Blogger templates

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Làm Thế Nào Để: Giảm cân với 8 cách đơn giản


8 cách giảm cân đơn giản
Linh Hoa

[NgoiSao.net] - Đi bộ, tránh ăn đêm, suy nghĩ tích cực... là những cách đơn giản mà hiệu quả giúp bạn có thân hình thon thả, tràn đầy sức sống.

1. Tránh ăn vặt vào đêm khuya

Trước khi đi ngủ, khi lượng calo bạn nạp trong bữa tối đã dần vơi đi, cảm giác đói và thèm ăn là tất nhiên. Nhiều bạn cho rằng, ăn bim bim, bánh quy... sẽ không làm tăng cân giống các đồ ăn "nặng" khác như cơm, bún, cháo... Điều này hoàn toàn sai lầm! Nếu bạn đang mong muốn giảm cân, thói quen ăn vặt trước khi đi ngủ không tốt chút nào. Hãy uống một cốc nước, hoặc sữa và không nghĩ đến những gói bim bim hay khoai tây chiên hấp dẫn; thay vào đó tưởng tượng xem mình sẽ ăn gì vào sáng mai. Đây là cách giúp bạn vượt qua cơn thèm ăn lúc đêm khuya.

2. Tránh các loại nước ngọt

Những loại đồ uống này có chứa rất nhiều đường, không tốt cho sức khỏe nếu bạn đang muốn giảm cân. Hơn thế, chúng chẳng chứa vitamin hay khoáng chất nào tốt cho cơ thể. Vì vậy, hãy uống nước lọc hoặc một cốc sữa nóng không đường. Nó không chỉ giúp bạn ngủ ngon hơn mà còn thanh lọc cơ thể, bổ sung lượng nước cần thiết cho các hoạt động diễn ra vào ban đêm.

3. Thay đổi phương tiện đi lại

Hãy đi bộ hoặc đi xe đạp bất cứ khi nào có thể, thay thế cho đi xe buýt, xe máy hoặc ô tô. Đây là một cách tập thể dục hoàn hảo, vừa tốt cho sức khỏe giúp giảm cân, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

4. Đừng bỏ bữa

Nhiều người cho rằng bỏ bữa là một trong những biện pháp tốt để giảm cân nhưng trên thực tế, việc không nạp đủ calo cần thiết cho cơ thể khiến bạn tìm đến những đồ ăn nhanh, món ăn vặt - một trong những tác nhân gây tăng cân và không tốt cho sức khỏe. Việc chia nhỏ và đều các bữa ăn là cần thiết. Hãy chuẩn bị một bữa sáng thật tốt, nó sẽ cung cấp năng lượng cho cả ngày làm việc mà không sợ gây béo.

5. Kết bạn với thực phẩm không chứa calo

Thực tế, có rất nhiều loại thực phẩm không chứa calo. Khi bạn ăn những thức ăn có hàm lượng calo thấp, có nghĩa việc đốt cháy chúng cần nhiều calo hơn, kết quả bạn sẽ giảm được cân. Vì vậy, còn chần chừ gì mà không ghi nhớ những thực phẩm ít calo như: táo, hành tây, củ cải, cam, quýt, chanh, đào, rau diếp, măng tây, súp lơ, cà-rốt...

6. Lập một chế độ ăn phù hợp

Một trong những cách tốt nhất, khỏe mạnh nhất để giảm cân là lập một chế độ ăn phù hợp. Bạn không nhất thiết phải có chế độ ăn kiêng khắt khe, nhưng nhất định phải là một chế độ ăn mang tính "cách mạng" so với trước đây, thay đổi những thói quen xấu. Khẩu hiệu "ăn kiêng" nghe khó khăn và kém hấp dẫn hơn khẩu hiệu "ăn đúng cách và chăm sóc bản thân cẩn thận". Hãy cẩn thận với việc ăn kiêng thái quá, rất có thể bạn đang tự hủy hoại sức khỏe và vẻ ngoài tươi tắn của mình.

7. Suy nghĩ tích cực về tình trạng cân nặng của mình

Bạn phải đối mặt với từ "béo" hàng ngày. Nó khiến bạn căng thẳng và mất tự tin. Khi căng thẳng, người ta có xu hướng tìm đến với thức ăn nhanh, đồ ngọt... và càng làm bạn tăng cân hơn. Hãy nghĩ mình chỉ hơi thừa cân và cần có biện pháp khắc phục trước khi quá muộn. Suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn nhanh giảm cân nhiều hơn bạn tưởng.

8. Thường xuyên ăn chay

Ăn chay là một trong những biện pháp đơn giản giúp bạn giảm cân. Bạn vẫn có thể thỏa mãn cơn thèm ăn của mình, mà không lo lượng calo nạp vào người quá nhiều. Ngoài ra, bạn cũng nên tích cực ăn hoa quả, rau xanh và uống nước, chia nhỏ bữa ăn.

http://m.ngoisao.net/Touch/NewsDetail.aspx?ID=1000211688

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Nếp Sống Ăn Chay: Bí quyết làm món chay của bà Năm


Bí quyết làm món chay của bà Năm
Bài: Minh Cúc, Ảnh: Hồng Thái

[SGTT.VN] - Bị cô cháu gái năn nỉ, ỉ ôi miết, chịu không xiết, bà Năm tên thật là Đỗ Thị Mai, 73 tuổi, ở xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre đành phải khăn gói lên Sài Gòn để… truyền bí quyết nấu đồ chay.

Cháu gái của bà Năm vốn là giảng viên bộ môn chế biến món ăn của trường đại học Hoa Sen. Cảm phục tài nấu ăn của người cô ruột mà cũng sợ sau này cô trăm tuổi sẽ bị thất truyền nên chị khẩn khoản mời bà Năm lên Sài Gòn truyền “bí kíp”.

