Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Làm đồ ăn chayBài & ảnh: Hoàng Sơn(TNO) - Khởi nghiệp với số vốn 20 triệu đồng, giờ cơ sở sản xuất phù chúc (tàu hũ ky - một loại đồ ăn chay) của anh Đoàn Hồng Khuyên (31 tuổi, trú tại thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã giúp anh bỏ túi 250 triệu đồng mỗi năm.
Người ta nói "quá tam" nhưng anh Khuyên phải tới lần thứ 4 mới thành công và sống được với nghề đến hôm nay. “Kinh doanh đồ ăn chay là một bài toán khó. Giải được bài toán này, nghiệm số chính là: làm nhỏ ăn chắc... ”, anh Khuyên tâm sự.
Quán triệt tư tưởng đó, anh đầu tư 20 triệu đồng để mua thiết bị gồm nồi nấu, máy xay đậu nành, máy phát điện... xây thêm nhà xưởng nhỏ. Sẵn tính cần mẫn và kiên trì nên chỉ một năm sau khi mở cơ sở, tiền lãi anh thu về cả trăm triệu đồng. Anh dùng số lãi mua thêm máy móc, thuê thêm nhân công để mở rộng cơ sở. Sau hai năm hoạt động, hiện tại tổng số vốn của anh khoảng 200 triệu đồng. Mỗi năm, anh thu về gần 250 triệu đồng tiền lãi, giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Anh Khuyên cho biết: “Nghề làm phù chúc không đòi hỏi vốn nhiều và cũng tương đối dễ làm. Bỏ ra 200 triệu đồng tiền vốn, tôi thu về 250 triệu đồng tiền lãi, tính ra tỷ lệ là 1 ăn 1. Làm nhỏ ăn chắc là vì thế”.
Chất lượng là yếu tố duy nhấtQua mô tả của anh Khuyên thì nghề làm phù chúc đơn giản là vớt váng bột đậu nành sau đó sấy khô đem bán. Nhưng để sản phẩm đứng vững trên thị trường, yếu tố duy nhất là chất lượng. Anh nói: “Do sản xuất từ hạt đậu nành nên người làm phù chúc rất dễ pha chế thêm nhiều loại bột theo các tỷ lệ để kiếm lời. Nhưng làm như thế thì chỉ được vài lần bởi người tiêu dùng sẽ nhận ra, người bán đã tự đào thải mình. Chất lượng phù chúc tự khách hàng có thể thẩm định, đánh giá nên nếu làm dối, cơ sở đó sẽ khó tồn tại. Ngược lại, làm ăn uy tín, họ sẽ tự tìm đến mình”.
Hiện mỗi ngày, cơ sở anh xuất ra thị trường khoảng 40 kg phù chúc (85.000 đồng/kg) nhưng vẫn không đủ cung. Chưa có ngày nào hàng của anh làm ra bị tồn đọng. Anh cũng nhiều lần từ chối các đơn đặt hàng của khách bởi hiện vẫn chưa đủ sức sản xuất lớn hơn. Anh trải lòng: “Một khi đã khẳng định mình thì người ta sẽ tự tìm đến tận xưởng để mua hàng. Có nhiều khách hàng mỗi năm tôi chỉ gặp một lần, còn lại đều trao đổi qua điện thoại bởi tôi được họ tin tưởng. Làm ăn lâu dài cũng cần phải sàng lọc khách hàng để có những mối làm ăn thân tín, sòng phẳng và tin cậy lẫn nhau”.
Nói về những dự định kinh doanh trong tương lai, ngoài các thị trường quen thuộc như Đà Nẵng và các huyện, thành phố tỉnh Quảng Nam, anh Khuyên tính sẽ mở rộng ra Huế - một thị trường tiềm năng trong tiêu thụ đồ ăn chay. Nhưng với anh, tiêu chí "làm nhỏ ăn chắc cũng đồng nghĩa với việc phát triển đến đâu, quản lý tốt đến đó”, anh Khuyên nói.
Anh Khuyên phân tích: “Cách đây 5 năm, người Quảng Nam còn ít biết đến phù chúc.
Nhưng đến hiện tại, số người ăn chay đang tăng nhanh vì món chay bổ dưỡng một phần, phần nữa là thực phẩm tốt cho sức khỏe, ít hóa chất xử lý như các loại thực phẩm khác. Thị trường phù chúc do đó sẽ không chững lại mà phát triển ổn định trong thời gian tới”.
Đoàn Hồng KhuyênĐịa chỉ: thôn Phú Vinh, xã Tiên Hà, H. Tiên Phước, Quảng NamĐT: 0972205777http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121202/muu-sinh-tu-dong-von-nho-ky-6-lam-do-an-chay.aspx