Blogger templates

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Góc Đẹp Tâm Hồn: Được! - I'm OK, You're OK

Photo: VietNamAnChay.com
The following fun poem is about attitude. There's an ancient saying: "Everything is perfect under the sun."

ĐƯỢC!

2 bánh 4 bánh, đi được là được.
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được.
Người xấu người đẹp, dễ coi là được.

Người già người trẻ, miễn khỏe là được.
Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được.
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã càu nhàu, chăm lo là được.

Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm.
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng xong.
Sau khi trưởng thành, ngoan ngoãn là được.
Nhà to nhà nhỏ, có chỗ ở là được.

Hàng hiệu hay không, mặc được là được.
Tất cả phiền não, biết xả là được.
Kiên trì cố chấp, biết buông là được.
Sống một kiếp người, bình an là được.

Không phải có tiền, muốn gì cũng được.
Tâm tốt việc tốt, có thể thay đổi số mệnh được.
Ai đúng ai sai, Trời biết là được.
Tu phúc tu thân, kiếp sau càng tốt.

Thiên địa vạn vật, tùy duyên là tốt.
Có rất nhiều việc, nhìn xa trông rộng.
Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt.
Anh tốt tôi tốt, thế giới sẽ tốt.

(Lụm ... được, rất tốt!)

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Gương Sáng Muôn Đời: Trang Tử và Nam Hoa Kinh - Chuang Tzu (Tường Khai)

Chuang Tzu is considered one of the greatest philosophers of our world. Some records indicated that Master Chuang was born in China around 369 BEC and passed away in 286 BCE. 
He said: "The wise person looks into space and does not regard the small as too little, nor the great as too big, for he knows that there is no limit to dimensions."

Trang Tử và Nam Hoa Kinh
Tường Khai

Trong văn học Trung Quốc từ xưa đã xuất hiện hai nhân vật kỳ bí, hai triết gia đặc biệt: đó là Lão Tử và Trang Tử. Người xưa không ai biết hai Ngài là học trò của ai, và hành đạo ra sao. Đến khi nhị vị tách mình ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại cho đời tác phẩm của mình thì đời sau mới biết tông chỉ và chủ trương của hai Ngài.

Đức Lão Tử để lại cho đời quyển Đạo Đức Kinh theo lời thỉnh cầu của ông Doãn Hỉ, vị quan coi cửa ải Hàm Cốc…. Với quyển Đạo Đức Kinh, Đức Lão Tử đã khai sinh một học thuyết mới: ĐẠO và một cái nhìn mới về vũ trụ quan. Người đời sau tôn xưng Ngài là Đạo Tổ. "Đạo Đức Kinh" là cuốn sách khó hiểu: không ai hiểu hết lời dạy của Ngài. Đến nay, sau trên 2000 năm, cuốn Đạo Đức Kinh vẫn còn đầy đủ giá trị thực tiễn cho người tu hành chân chính tìm hiểu và thực hành chân lý.

Nếu với đạo Nho, Mạnh Tử, một người học trò không trực tiếp tiếp thu lời dạy của đức Khổng Tử, không sinh cùng thời với Đức Khổng Tử (sanh sau khoảng 100 năm) mà lại hấp thụ trọn vẹn tư tưởng của Đức Khổng Tử và lại có công phát huy nền Khổng học, được người đời sau xưng tụng là bậc Á Thánh, thì với Lão giáo, ông Trang Tử sinh sau Đức Lão Tử mấy chục năm, không tiếp xúc với Đức Lão Tử mà cũng đã tiếp thu trọn vẹn tư tưởng của Đức Lão Tử và làm cho Đạo giáo khởi sắc thêm lên: chỉ xuyên qua một cuốn Nam Hoa Kinh !

Trang Tử tên thật là Trang Châu (Trang Chu). Ông sinh vào khoảng những năm giữa của thế kỷ thứ IV trước Tây lịch và mất vào những năm đầu của thế kỷ thứ III trước Tây lịch (ngày sinh và ngày mất của Trang Tử: có nhiều ý kiến rất khác nhau). Điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi đời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Ông sống vào thời kỳ đảo lộn dữ dội trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, giai đoạn Chiến Quốc (403-221 trước Tây Lịch).

