Blogger templates

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Tin Vui Ăn Chay: Chiêu cai nghiện "độc" của Mike Tyson

Chiêu cai nghiện "độc" của Mike Tyson
Trần Vũ

Mike Tyson đã từ bỏ được ma túy nhờ một sự thay đổi đặc biệt.

Mike Tyson từng trải qua những khoảng thời gian đen tối khi bị tù tội vì cưỡng bức, hành hung người khác cũng như ngập trong rượu bia cùng các chất gây nghiện. Nhưng hiện tại Tyson đã trở nên thuần tính và đã bỏ lại quá khứ sau lưng để dành hết thời gian cho gia đình với cô vợ thứ 3 Lakiha Spicer cũng hai người con chung cũng như chăm sóc 5 đứa con riêng với hai người vợ trước cùng một vài người phụ nữ khác.

Tiết lộ bí quyết để cai nghiện cocaine, Mike Tyson đã kể về bí quyết duy nhất chính là thực đơn ăn chay trong vòng vài năm qua. Tyson hạn chế ăn thịt và chỉ sử dụng những thực phẩm rau củ quả để bắt đầu chế độ giảm cân. Trong quãng thời gian qua, Tyson đã giảm được 45kg và thoát khỏi những căn bệnh về tim mạch và suy nhược cơ thể.

Thực đơn của Mike Tyson không có nhiều khác biệt so với quá trình ăn chay của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2011 khi ông cũng trải qua mối lo về tim mạch và phải thay thế khẩu phần ăn thịt bò bằng bông cải xanh. Hiện tại Tyson chỉ ăn rau chân vịt, cải xanh cùng các loại hoa quả kết hợp với những món ăn chay để dứt hẳn những cơn nghiện cũng như giữ được sức khỏe ổn định.

http://khampha.vn/the-thao/chieu-cai-nghien-doc-cua-mike-tyson-c9a75282.html

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Tin Vui Ăn Chay: Thực phẩm chay hút khách do lo ngại về cúm H7N9

:
Lựa chọn thực phẩm chay an toàn. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Thực phẩm chay hút khách do lo ngại về cúm H7N9
Bài: Tâm Tâm (Vietnam+)

Trước luồng thông tin cúm gia cầm H7N9 và với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu nguyện bình an trong những ngày đầu tháng tiết thanh minh, nhiều người dân Thủ đô đã lên kế hoạch mua đồ ăn chay. Đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều hàng đồ chay cũng đã nâng giá bán trên thị trường.

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 9/4 tại một số cơ sở cung cấp thực phẩm chay trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá một số loại thực phẩm chay có xu hướng tăng nhẹ và người tiêu dùng chuộng đồ ăn chay hơn.

Cụ thể, giá của một số đồ ăn chay đã tăng từ 5.000-10.000 đồng tùy loại như, chả quế chay được bán với giá 80.000-100.000 đồng/kg; chả lụa tăng 10.000 đồng/kg, có giá bán 120.000 đồng/kg, chả nấm cũng dao động trong khoảng 120.000-130.000 đồng/kg; chả cá, chả bò có giá 130.000 đồng/kg…

Trong khi đó, những loại thịt chay như: Thịt vịt chay, dăm bông, thịt chay rim tiêu, chả lá lốt, các món súp hải sản chay… có giá từ 60.000-170.000 đồng/món, cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Lê Hằng, nhân viên tại nhà hàng cơm chay Hà Thành (116 Kim Mã, Ba Đình) cho biết, dịp này lượng khách tăng hơn hẳn so với vài ngày trước, nhiều người đặt mâm chay chuẩn bị đi lễ và đặt trước những món chay đầu tháng.

Ngoài những món cơm chay, tại nhiều nhà hàng ăn chay còn làm đầy đủ các mâm cỗ chay với mức giá dao động từ 400.000-700.000 đồng/mâm cho khoảng 7-13 món chay. 

Chị Phạm Thị Hoa (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân) khách mua chia sẻ: “Trước những thông tin về thực phẩm nào là cúm gà H7N9, nào là lợn tai xanh… trong thời gian gần đây khiến mình có sở thích dùng đồ ăn chay hơn, vừa tốt cho sức khỏe, vừa yên tâm không phải lo ngại gì.”

