Blogger templates

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Làm Thế Nào Để: Sống khỏe với 4 bí quyết (TS Nguyễn Hữu Đức)


Bốn “bí quyết” sống khỏe
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

[TT] - Tổ chức Y tế thế giới đưa ra định nghĩa về sức khỏe: “Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội”.

Định nghĩa năm 1946 này cho thấy thân và tâm của con người gắn với nhau như hình với bóng và có sức khỏe có nghĩa “thân tâm an lạc”. Làm sao để có “thân tâm an lạc”? Không phải đợi đến bây giờ, thời tiến bộ khoa học, trong đó có y học, phát triển như vũ bão mới có những hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe đáng tin cậy, từ rất lâu có những khuyên bảo của người xưa rất đáng suy ngẫm.

Ngủ không mộng mị

Giấc ngủ không phải là sự ngưng nghỉ hoạt động hoàn toàn mà là dạng đặc biệt của hoạt động cơ thể giúp cơ thể phục hồi năng lượng đã tiêu hao khi thức. Giấc ngủ không mộng mị là giấc ngủ đủ, sâu và là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ có đủ thì mới say giấc nồng, nếu ngủ sâu thì dù có nằm mộng, khi thức dậy chẳng nhớ gì hết.

Thời lượng trung bình của giấc ngủ đủ khoảng tám giờ nhưng không nhất thiết luôn luôn như vậy (có người ngủ đủ với ít hơn hoặc nhiều hơn so với tám giờ). Dấu hiệu cho biết ngủ đủ là có sự sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức giấc, làm việc bình thường vào ban ngày.

Ngủ không sâu sẽ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng. Ác mộng được kể là một loại rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ có nhiều loại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đó là mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, miên hành (mộng du), nói mớ, nghiến răng, hoảng sợ khi ngủ... Riêng mất ngủ là rối loạn thường gặp và làm khổ sở khá nhiều người.

Thức chẳng lo âu

Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, trong xã hội tác động lên con người gây mất cân bằng. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng, lo âu”. Cần lưu ý, stress không phải luôn luôn xấu. Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi. Ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress mà chẳng cảm thấy quá lo âu.

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và chúng ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần. Người bị stress thường xuyên ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện (có người tìm đến ma túy) dùng làm phương tiện giảm thiểu stress, do đó dễ trở thành người nghiện.

Ăn không cầu kỳ

Ăn không cầu kỳ là ăn “đủ” và ăn “lành”. Trước hết là ăn uống sao cho đầy đủ và cân bằng năm nhóm chất dinh dưỡng (nhóm chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng). Chữ “cân bằng” trong ăn uống rất quan trọng. Chúng ta không nên ăn thừa mứa quá nhiều mà thật vừa đủ chất đạm, chất béo, chất đường bột (nhiều người tán dương không ăn đạm động vật như heo, bò, gia cầm... để cải thiện môi sinh và hạn chế bệnh tật). Nên ăn nhiều rau cải tươi, trái cây, các loại ngũ cốc còn nguyên vì những thứ này rất tốt cho sức khỏe.

Ăn “lành” còn có nghĩa là biết cách ăn uống như: luôn thực hiện ăn chín, uống sôi; thức ăn cũ cần nấu chín kỹ trước khi ăn; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm xâm nhập; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh và lao động...

Thở thật sâu

Nhờ hô hấp thở ra hít vào mà cơ thể ta mới được cung cấp đủ dưỡng khí (tức oxy) từ khí trời đưa vào và thải bỏ thán khí (tức CO2) từ trong cơ thể ra ngoài. Nhờ hít thở mà duy trì sự sống. Hít thở bình thường chỉ dùng một phần hai lá phổi. Còn thở thật thâm sâu là hít thở với gần trọn cả hai lá phổi, với cơ hoành hoạt động tích cực xoa bóp các phủ tạng ở bụng. Thở thâm sâu không chỉ cho nguồn sống nhờ thu thật nhiều khí oxy, thải gần hết khí CO2 ở phổi, mà còn tác động giúp thanh lọc tâm ý. Thở thật thâm sâu là hít thở với trạng thái tỉnh thức hoàn toàn: “Hít vào thấy bụng phình ra, thở ra, thấy bụng xẹp lại”, với tâm ý thanh tịnh: “Hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười” và với tâm hân hoan.

Khi đó “ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu” sẽ hòa điệu, vận hành trôi chảy trong cuộc sống.

http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Xa-hoi/Chinh-tri-Xa-hoi/Song-khoe/163197,Bon-bi-quyet-song-khoe.ttm

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Vì Sao Ăn Chay: Ý nghĩa ăn chay theo Phật giáo (Hòa thượng Thích Thiền Tâm)


Ý nghĩa ăn chay theo Phật giáo
(Theo bài giảng của Hòa thượng Thích Thiền Tâm)

Theo quan niệm phổ thông của hàng Phật tử Việt Nam, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và các thứ hôi nồng thuộc về loại ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ). Nếu dùng cá thịt và ngũ tân, người ta gọi là ăn mặn. Nhưng thật ra, chữ "Chay" nói trại là nguyên âm "Trai" và Trai có nghĩa là Trung hoặc Thời thực. Trung hay Thời thực là dùng bữa giữa ngày vào giờ ngọ, nếu ăn quá ngọ gọi là phi thời thực. Còn dùng chất thanh đạm, nên gọi là "tố thực", nghĩa là "ăn lại", mới xác đáng hơn. Tuy nhiên, chữ Trai dịch từ Phạm âm Ô ba va sa tha (Upavasatha), lại có nghĩa là "thanh tịnh". Và bởi ăn lại cũng có tánh cách làm cho thân tâm con người nhẹ nhàng thanh tịnh, nên bên Ðại thừa giáo mới chuyển lần ý nghĩa Tố thực xem đồng với Trai thực. Vậy tiếng "Chay" tuy không hoàn toàn xác đáng với nguyên thủy của nó, nhưng cũng có một phần nào ý nghĩa, nên bút giả xin dùng danh từ này với ý dùng chất thanh đạm cho hợp với quan niệm phổ thông của Phật tử Việt Nam.

Phần đông Phật tử không hiểu xác đáng ý nghĩa ăn chay, nếu có hỏi duyên do thì trả lời một cách đại khái: "Tôi ăn chay để tập lần tánh nết cho thêm bình tĩnh hiền lương". Lại có những lời đồn huyễn bảo: "Ăn chay sẽ khỏi tai nạn bom nguyên tử, hoặc ma vương sắp ra đời, hay sắp tận thế, ai không ăn chay sẽ bị chết hết, không được dự hội Long Hoa". Những truyền thuyết như trên đều không có căn bản, làm cho nhiều người cố tự ép ăn chay một cách gắng gượng, kết cuộc qua một thời gian rồi cũng thôi bỏ. Theo Phật giáo, ăn chay có những ý nghĩa như sau:

1- Vì lòng thương xót chúng sanh: Ðã là loại hữu tình, loài nào cũng biết đau đớn buồn khổ và ham sống sợ chết, trừ những duyên cớ riêng biệt. Chính mình khi bị vấp ngã hay đứt tay một chút, còn cảm thấy đau đớn, huống chi là cảnh đâm chém, đập giết, thiêu nướng, xẻ thịt, banh da! Như thế tại sao ta lại nỡ an nhiên vui vẻ, ăn uống trên sự đau khổ vô hạn của chúng sanh? Chính mình khi sắp bị giết đã khóc thương sợ hãi, hoặc người thân bị giết thì cũng xót xa, oán hận, đau buồn! Như thế tại sao ta lại nỡ làm cho chúng sanh khác sợ hãi đau thương lúc sắp bị giết, bị chia ly cùng quyến thuộc?

