Blogger templates

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Văn Hóa Việt Nam: Năm Rồng, tản mạn về rồng - The revered dragon


Dragon is a  highly revered mythical creature, often associated with power, courage, nobility, and wisdom. In fact, it is said that the English word "dragon" derives from a Greek word - δράκων (drákōn) - which in turn comes from the verb δρακεῖν (drakeîn), meaning "to see clearly". May all be blessed to "see clearly" in this auspicious Year of the Dragon.

NĂM RỒNG, TẢN MẠN VỀ RỒNG

(Tổng hợp) - Rồng, chữ Hán là Long, chữ Phạn là Nâga, là một loài sinh vật thuộc thế giới vô hình, và cũng là một loài trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng (Rồng, Lân, Rùa, Phượng). Rồng trong tiếng Anh (dragon) bắt nguồn từ chữ Hy Lạp, vốn có nghĩa là “con trăn”. Do đó, rồng trong các chuyện thần thoại phương Tây mô hình cơ bản là loài rắn.

Theo thần thoại, rồng có hình dạng rất lạ kỳ: đầu rồng giống như đầu đà, sừng giống như sừng nai, cổ giống như cổ rắn, bụng giống như bụng con giao [thuồng luồng], mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng, vảy rồng giống như vảy cá ly.

Qua các thời đại, hình thù rồng trong trí tưởng tượng của loài người không ngừng biến đổi. Chẳng hạn như hình rồng ở thời kỳ vương triều New Babilon xa xưa (trước công nguyên 6 thế kỷ) có bốn chân và đôi cánh, trên mình có đầy vẩy. Rồng trong sách Kinh Thánh được miêu tả thành loài rắn già có nhiều đầu. Vì rồng vừa có ý nghĩa thần linh phù hộ cho con người, vừa có thể làm cho loài người khiếp đảm kinh hồn, nên từ lâu, rồng cũng được coi là tượng trưng cho dũng cảm, thiện chiến. Trong sử thi (trường ca) Iryande của Homeros, huy hiệu trên chiếc mộc của quốc vương Hy Lạp, người chỉ huy trận đánh thành Troy hồi đó, là hình một con rồng màu xanh lam có 3 đầu. Về sau, cướp biển ở miền bắc châu Âu cũng thường vẽ hình rồng trên mũi tàu và những chiếc mộc của đồng bọn mình. Nước Anh trước khi bị người Normandie chinh phục, cha của quốc vương Atjeh, cũng dùng hình rồng làm phù hiệu chính trên cờ xí của quân đội Hoàng gia. Cho tới thế kỷ 20 này, hình rồng vẫn còn là tượng trưng của hoàng tử Wells ở nước Anh.

Rồng là vua của loài có vảy, có tài biến hóa, làm tối được, làm sáng được, làm lớn được, làm nhỏ được, nhằm tiết xuân phân thì lên trời, nhằm tiết thu phân thì xuống biển hay xuống đất. Kinh Phật nói: “Long thường tại định, vô hữu bất định thì,” nghĩa là: Rồng thường ở vào thiền định, không có lúc nào chẳng thiền định.

Có rất nhiều loại rồng, được phân ra tùy theo màu sắc, tùy theo hình dáng đầu rồng hoặc tùy theo phận sự của nó:

I. Phân loại theo màu sắc: Có 5 loại:

Rồng trắng: Bạch long, toàn thân màu trắng, chúng ta thấy trong BQĐ [Bát Quái Đài] Tòa Thánh Tây Ninh có 8 con bạch long nằm dưới Quả Càn Khôn, đầu hướng ra ngoài như để bảo vệ Quả Càn Khôn.

Rồng vàng: Huỳnh long, toàn thân màu vàng, chúng ta thấy 8 rồng vàng quấn trên 8 cột chung quanh Quả Càn khôn tại BQĐ, và 2 cây cột tại Cung Đạo.

Rồng xanh: Thanh long, toàn thân màu xanh sậm, chúng ta thấy 18 con rồng xanh quấn trên 18 cây cột nơi CTĐ [Cửu Trùng Đài].

Rồng đỏ: Xích long, toàn thân màu đỏ, quấn trên hai cây cột dưới bao lơn trước Tòa Thánh.

Rồng đen: Hắc long, toàn thân màu đen.

II. Phân chia theo hình dáng: 3 loại:

Rồng trẻ, đầu không có sừng, gọi là Ly long.

Rồng sống được 500 năm thì mọc sừng, gọi là Cù Long.

Rồng sống được 1000 năm trở lên thì có sừng dài và mọc thêm cánh, gọi là Ứng long.