Mặt khác, nhiều chủ hàng bán đồ chay cho biết, lượng khách sẽ bắt đầu tăng mạnh từ hôm nay cho đến vài tuần tới do sắp đến ngày Tết Hàn thực (3-3 âm lịch) và nhu cầu đặt mâm cỗ đi lễ trong tiết thanh minh tăng cao.

Đồng quan điểm, chị Bích (30 Phan Đình Giót) với kinh nghiệm nội trợ đánh giá, mặc dù thực phẩm chay không hề rẻ, song trước những thông tin dịch cúm gia cầm và thực phẩm mất an toàn vẫn bày bán tràn lan, thì lựa chọn ăn đồ chay là tốt hơn cả.

“Hơn nữa, đồ ăn chay cũng rất ngon với đa dạng các món không khác gì đồ ăn mặn, khéo tay và chịu khó thì sẽ có những bữa ăn chay hấp dẫn cho cả nhà,” chị Bích vui vẻ nói.

http://www.vietnamplus.vn/Home/Thuc-pham-chay-hut-khach-do-lo-ngai-ve-cum-H7N9/20134/191735.vnplus

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Cơm rang xoài xanh (Đẹp Online)

Cơm rang xoài xanh
Theo Đẹp Online

Món cơm rang xoài xanh là món ăn chay kiểu Ấn Độ rất thú vị. Bạn sẽ không cảm thấy bị ngán hay ngấy khi thưởng thức món ăn này.

Nguyên liệu:
  • 3 chén gạo, nấu thành cơm
  • 1-2 chén xoài xanh, xắt nhỏ
  • 1-2 quả ớt xanh, thái lát (có thể dùng loại rau khác theo khẩu vị)
  • 1-2 quả ớt đỏ khô
  • 1 thìa cà-phê dầu mè
  • 2 muỗng hạt điều
  • 2 muỗng lạc [đậu phộng] rang
  • 1/4 thì cà-phê nghệ
  • 1 muỗng đậu xanh không vỏ
  • 1/4 thìa cà-phê hạt cà-ri (hoặc dạng bột)
  • 1 thìa cà-phê hạt mù-tạc
  • 2 thìa cà-phê hạt chia
  • 1/2-1 chén cùi dừa tươi, xắt nhỏ
  • Muối
  • Lá cà-ri và vài nhánh rau mùi [ngò] để trang trí

Cách làm:
  1. Ngâm đậu xanh trong nước ấm khoảng 20-30 phút.
  2. Gọt xoài, xắt nhỏ với lượng vừa đủ.
  3. Trong một cái chảo nóng, cho dầu mè và một ít bơ [thực vật]. Bạn cũng có thể chỉ dùng bơ hoặc dầu. Thêm hạt mù-tạc cùng với ớt đỏ, ớt xanh.
  4. Bây giờ cho tiếp đậu xanh đã ngâm và hạt chia, cùng với hạt cà-ri vào chảo.
  5. Tiếp tục cho lạc và hạt điều vào. Rang chúng trong khoảng 1-2 phút ở lửa vừa.
  6. Cho thêm muối và nghệ. Trộn đều.
  7. Cho xoài, cùi dừa tươi xắt nhỏ vào.
  8. Trộn đều các thứ trong chảo. Bạn không cần đảo lâu vì xoài không cần thiết phải chín kỹ.
  9. Cho cơm đã nấu chín vào chảo. Trộn thật đều tay.
  10. Sau khi rang xong, bạn cho ra bát hoặc đĩa và trang trí bằng rau mùi nếu thích.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Góc Đẹp Tâm Hồn: Nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết: “Học Phật để làm người tử tế”


hoc phat de lam nguoi tu te
Học Phật để làm người tử tế
NSND Bạch Tuyết: “Học Phật để làm người tử tế”
Tiểu Trúc thực hiện

[GN] - Không chỉ là một nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương, NSND Bạch Tuyết còn được nhiều người biết đến như là một Phật tử thuần thành. Với trường ca “Kinh Pháp cú - Lời Phật dạy”, chị đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận kỷ lục gia dành cho người đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương.