Ðức Phật là đấng đại từ bi, nên người con Phật thể theo lòng từ bi đó mà ăn chay, để tránh việc trực tiếp hoặc gián tiếp sát sanh đầy thê thảm ấy. Trong kinh Lăng Già, đức Thế Tôn bảo Ðại Huệ Bồ Tát: "Những người ăn thịt đoạn hết hạt giống đại từ. Ta xem chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, đời đời làm cha mẹ anh em chồng vợ con cái lẫn nhau. Chúng sanh ăn thịt nhau, toàn là ăn thịt lục thân quyến thuộc của mình. Thế mà loài hữu tình mơ màng không biết, thường sanh lòng giết hại, làm cho nghiệp khổ thêm lớn, khiến nên mãi bị lưu chuyển trong đường sanh tử, không được thoát ly. Kẻ không ăn thịt, sẽ được vô lượng công đức tụ. Nếu tất cả mọi người không ăn thịt, thì không ai giết hại chúng sanh. Do có người ăn thịt tìm hỏi để mua, nên mới có kẻ vì cầu tài lợi giết chúng sanh để bán. Cho nên kẻ ăn thịt cùng người giết chúng sanh để bán thịt, cả hai đều có tội".

2- Vì tránh ác báo của nghiệp sát:  Bởi tham miếng ngon, nên con người mới tạo nghiệp giết hại. Nhưng vì vô minh che lấp, không rõ thấu lý nhân quả, nên kẻ gây nghiệp sát đâu biết hành vi đó trở lại làm khổ chính mình. Theo lý nhân quả trong kinh, người tạo sát nghiệp, như nặng tất bị đọa vào tam đồ, nhẹ thì phải chịu nhiều đau bịnh, hoặc chết yểu, cùng sự khổ nạn về chiến tranh. Kinh Niết Bàn nói: "Tội sát sanh có ba bậc: thượng, trung, hạ. Nghiệp sát bậc hạ, là giết từ loài kiến cho đến tất cả bàng sanh. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào tam đồ, chịu sự khổ về bậc hạ. Tại sao thế? Bởi loài nhỏ dù là con kiến, con muỗi cũng có chút căn lành, nếu giết nó thì phải chịu tội báo. Nghiệp sát bậc trung là giết từ phàm phu trong loài người cho đến bậc A Na Hàm. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, chịu sự khổ về bậc trung. Nghiệp sát bậc thượng là giết từ cha mẹ cho đến bậc A La Hán, Bích Chi Phật. Người tạo tội nầy, phải bị đọa vào đại địa ngục A Tỳ, chịu sự khổ về bậc thượng".

3- Vì muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần:  Trong mười pháp giới, nếu nói tóm tắt, duy có hai nẻo: phàm và thánh. Phàm phu tâm còn nhiễm ô phiền não, chư thánh tâm hằng sáng sạch lặng trong. Bởi thế cho nên hàng Phật tử muốn vượt phàm lên thánh, thoát nỗi khổ luân hồi, phải bỏ nhiễm về tịnh. Mà muốn được tịnh tâm, phải ngăn ngừa đừng cho sáu căn nhiễm sáu trần. Người nào ăn chay mà cảm thấy khó khăn, đó bởi do còn thích món ăn ngon, nghĩa là thiệt căn còn nhiễm vị trần. Vì thế, muốn dễ được tịnh tâm, người Phật tử nên tập lần từ ăn chay kỳ đến chay trường.

Có kẻ hỏi: - Tại sao bên Phật giáo Nam tông vẫn còn ăn mặn? Và nếu không thanh tịnh, tại sao những vị bên phái ấy lại chứng thánh quả?

Xin đáp: - Ðức Phật vì tùy hoàn cảnh căn cơ, trong khi nói giáo pháp Nhị thừa, phương tiện tạm mở cho ăn ngũ tịnh nhục (không thấy giết, không nghe giết, không nghi giết, thịt con thú tự chết, thịt loài thú khác ăn còn dư). Nhưng đến khi thuyết qua giáo nghĩa Ðại thừa, ngài lại triệt để cấm dùng đồ huyết nhục, vì lẽ mất lòng từ bi bình đẳng, và gây nhân vay trả luân hồi.

Như trong kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn còn khuyên không nên dùng đồ bằng da, bởi còn thọ dụng một thân phần của chúng sanh tức là còn mắc nợ nó, huống chi là thường ăn thịt? Trong kinh Ương Quật Ma, ngài Văn Thù Bồ Tát thưa: "Bạch Thế Tôn! Phải chăng nhân vì Như Lai tạng, nên chư Phật không ăn thịt?" Ðức Phật bảo: "Nầy Văn Thù! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay sống chết luân hồi từng cùng làm lục thân quyến thuộc, thay đổi vô thường cũng như trò hát. Thân mình và thân loài khác đồng là chất huyết nhục, vì thế nên chư Phật không ăn thịt. Lại nữa, chúng sanh giới tức là ngã giới, thịt loài khác chính là thịt của mình, nên chư Như Lai không ăn thịt. Nầy Văn Thù! Như con bò tự chết, người chủ dùng da nó làm giày dép đem bố thí kẻ giữ giới. Như bậc giữ giới không thọ tức là pháp Tỷ khưu; nếu thọ trì tuy không phải phá giới, song thiếu tâm từ bi. Cho nên, không thọ dụng thân phần của hữu tình, tức là lần lượt lìa nhân duyên sát sanh vậy".

Ðời Ðường bên Trung Hoa, Ðạo Tuyên luật sư giữ giới tinh nghiêm, nên chư thiên thường hiện thân ủng hộ. Cứ theo bộ Tuyên Luật Sư Cảm Ứng Ký, Tứ thiên vương thưa với Tuyên sư rằng: "Thuở đức Như Lai còn ở đời, một hôm ngài phóng ánh sáng lớn bảo các thiên, long, quỉ, thần:

- Sau thời chánh pháp diệt tận, có nhiều vị Tỷ khưu chấp theo giáo tích Tiểu thừa của ta, không hiểu ý nghĩa Tỳ ni, bảo rằng ta cho các Sa môn ăn thịt. Vì thế, trong tăng già lam hiện ra cảnh tượng sát sanh cũng như lò thịt. Lại có các vị Tỷ khưu mặc đồ tơ lụa gần gũi nơi quán rượu dâm xá, không học ba tạng, chẳng giữ cấm giới, làm cho đạo pháp ta suy vi, thật đáng thương xót! Nên biết từ vô lượng kiếp đến nay, ta tu Bồ Tát hạnh đã xả bỏ đầu, mắt, tủy, não, vì tâm từ bi không tiếc thân mạng để bố thí cho loài hữu tình, có lẽ nào lại bảo đệ tử mình ăn thịt chúng sanh? Ta niết bàn rồi, các Tỷ khưu thay thế ta làm thầy trời người dẫn dạy hữu tình khiến cho đắc đạo quả; có lẽ nào bậc thiên nhơn sư mà lại ăn thịt chúng sanh ư? Khi ta mới thành đạo, tuy trong luật có mở ra cho ăn năm thứ tịnh nhục, nhưng đó không phải thật là thịt của bốn loài, mà là thịt do sức thiền định bất tư nghì của ta biến hóa ra. Trong các kinh Niết Bàn, Lăng Già, ta không cho người trì giới ăn thịt. Nếu có Tỷ khưu nào bảo rằng trong Tỳ ni giáo, Phật cho ăn cá thịt, cho mặc áo tơ lụa, đó là lời ma thuyết, là phỉ báng ta!" 