Bà Năm kể: “Già cả rồi chỉ muốn quanh quẩn ở nhà với con cháu. Nhưng thấy nhỏ cháu chịu học, năn nỉ quá đành phải lên chỉ lại cho nó”.

Hồi đó, mới mươi tuổi đầu, bà đã theo các cô, các chị đi nấu tiệc. Hễ trong vùng, nhà ai có đám nhờ thì đi nấu giùm, không tính công. “Ngày xưa đám cưới, đám ma, đám mừng tuần… người ta đều đãi tiệc chay. Bây giờ chỉ có đám ma, đám mừng tuần người ta mới đãi tiệc chay”, bà Năm bồi hồi nhớ lại.

Bà Năm học làm món chay không qua trường lớp mà học từ những người bà, cô, dì… ăn chay lâu năm. Rồi mấy bà, mấy cô qua đời hết, bà tiếp nối cho đến bây giờ nên dân quanh vùng ai cũng biết bà. Đó cũng là lý do vì sao trong hơn trăm món chay bà nấu chỉ sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, chủ yếu là rau củ quả tươi, không sử dụng hóa chất.

Món đậu hủ của bà tự nấu ở nhà được giới thiệu là “ngon hơn đậu hủ”. Chả lụa cũng tự bà gói. Bởi biết làm nên bà thích tự làm, nêm nếm vừa ăn, có chất béo, vừa miệng hơn, lại cộng thêm nỗi lo đồ ở chợ có thêm phụ gia, hóa chất. Giọng bà chân chất: “Đậu hủ tui làm từ nước đậu nguyên chất, không pha gì thêm. Làm thiệt tình vậy đó!”

Rồi bà lại khiêm tốn: “Tui chỉ nấu được thôi, chứ khéo thì không khéo như ngoài chợ”. Nói là nói vậy, nhưng nhìn món bó xổ trái bí y như thật do bà làm ít ai nghĩ bà không khéo. Món trái bí có nhân đậu trắng, củ cải đỏ, đậu tây, củ sắn… bọc bằng váng đậu nành rồi bó lại thành hình trái bí. Sau đó đem “trái bí” đi hấp, rồi chiên, thoa hạt điều, rưới xốt cà để làm đồ nguội cho món khai vị. “Ở quê, nấu đồ hàng bông nhiều cho đỡ tiền”, bà tâm tình vậy.

Cách chế biến món chay của người nhà quê đơn giản, không cầu kỳ. Tiệc chay thông thường không thể thiếu một trong các món quen thuộc như cà-ri, tiềm, hầm măng, nấu cà, bì cuốn, heo quay, chả lụa, chả giò… nhưng mỗi món đều cần nhiều công đoạn. Để làm món chả giò chay, cần có củ cải đỏ xào chín, đậu xanh nấu chín trộn gia vị, khoai lang cắt nhỏ rửa sạch, chiên vàng. Món mắm chay cũng cần cả chục loại nguyên liệu, nào là củ cải muối, thơm, bắp cải, đậu hủ chiên, nấm mèo, cà-rốt, đu đủ… Có loại phải ướp muối, xả nước, ướp gia vị, có loại chiên vàng rồi cắt nhuyễn… Công phu là thế, nhưng món mắm chay ngon cũng đáng công: hương thơm, vị ngọt, mặn đậm đà.

Bà tâm tư: “Bây giờ ở quê ít người nấu đồ chay. Làm đồ chay cực lắm, nhiều công đoạn, nên nhiều người thích ăn nhưng ngại làm”. Bà chia sẻ bí quyết, có nhiều nguyên liệu để tạo vị ngọt đậm đà cho món chay như hạt nêm chay, củ cải trắng, mướp, đường phèn… Nhất là đường phèn, giúp món ăn ngọt đậm đà mà không bị chua.

Theo bà, làm món chay cần phải cố gắng, kỹ lưỡng. Nhìn cách bà cuốn món bì cuốn thật khéo, rau bên trong, nhân để một góc úp lại phía ngoài để món cuốn có màu xanh, đỏ, vàng lấp ló thật đẹp. Nhưng buồn một nỗi, những người trẻ bây giờ thấy bà làm được thì để bà làm, không theo học. Bà nói: “Nếu có người siêng, chịu theo dõi để học thì tui sẵn sàng chỉ. Bây giờ chỉ cho nhỏ cháu để mai mốt nó truyền lại cho những chị em khác”.

http://sgtt.vn/Huong-vi-que-nha/168226/Bi-quyet-lam-mon-chay-cua-ba-Nam.html

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bắp non xào chay - Bếp Gia Đình (Sautéed baby corns & tofu)


Sautéed baby corns & tofu. For the recipe in English, please write Info@VietnamAnChay.com

Bắp non xào chay
Bếp Gia Đình

Bắp non giòn giòn, thấm đều gia vị cộng hưởng với những miếng đậu hủ chiên vàng ruộm, điểm chút nồng nàn của ớt đỏ làm nên món chay hấp dẫn trong những ngày thu tháng 9.