Sau đó, chị lại tiếp tục bắt tay vào thực hiện những công trình cải lương - Phật giáo tiếp theo như: Trường ca Phật giáo trong lòng dân tộc, Trường ca Kinh Kim Cương, Trường ca Phật hoàng Trần Nhân Tông… 

Và trong những năm qua, chị cũng đã nhận được nhiều lời mời tham gia các buổi trò chuyện về Phật pháp với tư cách là một diễn giả mà gần đây nhất là buổi nói chuyện trong chương trình “Chất lượng cuộc sống” (do Mani Media tổ chức tại Nhà hàng chay Mandala) với chủ đề “Như nó đang là”, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người… 

Phóng viên Báo Giác Ngộ đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn về một người nghệ sĩ - Phật tử thuần thành. Khi được hỏi về cơ duyên đến với Phật pháp, chị cho biết:

- Mọi việc đến với tôi đều tình cờ nhưng dĩ nhiên có khát vọng của bản thân về sự hướng thiện. Thuở nhỏ, tôi được “tôi luyện” trong tu viện bên cạnh các soeur. Lớn lên, tôi lại ham mê đọc các loại sách triết học để tự tìm kiếm, lý giải cho những thắc mắc của mình về thân phận, về sự sống - cái chết… Bởi sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi đã khiến cho tôi quay quắt trong suốt một thời gian dài với hàng loạt những câu hỏi “Tại sao?”. Tôi cũng nghiền ngẫm Thánh kinh nhưng tất cả chỉ thật sự “bừng sáng” khi tôi đọc sách của các thiền sư, đặc biệt là của Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ. Tôi vui mừng nhận ra đây chính là con đường mà mình muốn tìm.

Theo Phật, học Phật, cho đến bây giờ, điều tinh túy nhất của đạo Phật mà chị nhận ra được và có thể áp dụng cho đời sống của mình là gì?

- NSND Bạch Tuyết: Đó chính là “Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi”. Khi chúng ta nhận ra mình trong thế giới, nhận ra được sự lợi ích bản thân khi hòa mình vào thế giới muôn màu thì từ đó chúng ta sẽ có được sự tự tin, khiêm cung, biết ơn và thương yêu hết thảy muôn loài. Và tôi quyết theo Phật, theo thầy học làm “người tử tế”: thấy lỗi mình, không xét lỗi người.

Thế còn việc hành thiền đã giúp ích gì cho chị?

- Sức khỏe được cải thiện, suy nghĩ được quân bình. Ngày trước, tôi hay tự sân si với chính mình và đã hơn một lần tôi tìm đến cái chết. Nhưng từ khi biết thiền, tôi nhìn sự vật một cách nhẹ nhàng, thoải mái và nhờ vậy mà tâm hồn trở nên thanh thản. Bởi theo lời dạy của Phật thì mở cánh cửa thiên đường hay vào cổng địa ngục cũng tự do mình. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải tự biết mình.

Theo chị, vì sao ngày nay người ta lại tìm đến với đạo Phật ngày một nhiều hơn?

- Mỗi người có mặt trong đời, ai cũng ao ước, hy vọng, chờ đợi và khao khát một đời sống an bình, hạnh phúc. Đặc biệt, trong thời kỳ gọi là “mạt pháp”, mọi giá trị hầu như bị nhào lộn; tâm tính con người cũng có sự chuyển đổi đảo điên; thiên nhiên cũng trở nên “thịnh nộ” với những cơn sóng thần, động đất… cho nên con người muốn đi tìm cái họ cần. Và nếu đến được với một tôn giáo như đạo Phật, dĩ nhiên, con người cảm thấy được phần nào sự an tâm cho chính mình.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số người lại “đánh đồng” đạo Phật với mê tín dị đoan. Quan điểm của chị như thế nào về “hiện tượng” một số người đến chùa để xin xăm, bói quẻ, hái lộc hoặc nhét tiền vào các pho tượng trong chùa… đang bị phê phán?

- Có gì quan trọng đâu. Sự tự do và chân lý tuyệt đối của đạo Phật ở chỗ “Mọi người được quyền chọn điều mình thích và tự chịu trách nhiệm”. Chúng ta biết rằng, thế giới không hoàn hảo. Nếu buộc rằng ai cũng phải giống ai thì rất dễ hiểu lầm, làm tổn thương nhau thay vì giúp nhau tăng trưởng thân tâm, giàu có trí tuệ; không so sánh, trách phiền, ghét bỏ, xem thường hay thành kiến.

Vậy theo chị, làm thế nào để giữa bộn bề cuộc sống, mà mình vẫn có thể sống một đời sống an lạc? Và sự an lạc, niềm vui của chị hiện giờ là gì?