Lời Phật đã dạy như thế, nếu ăn thịt cá mà không trước nhiễm cũng có thể chứng quả thánh như các vị bên Nam tông đã tu chứng. Nhưng nếu so hai phương diện ăn chay và mặn, thì ăn chay dễ đoạn nhiễm tâm hơn; đến như về nghĩa từ bi bình đẳng, bên ăn chay lại hoàn toàn hợp lý. Thế nên biết giáo nghĩa Nhị thừa chỉ là phương tiện tạm thời, giáo nghĩa Ðại thừa mới là chân thật cứu cánh. Vậy người tu nên hướng theo lẽ phải và xét lại năng lực của mình, đừng quá cầu cao tự cho là bậc viên dung tự tại, vội nói câu "Tửu nhục xuyên trường quá. Bất ngại bồ đề đạo" (Chất rượu thịt ăn vào cũng ra ngoài, không ngại chi đến sự giải thoát cả) mà lầm.

4- Vì để cho thân tâm nhẹ nhàng, dễ thực hành trên đường tu:  Ăn chay nếu đúng cách thì hợp với vệ sinh, và khiến cho thân tâm thanh tĩnh nhẹ nhàng thuận tiện trên đường tu tập. So lại thì khi dùng mặn, ta cảm thấy trong người nặng nề mệt nhọc, chất ăn khó tiêu hơn. Các nhà bác học hữu danh đông tây đã công nhận lẽ đó. Như ông Sénèque, một triết gia, đã nói: "Mỗi bữa ăn, người ta dùng thịt là tự đầu độc, thành thử con người tự sát ngấm ngầm mà không hay. Do đó loài người bị nhiều bịnh mà chết sớm". Những y khoa bác sĩ trứ danh như các ông Soteyko, Varia Kiplami cũng bảo: "Trong các thứ thịt có nhiều chất độc rất nguy hiểm cho sức khỏe con người". Và bà White, nhà nữ bác học, sau một cuộc thí nghiệm đã tuyên bố: "Các thứ hột, trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi chúng ta. Các thức ấy chỉ cần nấu nướng một cách đơn giản, thì ăn vào hợp vệ sinh và rất bổ. Nó làm cho con người thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt và tránh được biết bao nhiêu là bịnh tật!" Chất máu thịt vốn là uế trược, hơn nữa loài thú khi bị giết sanh lòng uất hận, độc khí lưu trữ vào tế bào, hoặc gặp nhằm những con vật mang bịnh, như bịnh lao, bịnh sán..., nếu người ăn vào làm sao khỏi sanh đau yếu?

Có vị hỏi: - Nếu ăn chay cũng đủ sanh tố, tại sao tôi thường thấy người ăn chay trường phần nhiều đều có vẻ xanh và gầy?

Xin đáp: - Ðó là do nhiều nguyên nhân khác biệt, không phải lỗi ở sự ăn chay; chẳng hạn như vấn đề tâm lý, hoặc không biết cách thức dùng chay. Về tâm lý, như có người ăn chay với tánh cách gắng gượng, mãi thèm những đồ mặn, lầm nghĩ rằng ăn chay thiếu sức khỏe, thường đem lòng lo lắng e ngại. Hoặc có người tu, mà chưa diệt được niệm tưởng mơ sắc dục, hoặc làm việc suy nghĩ quá nhiều. Những tâm trạng ấy có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, bằng chứng như ta thường thấy người nào trải qua một đêm lo nghĩ, sáng ra gương mặt họ hiện rõ vẻ tiều tụy bơ phờ. Về việc không biết cách dùng chay, như những người vì lỡ phát nguyện, nên ăn chay một cách bắt buộc lấy có, chỉ dùng tương chao, ít lát dưa, hoặc muối sả ớt cho qua bữa. Hơn nữa nhiều người quan niệm tu là phải khổ hạnh, nên không mấy chú ý đến việc ăn uống; hoặc kho đầu củ cải, vỏ dưa, chiên xơ mít, hay làm những thức ăn giống đồ mặn rất công phu, song thật sự không có bao nhiêu chất bổ. Ngoài ra, tập tục của các chùa Việt Nam thiên về sự tụng niệm cúng lễ, thường khi liền cả đêm ngày. Sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam lại nghèo, chư tăng ni thiếu phương tiện học tập, phải dùng sức quá nhiều, nên vị nào khi học thành tài hầu hết đều suy gầy đau yếu. Ðó là đại lược những nguyên do khiến cho người tu thường kém sức khỏe, chẳng phải lỗi ở nơi không ăn cá thịt. Nếu ăn chay mà hợp cách, với lòng hiểu đạo hoan hỷ, và đường lối tu không thái quá bất cập, thì đã ít bịnh tật, lại thêm có lợi ích cho thân tâm.

Tóm lại, ý nghĩa của ăn chay là vì lòng từ bi, vì tránh ác báo, vì lìa trần nhiễm, vì thuận ích cho đường tu. Nếu lập cơ bản nơi bốn điểm nầy mà dùng chay, thì sự thực hành sẽ bền và tăng thêm phước huệ. Như trái với cơ bản đó, tất việc làm chỉ có tánh cách thời gian, khó bền bỉ, kết cuộc không được lợi ích gì thiết thật trên đường tu.

http://www.thaoduongmoscow.info/anchay.html

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Nấm xào sả ớt


Nấm xào sả ớt nhanh gọn, ngon miệng
Cún Khang

Nấm giòn ngọt, được xào cùng với sả, ớt cay cay ăn mãi không ngán, cách làm lại đơn giản và rất nhanh chóng.

Nguyên liệu:

  • 200g nấm [khoảng 1 chén], có thể dùng nấm rơm hay nấm chân gà [còn gọi là nấm loa kèn, nấm lục bình]
  • 1-2 cây sả
  • Ớt quả, muối, nước mắm [chay], hạt nêm
  • Hành khô, rau mùi [ngò], hành lá
  • Dầu ăn

Cách làm:

1. Nấm cắt bỏ chân nấm, rửa sạch, thái lát vừa ăn.

2. Sả tước bỏ bớt cọng cứng, rửa sạch, thái nhỏ, sau đó băm nhuyễn.

3. Ớt quả thái khoanh tròn, đầu hành đập giập, hành lá thái nhỏ.

4. Đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, phi hành khô và đầu hành phi thơm, đổ sả bằm và hành lá vào đảo đều, xào khoảng từ 4-5 phút.

5. Tiếp theo cho nấm vào xào cùng, đảo nhanh tay lửa lớn, nêm vào một thìa nhỏ nước mắm [chay], nửa thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, đảo đều.

6. Xào khoảng 6 - 8 phút, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn, tắt bếp rắc rau mùi đã thái nhỏ, múc ra đĩa dùng làm món xào ăn với cơm.

http://ngoisao.net/tin-tuc/an-choi-xem/2012/08/nam-xao-sa-ot-nhanh-gon-ngon-mieng-207586/

Tin Vui Ăn Chay: Các quán chay Sài Gòn đắt khách mùa Vu Lan

Ảnh: Người Lao Động

Đồ chay tại TP HCM đắt khách mùa Vu Lan
Xuân Hường-Thanh Lê

[VNE] - Những ngày tháng 7 âm lịch, các quán chay bình dân ờ Sài Gòn trở nên tấp nập. Lượng khách đến các quán này tăng lên gấp 3 lần so với ngày thường.

Chỉ tầm hơn 10 giờ trưa, quán chay Thuyền Viên, quận Phú Nhuận, TP HCM thường có khá đông người ra vào. Thậm chí giờ cao điểm, khách phải xếp hàng dài mua thức ăn. Khách hàng ở đây bao gồm cả sinh viên, nhân viên văn phòng, người lớn tuổi... Lượng khách ăn tại quán và người mua mang về có số lượng tương đương nhau.

Bà Hồ Minh Tiết, chủ quán cho biết, tháng 7 âm lịch là “mùa làm ăn” của quán. Theo đó, bà thường mở cửa tiệm từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối. "Giờ đông khách nhất là buổi trưa, từ 10 giờ đến 13 giờ. Khách đến trong mùa này thường nhiều gấp 3 lần bình thường”, bà Tiết nói.

Quán chay Âu Lạc ở quận 4 cũng có lượng khách hàng tăng mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, nhất là vào buổi trưa. Đại diện quán cho biết, lượng khách này tăng gấp đôi so với ngày thường.

Việc ăn chay mùa Vu Lan báo hiếu ngày càng phổ biến. Bà Hồ Thị Hồng, 69 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè cho biết cứ vào tháng 7 hàng năm là bà ăn chay, dù bà không theo một tôn giáo nào. Bà giải thích, “Ăn chay để thanh lọc cơ thể, đổi món cho đỡ ngán. Trong mùa này, việc đó còn mang ý nghĩa rất tốt đẹp là báo hiếu cho các đấng sinh thành”.

Cơm chay có giá khá rẻ, khoảng dưới 20.000 đồng một phần ăn. Mức giá hợp lý này khiến khách hàng thuộc nhiều đối tượng ưa chuộng cơm chay để tiết kiệm chi phí trong thời bão giá. Nhất là khi các món ăn chay được chế biến ngày càng phong phú và ngon không thua gì các món mặn.

Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay lâu năm luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mùa làm ăn này. Ở quán Thuyền Viên, món đặc biệt vịt quay Bắc Kinh được cho ra mắt. Chủ quán này nói, quán còn nhận rất nhiều đơn đặt hàng tiệc chay từ các chùa, thiền viện. “Thường thì chúng tôi tập trung dồn sức làm vào những tháng cao điểm như tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10. Những tháng khác quán nghỉ xả hơi, cho nhân viên nghỉ phép thoải mái”.

Ở quán Âu Lạc, tất cả các nguyên liệu chế biến món chay được nhập về với số lượng gấp đôi để đủ sức đáp ứng nhu cầu khách hàng. Các thực phẩm chế biến sẵn như bánh tét chay, giò chả, bánh trung thu chay cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Bắt đầu vào mùa Vu Lan, giá nguyên liệu làm món chay như tàu hủ ky, nấm và rau củ có xu hướng tăng. Tuy nhiên, để giữ khách, hầu hết các quán lớn không có ý định tăng giá trong mùa này. “Chúng tôi vẫn bán với giá bình thường, lấy số lượng khách để bù lại”, đại diện quán Thuyền Viên cho biết.

Các siêu thị trên địa bàn TP HCM cũng không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh trong mùa này. Hầu như nơi nào cũng đua nhau khuyến mãi và bố trí khu vực riêng để bán đồ chay. Thực phẩm chay hiện rất đa dạng với đầy đủ chủng loại như súp gia vị, đồ hộp, đồ đông lạnh, thực phẩm chay ăn liền, khô hay thực phẩm nước...

Bên cạnh đó, một số siêu thị khác như BigC, Co.op Mark, Maximark...cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà khác trong mùa Vu Lan này để thu hút khách. Theo các siêu thị, từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay, lượng khách mua thực phẩm chay tăng mạnh. "Chúng tôi dự đoán sức mua các mặt hàng đồ chay sẽ tăng gấp đôi trong tháng 7 âm lịch so với thời điểm bình thường", một lãnh đạo siêu thị BigC nói.

http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2012/08/do-chay-tai-tp-hcm-dat-khach-mua-vu-lan/

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Tin Vui Ăn Chay: McDonald’s mở cửa hàng… ăn chay


McDonald’s mở cửa hàng… ăn chay
Cẩm Mai (Theo Sun)

[Dân Việt] - Hãng đồ ăn nhanh McDonald’s của Mỹ đã có kế hoạch hướng tới những người ăn chay, bằng cách mở nhà hàng đầu tiên không có thịt ở Ấn Độ.

McDonald’s hiện mới chỉ có một chi nhánh ở Ấn Độ - quốc gia có hàng triệu người ăn chay, không ăn thịt. Lâu nay, phục vụ ở đất nước theo đạo Hindu, McDonald’s đã phải loại bỏ thịt bò ra khỏi thực đơn và bán gà rán thay cho bánh hamburger kẹp thịt bò.

Năm nay McDonald’s dự định mở cửa hàng ăn bán toàn đồ chay ở Ấn Độ. Thực đơn món ăn chỉ có khoai tây, đỗ và các loại gia vị. Dự kiến sang năm, McDonald’s sẽ mở cửa hàng đồ chay đầu tiên ở gần Đền thờ Sikh, thành phố Amritsar, tiếp sau nữa là cửa hàng gần Đền thờ Vaishno Devi ở Kashmir - nơi hàng năm có hàng trăm ngàn tín đồ đạo Hindu hành hương về.

