hoạt động. Hàng tháng, sau khi mở niêm phong thùng từ thiện (được khoảng bốn, năm triệu đồng), tiền này được sử dụng vào các khoản chi để mua các vị thuốc, trà, cơm nước cho khách.

Những bữa cơm chay từ thiện thường ngày dành cho những người tự nguyện tới đây phụ các việc: hái thuốc, xắt thuốc, phơi thuốc, có cả bệnh nhân và người đi nuôi bệnh hoặc những bệnh nhân đã khỏi bệnh trở lại thăm phòng khám. Chị Tư Non, một người làm công quả lâu năm, phụ trách nấu nướng chia sẻ: Ở thị trấn Ba Tri có rất nhiều người biết phòng khám từ thiện. Mỗi lần đi chợ, bà con đều gửi cho bầu, bí, đậu hủ, tương chao, gạo… Có nhiều người còn kêu xe chở tới nơi. Mỗi ngày, bữa ăn chay từ thiện tại đây (khoảng 20 người ăn) rất đơn sơ nhưng rất vui và không khí ấm áp như một gia đình. Những người gắn bó với chùa lâu năm như cô Dính, cô Hạnh (bốc thuốc) hoặc anh Chín Phon, chị Bé (châm cứu) hay các anh (chị):  Tư Vang, Sáu Son, Vinh, cô Hồng, chị Bảy (chặt cây thuốc)… đều rất nhiệt tình với công việc. Ở họ đều có chung một tâm niệm là “tích đức”, giúp ích cho bệnh nhân và những người gặp khó khăn.

Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội Đông y huyện Ba Tri, nhận xét: “Anh chị em Phòng Chẩn trị luôn nhiệt tình, tận tâm với bệnh nhân. Đặc biệt, bữa ăn từ thiện nơi đây đã giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Hướng tới, Hội Đông y huyện sẽ nhân rộng mô hình này đến Hội Đông y các xã”. Được biết, ngoài bữa cơm chay từ thiện hàng ngày tại chùa, vào chiều chủ nhật hàng tuần, chùa Hưng An còn có nấu cơm chay (khoảng 150 suất) đem tới Bệnh viện Đa khoa Ba Tri để làm từ thiện.

Theo ông Lữ Văn Đái - Trưởng Ban y tế phước thiện của chùa, hội viên Hội Đông y thị trấn Ba Tri, công việc này được nhà chùa thực hiện từ tháng 9-2012 cho đến nay, kinh phí đều do các nhà hảo tâm hỗ trợ.

http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=31653

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Giúp Nhau Khi Cần: Bạc Liêu - Ấm lòng quán cơm chay cho người nghèo


Ấm lòng quán cơm chay 2.000 đồng cho người nghèo
Bài & ảnh: Huỳnh Hải

(Dân trí) - Ngay trung tâm TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) một quán cơm chay 2.000 đồng "mọc" lên đã giúp cho nhiều người nghèo bán vé số, lượm ve chai... bớt đi một phần gánh nặng lo toan "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày.

Chúng tôi tìm đến quán cơm chay Nhân Ái (số 125 Cách Mạng, phường 1, TP Bạc Liêu) trưa ngày 28/3 khi nhiều khách hàng vẫn đang hối hả đến quán để ăn cơm. Theo ghi nhận của PV [phóng viên], khuôn viên quán khá thoáng mát, sạch sẽ, giữa trưa trời nóng nực, khách vừa ăn vừa có quạt máy thổi mát rượi khiến họ cảm thấy như ăn ngon hơn.

Theo một nhân viên của quán, quán cơm chay Nhân Á  khai trương hồi ngày 9 tháng Giêng âm lịch đến nay đã hơn 2 tháng và có rất nhiều người đến ăn, có người là những khách hàng quen thuộc mỗi ngày.

Chị Yến, người phụ trách nấu ăn của quán, cho biết, quán ra đời do ý tưởng của một người kinh doanh tên Nga ở phường 3 cùng với nhiều Phật tử khác. Quán bắt đầu phục vụ bán cơm từ 10h30 trở đi và chỉ hoạt động trong buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Theo chị Yến, trung bình mỗi ngày chị nấu khoảng 5 nồi cơm (chừng hơn 40kg gạo), thức ăn được chế biến từ hàng chục kg rau củ quả các loại và những thực phẩm chay khác để bán khoảng 250 suất cho người dân.