Trang Tử là người xứ Mông, gốc nước Tống, là một nước nhỏ ở giữa hai tỉnh Sơn Đông và Hà Nam Trung Quốc hiện nay. Ông đã từng làm chức quan "Tất Viên" (coi vườn sơn [là cây có nhựa để làm sơn]) ở xứ Mông, và sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Đã từng làm quan và là người nổi danh tài trí nên chắc chắn Trang Tử xuất thân từ từng lớp quí tộc đã sa sút, bị mất chỗ đứng trong xã hội. Địa vị và giai cấp của Trang Tử đã thể hiện rõ trong thuyết tương đối và chủ nghĩa vô vi của ông.

Trang Tử sống thanh bạch, giản dị, ghét thói hám danh cầu lợi. Gia đình, vợ con ông sống nghèo khổ, túng quẩn nhưng rất có nhân cách và bản lĩnh…Ta có thể nói cuộc đời của Trang Tử đã thể hiện một cách nhất quán quan điểm tư tưởng của ông: đó là thái độ ung dung, thản nhiên đến lạnh lùng trước mọi sự kiện quan trọng diễn ra trong đời (cảnh vợ chết, Trang Tử ca! Thương Chí Lạc – Ngoại thiên).
Ngay cả khi gần chết, các đệ tử muốn hậu táng thì Trang Tử nói: "Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh tú làm châu ngọc, vạn vật làm lễ tống. Đám tang ta như thế chưa đủ sao? Còn thêm vô chi nữa?"

Tác phẩm duy nhất của Trang Tử là bộ Nam Hoa Kinh. Nam Hoa Kinh hiện nay được lưu truyền 33 chương và được chia ra như sau:

Nội thiên: 7 chương
Ngoại thiên: 15 chương
Tạp thiên: 11 chương

Theo các học giả, cuốn Nam Hoa Kinh 33 chương không phải do Trang Tử viết hoàn toàn. Căn cứ theo nhân cách, văn phong và tư tưởng của ông thì chỉ có phần Nội thiên là của Trang Tử, còn phần Ngoại thiên và Tạp thiên có chỗ do ông viết, nhưng phần lớn là do người đời sau viết thêm thắt vào.

Trang Tử có một địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng học thuyết của Lão Tử mới được phổ biến mạnh. Giới trí thức (học Hán Văn) quí những câu "cách ngôn" trong Đạo Đức Kinh, còn giới bình dân (trong xã hội Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc) thì ai cũng biết ít nhiều về ngụ ngôn của Trang Tử. Tên ông gắn liền với tên Lão Tử và hai vị đều có công làm cho dân tộc Trung Quốc bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn.

Trang Tử là người có công mài giũa viên ngọc "ĐẠO" của Lão Tử để thể hiện đầy đủ vẻ lấp lánh sáng ngời của nó. Do đó người đời sau gọi chung là tư tưởng Lão Trang.

http://www.nhipcaugiaoly.com/post?id=134

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bún xào rau - Rice noodles with veggies (Hy Vọng)

Photo: VietNamAnChay.com
Rice noodles with veggies

Boil rice noodles al dente, drain, and set aside. Chop carrot, celery, and bok choy. Stir-fry with a couple tablespoons of vegetable oil in high heat in that order, since carrot takes longer to soften. Add bean sprouts to the mix. Finally, add rice noodles in. Season to taste with a dash of salt, black pepper, and soy sauce (or Maggi). 

Bún xào rau (Hy Vọng)

Đây là một món bún xào rau đơn giản. 

Bún luộc, khi vừa chín đổ ra rổ, để ráo nước. Cà-rốt, rau cần, cải xanh - thái sợi. Xào theo thứ tự trên, vì cà-rốt cứng hơn nên lâu chín. Cuối cùng cho giá vào, xào tiếp chừng 1 phút. Cho bún vào, đảo đều. Nêm tí muối, tiêu, Maggi cho vừa khẩu vị. 