McDonald’s cho rằng việc mở cửa hàng ăn chay ở Ấn Độ là một cơ hội làm ăn rất lớn.

http://danviet.vn/102867p1c25/mcdonald%E2%80%99s-mo-cua-hang-an-chay.htm

Vì Sao Ăn Chay: Ăn chay đúng cách có lợi cho sức khỏe


Ăn chay đúng cách có lợi cho sức khỏe
Nguồn: Th.s - Bs Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM

[Tuổi Trẻ] - Để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, người ăn chay cần ăn đa dạng thực phẩm, kết hợp rau, đậu, hạt, củ, trái cây và ngũ cốc…

Vấn đề ăn chay, dinh dưỡng và sức khỏe là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là trong dịp tháng 7 âm lịch, mùa Vu Lan báo hiếu…

Đa dạng thực phẩm trong bữa ăn

Th.s - Bs Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết: Nhìn từ góc độ dinh dưỡng, nếu khéo léo cân đối các thành phần dưỡng chất qua việc lựa chọn, kết hợp và chế biến thực phẩm thích hợp, thì chế độ ăn chay không liên tục (3 – 6 tháng mỗi năm hoặc 1 tuần, 10 ngày mỗi tháng) thật sự là một chế độ ăn rất tốt cho sức khỏe con người.

Người ăn chay có thể dễ dàng dung nạp đủ các chất thông qua các nhóm thực phẩm như:

- Đạm: Các loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu phộng, đậu Hà Lan...); các chế phẩm từ đậu nành (đậu hủ, tương hột...); các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô-mai, sữa chua...); quả, hạt khô.

- Tinh bột: Gạo, bột mì, gạo nếp…

- Chất béo: Dầu ăn thực vật (dầu đậu nành, dầu đậu phộng, dầu mè…), trái bơ, trái dừa, hạt bí, hạt dẻ, hạt hướng dương…

- Canxi: Các loại rau có màu xanh đậm (bông cải xanh, cải xoăn); tảo và rong biển các loại; các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, bơ, phô-mai…).

- Sắt và kẽm: Thường có trong các loại rau lá xanh (cải xoăn, cải bắp, cải bó xôi, bông cải); các loại hạt khô (hạnh nhân, hạt điều); các loại đậu; trái cây và trái cây khô (mơ, chà là, nho); ngũ cốc nguyên hạt và và bột ngũ cốc nguyên cám.

- Vitamin A: Cà-rốt, bí ngô, đậu xanh, đậu đỏ, rau dền, xoài, đu đủ…

- Vitamin D: Dầu ăn.

- Vitamin P: Có trong lá trà (chè) xanh, chanh, cam, quít, đậu phộng.

- Vitamin C: Có nhiều trong chanh, chuối, xoài, đu đủ, cam, bưởi…

Như vậy, để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, người ăn chay cần ăn đa dạng thực phẩm, kết hợp rau, đậu, hạt, củ, trái cây và ngũ cốc (gạo tẻ, lúa mì, khoai sắn, gạo nếp). Tuy nhiên, những người ăn chay thường xuyên cũng cần lưu ý một số vấn đề như:

- Dùng hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như tương, chao, cải muối, dưa cải, cà muối… và không nên sử dụng ở những người cao tuổi có tiền căn bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh thận hay tiểu đường.

- Không ăn thường xuyên các thực phẩm chay công nghiệp do được xử lý qua nhiều khâu nên chất dinh dưỡng bị thất thoát nhiều.

- Thiếu các vi chất không có trong thức ăn nguồn gốc thực vật (kẽm, vitamin B12, acid folic…), khắc phục bằng cách uống bổ sung các vi chất này dưới dạng thuốc bổ.

- Thực phẩm chay ít năng lượng nên người ăn chay thường mau đói. Vì vậy, để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, người ăn chay ngoài ăn đủ 3 bữa chính nên ăn thêm 2 - 3 bữa phụ (khoai, chè, bánh, sữa…). Các bữa ăn cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên.

Phải biết cách nấu

Cách nấu cũng rất quan trọng, đừng nghĩ là ăn chay thì nấu thế nào cũng được. Nếu thức ăn bổ mà không biết cách nấu thì cũng làm cho nó hết bổ, và có khi còn làm hại bộ máy tiêu hóa nữa.

- Không nên chiên xào nhiều quá, vì vừa làm mất vitamin trong thực phẩm vừa làm tăng hàm lượng chất béo trong thức ăn, không có lợi cho những người cần chế độ ăn ít năng lượng.

- Khi nấu hay luộc phải đậy nắp để vitamin trong rau củ không bị bay mất và nên đổ ít nước để chất bổ khỏi bị loãng. Và nước luộc cũng rất tốt, không nên đổ đi.

- Để có món chay ngon thì cũng đòi hỏi có sự chọn lọc nguyên liệu, kết hợp các nguyên liệu cùng gia vị phù hợp để có một món chay vừa ngon miệng, vừa đảm bảo đủ chất. Ví dụ như đậu hủ xốt cà chua, đậu hủ nhồi nấm, chả giò trái cây, bí đỏ om đậu phộng, canh chua đậu bắp và bạc hà, cháo thập cẩm, xôi gấc…

- Tránh nấu quá chín các loại rau xanh để vừa giữ được hương vị của rau vừa bảo quản được lượng chất dinh dưỡng quý giá có trong đó. Thời gian cần thiết để nấu các loại rau xanh không quá 15 phút. Một số cách nấu có thể giúp giữ được chất dinh dưỡng khá tốt trong rau như hấp hoặc xào sơ, thậm chí có thể ăn sống.

- Đối với những thực phẩm khác, chỉ cần nấu đến khi chúng vừa chín tới. Điều này không chỉ giúp bảo quản các vitamin và khoáng chất mà còn khiến thức ăn không bị khô và nhạt.

- Ăn các loại thực phẩm càng ít chế biến hoặc chưa chế biến càng có lợi về dinh dưỡng. Ví dụ như gạo được chế biến cho trắng vì qua quá trình đánh bóng gạo, đã làm mất đi rất nhiều chất dinh dưỡng nằm ngoài vỏ hạt gạo, các loại ngũ cốc khác cũng vậy và trái cây tươi tốt hơn trái cây đóng hộp.

- Uống khoảng 2 lít/ngày sẽ giúp cho thận đào thải các độc tố.

Lợi ích từ việc ăn chay đúng cách

- Theo các nhà khoa học cho biết ăn chay đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Chế độ ăn chay có ít cholesterol, ít chất béo bão hoà, nhiều chất béo không bão hòa, nhiều vitamin C, E … có tác dụng chống oxy hóa, giảm hàm lượng cholesterol trong máu và giúp ngăn ngừa được nhiều loại bệnh như bệnh tim mạch, bệnh ung thư vú và đại tràng, bệnh tiểu đường loại 2, béo phì, cao huyết áp, sỏi mật, táo bón…

- Cơ thể cân đối khỏe mạnh, thon thả do rau xanh và hoa quả cung cấp nhiều chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn; chúng lại chứa ít calo, ít cholesterol, ít acid béo, nhiều vitamin nên không phải lo ngại việc các năng lượng thừa tích trữ thành mỡ trong cơ thể.

- Các loại đậu, vitamin A và E trong rau củ đóng một vai trò quan trọng, giúp làn da khỏe mạnh. Vì thế, những người ăn chay luôn sở hữu làn da hồng hào tự nhiên.