Nguyên liệu:
  • Su hào: 100gr (khoảng 2/3 chén)
  • Cà-rốt: 100gr (khoảng 2/3 chén)
  • Bắp non: 10gr (khoảng 2/3 chén)
  • 3 đọt hành lá
  • 1 miếng đậu hủ chiên
  • Muối, tiêu, đường, bột nêm chay, dầu mè

Thực hiện:
  1. Bắp non cắt bỏ phần gốc, rửa sạch, với trái to xẻ đôi. 
  2. Su hào, cà-rốt rửa sạch. Su hào gọt vỏ, bỏ hạt, xắt sợi. Cà-rốt gọt vỏ, xắt miếng rồi xắt sợi. 
  3. Đậu hủ chiên cho vào chảo, làm nóng lại, để hơi nguội thì cắt sợi. 
  4. Hành lá rửa sạch, cắt đoạn dài vừa ăn. 
  5. Bắc chảo, cho chút dầu mè vào, dầu nóng, phi thơm đầu hành lá, lần lượt cho các nguyên liệu rau củ đã chuẩn bị gồm: su hào, cà-rốt và bắp non vào xào trên ngọn lửa lớn.
  6. Đảo nhanh các nguyên liệu trên chảo, khi vừa chuyển màu, hạ lửa nêm muối, tiêu, đường, bột nêm vừa ăn. 
  7. Cho 1/3 muỗng dầu mè vào xóc đều, cho đồ xào ra đĩa rắc tiêu, trang trí ít ngò.

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Sức Khỏe Của Bạn: Nguy cơ ung thư khi sử dụng dầu ăn chiên lại


Nguy cơ ung thư khi sử dụng dầu ăn chiên lại
Uyên Uyên

[Báo Đồng Nai] - Dầu ăn là thực phẩm cần thiết trong chế biến bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu vì tiết kiệm mà sử dụng lại dầu ăn đã chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ gây ra nhiều bệnh tật.

Dầu ăn nói riêng và các chất béo nói chung giữ vai trò quan trọng đối với cơ thể. Ngoài nguồn cung cấp và dự trữ năng lượng, chúng còn giúp hòa tan các vitamin A, D, E, K để cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể tăng trưởng, da dẻ mịn màng, ít viêm nhiễm và hoàn thiện chức năng sinh sản của cơ thể. Nhưng việc sử dụng dầu ăn không đúng cách trong quá trình chế biến thực phẩm có thể mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Tại hội thảo về kiểm soát an toàn - vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, TS.BS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn - vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo các cơ sở nói chung và chị em nội trợ nói riêng là không nên sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần.

Ông Long cho biết, khi dầu bị đun nóng nhiều lần, thành phần hóa học sẽ thay đổi. Vitamin A, E và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, tạo nên một số chất độc như aldehyde, fatty acid oxide... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ phá hủy các men tiêu hóa làm khó tiêu, gây nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp tăng cao... Nếu thường xuyên sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần, nguy cơ  mắc bệnh ung thư sẽ rất cao. Ngoài ra, dầu ăn chiên nhiều lần sẽ dễ bị ôxy hóa do tiếp xúc với ôxy từ bên ngoài môi trường. Điều này không chỉ dẫn đến sự thay đổi về mùi vị và màu sắc của món ăn mà còn gây các bệnh lý mãn tính liên quan đến phản ứng ôxy hóa như tiểu đường, tim mạch...

Vì thế, theo tiến sĩ Long, người chế biến món ăn không nên sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần để đảm bảo cho sức khỏe. Thực ra, lượng dầu tiết kiệm được không đáng bao nhiêu nhưng tác hại lại vô cùng to lớn đối với sức khỏe.

http://www.baodongnai.com.vn/tuvan/201112/Nguy-co-ung-thu-khi-su-dung-dau-an-chien-lai-2117177/

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Quả Ngon: Quả đào tốt cho tim và mắt


Quả đào tốt cho tim và mắt
T. Mai (Theo BFM)

[TPO] - Đào chứa các chất chống ô-xy hóa rất quan trọng trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Quả đào có vị ngon, và vị ngọt của nó giúp bạn cảm thấy hưng phấn hơn vào buổi chiều.

Nó khiến bạn thấy không thèm đường nhưng vẫn hoạt bát và không cần bổ sung thêm calo.

Trưởng thành từ một cây nhỏ, quả đào hơi vàng, hơi đỏ, có vỏ mượt như nhung, cùi thịt trắng hoặc vàng, nhiều nước (tùy từng loại).

Có hai loại đào: loại có vỏ mượt như nhung được gọi là Đào [peach] và loại khác có vỏ nhẵn gọi là Xuân đào [nectarine]. Loại đào phổ biến nhất ở Mỹ là đào cùi thịt vàng, nhưng như quả mơ nho. Đào là món ăn nhanh thay thế ít calo, thậm chí có vị giống như kẹo đường, quả đào chỉ có khoảng 51-68 calo tùy theo kích cỡ. Ngoài việc là món ăn nhanh ít calo, quả đào còn có những lợi ích tự nhiên đối với sức khỏe.

Đào là nguồn niacin, thiamin, kali và can-xi tuyệt vời. Đào cũng có hàm lượng cao beta-caroten - một chất chống ô-xy hóa chuyển thành vitamin A. Nó rất cần cho sức khỏe của tim và mắt. Người mà chế độ ăn có hàm lượng vitamin A cao ít bị đục thủy tinh thể hơn. Lượng chất chống ô-xy hóa trong quả đào cũng hỗ trợ duy trì hệ tiết niệu và tiêu hóa. Nó cũng được coi là một chất làm sạch và giải độc cho thận.

Quả đào có hàm lượng chất xơ cao. Có 2 loại chất xơ: chất xơ không hòa tan (không tan trong nước) và chất xơ hòa tan. Chất xơ không hòa tan có lợi cho sức khỏe tim vì nó rút nước và làm tăng khối phân, giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng. Việc làm sạch thành ruột cũng làm tăng lượng chất dinh dưỡng được cơ thể hấp thu và giải độc cho cơ thể. Chất xơ không hòa tan cũng giúp giảm nồng độ cholesterol.