Thỉnh thoảng mình dùng bún thay cơm cho có thay đổi. Các món chay rất đa dạng và có thể thực hiện nhanh, rẻ, đẹp. 

Chúc các bạn một ngày đẹp.

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Biến Đổi Khí Hậu: Khí thải toàn cầu tăng đột biến - Global CO2 output jumped

From Los Angeles Times (AP): The global output of heat-trapping carbon dioxide jumped last year by the biggest amount on record, the U.S. Department of Energy calculated, a sign of how feeble the world's efforts are at slowing man-made global warming. The new figures for 2010 mean that levels of greenhouse gases are higher than the worst-case scenario outlined by climate experts just four years ago."
To read more, please click here.

Khí thải toàn cầu tăng đột biến
THẢO NGUYÊN (Theo AP)

NDĐT - Theo tính toán của Bộ Năng lượng Mỹ, tổng lượng khí carbon dioxide trên toàn cầu, thủ phạm chính gây ra hiện tượng ấm lên của Trái đất, đã gia tăng với mức độ kỷ lục.

Những con số tính toán mới về lượng khí nhà kính năm 2010 đã cho thấy lượng khí nhà kính cao hơn nhiều so với mức dự báo cao nhất mà các chuyên gia về khí hậu đã đưa ra bốn năm trước đây. Ông John Reilly, một nhà khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nói: “Chúng ta càng nói nhiều về nhu cầu kiểm soát hiệu ứng khí nhà kính thì nó lại càng gia tăng nhiều hơn”.

So với năm 2009, số lượng khí nhà kính được thải vào không khí trên toàn thế giới năm 2010 đã tăng thêm 564 triệu tấn. Trong đó, có ba quốc gia thải ra một lượng khí gây ô nhiễm nhiều hơn hẳn so với các nước còn lại là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Trong đó, mức gia tăng lượng khí thải của hai nước Trung Quốc và Mỹ đã chiếm hơn một nửa tổng mức khí thải toàn cầu gia tăng trong năm ngoái.

Theo ông Tom Boden, một quan chức của của Bộ Năng lượng Mỹ, năm 2010, toàn thế giới sản xuất được hồi phục, người dân đi du lịch nhiều hơn và thúc đẩy lượng tiêu thụ của các loại nhiên liệu hóa thạch, nhân tố chính đóng góp cho sự biến đổi khí hậu. Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước sử dụng một lượng than khổng lồ. Mà lượng khí tỏa ra từ việc đốt than chính lại là nguồn khí thải lớn nhất trên toàn thế giới và đã tăng gần 8% trong năm 2010.

Ông Reilly nói: “Tăng trưởng kinh tế tại các nước nghèo đã giúp cải thiện cuộc sống của người dân. Nhưng khi kinh tế tăng trưởng, kết hợp với sự phụ thuộc vào than đá ngày một gia tăng cũng đang đẩy thế giới vào tình trạng nguy hiểm”.

Năm 2007, khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố bản báo cáo của họ về hiện tượng ấm lên trên toàn cầu, họ đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về sự ô nhiễm khí carbon dioxide và nói rằng tốc độ ấm lên trên toàn cầu có thể tùy thuộc vào tốc độ gia tăng khí ô nhiễm. Tuy nhiên, những số liệu mới nhất mà các nhà khoa học thu thập được cho thấy lượng khí nhà kính thải ra trên toàn thế giới cao hơn nhiều so với những dự báo tồi tệ nhất mà ủy ban khí hậu đưa ra.

Ông Reilly cho biết, mặc dù những người nghi ngờ về hiện tượng ấm lên trên toàn cầu thường chỉ trích Ủy ban Biến đổi khí hậu là đã quá bi quan, thì ngược lại các nhà khoa học lại cho rằng những dự báo này là quá thận trọng. Ông nói rằng trường đại học của ông đã khảo sát các kịch bản về sự gia tăng khí thải này, độ chính xác của nó và điều gì có thể xảy ra. Và kết quả là kịch bản tồi tệ nhất của IPCC đưa ra cũng chỉ tương đương với kịch bản ở mức trung bình mà MIT đã tính toán.