- Tiết kiệm tiền do rau, củ quả thường rẻ hơn nhiều so với thịt, cá, tôm, cua…

http://tuoitre.vn/Can-biet/suc-khoe-doi-song/509130/An-chay-dung-cach-co-loi-cho-suc-khoe.html

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Vì Sao Ăn Chay: Loài người có thể phải ăn chay do thiếu nước

Thức ăn giàu đạm động vật tiêu tốn nước tới 10 lần so với thức ăn chế biến từ thực vật (Ảnh: AP)

Loài người có thể phải ăn chay do thiếu nước

(VOV) - Theo suy đoán của các nhà khoa học Thụy Điển, đến năm 2050, loài người có thể sẽ buộc phải ăn chay để khắc phục tình trạng thiếu nước.

Hơn 2.000 học giả, chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn và các nhà khoa học từ hơn 100 nước đang tham dự Tuần lễ Nước thế giới lần thứ 22, hội nghị hàng năm lớn nhất về những vấn đề liên quan đến nguồn nước, vừa khai mạc hôm 26/8 và kéo dài cho tới ngày 31/8 tại Stockholm (Thụy Điển).

Phí phạm lương thực là phí phạm nước

Các nước sẽ không thể đảm bảo an ninh lương thực nếu thiếu nước. Đó là thông điệp mà Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) José Graziano da Silva đưa ra tại Lễ khai mạc Tuần lễ nước năm nay.

Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, tới năm 2030, nhu cầu về nước trên toàn thế giới sẽ vượt quá mức cung 40%. Ông Jens Berggren, Giám đốc Tuần lễ Nước Thế giới tại Viện Nước Quốc tế Stockholm cho biết, mặc dù hiện nay có đủ nước cho con người nhưng nhiều nguồn nước đang bị sử dụng lãng phí.

“Nhiều báo cáo đã cho thấy chúng ta đang sử dụng nước vô cùng phí phạm. Chúng ta không chỉ lãng phí một số lượng lớn nước trong quá trình sản xuất lương thực mà chúng ta còn phí phạm một lượng lớn lương thực được sản xuất ra. Có đến 50% lương thực sản xuất trên thế giới không đến được người tiêu dùng”, ông nói.

Ông Berggren nhấn mạnh, phí phạm lương thực được so sánh với phí phạm nước vì phải cần rất nhiều nước để sản xuất lương thực. Ông dẫn chứng, hàng năm, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ và Tây Âu vứt đi lượng lương thực tương đương giá trị khoảng 300 tỷ USD.

“Chúng ta hoang phí ngay trong hệ thống cung cấp nước, do những rò rỉ trong hệ thống cung cấp nước nội địa không được sửa chữa kịp thời. Chúng ta cũng phí phạm nước bằng những phương pháp tưới tiêu không đúng cách. Thay vì tưới nước cho cây với một số lượng vừa đủ và đúng thời điểm, chúng ta lại tưới ngập cả cánh đồng. Và đôi khi người ta trồng cả lúa trên sa mạc nơi có lượng nước bốc hơi nhiều. Những việc làm đó khiến cho chúng ta bị tổn thất rất nhiều nước”.

Nguy cơ chiến tranh vì nguồn nước

Không chỉ có sự phí phạm trong sản xuất, sinh hoạt, mà việc khan hiếm nguồn nước dẫn đến tranh chấp về nguồn nước đang châm ngòi cho các cuộc xung đột giữa các quốc gia. Liên Hợp Quốc đã từng cảnh báo nhiều lần về nguy cơ này. Ở châu Á, trong điều kiện tăng trưởng dân số, tăng trưởng kinh tế và gia tăng khối lượng tiêu thụ nước, các cuộc xung đột vì nguồn nước ngọt là yếu tố rất quan trọng làm trầm trọng thêm tình hình giữa các quốc gia có tranh chấp về nguồn nước.

Trong khi đó, khu vực Trung Đông đang chuẩn bị nhập khẩu nước uống từ Nam Mỹ và đang gấp rút xây dựng kho nước dự trữ chiến lược. Việc Iran thường xuyên dọa đóng cửa eo biển Hormuz không chỉ tạo ra chiến tranh về dầu mỏ, mà còn là cuộc chiến vì nguồn nước ngọt cho các quốc gia trong khu vực. Hầu như toàn bộ khối lượng nước ngọt tiêu thụ ở Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và UAE được nhập khẩu thông qua eo biển này.

Còn ở khu vực Nam và Đông Nam Á, nhiều quốc gia sẵn sàng tham gia cuộc chiến vì các dòng sông. Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần xung đột và nay lại đứng trên bờ vực xung đột mới vì nguồn nước. Dự án thủy điện của Trung Quốc trên sông Brahmaputra và các con sông khác ở Tây Tạng đe dọa hàng triệu nông dân Ấn Độ bị mất nguồn nước.

Ở khu vực Đông Nam Á, trong thời gian dài, Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan cũng đối mặt với vấn đề thiếu nước do việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong.

Thế giới sẽ buộc phải ăn chay để tiết kiệm nước

Theo suy đoán của các nhà khoa học Thụy Điển, đến năm 2050, loài người có thể sẽ buộc phải ăn chay để khắc phục tình trạng thiếu nước.

Theo Viện Nước quốc tế Stockholm, sẽ không có đủ nguồn nước để sản xuất lương thực cho 9 tỷ dân trên thế giới ​​vào năm 2050 nếu chúng ta tiếp tục sử dụng nước như hiện nay và thay đổi chế độ ăn phổ biến ở các nước phương Tây.

Theo thống kê của tờ The Guardian London, khoảng 20% lượng protein hàng ngày của con người có trong các sản phẩm nguồn gốc động vật. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, dân số thế giới sẽ phải cắt giảm 5% tổng lượng protein trên vào năm 2050 để thích ứng với sự thiếu hụt nước trên hành tinh.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy, 900 triệu người đang sống trong cảnh đói kém và 2 tỷ người bị suy dinh dưỡng mặc dù trên thực tế sản lượng lương thực bình quân đầu người tiếp tục có xu hướng tăng. Hiện tại, ngành nông nghiệp toàn cầu đã phải sử dụng đến 70% lượng nước ngọt, do đó việc sản xuất đủ lương thực để nuôi thêm 2 tỷ người vào năm 2050 chắc chắn sẽ tạo nên một áp lực lớn đối với nguồn nước và đất. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng ăn chay là một lựa chọn để chống lại tình trạng thiếu nước.

Theo Orion Jones, việc chuyển sang chế độ ăn chay có thể giúp giải phóng phần lớn đất canh tác để sản xuất lương thực của con người. "Một phần ba diện tích đất nông nghiệp hiện nay đang được sử dụng để nuôi trồng thức ăn cho gia súc. Trong khi, thức ăn giàu đạm động vật tiêu thụ nước nhiều hơn từ 5-10 lần so với một chế độ ăn chay".

Thống kê của Hội đồng Nước Thế giới cho thấy, hiện trên thế giới có khoảng 1,1 tỷ người không được dùng nước uống sạch. Còn Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp cảnh báo, đến năm 2025, ước tính gần 2 tỷ người trên thế giới sẽ phải đối mặt với điều kiện sống vô cùng khan hiếm nước. Do đó, việc quản lý hiệu quả sử dụng nước, tránh lãng phí trong quá trình sản xuất là vấn đề vô cùng cấp thiết.