- Đâu có gì khó! Cứ sống tử tế, sống bình thường; không ham hố những điều không phải dành cho mình, không thuộc về mình. Hãy sống nhẹ nhàng và luôn luôn “biết đủ”! Và tôi, tôi đã và đang hòa mình thưởng thức cuộc sống. Với tôi, được làm những công việc mình thích và công chúng yêu cải lương cũng thích, tôi an lạc.

Chị vừa nhắc đến cải lương - nơi mà tên tuổi của chị ở hàng thượng thặng. Và khi người nghệ sĩ đã được vây kín bởi những hào quang, thì xem ra, để “buông” được tất cả cũng không phải là việc dễ dàng. Thậm chí, có người cứ sống mãi trong hào quang của quá khứ. Còn chị thì thế nào?

- Hào quang là ảo, thế giới là bụi. Mà nếu đã là bụi thì làm sao thoát khỏi quy luật của muôn đời “Gió cuốn bụi bay”, “Pháp luân thường chuyển” hay “Sinh thành hoại diệt”. Nếu có “hạt bụi” nào lưu lại một chút gì đó tên tuổi thì cũng chỉ là một hạt bụi trong vô cùng vũ trụ. Có gì còn mãi đâu, sao phải bận tâm?

Sắp tới, chị có dự định thực hiện một công trình nghệ thuật Phật giáo nào nữa không?

- Tôi đang chuẩn bị thực hiện trường ca cải lương thứ năm “Kiến tánh thành Phật”, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này. 

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Mì Quảng chay (Me Nguyên Hân)


Mì Quảng chay của me
Bài & ảnh: Nguyên Hân

[GNO] - Công việc của me là đầu bếp, thường me nấu món chay theo "đơn đặt hàng" của con gái.

Một tháng me ăn chay bốn ngày, con gái của me ăn chay tháng ba mươi ngày tháng nào thiếu thì ăn hai chín ngày.

Hôm nay, theo đơn đặt hàng của con gái đặt me nấu món mì Quảng chay. Theo ý kiến của con gái trong nhà có nhiều thành viên chưa phát nguyện ăn chay dù chỉ một ngày (với nhiều lý do, trong đó có lý do ăn chay nhạt nhẽo không ngon) thì me nấu chay ngon nhất là món mì Quảng nên mọi người trong gia đình sẽ dễ "làm quen" với việc ăn chay.

Mặc dù me ít khi nấu chay nhưng khi nấu me đã đặt trọn vẹn "cái tâm" và tình thương yêu vào việc nấu nướng nên khi ăn mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận món mì Quảng chay me nấu ngon hơn nhà hàng. Và cả nhà có cơ hội cùng thực tập ăn chay.

Món mì Quảng khi vào Nam đã được cách điệu đi nhiều nhưng hương vị vẫn còn rất đậm đà, đủ để ấm lòng những người con đất Quảng khi xa xứ.

Vật liệu cho món mì Quảng chay rất phong phú. Món không thể thiếu đó là mì Quảng (màu trắng hoặc màu vàng), củ sắn (củ đậu), củ cải xắt hạt lựu, các loại nấm tùy theo sở thích, nhưng thường thì hay sử dụng nấm đông cô khô, nấm rơm, nấm bào ngư, đậu ngự, đậu đỏ, đâu khuôn chiên, tàu hủ ky...

Gia vị nêm nếm phải có chao (có nhiều ý kiến nói rằng mì Quảng chay mà thiếu chao thì không đúng vị), đậu phụng rang, ớt xào.

Rau ăn kèm lá tía tô, rau thơm, rau cô-rôn xắt nhuyễn, giá trụng.





http://giacngo.vn/vanhoa/2013/02/23/36D400/

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Sức Khỏe Của Bạn: Mẹo chống hôi chân ngay từ thực đơn ăn uống


Mẹo chống hôi chân ngay từ thực đơn ăn uống
Hội Tri thức Khoa học & Công nghệ Trẻ Việt Nam

Mùi hôi chân là một trong những mùi khó chịu nhất của cơ thể đấy!

Tìm hiểu nguyên nhân gây hôi chân

Bàn chân là một trong những vị trí chứa nhiều tuyến mồ hôi nhất trên cơ thể chúng ta. Khi tuyến này tiết ra quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú và khiến lớp tế bào sừng ở chân luôn trong tình trạng ẩm ướt tạo nên tình trạng hôi chân khó chịu.