Còn ông Chris Field thuộc trường ĐH Stanford, người đứng đầu một trong các nhóm làm việc của IPCC, nói rằng các kịch bản về sự gia tăng khí thải của Ủy ban này được được đưa ra để áp dụng cho những thay đổi dài hạn và không chính xác lắm trong khoảng thời gian ngắn hạn. Ông nói rằng tranh cãi giữa các nhà khoa học hiện nay chỉ là mức độ ô nhiễm trong tương lai sẽ đúng như theo kịch bản tồi tệ nhất của IPCC hay sẽ là “một cái gì đó tồi tệ hơn”.

Tuy nhiên, ông Reilly và nhà khoa học về khí hậu Andrew Weaver tại trường ĐH Victoria lại phát hiện được một số điểm thú vị trong các con số về lượng khí thải gần đây. Những quốc gia phát triển đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto năm 1997 về hạn chế lượng khí nhà kính đã giảm tổng lượng khí thải của họ và đã đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải xuống 8% so với tổng mức năm 1990.


Ông cho biết, năm 1990, các quốc gia phát triển sản xuất ra khoảng 60% lượng khí nhà kính trên toàn thế giới. Còn hiện nay, con số này chỉ còn chưa đầy 50%.

http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/khoa-hoc/khoa-h-c/khi-th-i-toan-c-u-t-ng-t-bi-n-1.319634#CSbs19G842ZT

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Vườn Nhạc: Chế Linh & Tuấn Ngọc song ca

Two leading Vietnamese male vocalists of different genres got together for duets that make hearts smile. Artists bring us so many gifts, including solace for our spirit and music for our soul. Surely they deserve support and appreciation whenever we can express. If you mention the names Chế Linh and Tuấn Ngọc, every Vietnamese would probably know them!

Hai nam danh ca Chế Linh và Tuấn Ngọc trong một buổi trình diễn chung, với sự hưởng ứng và yêu mến của khán giả.

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Đậu hủ chiên sả - Fried tofu in lemongrass (Hồng Hương)

Photo: VietNamAnChay.com
Fried tofu in lemongrass is a typical Vietnamese vegan dish. 

Finely chop a couple stalks of lemongrass. Mix with 2 tablespoons sea salt (and 1 chili red pepper, finely chopped, if you like it hot), then coat both sides of about 6 tofu slices that have been slit diagonally. Fry in high heat until both sides are golden. Put fried tofu slices on paper napkin or towel to soak off some extra oil. 

Eat with hot steamed rice, cucumber, and fresh herbs (some suitable ones are mint, Vietnamese cilantro, perilla) - use your clean fingers (instead of utensils) for a different feel.

Đậu hủ chiên sả (Hồng Hương)

Đây là một món ngày xưa mẹ HH cũng hay làm. 

Mình băm nhuyễn 2 tép sả, trộn với 2 muỗng canh muối biển, nếu thích ăn cay có thể thêm 1 trái ớt đỏ băm nhỏ. Ướp đều hai mặt đậu hủ (khoảng 6 lát, khía chéo nhẹ trên một mặt). Chiên lửa cao, cho đến khi vàng đều hai mặt.

Dùng với cơm nóng, dưa leo, rau sống.

Mẹ HH khi bé ở vùng đồng bằng Cửu Long, vùng đó có người Cam Bốt, và khi là thiếu nữ, Mẹ cũng có một thời gian sang Cam Bốt đi dạy (lý do chính là vì trốn gia đình, không muốn lấy... người không yêu, đó là vào khoảng năm 1936!) Thỉnh thoảng những món như vầy, Mẹ cũng ăn bốc, chắc là do ảnh hưởng Cam Bốt, người láng giềng của chúng ta ăn bằng tay hoặc bằng thìa, không dùng đũa như người Việt. HH nghĩ chắc cũng "phê", hôm nào sẽ thử (không chừng hồi nhỏ cũng đã ăn vậy rồi mà quên!) Chuyện trong một kiếp mà còn quên, huống chi chuyện ngàn năm, bản lai diện mục mỗi ngày không lấy gương soi thì hẳn là sẽ quên đấy, nhưng thôi cũng ráng "xin đừng gọi nhau là cố nhân"... 