Quả đào còn hỗ trợ điều trị loét dạ dày, các rối loạn tiêu hóa khác như viêm đại tràng và các rối loạn thận vì hàm lượng chất xơ và nồng độ kali cao. Si-rô và dung dịch được chế từ hoa đào có tác dụng như chất tẩy nhẹ cho trẻ em.

Quả đào có hàm lượng vitamin C cao - một chất chống ô-xy hóa cao cấp giúp củng cố miễn dịch và chống ung thư. Tinh chất từ hoa đào cũng được dùng trong chăm sóc sắc đẹp. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy vỏ quả đào bảo vệ thận và gan; cùi thịt đào có thể làm giảm độc tố của thuốc ở các bệnh nhân ung thư.

Mặc dù không phổ biến, nhưng quả đào có thể gây các phản ứng dị ứng ở một số người. Những triệu chứng này bao gồm hội chứng dị ứng miệng, mày đay tiếp xúc, các triệu chứng đường tiêu hóa và đường hô hấp. Hạt đào chứa các chất có khả năng phân hủy phân tử đường và khí hydrogen cyanide. Liều cao những hóa chất này có thể nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

Khi lưu trữ quả đào tươi, bạn không nên để trong tủ lạnh vì chúng sẽ không chín. Nếu muốn quả đào chín thì nên đặt vào trong một túi giấy màu nâu để đào chín nhanh hơn. Khi đào chín, hãy cho chúng vào túi nhựa và để vào tủ lạnh.

http://www.tienphong.vn/Suc-Khoe/Song-Khoe/591117/Qua-dao-tot-cho-tim-va-mat-tpod.html

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Vi cá chay


Vi cá chay - món ăn cho tâm hồn tinh khiết

[Thucpham.net] - Ngoài việc đi lễ chùa thì ăn chay sẽ làm bạn có một tâm hồn thanh khiết, một cơ thể khỏe mạnh để cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Nguyên liệu:

  • 110g bông kim châm khô (khoảng 2/3 chén)
  • 6 cái nấm hương
  • 6g mộc nhĩ khô (khoảng 2 muỗng canh)
  • 3 muỗng canh cà-rốt xắt nhỏ
  • 3 muỗng canh mì căn viên xắt nhỏ
  • 2 cây ngò

Nước xốt:

  • 1/2 tách nước dùng
  • 1/2 muỗng canh bột củ năng hoặc bột năng
  • 1 ít dầu mè   
  • 1 nhúm tiêu
  • 1/2 muỗng cà-phê muối
  • 1/3 muỗng cà-phê đường
  • 1/2 muỗng cà-phê xì dầu
  • 1/2 muỗng cà-phê bột [nêm]

 Bột nhào:

  • 1 muỗng canh bột mì
  • 2 muỗng canh bột năng
  • Hòa 2 thứ bột này với 4 muỗng canh nước

 Cách làm:

1. Nấm và mộc nhĩ ngâm nước, xắt nhỏ. Luộc sơ mộc nhĩ trong vòng 5 phút, rửa lại bằng nước lạnh, để ráo.

2. Trộn mì căn với 1/2 muỗng cà-phê bột năng, chiên trong dầu nóng 1 lát, vớt ra để ráo dầu.

3. Kim châm khô ngâm nước 30 phút, cắt bỏ phần cứng ở hoa, trụng nước sôi 5 phút để ráo, dùng nĩa xé nhỏ. Nhúng hoa vào bột nhào, chiên giòn trong dầu nóng, vớt ra để ráo dầu.

4. Phết dầu lên 1 chiếc đĩa sâu lòng, đặt tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị cùng hoa kim châm và ngò lên đĩa. Rót vào 2 tách nước dùng và hấp khoảng 30 phút, chắt nước dư ra. Úp 1 chiếc đĩa khác lên, lật ngược và bỏ đĩa cũ ra.

5. Đun sôi 1 muỗng canh dầu, hòa nước xốt vào, đun sôi, rót lên đĩa thức ăn.

http://thucpham.net/tt462/vi-ca-chay-mon-an-cho-tam-hon-tinh-khiet.htm

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Tin Vui Ăn Chay: Buffet chay tiếp diễn tại Metropole (Quận 3, Sài Gòn)

Buffet chay tại Trung tâm Hội Nghị và Tiệc Cưới Metropole vẫn tiếp diễn cho đến ngày 16 tháng 9, 2012.

216 Lý Chính Thắng, Quận 3, Phường 9, Tp.HCM
ĐT: (84.8) 3526 2288
Hotline: 0909 216 216
Email: sales@metropole.com.vn

Sau đây là một vài hình ảnh tiêu biểu:








Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Lễ Hội Ăn Chay: Hội chợ Ẩm thực xanh 2012 (Quận 1, Sài Gòn)


Hội chợ Ẩm thực xanh 2012 kêu gọi ăn chay
N. Hoa

[CAND] - Hội chợ Ẩm thực xanh 2012 chủ đề “Vì sức khỏe, môi trường và tri ân mẹ” diễn ra trong 4 ngày liên tiếp (11/9 đến 14/9) tại Nhà văn hóa Thanh niên, số 4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP HCM. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường, vì lợi ích cộng đồng, hướng mọi người hướng đến thói quen sinh hoạt, ẩm thực chay để bảo vệ sức khỏe.

Ngoài các chương trình văn hóa, nghệ thuật, các đêm thơ nhạc về mẹ, hoạt động viết thư pháp, trưng bày thư pháp, trong khuôn khổ hội chợ còn nhiều nội dung hấp dẫn và được chú ý hiện nay, đặc biệt là trong tháng 7 âm lịch: các buổi nói chuyện chuyên đề “Ăn chay những điều chưa biết”, diễn đàn “Xu hướng ẩm thực chay hiện đại”, hướng dẫn chế biến món ăn chay, vào bếp nấu món chay cùng người nổi tiếng, hướng dẫn chăm sóc sắc đẹp bằng thảo dược...