Mỗi suất cơm gồm có cơm, đồ xào, canh và đồ mặn được đựng trong một khay và hình thức tự phục vụ là chính. Khi khách đến ăn, họ được phát một phiếu có giá 2.000 đồng, sau đó mang phiếu đến quầy cơm để nhận suất cơm rồi mang ra bàn ăn, sau khi ăn xong, khách tự mang khay ra chỗ rửa. Theo các nhân viên của quán cho biết, hình thức tự phục vụ cũng là việc khách góp phần chia sẻ thêm với những công việc của quán và ai cũng vui vẻ thực hiện.

Cũng theo chị Yến, tại đây khách có thể ăn cơm thoải mái và hết thức ăn có thể xin thêm chứ quán không lấy tiền mặc dù có nhiều người đòi trả tiền thêm. Ngoài ra, quán còn phục vụ nước uống miễn phí cho khách.

Từ khi khai trương đến nay, quán cơm chay Nhân Ái là địa chỉ quen thuộc của đa số người dân nghèo. Họ là những người bán vé số, công nhân lao động, sinh viên học sinh… ở địa phương. Chị Yến cho biết, quán phục vụ tất cả các đối tượng cho nên ngoài người nghèo, những người khá giả hơn muốn ăn chay cũng tìm đến để thưởng thức. Tuy nhiên, những người mở quán quán xác định chủ yếu là phục vụ cho những người khó khăn.

Vừa ăn cơm, vừa trò chuyện với PV Dân Trí, chị Năm (bán vé số) cho biết, chị ăn ở quán từ khi khai trương đến nay. Mỗi ngày chị và hai con mua 3 suất cơm để ăn cho đỡ tốn tiền vì tiền lời từ bán vé số chẳng được bao nhiêu nên cũng thấy nhẹ đi một chi phí.

“Hồi trước chưa có quán này, tôi với hai đứa con phải mất mấy chục ngàn một bữa ăn trưa, nay chỉ tốn 6.000 đồng, lại có nước uống miễn phí nên thấy mừng lắm. Mong quán sẽ mở được lâu dài để người nghèo như chúng tôi ấm áp hơn”, chị Năm tâm sự.

Cũng như chị Năm, một số khách hàng ăn tại quán cũng cho biết, việc có quán ăn chỉ 2.000 đồng/suất cơm thật sự là niềm phấn khởi cho những người lao động nghèo. “Dù là quán cơm chay nhưng đồ ăn cũng 2, 3 món, cơm ăn bao nhiêu cũng được nên chúng tôi thấy tiết kiệm được một khoản chi phí ăn uống rất đáng kể. Đây là sự sẻ chia rất có tình người đối với chúng tôi”, một khách hàng làm lao động phổ thông bày tỏ.

Theo nhân viên của quán cho biết, mỗi tháng các nhà tài trợ hỗ trợ chi phí cho quán khoảng 30 triệu đồng để phục vụ cho quán hoạt động từ khâu nấu ăn cho đến các chi phí sinh hoạt khác. Số tiền thu được từ bán cơm được dùng hỗ trợ cho những người phục vụ cũng là những người nghèo và góp vào mua nguyên liệu để nấu ăn.

Cũng tại tỉnh Bạc Liêu, vừa qua, 5 trụ nước sạch uống miễn phí được các ngành chức năng cho đặt tại một số tuyến đường trên địa bàn TP Bạc Liêu để phục vụ người dân. Các trụ nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Bạc Liêu hỗ trợ cho TP, mỗi trụ khoảng 10 triệu đồng.

Hiện 5 trụ nước uống đặt tại các điểm: Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, Trường Mầm non Hoa Mai, Trường Đại học Bạc Liêu - cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu và trước khách sạn Bạc Liêu. Những trụ nước uống này đã góp phần phục vụ kịp thời cho người nghèo và các em học sinh, sinh viên tại một số trường học.


Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

Giúp Nhau Khi Cần: Ấm lòng cơm chay miễn phí


A couple of soup kitchens in the Mekong Delta are serving vegetarian meals to low-income workers and children.