Bây giờ HH đi soi Gương nhé. Chúc các bạn ăn chay trường... dài dài. Thân thương.

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

Người Trường Chay: Giáo sư tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh

Vietnamese scientist Dr. Đặng Huy Huỳnh is vegetarian.
Professor Dr. Đặng Huy Huỳnh has been working for more than 60 years in animal protection and preservation. The vegetarian scientist is saddened by the news of the Java rhino extinction in Việt Nam, but believes we should keep trying to look for them.

Vẫn nuôi hy vọng về tê giác ở Việt Nam

(TT&VH) - Ngày 25/10, Quỹ bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) khẳng định: xác cá thể tê giác Java được tìm thấy ngày 29/4/2010 tại Cát Lộc (Đồng Nai) là tê giác cuối cùng ở Việt Nam.

TT&VH đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam về vấn đề này.

* Thời điểm xác tê giác bị sát hại tháng 4/2010, GS có nghĩ đó là con tê giác cuối cùng của Việt Nam, hay đợi đến khi WWF chính thức công bố GS mới có thể khẳng định rằng đó là con tê giác cuối?

- Từ những năm 2001 - 2002, tôi cùng các chuyên gia động vật học tiến hành đi khảo sát loài tê giác ở khu vực Cát Lộc, Cát Tiên thì thấy có rất nhiều dấu chân. Các dấu chân đều được đúc thạch cao để lưu giữ tại Vườn quốc gia. Căn cứ vào dấu chân, thì chúng tôi đều nhận định chúng ta còn 3 đến 5 con tê giác.

Khi WWF công bố con tê giác chết năm 2010 là con cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam, thú thực tôi vẫn cứ hy vọng. Con tê giác bị giết tháng 4/2010 bởi vết đạn găm vào chân, đã bị cưa sừng. Nhưng căn cứ vào các dấu chân mà chúng tôi khảo sát được từ 2001 thì thấy có cả dấu chân của tê giác con, mà có tê giác con thì chắc sẽ có tê giác mẹ, tê giác bố, nên tôi vẫn cứ hy vọng...


* Như vậy, hy vọng vẫn còn tê giác ở Việt Nam?

- Mấy tháng trước tôi cũng đã vào Cát Tiên, và khi làm việc với các anh ở Vườn quốc gia, rồi với WWF, tôi vẫn mong thuyết phục họ chưa xem nó là tuyệt chủng mà cố gắng điều tra theo kiểu “còn nước còn tát” xem còn cá thể tê giác nào không. WWF cũng nói với tôi “cực chẳng đã” mới phải tuyên bố.

Các chuyên gia quốc tế của IRF, WWF và Vườn quốc gia đã làm việc rất khoa học. Họ đã giải
thích, các dấu chân đã được đúc thạch cao có kích thước khác nhau có thể do tác động của môi trường, thời tiết. Ví dụ dấu chân tê giác để lại sau trận mưa, hoặc tại khu vực đất ẩm, bùn nhão có thể biến dạng, thu nhỏ lại, không như hình dạng ban đầu. Đây là một giải thích hợp lý.

Hơn nữa, họ có cả chó nghiệp vụ từ bên Mỹ sang, đánh giá với các phương pháp hiện đại nhất.

Theo tôi, kể cả khi chúng ta công bố, vẫn nên tiếp tục tìm kiếm, như nhiều loài động vật công bố tuyệt chủng tại khu vực nào đó sau đó lại được bất ngờ phát hiện bởi người dân. Chúng ta có thể nhờ người dân, đồng bào dân tộc sống trong khu vực vườn quốc gia giúp đỡ, tất nhiên có cơ chế động viên họ.


Như chúng ta đã biết, tê giác ở VQG Cát Tiên phân bố trong một khu vực tương đối rộng khoảng 5.500 ha, với độ cao từ 200 đến 400 mét so với mực nước biển nên có thể nhờ sự giúp đỡ của người dân, đồng bào, vì họ rất giỏi đường rừng, thông thạo địa bàn...