Nhân dịp này, Ban tổ chức còn có thêm một đêm hội thắp nến tri ân mẹ và trao quà tặng 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 bà mẹ vượt khó nuôi con. Tham gia các hoạt động có khoảng 50 gian hàng của các tổ chức, nhà hàng về thực phẩm chay, thực phẩm dưỡng sinh, các đơn vị sản xuất rau, củ, quả sạch, thực phẩm chay chế biến... 120 món ăn chay sẽ được đưa đến giới thiệu và phục vụ khách tham gia hội chợ.

http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2012/9/180330.cand

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Làm Thế Nào Để: Sống khỏe với 4 bí quyết (TS Nguyễn Hữu Đức)


Bốn “bí quyết” sống khỏe
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

[TT] - Tổ chức Y tế thế giới đưa ra định nghĩa về sức khỏe: “Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội”.

Định nghĩa năm 1946 này cho thấy thân và tâm của con người gắn với nhau như hình với bóng và có sức khỏe có nghĩa “thân tâm an lạc”. Làm sao để có “thân tâm an lạc”? Không phải đợi đến bây giờ, thời tiến bộ khoa học, trong đó có y học, phát triển như vũ bão mới có những hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe đáng tin cậy, từ rất lâu có những khuyên bảo của người xưa rất đáng suy ngẫm.

Ngủ không mộng mị

Giấc ngủ không phải là sự ngưng nghỉ hoạt động hoàn toàn mà là dạng đặc biệt của hoạt động cơ thể giúp cơ thể phục hồi năng lượng đã tiêu hao khi thức. Giấc ngủ không mộng mị là giấc ngủ đủ, sâu và là cách phục hồi sinh lực tốt nhất. Ngủ có đủ thì mới say giấc nồng, nếu ngủ sâu thì dù có nằm mộng, khi thức dậy chẳng nhớ gì hết.

Thời lượng trung bình của giấc ngủ đủ khoảng tám giờ nhưng không nhất thiết luôn luôn như vậy (có người ngủ đủ với ít hơn hoặc nhiều hơn so với tám giờ). Dấu hiệu cho biết ngủ đủ là có sự sảng khoái, tươi tỉnh, thoải mái khi thức giấc, làm việc bình thường vào ban ngày.

Ngủ không sâu sẽ bị mộng mị và cơ thể không khỏe dễ bị ác mộng. Ác mộng được kể là một loại rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ có nhiều loại và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đó là mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, miên hành (mộng du), nói mớ, nghiến răng, hoảng sợ khi ngủ... Riêng mất ngủ là rối loạn thường gặp và làm khổ sở khá nhiều người.

Thức chẳng lo âu

Stress là những áp lực về mặt tâm lý và những biến động trong gia đình, trong xã hội tác động lên con người gây mất cân bằng. Đáp ứng của con người bị stress là cảm thấy có “sự căng thẳng, lo âu”. Cần lưu ý, stress không phải luôn luôn xấu. Với liều lượng vừa phải, chính stress giúp ta có sự hưng phấn, cảnh giác, tập trung cao độ để đối phó lại tình huống không thuận lợi. Ta sẽ có những suy nghĩ tích cực, tìm cách làm chủ thực tế, quyết tâm giải quyết khủng hoảng đó và thường là thành công trong việc vượt qua stress mà chẳng cảm thấy quá lo âu.

Tuy nhiên, nếu stress cứ lặp đi lặp lại và chúng ta không làm chủ được nó, không thích ứng với những biến đổi do nó đưa đến, cơ thể sẽ bị rối loạn về mặt thể chất và tâm thần. Người bị stress thường xuyên ăn uống kém, hoạt động thể chất kém và dễ tìm đến rượu, thuốc gây nghiện (có người tìm đến ma túy) dùng làm phương tiện giảm thiểu stress, do đó dễ trở thành người nghiện.

Ăn không cầu kỳ

Ăn không cầu kỳ là ăn “đủ” và ăn “lành”. Trước hết là ăn uống sao cho đầy đủ và cân bằng năm nhóm chất dinh dưỡng (nhóm chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng). Chữ “cân bằng” trong ăn uống rất quan trọng. Chúng ta không nên ăn thừa mứa quá nhiều mà thật vừa đủ chất đạm, chất béo, chất đường bột (nhiều người tán dương không ăn đạm động vật như heo, bò, gia cầm... để cải thiện môi sinh và hạn chế bệnh tật). Nên ăn nhiều rau cải tươi, trái cây, các loại ngũ cốc còn nguyên vì những thứ này rất tốt cho sức khỏe.

Ăn “lành” còn có nghĩa là biết cách ăn uống như: luôn thực hiện ăn chín, uống sôi; thức ăn cũ cần nấu chín kỹ trước khi ăn; bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, gián, bụi bặm xâm nhập; rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh và lao động...

Thở thật sâu

Nhờ hô hấp thở ra hít vào mà cơ thể ta mới được cung cấp đủ dưỡng khí (tức oxy) từ khí trời đưa vào và thải bỏ thán khí (tức CO2) từ trong cơ thể ra ngoài. Nhờ hít thở mà duy trì sự sống. Hít thở bình thường chỉ dùng một phần hai lá phổi. Còn thở thật thâm sâu là hít thở với gần trọn cả hai lá phổi, với cơ hoành hoạt động tích cực xoa bóp các phủ tạng ở bụng. Thở thâm sâu không chỉ cho nguồn sống nhờ thu thật nhiều khí oxy, thải gần hết khí CO2 ở phổi, mà còn tác động giúp thanh lọc tâm ý. Thở thật thâm sâu là hít thở với trạng thái tỉnh thức hoàn toàn: “Hít vào thấy bụng phình ra, thở ra, thấy bụng xẹp lại”, với tâm ý thanh tịnh: “Hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười” và với tâm hân hoan.