III. Phân chia theo nhiệm vụ: có 4 loại:

Thủ Thiên cung long: Rồng ở cõi Trời, gìn giữ Thiên cung.

Hành võ long: Rồng làm mưa (Hành là làm, võ hay vũ là mưa). Rồng nầy có hai hạng:

Thiện long thì làm cho mưa thuận gió hòa.

Ác long thì làm cho mưa to, gây lũ lụt,

Địa long: Rồng ở dưới đất sâu, làm hầm khoét hang, làm thành sông, hồ, biển.

Phục tạng long: Rồng giữ gìn kho tàng của vua Chuyển Luân Thánh vương và các nhà phước đức lớn.

■ Tương truyền, rồng ở đáy biển, có lầu đài cung điện, có tổ chức vua, quan, quân lính. Rồng làm vua gọi là Long vương, cung điện của Long vương là Long cung, các quan của vua rồng là loài cá lớn, quân lính là các loài cá nhỏ.

Theo truyện Phong ThầnTây Du Ký, có Tứ Hải Long vương là 4 vị Long vương ở bốn biển:

Đông Hải Long vương: ở biển Đông tên Ngao Quảng.

Nam Hải Long vương: ở biển Nam tên Ngao Thuận.

Tây Hải Long vương: ở biển Tây tên Ngao Khâm.

Bắc Hải Long vương: ở biển Bắc tên Ngao Nhuận.

■ Cũng trong truyện Tây Du, con Bạch mã (ngựa trắng) mà Tam Tạng cỡi đi Tây phương thỉnh kinh là do một con tiểu long (rồng nhỏ) biến thành. Con tiểu long nầy vốn là Thái tử, con của Bắc Hải Long vương Ngao Nhuận, phạm tội nặng, bị bắt treo lên chờ xử trảm. May nhờ Đức Quan Âm Bồ Tát đi ngang, tiểu long van xin cứu mạng. Đức Quan Âm Bồ Tát thương tình, tâu xin Thượng Đế tha chết cho tiểu long để sau nầy bắt tiểu long biến thành bạch mã, đỡ gót cho Tam Tạng thỉnh kinh. Nhờ công lao chuộc tội nầy, sau khi thỉnh kinh xong, bạch mã được biến trở lại thành rồng, trở về Long cung.

■ Long Nữ là con gái của Đệ tam Thái Tử của Nam Hải Long vương Ngao Thuận, ngày kia hóa thành con cá dạo chơi nơi mé biển, bị một ông chài bắt được, đem ra chợ bán. Đức Quan Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi đến chợ mua con cá ấy, rồi đem xuống biển Nam thả xuống.

Nam Hải Long vương nhớ ơn Bồ Tát cứu tử cháu nội gái của mình, nên dạy Long Nữ đem cục ngọc Dạ Minh Châu đến dâng tặng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm không cần đèn.

Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát nên xin quy y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử. Từ ấy, Thiện Tài đồng tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để phụng sự Bồ Tát.

Trong thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Long Nữ thay mặt Đức Quan Âm Bồ Tát giáng trần để làm tướng soái cho Đức Chí Tôn khai đạo, cứu độ các tín đồ nữ phái. Đó là bà Nữ Đầu Sư Hương Thanh (1874-1937).

Trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế có câu: "Thời thừa lục long" nghĩa là thường cỡi sáu rồng. Đây là nói tượng của quẻ CÀN, Càn là Trời, gồm 6 vạch dương (vạch liền), tượng trưng bằng 6 con rồng, vì rồng thuộc dương.

Do đó, trên plafond dù của Tòa Thánh Tây Ninh có bông hình 6 con rồng đoanh nhau theo ba màu đạo để tượng trưng 6 vạch dương của quẻ CÀN: 2 con rồng màu vàng, 2 con rồng màu xanh và 2 con rồng màu đỏ.