Họ tuyên bố “tuyệt chủng” thì mình chấp nhận, nhưng tôi vẫn đề nghị với Bí thư huyện ủy Cát Tiên có thể nhờ bà con dân tộc tiếp tục để ý, tìm kiếm, nếu thấy dấu vết phải báo lại ngay. Coi như “còn nước còn tát”.


* Là nhà khoa học đầu ngành về bảo vệ động vật, ông nghĩ gì khi con tê giác cuối cùng trên đất nước ta bị sát hại?

- Không những tôi, mà rất nhiều anh em đồng nghiệp khác cũng rất đau buồn về việc này. Đã mấy chục năm nay, chúng tôi hoạt động không ngừng chỉ để mong bảo tồn đa dạng sinh học cho đất nước, bảo vệ sự giàu có của thiên nhiên cho con cháu, lưu giữ nguồn gen quý cho mai sau.

Với người như tôi đã 80 tuổi, có 60 năm bảo vệ động vật, thì điều ấy rất đáng buồn. Càng buồn hơn, khi các nỗ lực đưa các loài động vật vào sách đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn tiếp tục bị giết hại.

Người ta giết nó vì giá trị kinh tế, vì cái sừng. Nhưng sâu xa nhất là từ những kẻ có nhu cầu. Những kẻ thích dùng sừng tê giác này hẳn là đại gia có rất nhiều tiền, chứ lương của những người bình thường, những giáo sư như chúng tôi đây cũng không bao giờ đủ tiền để mua.


* Hẳn sừng tê giác có giá trị rất cao. GS đánh giá thế nào về tác dụng của sừng tê giác?

- Thực ra, trong y học truyền thống sừng tê giác được các lương y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đề cập đến, tuy nhiên nó rất chung chung và bình thường như mọi thứ khác. Xét cho cùng thì tất cả các loài động thực vật trong thiên nhiên, kể cả loại có độc đều có tác dụng về một mặt nào đó.

Tuy nhiên, giá trị của sừng tê giác hoàn toàn là đồn thổi, không có ghi chép giấy tờ văn bản cụ thể để chứng minh. Nhưng không chỉ ở Việt Nam, ở châu Phi, Trung Quốc sừng tê giác có giá trị cao vì quan niệm sai lầm. Có thể, vì tê giác sống trong một khu vực nhất định, ăn các loại lá và uống nước có khoáng chất nhất định nên có sức đề kháng rất cao nên họ ngộ nhận như vậy.


* Không chỉ tê giác, mà nhiều loài khác ở Việt Nam đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo giáo sư, chúng ta phải làm gì?

- Năm 2004 tê giác hai sừng tuyệt chủng ở Việt Nam, bây giờ là tê giác một sừng. Đây là bài học vô cùng đắt giá với chúng ta. Dù các tổ chức bảo tồn, Vườn quốc gia, kể cả WWF đã rất nỗ lực trong nhiều năm trời, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng tê giác vẫn bị tuyệt chủng.

Hiện loài hươu vàng gần như đã biến mất tại Việt Nam do mất sinh cảnh sống và mức độ săn bắn quá cao. Sao la cũng là một loài cực kỳ nguy cấp, hiện số lượng không đến vài trăm cá thể; voọc mũi hếch chỉ còn lại ở một số khu vực thuộc miền Bắc với số lượng khoảng 250 con do nạn phá rừng và săn bắn.

Các loài có phân bố rộng hơn cũng đang trên bờ vực suy giảm như loài voi, ngoài số voi ở bản Đôn hiện đang giảm đi, chỉ có 53 con, ngoài tự nhiên, loài này cũng chỉ còn dưới 100 cá thể.

Loài hổ hiện nay tại Việt Nam ước tính chỉ còn dưới 30 cá thể, nếu không có biện pháp quyết liệt thì khoảng 10 năm nữa thôi, loài hổ sẽ biến mất ở Việt Nam. Bò tót cũng đang bị biến mất khỏi những nơi trước đây chúng từng tồn tại.