Ấm lòng cơm chay miễn phí
Trần Lưu

Thời gian qua, những quán cơm 2.000 đồng tại các địa phương  vùng ĐBSCL [đồng bằng sông Cửu Long] đã trở thành điểm đến thân thuộc của người lao động nghèo khó. Tại đây, người nghèo có thể no bụng với số tiền chỉ bằng 1/5 tờ vé số.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, còn có nhiều quán cơm mà ở đó không cần phải tốn tiền, người dân lao động nghèo khó vẫn có thể no bụng với những suất ăn miễn phí...

Gần 3 năm nay, trên QL30 (hướng từ TP.Cao Lãnh đi huyện Hồng Ngự, đoạn qua xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có một quán cơm chay phục vụ miễn phí cho người lao động nghèo. Quán cơm này đi vào hoạt động từ tháng 7.2009, kinh phí do các nhà hảo tâm trong vùng đóng góp với mục tiêu giúp người lao động nghèo có những bữa cơm no bụng...

Mỗi ngày - từ 6h đến 12h - quán phục vụ khoảng 50 suất cơm chay. Đối tượng thường đến quán cơm này chủ yếu là bà con lao động nghèo như: Anh phụ hồ, “bác tài” xe ôm, các cháu nhỏ bán vé số... Ông Nguyễn Thanh Be - bếp trưởng quán cơm chay - cho biết, quán cơm chủ yếu phục vụ cho người lao động nghèo ở địa phương và các xã lân cận. Các món chay cũng được thay đổi liên tục từ chiên, kho, xào... để các thực khách được ngon miệng. Các thành viên trong quán thay phiên nhau túc trực để phục vụ bữa ăn cho thực khách; người ủng hộ tiền, người góp công... giúp quán cơm duy trì hoạt động liên tục. Tính đến nay, quán cơm đã phục vụ trên 40.000 suất cơm chay miễn phí. “Tuy những suất cơm chỉ có giá trị vài ngàn đồng, nhưng phần nào chia sẻ bớt gánh nặng trong “bài toán” mưu sinh hàng ngày của người lao động nghèo; nhất là mấy cháu nhỏ bán vé số” - ông Be bộc bạch.

Mới đây, tại Đồng Tháp, một bếp cơm chay từ thiện khác cũng vừa đi vào hoạt động tại số 52 đường Thiên Hộ Dương (phường 4, TP.Cao Lãnh), phục vụ khoảng 600 suất ăn chay/ngày (vào ngày 15 và 30, âm lịch hằng tháng) cho tất cả người dân có nhu cầu. Bếp ăn được thành lập do một số nhà hảo tâm tại TP.Cao Lãnh tài trợ, dự kiến trong quá trình hoạt nếu nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ của các mạnh thường quân gần xa, bếp ăn sẽ tăng thêm số ngày/tháng phục vụ cho đông đảo mọi người.

http://laodong.com.vn/Doi-song/Am-long-com-chay-mien-phi/61579.bld

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Giúp Nhau Khi Cần: Giáng sinh tình nguyện - Christmas volunteers

Students from Foreign Trade University in Sài Gòn are volunteering this Christmas to bring love to orphans. They also collaborate with Diệu Pháp Temple to provide vegetarian meals for those in need at Children's Hospital 2. Thank you, love.

Giáng sinh tình nguyện
N. Tường - T. An

Nhiều con đường tại TPHCM đang ngập tràn không khí tất bật chuẩn bị cho Giáng sinh. Riêng với các sinh viên trong đội công tác xã hội Trường ĐH Ngoại thương TPHCM, Giáng sinh này còn là dịp đem lại niềm vui và sự ấm áp cho những em nhỏ trong các mái ấm nhà mở tại TP.

Những món quà đặc biệt

“Mấy ngày nay, tụi mình đến lớp học tình thương ở Mái ấm Vinh Sơn (Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) để “thu thập” điều ước của các em nhỏ tại đây. Sau đó, tụi mình mang về treo lên cây thông Noel đã được làm sẵn từ trước, đặt ngay sân trường. Các sinh viên sẽ xem các điều ước của các em và bạn nào giúp các bạn nhỏ thực hiện điều ước đó sẽ trao điều ước ấy cho các em nhỏ trong đêm Noel”, Văn Ngọc Duy, Đội trưởng Đội công tác xã hội của trường cho biết. Đây là một trong 4 chương trình liên tiếp mà đội công tác xã hội của trường thực hiện năm nay, nhằm mang đến cho các bạn nhỏ tại các mái ấm một mùa Noel ấm áp.