Khi đó “ngủ không mộng mị, thức chẳng lo âu, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu” sẽ hòa điệu, vận hành trôi chảy trong cuộc sống.

http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Xa-hoi/Chinh-tri-Xa-hoi/Song-khoe/163197,Bon-bi-quyet-song-khoe.ttm

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Vì Sao Ăn Chay: Ý nghĩa ăn chay theo Phật giáo (Hòa thượng Thích Thiền Tâm)


Ý nghĩa ăn chay theo Phật giáo
(Theo bài giảng của Hòa thượng Thích Thiền Tâm)

Theo quan niệm phổ thông của hàng Phật tử Việt Nam, ăn chay là dùng những chất thanh đạm, không ăn cá thịt và các thứ hôi nồng thuộc về loại ngũ tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ). Nếu dùng cá thịt và ngũ tân, người ta gọi là ăn mặn. Nhưng thật ra, chữ "Chay" nói trại là nguyên âm "Trai" và Trai có nghĩa là Trung hoặc Thời thực. Trung hay Thời thực là dùng bữa giữa ngày vào giờ ngọ, nếu ăn quá ngọ gọi là phi thời thực. Còn dùng chất thanh đạm, nên gọi là "tố thực", nghĩa là "ăn lại", mới xác đáng hơn. Tuy nhiên, chữ Trai dịch từ Phạm âm Ô ba va sa tha (Upavasatha), lại có nghĩa là "thanh tịnh". Và bởi ăn lại cũng có tánh cách làm cho thân tâm con người nhẹ nhàng thanh tịnh, nên bên Ðại thừa giáo mới chuyển lần ý nghĩa Tố thực xem đồng với Trai thực. Vậy tiếng "Chay" tuy không hoàn toàn xác đáng với nguyên thủy của nó, nhưng cũng có một phần nào ý nghĩa, nên bút giả xin dùng danh từ này với ý dùng chất thanh đạm cho hợp với quan niệm phổ thông của Phật tử Việt Nam.

Phần đông Phật tử không hiểu xác đáng ý nghĩa ăn chay, nếu có hỏi duyên do thì trả lời một cách đại khái: "Tôi ăn chay để tập lần tánh nết cho thêm bình tĩnh hiền lương". Lại có những lời đồn huyễn bảo: "Ăn chay sẽ khỏi tai nạn bom nguyên tử, hoặc ma vương sắp ra đời, hay sắp tận thế, ai không ăn chay sẽ bị chết hết, không được dự hội Long Hoa". Những truyền thuyết như trên đều không có căn bản, làm cho nhiều người cố tự ép ăn chay một cách gắng gượng, kết cuộc qua một thời gian rồi cũng thôi bỏ. Theo Phật giáo, ăn chay có những ý nghĩa như sau:

1- Vì lòng thương xót chúng sanh: Ðã là loại hữu tình, loài nào cũng biết đau đớn buồn khổ và ham sống sợ chết, trừ những duyên cớ riêng biệt. Chính mình khi bị vấp ngã hay đứt tay một chút, còn cảm thấy đau đớn, huống chi là cảnh đâm chém, đập giết, thiêu nướng, xẻ thịt, banh da! Như thế tại sao ta lại nỡ an nhiên vui vẻ, ăn uống trên sự đau khổ vô hạn của chúng sanh? Chính mình khi sắp bị giết đã khóc thương sợ hãi, hoặc người thân bị giết thì cũng xót xa, oán hận, đau buồn! Như thế tại sao ta lại nỡ làm cho chúng sanh khác sợ hãi đau thương lúc sắp bị giết, bị chia ly cùng quyến thuộc?

Ðức Phật là đấng đại từ bi, nên người con Phật thể theo lòng từ bi đó mà ăn chay, để tránh việc trực tiếp hoặc gián tiếp sát sanh đầy thê thảm ấy. Trong kinh Lăng Già, đức Thế Tôn bảo Ðại Huệ Bồ Tát: "Những người ăn thịt đoạn hết hạt giống đại từ. Ta xem chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, đời đời làm cha mẹ anh em chồng vợ con cái lẫn nhau. Chúng sanh ăn thịt nhau, toàn là ăn thịt lục thân quyến thuộc của mình. Thế mà loài hữu tình mơ màng không biết, thường sanh lòng giết hại, làm cho nghiệp khổ thêm lớn, khiến nên mãi bị lưu chuyển trong đường sanh tử, không được thoát ly. Kẻ không ăn thịt, sẽ được vô lượng công đức tụ. Nếu tất cả mọi người không ăn thịt, thì không ai giết hại chúng sanh. Do có người ăn thịt tìm hỏi để mua, nên mới có kẻ vì cầu tài lợi giết chúng sanh để bán. Cho nên kẻ ăn thịt cùng người giết chúng sanh để bán thịt, cả hai đều có tội".