Theo tôi, dù có tổ chức nào đi chăng nữa, nếu không có chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương cộng tác chặt chẽ thì khó mà thành công được.


* Xin cảm ơn GS!

http://thethaovanhoa.vn/132N20111027102725086T0/van-nuoi-hy-vong-ve-te-giac-o-viet-nam.htm

Biến Đổi Khí Hậu: Cảnh báo nguy cơ thiên tai tăng mạnh - More extreme weather in future (Nhân Dân)

Excerpt from an article on Huffington Post: A new IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change) report obtained by the Associated Press emphasizes that extreme weather events are "a noticeable aspect of climate change" and states that there is a 2 in 3 probability that man-made greenhouse gases have exacerbated recent extreme weather events. The report also states that climate scientists are 99% certain that there will be more extreme heat than cold, and the main concern associated with that is increased precipitation in the form of heavy rainstorms, since evaporation increases in a warmer atmosphere, which will hold more moisture.

Cảnh báo nguy cơ thiên tai tăng mạnh
Cập nhật lúc 02:49, Thứ năm, 03/11/2011 (GMT+7)

(Nhân Dân) - Theo các nguồn tin nước ngoài, Ủy ban liên chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) khẳng định, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng cường độ và tần số các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy... Các chuyên gia cảnh báo thời tiết thế giới sẽ diễn biến nguy hiểm trong các thập kỷ tới.

Dự báo, nguy cơ xảy ra mưa lớn và bão tuyết có thể tăng nhanh cả về tần số và cường độ ở nhiều khu vực, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và vĩ độ cao. Trong khi đó, hạn hán có thể hoành hành dữ dội ở các khu vực khác như Ðịa Trung Hải, Trung Âu, Bắc Mỹ, đông-bắc Bra-xin và miền nam châu Phi.

Theo các phương tiện truyền thông của Mỹ, ba triệu người ở bờ biển phía đông nước Mỹ hiện phải đối mặt nguy cơ không có điện, sau khi TP New York bị đợt bão tuyết hoành hành tại nhiều bang từ cuối tháng 10 đến nay. Chính quyền các bang New Jersey, Connecticut, Massachusetts phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi tuyết phủ dày chưa từng thấy ở nhiều nơi. Bão tuyết ở Mỹ làm ít nhất năm người chết và 16 người bị thương, hơn một nghìn chuyến bay bị hủy bỏ.


http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/quocte/tinchung/c-nh-bao-nguy-c-thien-tai-t-ng-m-nh-1.319334#NOi48T1MR3zr

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Rau muống luộc - Vietnamese water spinach (Hy Vọng)

Rau muống luộc - Water spinach (Photo: VietNamAnChay.com)
Ipomoea aquatica is known in English as water spinach, water morning glory, water convolvulus, or perhaps Chinese spinach. It can grow either in water or on soil as a vegetable. Water spinach is called "rau muống" in Vietnamese, and it is a very common ingredient in Asian cuisines. Water spinach is a good source of fiber and iron. It's long, so you'd need to break it in halves (or even thirds). 

Cook the harder stems first in boiling water with a pinch of salt for about a minute or 2. Then add the tender leaves and continue to cook. When the stems are soft, your "rau muống" is ready. Put on a large plate and be sure to pour back any excess water into the pot. When the liquid cools off, squeeze 1/4 of a lime, stir, and enjoy the drink. Water spinach is good with rice and condiments like fermented bean curd or soy sauce.

Rau muống luộc (Hy Vọng)

Rau muống là một loại rau quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Rau muống có tính hàn (lạnh), khi nấu chín sẽ giảm chất lạnh.

Rau muống rửa sạch, lặt bỏ lá không còn tươi, ngắt mỗi cọng thành 1/3. Nấu nước sôi, cho ít muối vào. Luộc cuống trước, khoảng 1-2 phút, sau đó cho lá vào luộc tiếp. Đảo đều. Khi bấm thấy cuống mềm là được. Múc ra dĩa, nhớ chắt nước trở lại nồi. Nước luộc rau muống khi nguội bớt, cho vào tô, vắt tí chanh, uống như nước mát.