Theo Tiến sĩ Colin Chartres, Tổng Giám đốc Viện Quản lý nước quốc tế - người đã được nhận Giải thưởng “Nước thế giới” năm nay - khẳng định, việc sản xuất đủ lượng lương thực nuôi sống 9 tỷ người trên thế giới vào năm 2050 là khả thi nếu chúng ta biết tận dụng tối đa 2 nguồn tài nguyên quan trọng là đất và nước.

http://www.baomoi.com/Loai-nguoi-co-the-phai-an-chay-do-thieu-nuoc/45/9208106.epi

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Quán Chay Nở Rộ: Các quán chay tại Nha Trang

Khách ăn chay tại quán Thiền Duyệt

Ăn chay mùa Vu Lan
TT

[Báo Khánh Hòa điện tử] - Tháng 7 âm lịch là thời gian có không ít người ăn chay cho lễ Vu Lan như một cách để tịnh tâm và cầu bình an cho cha mẹ. Ẩm thực chay hiện rất phong phú và hấp dẫn với nhiều món ăn.

Chị Võ Thị Bảo Ngọc, quản lý quán chay Thiên Ý (79 Yersin, Nha Trang) cho biết: “Vào tháng 7 hàng năm, lượng khách đến quán luôn tăng cao. Ngoài những món ăn bình thường như cơm, phở, mì, bún, quán còn phục vụ nhiều món ăn lạ miệng như: xúp trường thọ, cơm ngũ sắc, gỏi rau câu… Trong tháng này, quán cũng nhận nhiều đơn đặt hàng tiệc cưới chay với những món giả mặn rất cầu kỳ như: cua xốt cam, gà xối mỡ, bò bít-tết…”. Thiên Ý là một điểm đến quen thuộc của những người thích ăn chay ở Nha Trang do nằm ở trung tâm thành phố, không gian rộng rãi, thoáng mát và thức ăn đa dạng.

Tháng này, du khách đến Nha Trang thường đến thăm chùa Long Sơn, ngôi chùa lớn nhất thành phố, và ghé quán chay Thiền Duyệt nằm trong khuôn viên chùa. Quán này cũng khá rộng, bài trí trang nhã và có nhiều món ăn chế biến dân dã hoặc cầu kỳ như: bánh bèo, bánh hỏi, bánh xèo, bún chả ram, cơm chiên Dương Châu, cháo nấm, xúp rong biển, mì Ý, gỏi, lẩu… Từ 6 giờ 45 đến 20 giờ hàng ngày, khách đến chùa có thể gửi xe máy miễn phí ở bãi xe phía trong chùa.

Nha Trang còn có một số quán chay ngon khác như: Cô Tấm (5 Lạc Long Quân), Bồ Đề (60 Huỳnh Thúc Kháng), Thiên Hương (107 Trần Nhật Duật), Âu Lạc (28C Hoàng Hoa Thám)…

Ngoài thưởng thức tại quán, dịp này, các bà nội trợ cũng có thể tự làm món chay tại nhà. Ngoài đồ tươi từ rau, nấm, đậu phụ…, nguyên liệu làm món chay còn có những thực phẩm đông lạnh và thực phẩm khô. Xin mách bạn một địa chỉ bán nguyên liệu chay nhiều và rẻ nhất Nha Trang, đó là tiệm Thuyền Viên (80 Nguyễn Thái Học). Tại đây có cả một thế giới đồ chay cho bạn lựa chọn như: chả, cua, tôm, vịt, gà, sườn nướng chay, ruốc, bò khô, nước mắm, mắm ruốc, bánh chay, bánh Trung thu…

http://www.baokhanhhoa.com.vn/Angi/201208/an-chay-mua-Vu-lan-2182787/

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Những món chay ngon cho mùa Vu Lan


Những món chay ngon cho mùa Vu Lan
Bạch Dương

[YeuDuLich.vn] - Nói đến ăn chay, nhiều người mường tượng tới một thực đơn rất nghèo nàn và khô khan; hoặc là một bữa chay giả mặn đầy thịt đầy cá cố làm cho thật giống. Hoàn toàn không cần thế. Món chay tự bản thân nó có cái ngon riêng và hương vị riêng.

Những món ăn chay thanh tịnh không chỉ giúp thay đổi khẩu vị, mà còn rất tốt cho sức khỏe. Dưới đây là 10 món chay rất dễ làm để bạn đổi vị cho người thân trong gia đình.

1. Chả đậu xanh

Để chế biến chả đỗ, trước hết đậu xanh phải ngâm nước, đãi sạch vỏ rồi cho vào nấu chín. Khi đậu đã chín, cho đậu vào cối và dùng chầy tán nhuyễn đậu, chế thêm chút nước để đậu không bị rời rồi đổ ra tô cho bột sắn khô [arrowroot flour] vào đánh, trộn đều tay, cho chút muối, chút đường, chút tiêu và hành lá thái nhỏ vào trộn đều. Rồi nặn thành những miếng nhỏ mỏng chiên vàng.

2. Lẩu nấm

Lẩu được xem là món ăn phù hợp sở thích của nhiều người bởi món luôn dùng nóng, lại rất dễ ăn. Món lẩu chay thường dùng những nguyên liệu từ các loại nấm: nấm kim châm, nấm đùi gà [còn gọi là nấm loa kèn, king oyster mushroom], nấm rơm, nấm bào ngư… cùng các loại rau củ quả xanh tươi như: cà-rốt, cải thảo, bông hẹ…

3. Tempura – củ quả chiên giòn

Tempura là một món ẩm thực của Nhật Bản gồm các loại hải sản, rau, củ tẩm bột mì rán ngập trong dầu. Tuy nhiên để biến tempura thành món chay thì bạn dùng các loại rau củ quả tẩm bột mì hòa chung với nước, vừng [mè] trắng rồi chiên giòn. Củ quả để chiên tempura rất đa dạng, bạn có thể chiên dứa thái mỏng, hoa lơ, ngô non, thậm chí cà tím thái khoanh tròn mỏng chiên cũng thơm ngon vô cùng. Món củ quả chiên giòn này bạn chỉ cần dùng nước chấm Maggi.

4. Cháo nấm

Không chỉ là món ăn ngon, các loại nấm còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, giúp giải độc và bảo vệ tế bào gan nữa. Một món ăn bổ dưỡng từ nấm bạn có thể làm cho gia đình mình là món cháo nấm chay.

5. Cà tím xào

Món cà tím xào với những miếng cà ngọt thơm mùi hành tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho món ăn này. Cà tím xào vừa mềm vừa ngọt sẽ cho bạn một bữa ăn vừa nhẹ bụng vừa ngon.

6. Canh chua chay

Nguyên liệu nấu món canh chua chay vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần: miếng đậu hủ non trắng, nửa quả dứa, măng tươi, cà chua, me hay sấu, giá đỗ, ớt, nấm rơm và mùi tầu. Món canh chay này có mùi vị chua, ngọt, thơm, rất đậm đà nhưng rất dễ nấu và rất dễ ăn.