2- Vì tránh ác báo của nghiệp sát:  Bởi tham miếng ngon, nên con người mới tạo nghiệp giết hại. Nhưng vì vô minh che lấp, không rõ thấu lý nhân quả, nên kẻ gây nghiệp sát đâu biết hành vi đó trở lại làm khổ chính mình. Theo lý nhân quả trong kinh, người tạo sát nghiệp, như nặng tất bị đọa vào tam đồ, nhẹ thì phải chịu nhiều đau bịnh, hoặc chết yểu, cùng sự khổ nạn về chiến tranh. Kinh Niết Bàn nói: "Tội sát sanh có ba bậc: thượng, trung, hạ. Nghiệp sát bậc hạ, là giết từ loài kiến cho đến tất cả bàng sanh. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào tam đồ, chịu sự khổ về bậc hạ. Tại sao thế? Bởi loài nhỏ dù là con kiến, con muỗi cũng có chút căn lành, nếu giết nó thì phải chịu tội báo. Nghiệp sát bậc trung là giết từ phàm phu trong loài người cho đến bậc A Na Hàm. Người tạo tội nầy phải bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, bàng sanh, chịu sự khổ về bậc trung. Nghiệp sát bậc thượng là giết từ cha mẹ cho đến bậc A La Hán, Bích Chi Phật. Người tạo tội nầy, phải bị đọa vào đại địa ngục A Tỳ, chịu sự khổ về bậc thượng".

3- Vì muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần:  Trong mười pháp giới, nếu nói tóm tắt, duy có hai nẻo: phàm và thánh. Phàm phu tâm còn nhiễm ô phiền não, chư thánh tâm hằng sáng sạch lặng trong. Bởi thế cho nên hàng Phật tử muốn vượt phàm lên thánh, thoát nỗi khổ luân hồi, phải bỏ nhiễm về tịnh. Mà muốn được tịnh tâm, phải ngăn ngừa đừng cho sáu căn nhiễm sáu trần. Người nào ăn chay mà cảm thấy khó khăn, đó bởi do còn thích món ăn ngon, nghĩa là thiệt căn còn nhiễm vị trần. Vì thế, muốn dễ được tịnh tâm, người Phật tử nên tập lần từ ăn chay kỳ đến chay trường.

Có kẻ hỏi: - Tại sao bên Phật giáo Nam tông vẫn còn ăn mặn? Và nếu không thanh tịnh, tại sao những vị bên phái ấy lại chứng thánh quả?

Xin đáp: - Ðức Phật vì tùy hoàn cảnh căn cơ, trong khi nói giáo pháp Nhị thừa, phương tiện tạm mở cho ăn ngũ tịnh nhục (không thấy giết, không nghe giết, không nghi giết, thịt con thú tự chết, thịt loài thú khác ăn còn dư). Nhưng đến khi thuyết qua giáo nghĩa Ðại thừa, ngài lại triệt để cấm dùng đồ huyết nhục, vì lẽ mất lòng từ bi bình đẳng, và gây nhân vay trả luân hồi.

Như trong kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn còn khuyên không nên dùng đồ bằng da, bởi còn thọ dụng một thân phần của chúng sanh tức là còn mắc nợ nó, huống chi là thường ăn thịt? Trong kinh Ương Quật Ma, ngài Văn Thù Bồ Tát thưa: "Bạch Thế Tôn! Phải chăng nhân vì Như Lai tạng, nên chư Phật không ăn thịt?" Ðức Phật bảo: "Nầy Văn Thù! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay sống chết luân hồi từng cùng làm lục thân quyến thuộc, thay đổi vô thường cũng như trò hát. Thân mình và thân loài khác đồng là chất huyết nhục, vì thế nên chư Phật không ăn thịt. Lại nữa, chúng sanh giới tức là ngã giới, thịt loài khác chính là thịt của mình, nên chư Như Lai không ăn thịt. Nầy Văn Thù! Như con bò tự chết, người chủ dùng da nó làm giày dép đem bố thí kẻ giữ giới. Như bậc giữ giới không thọ tức là pháp Tỷ khưu; nếu thọ trì tuy không phải phá giới, song thiếu tâm từ bi. Cho nên, không thọ dụng thân phần của hữu tình, tức là lần lượt lìa nhân duyên sát sanh vậy".

Ðời Ðường bên Trung Hoa, Ðạo Tuyên luật sư giữ giới tinh nghiêm, nên chư thiên thường hiện thân ủng hộ. Cứ theo bộ Tuyên Luật Sư Cảm Ứng Ký, Tứ thiên vương thưa với Tuyên sư rằng: "Thuở đức Như Lai còn ở đời, một hôm ngài phóng ánh sáng lớn bảo các thiên, long, quỉ, thần:

- Sau thời chánh pháp diệt tận, có nhiều vị Tỷ khưu chấp theo giáo tích Tiểu thừa của ta, không hiểu ý nghĩa Tỳ ni, bảo rằng ta cho các Sa môn ăn thịt. Vì thế, trong tăng già lam hiện ra cảnh tượng sát sanh cũng như lò thịt. Lại có các vị Tỷ khưu mặc đồ tơ lụa gần gũi nơi quán rượu dâm xá, không học ba tạng, chẳng giữ cấm giới, làm cho đạo pháp ta suy vi, thật đáng thương xót! Nên biết từ vô lượng kiếp đến nay, ta tu Bồ Tát hạnh đã xả bỏ đầu, mắt, tủy, não, vì tâm từ bi không tiếc thân mạng để bố thí cho loài hữu tình, có lẽ nào lại bảo đệ tử mình ăn thịt chúng sanh? Ta niết bàn rồi, các Tỷ khưu thay thế ta làm thầy trời người dẫn dạy hữu tình khiến cho đắc đạo quả; có lẽ nào bậc thiên nhơn sư mà lại ăn thịt chúng sanh ư? Khi ta mới thành đạo, tuy trong luật có mở ra cho ăn năm thứ tịnh nhục, nhưng đó không phải thật là thịt của bốn loài, mà là thịt do sức thiền định bất tư nghì của ta biến hóa ra. Trong các kinh Niết Bàn, Lăng Già, ta không cho người trì giới ăn thịt. Nếu có Tỷ khưu nào bảo rằng trong Tỳ ni giáo, Phật cho ăn cá thịt, cho mặc áo tơ lụa, đó là lời ma thuyết, là phỉ báng ta!" 