Đặc biệt, nếu đôi chân thường xuyên bị “giam” trong những đôi tất hoặc giày kín sẽ khiến mùi hôi trở nên khó chịu hơn mà nó còn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng và phát triển, khiến chứng bệnh này ngày một nặng và khó điều trị hơn.

Mẹo chống hôi chân từ thực đơn ăn uống

1. Hạn chế các thực phẩm cay, nóng

Các thực phẩm cay, nóng như ớt, gừng, hành sống, tỏi sống… là những đồ ăn có tính nóng, dễ gây đổ mồ hôi. Không chỉ thế, nó còn khiến mùi hôi trên cơ thể trở nên “nặng nề” hơn.

Vì thế, trong bữa ăn hàng ngày, các bạn nên hạn chế những thực phẩm này. Nếu có sử dụng thì hãy dùng ở dạng nấu chín vì lúc đó, tính nóng và mùi của chúng đã được giảm bớt.

2. Tránh những đồ ăn nhiều dầu, mỡ

Thực phẩm nhiều dầu và chất béo thường khiến hệ bài tiết phải hoạt động mạnh hơn nhằm giải phóng độc tố. Chính điều này đã khiến các tuyến mồ hôi của chúng ta phải làm việc không ngừng nghỉ, dẫn đến việc mồ hôi đổ nhiều hơn và gây nên chứng hôi chân.

Do đó, chúng ta hãy thật hạn chế những món ăn nhiều dầu mỡ và thay chúng bằng những thực phẩm giàu chất xơ cùng vitamin nhé!

3. Không dùng chất kích thích

Bạn nên tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia… vì chúng thường làm tăng nhịp đập của tim và huyết áp, khiến nhiệt độ cơ thể trở nên cao hơn, gây nên tình trạng tuyến mồ hôi tiết ra mạnh hơn.

4. Thực đơn ăn uống lành mạnh chống lại chứng hôi chân

Trong thực đơn hàng ngày, các bạn nên sử dụng các thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin như hoa quả, các loại rau củ… Chúng có thể giúp kiểm soát lượng mồ hôi tiết ra một cách hiệu quả.

Đặc biệt, các thực phẩm giàu chất kẽm như... củ cải, dừa, đậu nành, ngũ cốc… có tác dụng kiềm chế lượng mồ hôi và điều trị hôi chân rất tốt. Các bạn cũng có thể sử dụng các món ăn từ vừng đen hoặc lá dâu non để chống lại chứng bệnh khó chịu này đấy!

Tips dành cho người hôi chân

*Giữ vệ sinh đôi bàn chân, thường xuyên cọ rửa sạch sẽ và lau khô bằng khăn mềm.

*Các bạn nên sử dụng những đôi dép hoặc giày có độ thoáng, dùng tất có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt và thay tất mỗi ngày.

*Ngâm chân mỗi buổi tối bằng nước muối ấm. Nó không chỉ giúp chống lại chứng hôi chân mà còn làm cho cơ thể bạn được thư giãn nữa đấy!

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Giúp Nhau Khi Cần: Bạc Liêu - Ấm lòng quán cơm chay cho người nghèo


Ấm lòng quán cơm chay 2.000 đồng cho người nghèo
Bài & ảnh: Huỳnh Hải

(Dân trí) - Ngay trung tâm TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) một quán cơm chay 2.000 đồng "mọc" lên đã giúp cho nhiều người nghèo bán vé số, lượm ve chai... bớt đi một phần gánh nặng lo toan "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày.

Chúng tôi tìm đến quán cơm chay Nhân Ái (số 125 Cách Mạng, phường 1, TP Bạc Liêu) trưa ngày 28/3 khi nhiều khách hàng vẫn đang hối hả đến quán để ăn cơm. Theo ghi nhận của PV [phóng viên], khuôn viên quán khá thoáng mát, sạch sẽ, giữa trưa trời nóng nực, khách vừa ăn vừa có quạt máy thổi mát rượi khiến họ cảm thấy như ăn ngon hơn.

Theo một nhân viên của quán, quán cơm chay Nhân Á  khai trương hồi ngày 9 tháng Giêng âm lịch đến nay đã hơn 2 tháng và có rất nhiều người đến ăn, có người là những khách hàng quen thuộc mỗi ngày.