7. Cà-ri chay

Cà-ri là một món ăn quen thuộc trong những dịp cúng quải, giỗ chạp của người dân Nam Bộ. Mùa chay không thể dùng gà, vịt, dê, bò... bạn có thể nấu chay hoàn toàn khi dùng khoai lang, khoai môn, sả cây cắt khúc, đậu rán, sả bằm, nấm rơm, nước cốt dừa, bột cà-ri... Chắc chắn bạn sẽ vẫn có món cà-ri ngon lành ăn cùng bánh mì hoặc bún.

8. Đậu hủ kho tương

Các món kho rất phổ biến trong những bữa cơm chay bởi có vị mằn mặn, thơm từ các nguyên liệu như đậu hủ, tương hạt… Bạn có thể dùng cùng với cơm trắng ăn rất ngon miệng.

9. Cơm chiên Dương Châu

Dù ăn chay hay ăn mặn, món cơm sẽ không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Thường món cơm chay ngoài việc dùng đậu hủ, người ta còn dùng thêm các loại như đậu Hà Lan, nấm rơm, củ cà-rốt… Chính sự hòa trộn giữa những nguyên liệu này sẽ giúp cho bạn khi thưởng thức món ăn sẽ không có cảm giác ngán.

10. Xôi dừa

Đối với người ăn mặn, xôi được xem là món ăn thông dụng, được dùng trong các bữa ăn sáng, trưa, hay chập tối… Tuy nhiên, ngày nay, người ăn chay có thể đổi món cho mình để tìm những món ăn đa dạng hơn và xôi dừa ngào cũng sẽ góp phần làm cho thực đơn ăn chay thêm phong phú cho mỗi người. Món có hương thơm đặc trưng với những hạt nếp mềm, dẻo hòa quyện cùng hương thơm từ các nguyên liệu của dừa ngào… sẽ mang đến cho bạn một cảm giác thật ngon miệng.

http://yeudulich.vn/Chi-Tiet-Tin/15/2714/Nhung_mon_chay_ngon_cho_mua_Vu_Lan.html

Văn Hóa Việt Nam: Nguồn gốc lễ Vu Lan


Nguồn gốc lễ Vu Lan
Bài & ảnh: Thi Trân

[VNE] - Nếu ở Tây Phương có ngày Mother's Day (ngày của mẹ), Father's Day (ngày của cha) thì Việt Nam có ngày lễ Vu Lan truyền thống mang ý nghĩ báo hiếu đấng sinh thành, đồng thời nhắc nhở con người tìm về nguồn cội.

Đại đức Thích Nhật Thiện, ban trụ trì chùa Giác Ngộ (quận 10, TP HCM) giải thích, ý nghĩa của "Vu Lan" tức là "cái chậu" (hoặc bồn để đựng hoa quả, phẩm vật dâng cúng chư tăng nhằm cầu siêu cho những vong hồn thoát khỏi địa ngục).

Tích xưa kể rằng, khi đức Phật còn ở dương thế, trong số những người theo hầu đức Phật có ngài Mục Kiền Liên, một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Tưởng nhớ mẹ nên một ngày nọ Mục Kiền Liên dùng đôi mắt thần nhìn xuống địa ngục, thấy mẹ là bà Thanh Đề bị Diêm Vương đày làm quỷ đói do kiếp trước gây nhiều nghiệp ác.

Thương mẹ quá, Mục Kiền Liên dùng phép thuật xuống địa ngục để mang cơm dâng cho người. Bà Thanh Đề do lâu ngày nhịn đói nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình vì sợ các cô hồn khác đến tranh. Chính vì vẫn còn tính "tham sân si" nên khi bà bát đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ không thể ăn được. Chứng kiến cảnh này Mục Kiền Liên đau xót vô cùng bèn cầu xin Đức Phật giúp mình cứu mẹ.

Đức Phật dạy rằng: Kiền Liên thần thông quảng đại nhưng một mình không thể cứu được mẹ do ác nghiệp của bà quá nặng, chỉ còn cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong thành công. Vào ngày Rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ (sau 3 tháng an cư kiết hạ) thì sửa một cái lễ đặt vào trong chiếc chậu để dâng cúng và thành khẩn cầu xin mới có thể cứu rỗi vong nhân khỏi địa ngục tăm tối.

Mục Kiền Liên thành tâm làm theo lời Phật dạy và không những cứu được mẹ mà còn giải thoát được tất cả vong hồn bị giam cầm ở âm cung. Từ đó ngoài ý nghĩa "mùa hiếu hạnh", tháng bảy Âm lịch còn gọi là tháng "xá tội vong nhân", tức là thời gian các vong hồn được thả tự do. Trong những ngày này, người dân thường lập đàn cầu siêu hoặc cúng thí (bố thí) thức ăn cho các cô hồn (tức là vong hồn không có người thân) để mong họ phù hộ cho mình.

Từ đó về sau theo lời Phật dạy, các Phật tử muốn báo hiếu cha mẹ cũng cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn, người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.

Ngay từ đầu Công nguyên, đạo Phật được ghi nhận đã có mặt trên đất nước Việt Nam. Giáo lý Phật đà đã sớm được tiếp nhận và từ đó hội nhập vào đời sống văn hóa của người Việt một cách ôn hòa, sâu sắc. 21 thế kỷ qua, một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo đã sớm chuyển thành ngày lễ có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam, là lễ Vu Lan.

"Trong đời sống tinh thần của người Việt, sự tích hay nguồn gốc của Rằm tháng bảy dường như không quan trọng. Điều linh thiêng là vào ngày đó, một chiếc cầu vô hình dường như được bắc giữa hai bờ của thế giới Dương (người sống) và thế giới Âm (người chết)", nhận định của Đại đức Nhật Thiện.

Lễ Vu Lan ở Việt Nam không những nhắc nhớ việc báo hiếu cha mẹ mà còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn để biết ơn và báo ơn. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành, nhất là mẹ đã mang nặng đẻ đau và vất vả nuôi con. Cha mẹ sinh ra ta nhưng để có cha mẹ thì phải nhớ đến ông bà tổ tiên, cửu huyền thất tổ. Vì thế trong "mùa hiếu hạnh" này mỗi con người được nhắc nhớ tìm về nguồn cội, ông bà, tổ tiên.

Theo giáo lý Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính biết ơn đấng sinh thành thì của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...

Vào ngày này, mỗi người thường được cài lên áo một chiếc hoa hồng: màu đỏ cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Đó là may mắn lớn nhất mà người đó còn có được trên cuộc đời này. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nề nếp gia phong anh em hòa thuận.

"Nếu người Tây Phương tự hào về ngày truyền thống Mother's Day, Father's Day của họ thì người Việt Nam nói chung cũng có niềm tự hào không kém về ngày lễ Vu Lan của mình. Tuy nhiên là phận con cái, mỗi người chúng ta cần thể hiện tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ mọi lúc chứ không chỉ riêng trong dịp này", Đại đức Nhật Thiện nói.

http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/08/nguon-goc-le-vu-lan/