Với tuổi thơ không ấm êm như bao bạn nhỏ khác, ước mơ của những em nhỏ tại các mái ấm thật giản dị. Nhiều em chỉ dám mơ đến chiếc áo công chúa thật đẹp, bộ sách mới, chú gấu bông ngộ nghĩnh…

“Trong lần tổ chức trước đây, có một em ước ông già Noel ban cho mình một gia đình hạnh phúc. Lúc đó, chúng tôi rất trăn trở vì điều ước ấy chẳng bao giờ thực hiện được. Đêm Noel, các thành viên trong đội đã mang đến tặng cho em một ngôi nhà mô hình có cha, có mẹ và có em bé ở đó và nói với em rằng đó là ngôi nhà hạnh phúc mà em mơ ước. Những giọt nước mắt đã rơi, nước mắt hạnh phúc của bé và nước mắt xót xa của các thành viên trong đội, ai cũng thấy rằng chính mình không thể làm tròn lời hứa với em. Những điều ước không thực hiện được, chúng tôi cố gắng bù đắp cho các em bằng tình cảm chân thành”, Duy nhớ lại.

Năm nay, Đội công tác xã hội đã lấy được 67 điều ước từ Mái ấm Vinh Sơn và thực hiện được 56 điều. Hiện đội đang tiếp tục thu thập điều ước của các bạn nhỏ tại Mái ấm Thảo Đàn.


Cùng “Tô màu Giáng sinh”

Bên cạnh việc làm cây thông mơ ước, các thành viên trong đội còn thực hiện dự án thu âm các mẩu chuyện Giáng sinh, các kiến thức khoa học thành các bộ sách nói kèm theo những bài hát về Noel dành tặng các em khiếm thị tại các mái ấm Nhật Hồng, Bừng Sáng, Trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu... Ngoài ra, đội còn kết hợp với chùa Diệu Pháp (TPHCM) nấu các phần ăn chay và tặng người nghèo tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Đến nay, đội đã thực hiện được 2 bữa cơm nhân ái với 400 suất ăn.


Điểm nhấn đặc biệt trong mùa Giáng sinh tình nguyện năm nay của CLB chính là chương trình văn nghệ tại các mái ấm nhà mở diễn ra trong ngày 24-12. Tất cả các cộng tác viên và thành viên chính của đội, cùng với 12 tình nguyện viên quốc tế đến từ các nước cùng tổ chức một đêm Noel đầy ý nghĩa tại mái ấm với các tiết mục múa hát, diễn kịch, chơi trò chơi với các em, và đây cũng là đêm ông già Noel thực hiện các điều ước từ cây Giáng sinh.

Văn Ngọc Duy cho biết thêm: “Hiện nay, Đội công tác xã hội có tổng cộng 70 thành viên và 200 tình nguyện viên cùng thực hiện chương trình này. Đây là năm thứ 5, đội tổ chức chương trình “Giáng sinh yêu thương”. Với chủ đề “Tô màu Giáng sinh”, năm nay các thành viên sẽ thực hiện theo chuỗi hoạt động gồm: Màu xanh dương (đồng điệu tâm hồn), màu cam (bữa cơm nhân ái), màu xanh lá (cây thông mơ ước) và màu đỏ (đêm Noel ấm áp). Mỗi màu sắc là những tình cảm, yêu thương mà mỗi thành viên hy vọng với sự góp sức của nhiều người sẽ mang một Noel đầm ấp, giảm bớt phần nào thiệt thòi, khổ đau của những em nhỏ ở các mái ấm, những mảnh đời cơ nhỡ bất hạnh”.

Ngoài những lúc lên giảng đường, các bạn trẻ dành tất cả thời gian còn lại để tổ chức quyên góp quà bánh, đồ chơi, tranh truyện và làm cây thông Noel để tạo ra một đêm Giáng sinh thật ý nghĩa cho các bé ở các mái ấm, nhà mở. Những tình cảm chân thành ấy lại một lần nữa tỏa sáng giữa lòng TP náo nhiệt, vội vã.


http://www.sggp.org.vn/xahoi/2011/12/276328/