Lời Phật đã dạy như thế, nếu ăn thịt cá mà không trước nhiễm cũng có thể chứng quả thánh như các vị bên Nam tông đã tu chứng. Nhưng nếu so hai phương diện ăn chay và mặn, thì ăn chay dễ đoạn nhiễm tâm hơn; đến như về nghĩa từ bi bình đẳng, bên ăn chay lại hoàn toàn hợp lý. Thế nên biết giáo nghĩa Nhị thừa chỉ là phương tiện tạm thời, giáo nghĩa Ðại thừa mới là chân thật cứu cánh. Vậy người tu nên hướng theo lẽ phải và xét lại năng lực của mình, đừng quá cầu cao tự cho là bậc viên dung tự tại, vội nói câu "Tửu nhục xuyên trường quá. Bất ngại bồ đề đạo" (Chất rượu thịt ăn vào cũng ra ngoài, không ngại chi đến sự giải thoát cả) mà lầm.

4- Vì để cho thân tâm nhẹ nhàng, dễ thực hành trên đường tu:  Ăn chay nếu đúng cách thì hợp với vệ sinh, và khiến cho thân tâm thanh tĩnh nhẹ nhàng thuận tiện trên đường tu tập. So lại thì khi dùng mặn, ta cảm thấy trong người nặng nề mệt nhọc, chất ăn khó tiêu hơn. Các nhà bác học hữu danh đông tây đã công nhận lẽ đó. Như ông Sénèque, một triết gia, đã nói: "Mỗi bữa ăn, người ta dùng thịt là tự đầu độc, thành thử con người tự sát ngấm ngầm mà không hay. Do đó loài người bị nhiều bịnh mà chết sớm". Những y khoa bác sĩ trứ danh như các ông Soteyko, Varia Kiplami cũng bảo: "Trong các thứ thịt có nhiều chất độc rất nguy hiểm cho sức khỏe con người". Và bà White, nhà nữ bác học, sau một cuộc thí nghiệm đã tuyên bố: "Các thứ hột, trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi chúng ta. Các thức ấy chỉ cần nấu nướng một cách đơn giản, thì ăn vào hợp vệ sinh và rất bổ. Nó làm cho con người thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt và tránh được biết bao nhiêu là bịnh tật!" Chất máu thịt vốn là uế trược, hơn nữa loài thú khi bị giết sanh lòng uất hận, độc khí lưu trữ vào tế bào, hoặc gặp nhằm những con vật mang bịnh, như bịnh lao, bịnh sán..., nếu người ăn vào làm sao khỏi sanh đau yếu?

Có vị hỏi: - Nếu ăn chay cũng đủ sanh tố, tại sao tôi thường thấy người ăn chay trường phần nhiều đều có vẻ xanh và gầy?

Xin đáp: - Ðó là do nhiều nguyên nhân khác biệt, không phải lỗi ở sự ăn chay; chẳng hạn như vấn đề tâm lý, hoặc không biết cách thức dùng chay. Về tâm lý, như có người ăn chay với tánh cách gắng gượng, mãi thèm những đồ mặn, lầm nghĩ rằng ăn chay thiếu sức khỏe, thường đem lòng lo lắng e ngại. Hoặc có người tu, mà chưa diệt được niệm tưởng mơ sắc dục, hoặc làm việc suy nghĩ quá nhiều. Những tâm trạng ấy có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, bằng chứng như ta thường thấy người nào trải qua một đêm lo nghĩ, sáng ra gương mặt họ hiện rõ vẻ tiều tụy bơ phờ. Về việc không biết cách dùng chay, như những người vì lỡ phát nguyện, nên ăn chay một cách bắt buộc lấy có, chỉ dùng tương chao, ít lát dưa, hoặc muối sả ớt cho qua bữa. Hơn nữa nhiều người quan niệm tu là phải khổ hạnh, nên không mấy chú ý đến việc ăn uống; hoặc kho đầu củ cải, vỏ dưa, chiên xơ mít, hay làm những thức ăn giống đồ mặn rất công phu, song thật sự không có bao nhiêu chất bổ. Ngoài ra, tập tục của các chùa Việt Nam thiên về sự tụng niệm cúng lễ, thường khi liền cả đêm ngày. Sự sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam lại nghèo, chư tăng ni thiếu phương tiện học tập, phải dùng sức quá nhiều, nên vị nào khi học thành tài hầu hết đều suy gầy đau yếu. Ðó là đại lược những nguyên do khiến cho người tu thường kém sức khỏe, chẳng phải lỗi ở nơi không ăn cá thịt. Nếu ăn chay mà hợp cách, với lòng hiểu đạo hoan hỷ, và đường lối tu không thái quá bất cập, thì đã ít bịnh tật, lại thêm có lợi ích cho thân tâm.

Tóm lại, ý nghĩa của ăn chay là vì lòng từ bi, vì tránh ác báo, vì lìa trần nhiễm, vì thuận ích cho đường tu. Nếu lập cơ bản nơi bốn điểm nầy mà dùng chay, thì sự thực hành sẽ bền và tăng thêm phước huệ. Như trái với cơ bản đó, tất việc làm chỉ có tánh cách thời gian, khó bền bỉ, kết cuộc không được lợi ích gì thiết thật trên đường tu.

http://www.thaoduongmoscow.info/anchay.html