Rau muống chấm chao, tương Cự Đà, nước tương Maggi v.v. là món rau cổ điển, không bao giờ "đề-mốt-đê" (démodé), nghĩa là lúc nào cũng hợp thời trang ăn chay bốn mùa từ bi hạnh phúc.

Thân chúc những ước "muốn" cao cả nhất của bạn sẽ thành sự thật.

Quán Chay Nở Rộ: Nhà hàng chay Thiền Tâm - Thiền Tâm Vegetarian Restaurant in Huế

Thiền Tâm Vegetarian Restaurant is located in Huế.

110A Lê Ngô Cát - Phường Thủy Xuân - TP. Huế
Telephone: 84.543.898220      
Mobile: 0905401516, Gặp Lễ Tân             
Email: thientamrestaurant@yahoo.com    
www.thientamrestaurant.com     

Lời ngỏ

Hai chữ Thiền Tâm gợi cho mỗi chúng ta cảm giác thanh tịnh, thư thái của tâm hồn. Điều đó thật là cần thiết cho mỗi người trong dòng chảy ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại. 


Mở Nhà hàng Thiền Tâm, chúng tôi mong muốn đem đến cho Quý khách sự thư thái, thanh tịnh, vừa lòng qua những món ăn chay, món quà lưu niệm trong một không gian thoáng mát trên một vùng đất của miền Núi Ngự, sông Hương - nơi lưu giữ hai Di sản Văn hóa Thế giới là Quần thể Di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế. 

Nhà hàng Thiền Tâm tọa lạc tại số 110 A đường Lê Ngô Cát, về phía tay phải theo hướng đi tới Lăng Tự Đức và cách Lăng Tự Đức khoảng vài trăm mét. Từ xa, Quý khách đã dễ dàng nhận ra Nhà hàng với hai khóm tre ngà và những ngôi nhà rường. Đến nơi, Quý khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ độc đáo, duyên dáng có một không hai của cổng Vạn Quan được những bàn tay khéo léo, tài hoa của nhóm bạn họa sĩ Phong Huệ tạo ra từ 2010 viên gạch Lưu Ly mà không hề dùng đến xi măng cốt thép. 

Qua cầu sỏi đá vào trong, Quý khách sẽ thấy Hòn Long Bộ sơn thủy hữu tình. Bước vào mỗi ngôi nhà rường được làm bằng gạch Hà Nội, gỗ Huế, ngói Sài Gòn thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn ba miền đất nước như con một nhà, Quý khách sẽ được tọa lạc trên những bộ bàn ghế làm bằng tre đơn giản, mộc mạc được những bàn tay tài hoa của nhưng người thợ thủ công Việt Nam tạo ra. 

Tại Nhà hàng có tổng diện tích 1.500 m2 với tổng số 200 chỗ ngồi, Quý khách sẽ được phục vụ ân tình, chu đáo với tác phong chuyên nghiệp. Bên cạnh những món ăn cung đình là những món ăn chay dân dã, có giá cả hợp lý (khoảng từ 10 ngàn đến 50 ngàn đồng tùy theo món) được những bàn tay khéo léo của chuyên gia ẩm thực xứ Huế chế biến từ rau, củ, quả như vả, thanh trà, các loại đậu, các loại nấm,…được trồng và chăm sóc trên những cánh đồng được bồi đắp bởi phù sa sông Hương. 

Dù thưởng thức món  ăn cung đình hay món ăn dân dã tại Nhà hàng, Quý khách đều an tâm về việc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà hàng mở cửa liên tục từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ. 

Đến với Nhà hàng chúng tôi, Quý khách còn có thể tùy thích lựa chọn những món hàng lưu niệm có ý nghĩa, những bức tranh được vẽ bởi bàn tay tài hoa của những họa sĩ có tên tuổi trong nhóm bạn Phong Huệ. 

Chủ Nhà hàng
Phong Huệ