Chị Yến, người phụ trách nấu ăn của quán, cho biết, quán ra đời do ý tưởng của một người kinh doanh tên Nga ở phường 3 cùng với nhiều Phật tử khác. Quán bắt đầu phục vụ bán cơm từ 10h30 trở đi và chỉ hoạt động trong buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Theo chị Yến, trung bình mỗi ngày chị nấu khoảng 5 nồi cơm (chừng hơn 40kg gạo), thức ăn được chế biến từ hàng chục kg rau củ quả các loại và những thực phẩm chay khác để bán khoảng 250 suất cho người dân.


Mỗi suất cơm gồm có cơm, đồ xào, canh và đồ mặn được đựng trong một khay và hình thức tự phục vụ là chính. Khi khách đến ăn, họ được phát một phiếu có giá 2.000 đồng, sau đó mang phiếu đến quầy cơm để nhận suất cơm rồi mang ra bàn ăn, sau khi ăn xong, khách tự mang khay ra chỗ rửa. Theo các nhân viên của quán cho biết, hình thức tự phục vụ cũng là việc khách góp phần chia sẻ thêm với những công việc của quán và ai cũng vui vẻ thực hiện.

Cũng theo chị Yến, tại đây khách có thể ăn cơm thoải mái và hết thức ăn có thể xin thêm chứ quán không lấy tiền mặc dù có nhiều người đòi trả tiền thêm. Ngoài ra, quán còn phục vụ nước uống miễn phí cho khách.

Từ khi khai trương đến nay, quán cơm chay Nhân Ái là địa chỉ quen thuộc của đa số người dân nghèo. Họ là những người bán vé số, công nhân lao động, sinh viên học sinh… ở địa phương. Chị Yến cho biết, quán phục vụ tất cả các đối tượng cho nên ngoài người nghèo, những người khá giả hơn muốn ăn chay cũng tìm đến để thưởng thức. Tuy nhiên, những người mở quán quán xác định chủ yếu là phục vụ cho những người khó khăn.

Vừa ăn cơm, vừa trò chuyện với PV Dân Trí, chị Năm (bán vé số) cho biết, chị ăn ở quán từ khi khai trương đến nay. Mỗi ngày chị và hai con mua 3 suất cơm để ăn cho đỡ tốn tiền vì tiền lời từ bán vé số chẳng được bao nhiêu nên cũng thấy nhẹ đi một chi phí.

“Hồi trước chưa có quán này, tôi với hai đứa con phải mất mấy chục ngàn một bữa ăn trưa, nay chỉ tốn 6.000 đồng, lại có nước uống miễn phí nên thấy mừng lắm. Mong quán sẽ mở được lâu dài để người nghèo như chúng tôi ấm áp hơn”, chị Năm tâm sự.

Cũng như chị Năm, một số khách hàng ăn tại quán cũng cho biết, việc có quán ăn chỉ 2.000 đồng/suất cơm thật sự là niềm phấn khởi cho những người lao động nghèo. “Dù là quán cơm chay nhưng đồ ăn cũng 2, 3 món, cơm ăn bao nhiêu cũng được nên chúng tôi thấy tiết kiệm được một khoản chi phí ăn uống rất đáng kể. Đây là sự sẻ chia rất có tình người đối với chúng tôi”, một khách hàng làm lao động phổ thông bày tỏ.

Theo nhân viên của quán cho biết, mỗi tháng các nhà tài trợ hỗ trợ chi phí cho quán khoảng 30 triệu đồng để phục vụ cho quán hoạt động từ khâu nấu ăn cho đến các chi phí sinh hoạt khác. Số tiền thu được từ bán cơm được dùng hỗ trợ cho những người phục vụ cũng là những người nghèo và góp vào mua nguyên liệu để nấu ăn.

Cũng tại tỉnh Bạc Liêu, vừa qua, 5 trụ nước sạch uống miễn phí được các ngành chức năng cho đặt tại một số tuyến đường trên địa bàn TP Bạc Liêu để phục vụ người dân. Các trụ nước do Công ty TNHH MTV Cấp nước Bạc Liêu hỗ trợ cho TP, mỗi trụ khoảng 10 triệu đồng.

Hiện 5 trụ nước uống đặt tại các điểm: Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, Trường Mầm non Hoa Mai, Trường Đại học Bạc Liêu - cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu và trước khách sạn Bạc Liêu. Những trụ nước uống này đã góp phần phục vụ kịp thời cho người nghèo và các em học sinh, sinh viên tại một số trường học.


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Lẩu chay (Tư Kỳ)


Lẩu chay vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe
Tư Kỳ (Ngôi Sao)

Từ những nguyên liệu tươi xanh từ các loại nấm, rau, củ, đậu phụ… lẩu chay sẽ mang đến cho bạn hương vị hấp dẫn và giá trị dinh dưỡng cao.

Nguyên liệu để nấu món lẩu chay cũng đơn giản, dễ tìm, không cần phải chiên xào nhiều, không cần sử dụng bột ngọt. Đó là một vài loại nấm, hai miếng đậu phụ trắng, 1 củ khoai môn, 1 củ cải đỏ, 1 củ cải trắng, cần tàu, mì, bún, cải thảo, rau xanh các loại, 1 nhánh boa-rô (tỏi tây), nước dừa xiêm, đường phèn…

Món lẩu chay ngon đa phần nhờ những thành phần phong phú từ các loại nấm. Có rất nhiều loại nấm được sử dụng để tạo thành một nồi lẩu chay như: nấm rơm, nấm đông cô, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm kim châm, nấm đùi gà [nấm loa kèn]…

Món lẩu chay sẽ ngon hơn nếu nước dùng lẩu được nấu với nước dừa xiêm mang vị ngọt tự nhiên, hoặc dùng đường phèn để có vị ngọt thanh cho nồi lẩu.


  1. Phi dầu nóng xào với boa-rô vừa vàng, cho tiếp nước dừa xiêm vào, có thể nêm chút đường phèn, muối. 
  2. Lẩu sôi, thả thêm củ cải đỏ, củ cải trắng, khoai môn dẻo, cần tàu… 
  3. Khi tất cả nguyên liệu chín, nước vừa ăn, bạn sẽ cho nấm và rau vào cho chín.
  4. Chan nước lẩu với bún, hoặc mì vắt và rau ghém vừa thổi vừa ăn, chấm với nước tương cay sẽ giúp món lẩu thêm phần ngon hơn.

Tin Vui Ăn Chay: Siêu thị thuần chay Veganz khai trương ở Berlin, Đức


Siêu thị thuần chay Veganz khai trương ở Berlin, Đức

(VNAC) - Siêu thị thuần chay Veganz sẽ khai trương ở Berlin vào ngày 30 tháng 3, 2013. Đây là siêu thị thuần chay Veganz thứ 3 tại Đức quốc. Trước đó đã có hai địa điểm tại Berlin Prenzlauer Berg và Frankfurt.

Bắt đầu mùa lễ Phục Sinh năm nay, người dân tại quận Friedrichshain có thể thoải mái sắm những món hàng thuần chay tại Veganz mà không cần phải xét kỹ nguyên liệu xem có thành phần động vật hoặc sản phẩm có thử nghiệm trên các bạn thú hay không.

Siêu thị Veganz cũng có bán thức ăn như pizza và những món đông lạnh khác cho người tiêu thụ được tiện dụng trong việc ăn chay. Ngoài ra, thức ăn của em bé và các bạn thú - hoàn toàn thuần chay - cũng được bán nơi đây.

Hệ thống siêu thị thuần chay Veganz dự tính sẽ mở thêm chi nhánh tại Hamburg và Leipzig, cùng vài nơi khác.

Xin chúc mừng Đức quốc và cư dân tại những nơi có siêu thị thuần chay, ủng hộ một lối sống thân thiện với môi trường, lành mạnh cho chính bản thân mình, và nhân ái đối với loài vật.

http://www.vietnamanchay.com/2013/03/tin-vui-chay-sieu-thi-thuan-chay-veganz.html


Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Vườn Nhạc: Điệu múa Thiên Thủ Quan Âm



Thiên Thủ Quan Âm là điệu múa do vũ sư Trương Kế Cương người Trung Hoa sáng tác. Điệu múa được trình diễn bởi 63 người khiếm thính thuộc vũ đoàn Nghệ Thuật Trình Diễn Người Tàn Tật Trung Hoa, vì không nghe được nhạc nên có 6 người đạo diễn mặc áo trắng điều khiển giúp họ múa đúng nhịp. Điệu múa này diễn tả truyền thuyết Bồ Tát Quan Âm có nghìn tay, luôn lắng nghe và cứu độ chúng sinh.