Rồng lúc đầu là biểu tượng chung của tập thể thị tộc, có ý nghĩa là tài giỏi, cao quý, đẹp đẽ, nên có những thành ngữ như “mong con sớm trở thành rồng”, “mong được chú rể cưỡi rồng”, “dịp may chẳng khác nào “rồng mây gặp hội”, “rồng tới nhà tôm”, “đó là chốn rồng ẩn hổ náu” (tàng long ngọa hổ), “nơi ấy long xà hỗn tạp”, “chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa” v.v. . Nhưng dần dần về sau, các giới cầm quyền phong kiến chiếm độc quyền sử dụng danh từ và đồ án rồng, khiến rồng trở thành tượng trưng cho uy quyền, cao sang của hoàng tộc. Người đầu tiên chiếm địa vị độc tôn này là Lưu Bang nhà Hán. Từ đó về sau, bất cứ ai hễ lên ngôi vua nắm quyền cai trị đất nước là tự cho mình là rồng thật. Áo vua được gọi là long bào, mũ vua được gọi là long quân, giường vua ngủ được gọi là long sàng, sân vua được gọi là long đình, xe vua dùng được gọi là long xa, thuyền vua ngự được gọi là thuyền rồng... v.v. Như ai nấy đều biết, triều đình Mãn Thanh trước khi bị lật đổ, từng dùng hình rồng làm huy hiệu của hoàng tộc mình. Cột trụ cung điện, bia trụ, trang phục, đồ dùng của nhà vua đều có chạm trổ, tô vẽ, thêu thùa, hình rồng để làm tăng thêm vẻ sang trọng, quyền quý. Triều đình bá quan văn võ, dù chức tước cao tới mấy, cũng không ai được quyền mặc áo long bào, nhiều nhất chỉ có thể mặc áo “mãng bào”. Triều phục của các quan đại thần có thể thêu rắn thêm chân, nhưng không được thêu thành hình mãng xà chân có 5 vuốt như vuốt rồng, tượng trưng của nhà vua.

Trong lịch sử Việt Nam, lúc Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Lý Thái Tổ, thấy đất Hoa Lư chật hẹp không phải là nơi đóng đô, muốn dời đến La Thành. Khi nhà vua đến La Thành xem xét, vua thấy một con rồng vàng xuất hiện, từ La Thành bay thẳng lên trời. Lý Thái Tổ cho đó là điềm lành, nên chọn La Thành làm nơi đóng đô, đổi tên lại là Thăng Long (Rồng bay lên) để kỷ niệm ngày thấy rồng vàng bay lên trời. Nhà Lý đóng đô tại Thăng Long, truyền ngôi được 9 đời, kéo dài 215 năm.

Thực tình mà nói, chẳng phải chỉ riêng có người Trung Quốc mới coi rồng là vật tổ của mình. Ngay ở Việt Nam, ở Nhật Bản và các nước khác ở vùng Đông nam Á, cũng rất kính trọng rồng. Bạn không thấy nước Bhutan, một nước nhỏ nằm giữa hai nước Trung Ấn, tự nhận mình là quốc gia Thần Rồng. Trên quốc kỳ của họ có hình tượng một con rồng, chẳng khác nào hình rồng của người Trung Hoa ngày nay..

Đối với các quốc gia ở Phương Đông, rồng là sinh vật có tính chất thần linh, rồng ở Trung Quốc và Việt Nam tượng trưng cho hoàng tộc và quyền quý. Rồng ở Nhật Bản có thể biến hóa thành lớn nhỏ tùy ý, thậm chí có thể ẩn thân, tàng hình. Rồng của Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam hiện nay đều không có cánh, nhưng có thể lên trời, xuống biển, cưỡi mây đạp gió, tung hoành bốn phương. Người Trung Quốc ngày nay bất cứ là sinh sống ở đại lục, Đài Loan hay ở hải ngoại, đều cho rằng mình là con cháu của Hoàng đế - Viêm đế, là dòng giống Rồng. Người Việt Nam bao đời qua cũng tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên.

Ngày nay, khoa học tiến bộ, nhận thức của loài người có khác xa với người đời thượng cổ. Họ không còn nhắm mắt đi mê tín những điều dị đoan huyền hoặc. Nhưng đôi với rồng, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc vẫn coi đó là tượng trưng cho tài giỏi, cao quý, là điềm lành, cho nên ngày nay, trong những buổi lễ quan trọng, như chúc mừng năm mới, nghênh đón tân khách hay hôn lễ giữa hai họ, chúng ta vẫn có thể trông thấy những hình thức múa rồng hay hình tượng rồng và phượng.

Ngày nay, nói mình là con cháu giống rồng, điều đó có nghĩa là muốn nói lên rằng tổ tiên mình là giống người tài giỏi, dân tộc mình có một lịch sử văn hóa lâu dài, nhân dân mình có một truyền thống vẻ vang. Hôm nay, người viết mong rằng, những người con cháu dòng giống Tiên Rồng bất cứ hiện đang sinh sống ở trong nước, nơi quê cha đất tổ, hay đang phấn đấu ở hải ngoại, nơi đất khách quê người, dù sao cũng nên hãy sống sao cho ra sống, sống sao không làm nhơ danh cha ông tiên tổ, dòng dõi giống rồng, sống sao để khỏi hổ thẹn với đất nước non sông.

http://cadn.com.vn/News/Suc-Khoe/2012/1/14/71553.ca
http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/r/r2-004.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét