Blogger templates

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Lời Thương Cho Bạn Trẻ: Khi bạn thất tình: hãy học cách yêu bản thân

khi that tinh hay hoc cach yeu ban than
Khi bạn thất tình: hãy học cách yêu bản thân
Tác giả: Thúy Hằng / DeltaViet  

Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái thất tình chưa? Cảm xúc tiêu cực nhất mà bạn có lúc đó là gì?

Gần đây, tôi lại nghe có những vụ liên quan đến thất tình: con trai thì tự tử, hoặc dọa giết người mình yêu, con gái thì rơi vào lối sống sa đọa, cặp kè với người khác “cho bõ tức”. Phần đông, các bạn còn thuộc thế hệ trẻ, mới ở độ tuổi đi học, còn ở trên giảng đường. Nhận thức chưa đủ sâu để đối mặt với việc thất tình một cách tích cực nhất, thế nhưng hành động mà các bạn gây ra lại để lại hậu quả khôn lường. Vậy nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là gì?

Hãy sống với nỗi thất tình nhưng đừng để nó hủy hoại bạn

Cho tôi hỏi một câu chân thành: “Trước khi học cách yêu một người khác, bạn đã học cách yêu bản thân mình hay chưa?”

Hủy hoại bản thân là bạn không biết yêu cả chính bản thân mình

Đừng ai vội khoe khoang rằng “tôi là một người yêu hoàn hảo”, “tôi biết cách làm cho người mình yêu được hạnh phúc, tôi biết cách chăm sóc người khác…, "tôi sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho người tôi yêu…”

Trước khi học cách yêu thương một ai đó, bạn phải học cách yêu bản thân mình đã. Chuyện này nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự, để yêu bản thân mình, bạn phải biết cách.

Trả lời câu hỏi của DeltaViet để xem thử bạn đã biết cách yêu bản thân mình chưa nhé:
  1. Bạn không quan tâm đến sức khỏe của bản thân?
  2. Bạn có thường vì cả nể mà chiều theo ý người khác?
  3. Bạn không dám sống thật với con người của mình vì sợ người khác chê cười?
  4. Bạn lúc ở nơi đông người và lúc ở một mình là hai con người hoàn toàn khác nhau?
  5. Bạn biết cách động viên người khác nhưng tự giấu nỗi đau của chính mình?
  6. Bạn sẵn sàng làm mọi chuyện để được ở bên người mình yêu thương?
  7. Nếu bị người yêu từ bỏ, bạn sẽ rất đau khổ và không chịu được?
Xem nào, bạn trả lời “đúng” cho bao nhiêu câu hỏi? (lưu ý, những bạn độc thân vẫn có thể trả lời những câu hỏi này, chỉ cần bạn tưởng tượng)

Còn nếu một ngày chúng ta thất tình…

Cách tốt nhất là đối diện với nỗi buồn này và suy nghĩ tích cực. Thực chất, những người thất tình còn mang tâm lý lòng tự trọng bị tổn thương, cảm thấy mất sĩ diện với bạn bè, cảm giác bị chê bai là kém cỏi (nhất là đối với bạn trai)… dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, chứ không hẳn là do bản thân quá đau khổ vì ai đó không còn yêu mình nữa. Đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi tình yêu ngày càng mất đi màu sắc thuần khiết của nó, mà đã trở nên thực dụng và đầy tính toan. Chúng ta khó có thể nói rằng tình yêu là vĩnh cửu, là không bao giờ thay đổi…

Hãy nghĩ lại đi, thất tình có đáng để bạn hủy hoại bản thân mình không? Hãy biết quý trọng bản thân một chút, đừng vì người khác mà tự làm mình trở nên xấu xí, tàn tạ.

KHÔNG AI XỨNG ĐÁNG VỚI VIỆC LÀM BẠN TỔN THƯƠNG NGOÀI CHÍNH BẢN THÂN BẠN.

Chỉ có bạn là người yêu mình nhất mà thôi, mà bạn cũng không biết cách quý trọng nữa, thì bạn có thể làm cho ai hạnh phúc?

Ngày hôm nay, nếu lỡ có người nói với bạn rằng, họ không còn yêu bạn nữa, hãy tặng họ một nụ cười. Sau đó, bạn có thể lăn lóc, kêu khóc, buồn đời… nhưng, chỉ 1 ngày thôi nhé. Sau đó hãy tắm một cái thật sảng khoái, mặc quần áo đẹp và thưởng cho mình một món ăn ngon, đi dạo phố để ngắm đời tươi đẹp.

Bạn không việc gì phải lãng phí quá nhiều thời gian cho ai đó làm bạn bị tổn thương. Đơn giản, họ đã làm bạn bị tổn thương. Và họ không xứng đáng với giọt nước mắt của bạn.

Và, thời gian sẽ xoa dịu mọi vết thương. Bạn tin không?

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Sống Xanh: Ngày Môi trường thế giới 5-6-2013 được tổ chức tại Huế

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến
Ngày Môi trường thế giới 5-6-2013 được tổ chức tại Huế
Anh Phương

(SGGPO).- Sáng 15-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường họp báo về các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới tại Việt Nam. Theo đó, lễ mít tinh quốc gia và nhiều sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức trong hai ngày 4 và 5 tháng 6 tại Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Lễ mít tinh quốc gia được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và sau đó là hoạt động trồng cây hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Dịp này, Thành đoàn Huế còn tổ chức hội thi nấu ăn chay và phát động chương trình “Ăn chay – Sống Xanh – Cứu Trái đất”

Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” là một chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, khuyến khích giảm những tác động môi trường từ việc sử dụng thực phẩm.

Lãng phí lương thực còn chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đơn cử, để làm ra một chiếc bánh hamburger [bánh mì kẹp thịt bò xay], ước cần tới khoảng 16.000 lít nước.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc sáng lập Ngày Môi trường thế giới vào năm 1972. Việt Nam bắt đầu tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982.

http://www.sggp.org.vn/xahoi/2013/5/318562/

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Nếp Sống Ăn Chay: Ăn chay mà vẫn đủ chất

Ăn chay mà vẫn đủ chất
Gia Minh (Theo Healthyw)

[TPO] - Tôi là người ăn chay trường, đôi khi tôi cảm thấy cơ thể dường như bị thiếu hụt các vitamin cần thiết. Vậy những thực phẩm nào cung cấp protein và sắt để bổ sung vào chế độ ăn của tôi?

Chế độ ăn của người ăn chay không có các thực phẩm từ thịt, bao gồm từ sữa và trứng. Tuy nhiên, nếu lên thực đơn khoa học, bữa ăn của bạn sẽ ngon miệng và đủ dưỡng chất hơn cả những người không ăn chay. Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, những người ăn chay có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao và tiểu đường so với những người bình thường.

Nếu không ăn các thực phẩm từ động vật, cơ thể bạn sẽ không phải hấp thụ cholesterol và có hàm lượng chất béo không bão hòa thấp. Điều này ảnh hưởng tốt đến chỉ số lipid trong cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể bạn có thể bị thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như canxi, sắt, kẽm, vitamin D và B12.

Để bù đắp lượng canxi thiếu hụt đó, bạn hãy kết hợp đậu phụ, đậu nành, sản phẩm lên men từ đậu nành và quả sung vào bữa ăn. Mặc dù có rất nhiều loại rau chứa canxi nhưng lại không được cơ thể hấp thu do sỏi canxi oxalate. Cải thìa, cải lá xanh, củ cải là những rau có hàm lượng canxi oxalate thấp lại vừa cung cấp nhiều canxi trong mỗi khẩu phần ăn tương đương 1 chén. Ngoài ra, các loại đồ uống như nước cam hoặc sữa đậu nành cũng là nguồn bổ sung canxi dồi dào cho cơ thể.

Bên cạnh đó, vitamin D cũng rất cần thiết cho cơ thể và được hấp thụ từ ánh nắng mặt trời. Dù vậy, không phải ai cũng có thể hấp thu đủ lượng vitamin D cơ thể cần. Vì vậy, bạn cần bổ sung các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Sữa gạo, ngũ cốc ăn liền, bơ thực vật và nước cam chính là nguồn vitamin D bạn cần.

Tiếp đến, chất sắt không chỉ có trong thịt mà còn trong các loại trái cây khô, ngũ cốc thô, sản phẩm từ đậu nành và ngũ cốc đã bổ sung hương vị. Tuy nhiên, thành phần axit phytic trong ngũ cốc thô và cây họ đậu lại làm giảm sự hấp thu chất sắt. Vì vậy, hãy kết hợp với các loại thực phẩm chứa vitamin C hoặc axit ascobic giúp giải phóng sắt khỏi axit phytic hỗ trợ hấp thụ sắt tốt hơn. Những thực phẩm dưới đây là nguồn bổ sung chất sắt lý tưởng cho người ăn chay:

• Ngũ cốc thô
• Sản phẩm từ đậu nành
• Bí ngô và hạt bí
• Hoa quả khô
• Khoai tây nướng cả vỏ

Tương tự như sắt, kẽm cũng kết hợp với axit phytic làm hạn chế sự hấp thụ của cơ thể. Tuy nhiên, kẽm có rất nhiều trong các loại thực vật họ đậu, đậu nành, ngũ cốc bổ sung chất, các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều…) và các loại hạt khác (bí, hướng dương).

Vitamin B12 chỉ có ở các thực phẩm từ động vật, nên bạn cần sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vitamin B12 hoặc thực phẩm chức năng. Chẳng hạn như sữa đậu nành, các sản phẩm tương tự như thịt, ngũ cốc ăn liền, men dinh dưỡng chứa B12 nên được kết hợp khoa học trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.

http://www.tienphong.vn/Suc-Khoe/Song-Khoe/624624/An-chay-ma-van-du-chat-tpod.html

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Rong biển sấy, Rong biển chiên sả, Canh rong biển (Đại Nghĩa)

Diễn viên hài Đại Nghĩa khuyến khích việc ăn chay và hướng dẫn cách thực hiện 3 món rong biển nhanh gọn trong chương trình Vui Sống Mỗi Ngày: Rong biển sấy, Rong biển chiên sả, Canh rong biển.
Kính mời quý vị và các bạn cùng xem và cùng thử!


Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Người Trường Chay: Bà Quỳnh Lạ (Dì Ngọc) - Biên Hòa


Cơm chay bình dân
Bình Nguyên

[Báo Đồng Nai] - Tính đến nay, bà Quỳnh Lạ (tên thường gọi là dì Ngọc) và người em gái đã bán cơm chay được gần 40 năm. Quán cơm của dì nằm trong hẻm tại địa chỉ 158/12 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa). Thời còn trẻ, chị em dì bán cơm, hủ tiếu chay vỉa hè, khách quen chủ yếu là người dân lao động. Dì Ngọc vẫn thường cho họ ký sổ nợ đến cuối tuần, cuối tháng mới trả một lần dù thời đó dĩa cơm chỉ 50 xu. Sau này, dì mới mở quán tại nhà. Cái duyên để chị em dì Ngọc chọn nghề này kiếm sống là do từ thời còn trẻ, họ đã ăn chay trường và rất thích nấu các món chay.

Mấy mươi năm qua, quán cơm của chị em dì tuy không có biển hiệu nhưng rất nhiều khách quen vẫn lui tới ăn. Quán vẫn đông mặc dù các món chay của dì nhìn không mấy bắt mắt, bởi được nấu bằng những nguyên liệu rau, củ tươi và không dùng quá nhiều gia vị, hay ướp màu. Khách đến quán xưa nay chủ yếu là dân lao động nên hiện một dĩa cơm đầy đủ các món, dì cũng chỉ tính giá 10 ngàn đồng.

Dì Ngọc cho biết: “Để món ăn ngon, quan trọng là phải mua được nguyên liệu tươi, chế biến sạch sẽ, nêm nếm khéo. Mình nấu cho bản thân, gia đình như thế nào thì làm cho khách ăn cũng cẩn thận như vậy. Người nấu cũng phải vén khéo ngay trong khâu đi chợ, mùa nào thức nấy thì giá thực phẩm vừa rẻ vừa tươi ngon”. Chị em dì Ngọc thường đi chợ sớm mua nguyên liệu nấu ăn hàng ngày, về chế biến xong là khách vào quán, dọn lên còn nóng hổi, tươi ngon.

http://www.baodongnai.com.vn/netdepdoithuong/201304/Com-chay-binh-dan-2231950/

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Mười chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo (Chúc Phú)

Mười chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo
Chúc Phú

[NSGN] - Đạo đức Phật giáo y cứ vào giới luật. Nếu xem giới luật là những nguyên tắc đạo đức mang tính bền vững, ổn định, không thay đổi, thì yêu cầu từ thực tiễn đời sống đòi hỏi cần có sự bổ sung những chuẩn mực đạo đức mang tính hỗ tương. Những chuẩn mực đạo đức bổ sung đó, theo sự phân định của một số bộ luật Phật giáo, thì đôi khi được xem là giới không quan trọng (khinh giới), có lúc được xem là những phép ứng xử (học pháp) giữa người với người.

Từ thực tiễn đời sống, để đạo đức Phật giáo dễ dàng lan tỏa, thì việc làm sáng tỏ những chuẩn mực đạo đức Phật giáo là yêu cầu bức thiết. Trong vô vàn những chuẩn mực đạo đức Phật giáo được thể hiện rải rác trong các bộ kinh, luật, luận, sớ giải… người viết tạm thời đề xuất mười chuẩn mực đạo đức cơ bản. Đó là: khiêm hạ, tàm quý, trung thực, kiên định, không phóng dật, nhẫn nhục, biết ơn, buông xả, dấn thân và tiết tháo.

1. Khiêm hạ

Trước hết, khiêm hạ là một hành xử đạo đức vắng bóng tự ngã, dẹp tan kiêu mạn. Kiêu mạn là một tập khí sâu dày của chúng sanh nói chung. Kinh Tăng chi nêu ra ba thứ kiêu mạn căn bản (1). Theo kinh Tập, khi cái tôi nhỏ lại thì mọi sự va chạm do kiêu mạn ít xảy ra: Ai phá hoại kiêu mạn/ Không còn chút dư tàn/ Như nước mạnh tàn phá/ Cây cỏ lau yếu hèn (2). Và theo Đức Phật, chỉ những ai chinh phục được tự ngã thì mới có thể nhiếp phục lòng kiêu mạn. Câu chuyện khoác lác của chàng thanh niên Saccaka khi dõng dạc tuyên bố: Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường (3). Sau khi được Phật thuyết giảng, thanh niên Saccaka đã nhận ra sai lầm và biết cách ứng xử khiêm hạ với Đức Phật và chúng Tỳ-kheo. Chuyện tiền thân Đức Phật  số 125 cũng đề cập câu chuyện khoác lác tương tự, nhưng nhân thân là một vì Tỳ-kheo (4).

Thứ hai, khiêm hạ là thể hiện sự tôn trọng kẻ dưới và kính nhường người trên. Biết tôn trọng lẫn nhau trong giao tiếp, ứng xử là sự thể hiện đẳng cấp đạo đức. Từ câu chuyện ứng xử tôn trọng lẫn nhau giữa chim đa đa, khỉ và voi (5), Đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo: Những người rành rẽ Pháp/ Tôn kính bậc cao niên/ Kiếp này được khen ngợi/ kiếp sau sanh về Trời (6). Trong những hội chúng Sa-môn, Bà-la-môn thời Phật, chỉ có hội chúng đệ tử của Đức Phật là có sự nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau thể hiện ở các hành vi: Kính lễ bậc trưởng thượng/ Không ganh tị một ai (7). Truyền thống đạo đức này sở dĩ có được là do tính khiêm hạ tạo ra.

Thứ ba, khiêm hạ không có nghĩa là hạ thấp mình mà còn có nghĩa tự khẳng định bản thân, là tôn trọng chính mình trong yên lặng tỉnh giác. Trong nghĩa này, khiêm hạ gần với lòng tự trọng. Đó cũng là điều được Đức Phật huấn thị: Hãy học các dòng nước/ Từ khe núi vực sâu/ Nước khe núi chảy ồn/ Biển lớn động im lặng/ Cái gì trống kêu to/ Cái gì đầy yên lặng/ Ngu như ghè vơi nước/ Bậc trí như ao đầy (8).

Có thể thấy, một trong những chuẩn mực ứng xử của người học Phật là thái độ khiêm hạ, định tĩnh, nhu nhuyến, thong dong và vững chãi trước dòng xoáy của bản ngã và sở hữu của bản ngã.

2. Tàm quý

Theo Đại thừa bách pháp minh môn luận giải (9) thì tàm là tự hổ với mình và quý là thẹn với người. Trong nghĩa được sử dụng rộng rãi, thì tàm quý là sự hổ thẹn với chính mình cũng như với người khác. Hổ thẹn là năng lượng đạo đức có tác dụng trong nhiều phương diện.

Trong lãnh vực tu tập, nhờ lòng hổ thẹn thôi thúc, khi nghĩ về công lao giáo hóa của chư Phật, Bồ-tát, của các bậc Thánh tăng, nên nỗ lực tu tập. Trong mười lý do phát tâm Bồ-đề, tất cả đều có liên quan đến lòng hổ thẹn đối với ân đức lớn lao mà ta đã thọ nhận (10). Chính nhờ lòng hổ thẹn này thúc đẩy mà chúng ta nỗ lực tiến tu. Không biết hổ thẹn, khó lòng thăng tiến trong tu tập. Chiêm nghiệm sâu thêm lời dạy của ngài Quy Sơn: Họ cũng là trượng phu, ta đây cũng như vậy, cũng là một dạng thức khuyến tu dựa trên hiệu ứng của lòng hổ thẹn. Do bởi nghĩa này nên kinh điển gọi hổ thẹn là hai pháp trong sáng, trắng sạch (二種白法) (11). Hổ thẹn không những là động năng thăng tiến trong thiện pháp mà cũng có thể áp dụng trong thực tiễn sinh động của con người.

Trong liên hệ đời thường, đạo đức của gia đình, xã hội được hình thành cũng nhờ lòng biết hổ thẹn. Nhờ hai pháp này nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ…(12). Kinh điển Nikaya cũng gọi hổ thẹn là hai pháp trắng (13) và hai pháp này quyết định phẩm vị, đạo đức của con người, vì nếu không có hai pháp này thì thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài dã can (14). Nói theo kinh Trung bộ, nếu một người không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm (15). Đây cũng là điều được Đức Phật khẳng định trong kinh Phật thuyết như vậy (16).

Như vậy, hổ thẹn là một chuẩn mực đạo đức quan trọng, không những khẳng định nhân cách của con người mà còn góp phần tạo nên động lực thăng tiến ở nhiều phương diện, ở đời thường cũng như ở tâm linh. Hình ảnh một thanh niên thích trang sức, nhưng bị quấn quanh cổ một xác rắn hay xác chó... sẽ làm cho anh ta ngại ngùng, bứt rứt, xấu hổ, là minh họa sinh động về việc vận dụng thường xuyên năng lực hổ thẹn, nhằm chuyển hóa năng lượng dục vọng thấp hèn (17).

Là con người, phải biết hổ thẹn. Không biết hổ thẹn thì chưa phải là con người đúng nghĩa. Chính bởi điều này, chuẩn mực đạo đức hổ thẹn được Đức Phật khẳng định là hai pháp có khả năng che chở cho thế giới (18).

3. Trung thực

Trung thực là một chuẩn mực đạo đức được nhiều người mến mộ, tin yêu. Người trung thực luôn hứa hẹn một tương lai rộng mở. Trung thực biểu hiện qua nhiều dạng thức và quan hệ; mà ở đây, trung thực với chính mình và với tha nhân là hai tính chất chủ yếu.

Trước hết, cần phải trung thực với chính mình. Thiết tưởng điều này không cần phải bàn cãi. Mặc dù vậy, khi khảo sát sâu, mới thấy rõ đôi khi ta chưa trung thực với chính mình. Trung thực với chính mình là ý thức rõ ràng về tất cả các phương diện của bản thân như: khả năng, điều kiện, mặt mạnh cũng như mặt yếu, sở thích cũng như điều không ưa… Ẩn dụ một người đứng trên hồ nước, thì có thể nhận ra các con ốc, con sò, đàn cá bơi lội… với điều kiện hồ nước đó trong và lặng (19). Việc thắp sáng ý thức về những điều kiện của bản thân cũng như thế. Từ sự nhận thức rõ ràng này và thái độ chấp nhận đúng hiện trạng của bản thân, là sự khởi đầu cho thái độ sống trung thực với chính mình. Trung thực với chính mình có ảnh hưởng nhất định đến sự thành công của bản thân.

Thứ hai, trung thực với tha nhân. Đây là tiền đề để xây dựng niềm tin trong mọi mối quan hệ. Khi trung thực thì được người tin tưởng, và lòng tin là yếu tố quyết định sự bền vững cho mọi mối quan hệ giữa người với người. Đó cũng là điều được Đức Phật xác quyết: Ở đời này, lòng tin/ Tối thắng cho con người (20). Mở rộng ý nghĩa này có thể thấy, trong quan hệ thầy trò, vợ chồng, cha con, bạn bè… thì sự tin tưởng lẫn nhau quyết định đến hạnh phúc, bình yên cũng như tính bền vững của các mối quan hệ. Sống mà không tin nhau là hoạt cảnh của địa ngục. Và muốn tin nhau thì phải trung thực, không dối nhau. Ở nghĩa này, không trung thực hay lừa dối nhau là cửa ngõ của tội ác. Chính vì vậy, trong kinh Phật thuyết như vậy, Đức Phật đã khẳng định rất mạnh mẽ: Phàm một người nào đã vi phạm một pháp, Ta nói rằng không có ác nghiệp nào vị ấy không làm được. Thế nào là một pháp? Này các Tỳ-kheo, tức là rõ biết mà nói láo (21).

Trung thực hay không dối nhau là một chuẩn mực đạo đức cơ bản, là chất kết dính của mọi mối quan hệ, là yếu tố thành công trong mọi hoạt động của con người.

4. Kiên định

Kiên định là ý chí, là sự vững vàng trong quyết định, trong dự tính, trong mối quan hệ, trong lý tưởng hay con đường đã chọn. Tùy theo bối cảnh cụ thể mà kiên định được hiểu khác nhau. Chuẩn mực đạo đức kiên định quyết định tính cách, năng lực, giá trị… của con người.

Kiên định là sự nhất quán trong pháp tu. Với Đức Phật, đại thệ nguyện bên cội Bồ-đề trước đêm chứng đạo là sự thể hiện cho sự kiên định vững vàng: Cho dù da thịt, gân xương trở nên khô cằn, máu trong thân này dẫu có cạn kiệt, nhưng nếu không đạt đạo, Ta quyết không rời chỗ này (22). Có thể sự nỗ lực đó là đỉnh điểm của một tiến trình, nhưng qua đó đã cho thấy sự kiên định rất cần trên mọi chặng đường tu tập. Từ thệ nguyện của Đức Phật, liên hệ với con đường mà chúng ta đã và đang chọn hiện nay, có thể nhận ra những bất cập do vì không kiên định. Bởi lẽ, trong những pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy, mỗi pháp hành có những yêu cầu khác biệt nhau, sự dao động trong pháp môn tu đôi khi phải trả giá bằng thời gian của cả đời người. Hơn thế, sự khác biệt giữa chúng sanh và Bồ-tát liên quan thâm thiết đến chuẩn mực kiên định này. Vì lẽ, trước hiện thực đau khổ, cả hai đều phát nguyện như nhau, tuy nhiên, yếu tố căn bản tạo nên sự khác biệt, chính là sự kiên định của mỗi bên.

Trong cuộc sống đời thường, kiên định rất cần trong mọi mối quan hệ. Trong bối cảnh này, chuẩn mực kiên định có thể được hiểu là tấm lòng trung thành, chung thủy, sắt son với tổ chức, với bạn bè, với người phối ngẫu. Đó cũng là điều được Đức Phật xác quyết trong kinh Tăng chi: Chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể không khác được (23). Đây là một khái quát thấm đẫm trí tuệ của bậc Giác ngộ. Vì lẽ, phẩm chất đạo đức của con người được bộc lộ trong những hoàn cảnh khác nhau. Câu chuyện một dạ thờ chồng của Công chúa Yashodhara được ghi lại trong kinh Tiểu bộ (24) là hình ảnh tuyệt mỹ về đạo lý chung thủy, sắt son của người phụ nữ theo chuẩn mực đạo đức Phật giáo.

Dù trên bước đường tu hay trong thực tiễn đời sống, chuẩn mực đạo đức kiên định luôn được ca ngợi và vinh danh. Kiên định là dấu son trong phẩm hạnh cần có của một con người.

5. Không phóng dật

Trong những lời dặn dò thống thiết của Đức Phật trước khi Niết-bàn, thì không phóng dật là huấn thị thấm đẫm yêu thương (25). Không phóng dật là không buông lung, không chạy theo dục vọng, siêng năng tu tập các pháp lành. Đây là chuẩn mực đạo đức quan trọng, được đề cập trong nhiều bản kinh.

Theo kinh Tăng chi, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai (26). Chỉ một pháp nhưng tác dụng không chỉ một đời, đủ thấy sự diệu dụng của pháp ấy to lớn đến mức nào. Kinh Tăng chi vừa dẫn còn sử dụng nhiều hình ảnh ấn tượng để biểu thị cho hạnh không phóng dật: như dấu chân voi, có thể dung nhiếp các dấu chân, như một ngôi nhà nóc nhọn thì mọi rui, kèo đều hướng về, như ngắt một chùm xoài thì các trái xoài đều nằm gọn trong tay, như vua Chuyển luân thì nắm quyền các vương quốc phụ thuộc, như ánh sáng của mặt trăng thì hơn hẳn những vì sao… Không những thế, các bản kinh quan trọng như kinh Pháp cú (27), kinh Tương ưng (28), kinh Tập (29)… đều ca ngợi phẩm chất đạo đức không phóng dật.

Trên phương diện tu tập, không phóng dật là yếu tố quyết định sự thành công của mọi pháp hành. Vì lẽ, thu thúc lục căn, không chạy theo ngũ dục là nghĩa thứ nhất của không phóng dật. Hình ảnh con dã can gầy gò chực chờ con rùa cử động được ghi lại trong kinh Tương ưng (30) là ẩn dụ sinh động về việc thu thúc các căn. Bởi lẽ, chỉ cần con rùa thò bất cứ một thân, phần nào ra, thì dã can sẽ tóm lấy. Do vậy, không phóng dật còn mang nghĩa tồn vong không những trong tu tập mà liên quan đến mọi dạng thức sinh tồn. Ở phương diện thứ hai, không phóng dật đồng nghĩa với tinh tấn, là siêng năng. Cần phải thấy, nhận thức được việc lành là điều quan trọng tuy nhiên đưa nhận thức vào thực tiễn đời sống là do bởi siêng năng. Siêng năng tạo nên sự thăng hoa, thành công trong mọi lãnh vực và là quán hạnh dung thông giữa pháp thế gian và pháp xuất thế.

Nếu coi quá trình tu tập và mọi sự thành công trong cuộc đời là những cỗ xe, thì không phóng dật là động lực cơ bản, không những giữ gìn cỗ xe đó không nghiêng, đổ, mà còn đưa cỗ xe tiến về phía trước.

6. Nhẫn nhục

Nhẫn nhục là sự chịu đựng, chấp nhận những khổ đau, bức bách, hủy nhục, khó chịu… do các điều kiện bên ngoài đem đến, nhưng tâm tư vẫn an tịnh. Đây là một phẩm chất đạo đức được thể hiện trong nhiều cấp độ. Trong kinh Trung bộ, hình ảnh kẻ đạo tặc dùng cưa, cưa tay chân nhưng hành giả vẫn không khởi sân tâm hay phẫn, não (31), là sự thể hiện của một phẩm chất nhẫn nhục cao tột. Phật giáo Đại thừa xem nhẫn nhục là một trong sáu hạnh quan trọng của con đường Bồ-tát.

Trước hết, trước những thách thức của điều kiện tự nhiên cũng như những tác động của con người, muốn tồn tại, cần phải biết an hòa và nhẫn nhịn. Tức là tạm an với điều kiện sống tự nhiên và nhẫn nhịn trong sự va đập, tương tác với môi trường xã hội. Nhẫn để mà sống chính là nghĩa này. Kinh Tăng chi còn gọi đó là kham nhẫn: Có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lại kẻ đã sân hận, không gây lộn lại với kẻ đã gây lộn. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là đạo hành kham nhẫn (32).

Thứ hai, trong cuộc sống đời thường, đôi khi nhằm chuyển hóa người, thì nhẫn nhục cần thể hiện trong giới hạn nhất định. Câu chuyện quỷ dạ xoa Alavaka được ghi lại trong kinh Tập (33) là một ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng, một độ nọ, Đức Phật đang ở tại trú xứ của dạ xoa Alavaka. Dạ xoa Alavaka yêu cầu Đức Phật đi ra, Đức Phật hoan hỷ đi ra; dạ xoa lại yêu cầu Đức Phật đi vào, Ngài vẫn chấp nhận thực hiện. Đến lần thứ tư, Đức Phật không thực hiện theo yêu cầu của dạ xoa, kiên quyết bảo: Này Hiền giả, Ta sẽ không đi ra. Ông cần gì thì hãy làm đi? (34). Ba lần đi ra, đi vào theo yêu cầu tinh quái của quỷ dạ xoa, đủ thấy Đức Phật đã ứng xử nhẫn nhịn nhuần nhuyễn đến mức nào.

Thứ ba, nhẫn nhục là sức mạnh. Sức mạnh đây chính là sức mạnh làm chủ bản thân mình. Vì một khi thực hiện được hạnh nhẫn nhục, chứng tỏ một năng lực tu tập hùng mạnh. Nhờ năng lực đó, mới có thể kiểm soát tâm mình, vì chiến thắng bản thân mình là chiến công oanh liệt nhất (35). Con đường thực tập để có sức mạnh này bắt đầu bằng sự mở rộng tâm, trải tâm như đất như Đức Phật đã dạy Rahula trong kinh Trung bộ (36).

Nhẫn nhục là nhịn được những điều khó nhịn mà tâm vẫn an ổn, tuy là chuẩn mực đạo đức, nhưng mang ý nghĩa như một kỹ năng sống hướng thượng, thanh cao.

7. Biết ơn

Biết ơn được hiểu ở đây bao hàm cả việc báo ơn. Theo kinh Tăng chi, người biết ơn là một trong hai hạng người khó tìm được ở đời (37). Trong liên hệ duyên khởi, để hình thành con người, thì phải thọ nhận nhiều công ơn. Trong vô vàn những công ơn, theo kinh Đại thừa bổn sinh tâm địa quán, phẩm Báo ân (38), thì có bốn ơn cơ bản: ơn cha mẹ, ơn những người liên hệ quanh ta, ơn quốc gia và ơn Tam bảo.

Sự hiện sinh của một con người là do cha mẹ. Từ việc kế thừa nền tảng vật chất, cho đến nuôi dưỡng, kiện toàn tri thức, dựng vợ gả chồng, trao của thừa tự và hướng con về đường lành. Thực sự, khó có thể kể hết cũng như báo đáp công lao của cha mẹ. Nói như kinh Tăng chi: Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi… cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha (39).

Kế đến, với một người bình thường, sở dĩ vững vàng về kiến thức, vững chãi trong địa vị, thuận lợi trong nhịp mưu sinh, an tâm và an toàn trong đời sống… là do sự hỗ trợ của nhiều người: từ thầy tổ, thân hữu, láng giềng, dòng họ... Nhận thức rõ về các công ơn đã thọ nhận, là thái độ sống đúng mực của một người trưởng thành.

Thứ ba, được sống và sống ổn định, an toàn là phước báo của con người. Vì một khi môi trường sống được đảm bảo, thì hạnh phúc mới vững bền và có thể an tâm hoàn thành sở nguyện. Sự đảm bảo về môi trường sống là do sự quan tâm, nỗ lực và hy sinh của giới chức lãnh đạo quốc gia. Nhận thức đúng về điều này để hành xử cho hợp lẽ, là tâm thế đúng mực.

Cuối cùng, sở dĩ hiểu được bản thân, nhận ra con đường hạnh phúc, có được phương tiện phù hợp với điều kiện nghiệp lực của mình, là do diệu hạnh của Tam bảo. Nếu như cha mẹ, bạn bè, thầy tổ, quốc gia có thể giúp ta vơi khổ và hạnh phúc trong một đời, thì Tam bảo có thể giúp ta vĩnh viễn thoát khổ và an lành trong nhiều kiếp. Và do vậy, người đệ tử Phật phải nhớ ơn và nỗ lực báo đáp thâm ân Tam bảo.

Biết ơn là chất liệu dệt nên phẩm hạnh của một con người. Nhận thức đúng và đầy đủ về các ơn cũng như nỗ lực báo đáp bằng những gì có thể, là chuẩn mực đạo đức tối cần của một người học Phật.

8. Buông xả

Buông xả là nghệ thuật ứng xử trong các mối quan hệ, là sự buông bỏ những ý nghĩ mừng vui, lo khổ đồng thời nỗ lực từ bỏ các tật xấu tích lũy từ nhiều đời.

Trước hết, lo nghĩ thường gắn với phiền muộn, nhất là lo nghĩ vẩn vơ, không liên hệ đến thiện pháp. Buông bỏ mọi điều lo nghĩ, sống với thực tại hiện tiền thì hạnh phúc gõ cửa. Điều này được Đức Phật chỉ dạy trong kinh: Quá khứ không truy tìm/ Tương lai không ước vọng/ Quá khứ đã đoạn tận/ Tương lai lại chưa đến/ Chỉ có pháp hiện tại/ Tuệ quán chính ở đây (40).

Trong thực tế đời sống, đôi khi cũng khó tránh khỏi việc lo nghĩ về những điều do cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, học cách buông bỏ những điều nhỏ nhặt, thì đôi khi gặt hái những kết quả lớn lao. Biết buông bỏ, biết hy sinh là tiền đề dẫn đến mọi sự thành tựu. Câu chuyện chú khỉ trong kinh Tiểu bộ (41), vì hốt hoảng lo tìm hạt đậu bị đánh rơi, nên đã buông tay đánh rơi cả nắm đậu, là ẩn dụ sinh động về trường hợp này.

Không những thế, biết cách buông bỏ những ký ức liên hệ đến khổ đau là một liệu pháp điều phục tâm tích cực. Vì có những chuyện u hoài xảy ra trong quá khứ xa xưa, nhưng tâm tư cứ giữ chặt, và nỗi đau đôi khi tái hiện về, làm cho người quằn quại, tái tê. Buông xả những chuyện không hay là một trong những cách thức giữ gìn nhựa sống cho chính mình.

Hạnh buông xả còn là một dạng thức biểu hiện cho tâm thương yêu. Vì lẽ, nhờ buông xả nên dễ dàng tha thứ lỗi lầm của người, tạo cho kẻ có lỗi một cơ may để phục thiện. Buông xả còn giúp người ta trở nên rộng rãi, không ích kỷ, nhỏ nhen: Các sở hành của mình/ Không nhỏ nhen vụn vặt (42). Nhờ hạnh buông xả, nên tâm bố thí được khởi sinh. Nói theo kinh điển, nhờ buông xả, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở (43). Ngoài ra, buông xả còn là an trú tâm với những gì hiện có. Biết cách buông bỏ những đòi hỏi không hợp lý, là một trong những cách thức để đem đến sự an ổn đời thường.

Muốn có được một cuộc sống đúng nghĩa và trọn vẹn thì phải học cách buông bỏ, xả ly. Buông xả không những giúp thanh lọc tâm, mà còn là phương thức vươn lên bằng cách từ bỏ những hiểu biết bất toàn, khiếm khuyết.

9. Dấn thân

Dấn thân là sự phát tâm vì lợi ích của tha nhân, trong một số trường hợp phải chấp nhận sự hy sinh, mất mát. Dấn thân là hành động mang tâm nguyện Bồ-tát, vì đó là sự phát tâm đem lại lợi ích cho nhiều người.

Dấn thân là phát tâm Bồ-đề, được dẫn khởi từ sự lập nguyện, phát tâm. Vì nguyện lập thì có thể độ chúng sanh, tâm phát thì Phật đạo có thể thành (44). Ở nghĩa này, Đức Phật là minh chứng cao cả cho sự lập nguyện, dấn thân: Ta mang cỏ munja/ Vững thay, đây đời sống/ Thà Ta chết chiến trận/ Tốt hơn, sống thất bại (45). Công cuộc tự chuyển hóa mình cũng đồng thời là một quá trình nỗ lực, dấn thân.

Dấn thân là hành động mang tâm nguyện Bồ-tát. Vì cuộc đời vốn dĩ đầy bất hạnh và lắm khổ đau, người mang tâm nguyện Bồ-tát luôn nỗ lực bằng những gì có thể, nhằm làm vơi khổ cho đời. Dấn thân không đồng nghĩa với sự liều mạng, quên thân. Dấn thân theo chuẩn mực Phật dạy phải dựa trên cơ sở của sức mạnh, tình thương và trí tuệ. Chỉ có như vậy thì sự dấn thân mới tròn đầy ý nghĩa, và giảm đi những tổn thất không đáng có trong khi thực thi hạnh nguyện giúp đời.

Đạo Phật mang nghĩa vị tha, và dấn thân là một biểu hiện tạm quên đi bản ngã. Dấn thân là sự tận hiến cho đời mà không nghĩ về tư lợi. Trong nhiều cách thức nhiếp hóa mọi người được đề cập trong kinh Duy Ma Cật (46), thì việc làm lợi lạc cho tha nhân (Lợi hành nhiếp) có ý nghĩa ưu thắng. Hình ảnh một cây hương tự đốt cháy mình có thể hiểu ở nhiều nghĩa, nhưng việc dâng tặng cho đời sự thơm thảo, là sự thực được ghi nhận từ cây hương. Qua những nét sơ phác về cuộc đời Đức Phật, từ nhiều kiếp sống trong 547 chuyện tiền thân, cho đến bốn mươi lăm năm thuyết giảng sau khi thành đạo, là một thiên trường ca bất tận về hạnh nguyện dấn thân: Vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người (47).

Một khi sở dục đang lên ngôi, cái ác đang chờ chực, ngấp nghé, thì cuộc đời cần lắm sự lập nguyện, dấn thân. Dấn thân biểu lộ của dũng khí, lưu xuất từ cơ sở tâm thương yêu và thể hiện bằng con mắt tuệ. Chỉ có như vậy hạnh dấn thân mới đem đến hạnh phúc, an lạc cho nhiều người.

10. Tiết tháo

Tiết tháo là khí tiết, là danh dự và phẩm vị của con người. Sống đúng với chuẩn mực đạo đức cơ bản của một con người, theo những nguyên tắc đạo đức làm nền tảng nào đó, được gọi là tiết tháo.

Phẩm chất của một con người gồm một cái tên để phân biệt, cộng với những phẩm hạnh đạo đức tương ưng. Giữ gìn phẩm hạnh đạo đức riêng có đồng nghĩa với việc giữ gìn tiết tháo. Một khi phải sống trong sự tương giao, đối đãi, khi chuyện nhục vinh, danh lợi vẫn có khả năng chi phối con người, thì việc giữ gìn tiết tháo là vấn đề mang nhiều ý nghĩa nhân bản, nhân văn. Trong hệ quy chiếu tương đối của đạo đức thế gian, thì tiết tháo vẫn đóng một vai trò quan trọng. Không nên lẫn lộn giữa các hệ quy chiếu khác nhau để xét đoán vấn đề.

Trong kinh Tiểu bộ, câu chuyện con sư tử bị làm nhục chứa đựng nhiều giá trị tham khảo (48). Chuyện kể rằng, có một con sư tử cái sống gần hang của chó rừng. Một ngày nọ, hội đủ nhân duyên, chó rừng ngỏ lời cầu hôn sư tử. Buồn bực và uất ức vì lời cầu hôn vô lễ, sư tử cái định lấy cái chết để rửa nỗi nhục kia. May mắn được gặp được sư tử em, là tiền thân Đức Phật, đã tận tình giải bày, nên sư tử chị đã vượt qua tình trạng khó xử đó. Có thể, câu chuyện chỉ là liên hệ gợi mở, nhưng qua đó cho thấy sự quý trọng tiết tháo đôi khi còn quan trọng hơn cả sinh mạng của chính mình.

Mỗi con người, mỗi chúng sanh sở hữu những phẩm vị tương ứng. Vì danh phải tương xứng người (49). Từ kẻ thứ dân cho đến nam nữ, Sa-môn, Bà-la-môn đều có những phẩm vị đạo đức cơ bản. Sống đúng theo những chuẩn mực này được gọi là sống có tiết tháo. Kinh Tương ưng đã đưa ra một khái quát đầy giá trị về tiết tháo: Giữa các loài hai chân/ Chánh giác là tối thắng/ Giữa các loài bốn chân/ Thuần chủng là tối thắng/ Trong các hàng thê thiếp/ Nhu thuận là tối thắng/ Trong các hàng con trai/ Trung thành là tối thắng (50). Có thể cần bổ chính thêm vài điều trong những phẩm vị vừa dẫn, nhưng ít ra qua đó đã cho thấy rằng, tiết tháo là điều rất mực quan trọng trong việc định hình nên phẩm chất của con người.

Tạm kết

Đạo đức là chất liệu tạo nên những hệ giá trị riêng có của con người và xã hội loài người. Đạo đức Phật giáo ngoài những nguyên tắc siêu thế, thanh cao, còn bao hàm những chuẩn mực thiết thực, không khô cứng, có thể kiểm nghiệm hiệu năng ngay bây giờ và tại đây. Mười chuẩn mực đạo đức vừa nêu tuy chưa phải là tất cả, nhưng nếu như được thực thi, thì nhất định quả ngọt sẽ đong đầy.

Chú thích

(1) Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của Trời, kinh Kiêu mạn. Nguyên văn: kiêu mạn của tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh, kiêu mạn của sự sống.
(2) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Rắn.
(3) Kinh Trung bộ, tập 1, Tiểu kinh Saccaka, số 35.
(4) Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Người nô lệ Katahaka, số 125.
(5) Cullavagga, chương 6, Sàng tọa, tụng phẩm thứ hai, chuyện Chim đa đa, khỉ và voi, đoạn 262. Xem thêm, kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Con chim trĩ, số 37.
(6) Cullavagga, Sách đã dẫn, bài kệ về sự kính trọng, đoạn 263.
(7) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Thế nào là giới.
(8) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Nalaka.
(9) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 四 十 四 冊 No. 1836, 大 乘 百 法 明 門 論 解.
(10) Xem, Bài văn khuyến khích phát tâm Bồ-đề, HT.Trí Quang dịch, bản ấn tống, 1997.
(11) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 四 十 五 冊 No. 1910, 慈 悲 水 懺 法 卷 下.
(12) Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, kinh Hai loại tội.
(13) Kinh đã dẫn.
(14) Kinh đã dẫn.
(15) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Giáo giới La Hầu La ở Am Bà La, số 61.
(16) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy, chương Hai pháp, phẩm 2.
(17) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh An trú tầm, số 20.
(18) Kinh Tăng Chi, chương Hai pháp, kinh Hai loại tội.
(19) Xem, Kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Đặt hướng và trong sáng, kinh Tâm đặt sai hướng.
(20) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Alavaka.
(21) Kinh Tiểu bộ, kinh Phật thuyết như vậy.
(22) For the first time edited in the original Pali by Y Fausboll, and translated by T.W. Rhys Davids, Buddhist Birth stories or, Jataka Tales. The oldest collection of folk-lore extant: Being the Atakatthavannana. Volume I, London, 1880, p. 96. “My skin, indeed, and nerves, and bones, may become arid, and the very blood in my body may dry up; but till I attain to complete insight, this seat I will not leave!
(23) Kinh Tương ưng, tập 1, chương ba, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Bện tóc.
(24) Kinh Tiểu bộ, tập 8, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Đôi ca thần Canda, số 485.
(25) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Đại bát Niết-bàn, số 16.
(26) Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm Dhammika, kinh Không phóng dật.
(27) Kinh Tiểu bộ, kinh Pháp cú, phẩm Không phóng dật.
(28) Kinh Tương ưng, tập 1, phẩm Thứ hai, kinh Không phóng dật, tập 5, thiên Đại phẩm, chương 1, Tương ưng đạo, phẩm Không phóng dật.
(29) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Đứng dậy; kinh Bại vong.
(30) Kinh Tương ưng, tập 4, chương 1, Tương ưng sáu xứ, phần g, kinh Con rùa.
(31) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Ví dụ cái cưa, số 21.
(32) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Đạo hành, kinh Kham nhẫn.
(33) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Alavaka.
(34) Kinh đã dẫn.
(35) Kinh Tiểu bộ, kinh Pháp cú, phẩm Ngàn, câu 103.
(36) Kinh Trung  bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới La Hầu La, số 62.
(37) Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, phẩm Các hy vọng.
(38) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 冊 No. 159, 大 乘 本 生 心 地 觀 經, 卷 第 二,  卷 第 三.
(39)  Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, kinh Đất.
(40) Kinh Trung bộ, tập 3, kinh Nhất dạ hiền giả, số 131.
(41) Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Một nắm đậu, số 176.
(42) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Từ bi.
(43) Kinh Tương ưng, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.
(44) Đại sư Thật Hiền, Phát Bồ-đề tâm văn, HT.Trí Quang dịch, bản ấn tống 1997, tr.30.
(45) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Tinh cần.
(46) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 十 四 冊 No. 474, 維 摩 詰 所 說 經, 善 權 品 第 二.
(47) Kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Một người, kinh Như Lai.
(48) Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Con chó rừng, số 152.
(49) Kinh Tương ưng, tập 1, chương 7, Tương ưng Bà-la-môn, phẩm A-la-hán thứ nhất, kinh Bất hại - Ahimsaka.
(50) Kinh Tương ưng, tập 1, thiên có kệ, Tương ưng chư Thiên, phẩm Vườn hoan hỷ, kinh Giai cấp Sát-đế-lỵ.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Tin Vui Ăn Chay: Chiêu cai nghiện "độc" của Mike Tyson

Chiêu cai nghiện "độc" của Mike Tyson
Trần Vũ

Mike Tyson đã từ bỏ được ma túy nhờ một sự thay đổi đặc biệt.

Mike Tyson từng trải qua những khoảng thời gian đen tối khi bị tù tội vì cưỡng bức, hành hung người khác cũng như ngập trong rượu bia cùng các chất gây nghiện. Nhưng hiện tại Tyson đã trở nên thuần tính và đã bỏ lại quá khứ sau lưng để dành hết thời gian cho gia đình với cô vợ thứ 3 Lakiha Spicer cũng hai người con chung cũng như chăm sóc 5 đứa con riêng với hai người vợ trước cùng một vài người phụ nữ khác.

Tiết lộ bí quyết để cai nghiện cocaine, Mike Tyson đã kể về bí quyết duy nhất chính là thực đơn ăn chay trong vòng vài năm qua. Tyson hạn chế ăn thịt và chỉ sử dụng những thực phẩm rau củ quả để bắt đầu chế độ giảm cân. Trong quãng thời gian qua, Tyson đã giảm được 45kg và thoát khỏi những căn bệnh về tim mạch và suy nhược cơ thể.

Thực đơn của Mike Tyson không có nhiều khác biệt so với quá trình ăn chay của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2011 khi ông cũng trải qua mối lo về tim mạch và phải thay thế khẩu phần ăn thịt bò bằng bông cải xanh. Hiện tại Tyson chỉ ăn rau chân vịt, cải xanh cùng các loại hoa quả kết hợp với những món ăn chay để dứt hẳn những cơn nghiện cũng như giữ được sức khỏe ổn định.

http://khampha.vn/the-thao/chieu-cai-nghien-doc-cua-mike-tyson-c9a75282.html

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Tin Vui Ăn Chay: Thực phẩm chay hút khách do lo ngại về cúm H7N9

:
Lựa chọn thực phẩm chay an toàn. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)
Thực phẩm chay hút khách do lo ngại về cúm H7N9
Bài: Tâm Tâm (Vietnam+)

Trước luồng thông tin cúm gia cầm H7N9 và với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu nguyện bình an trong những ngày đầu tháng tiết thanh minh, nhiều người dân Thủ đô đã lên kế hoạch mua đồ ăn chay. Đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều hàng đồ chay cũng đã nâng giá bán trên thị trường.

Khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 9/4 tại một số cơ sở cung cấp thực phẩm chay trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá một số loại thực phẩm chay có xu hướng tăng nhẹ và người tiêu dùng chuộng đồ ăn chay hơn.

Cụ thể, giá của một số đồ ăn chay đã tăng từ 5.000-10.000 đồng tùy loại như, chả quế chay được bán với giá 80.000-100.000 đồng/kg; chả lụa tăng 10.000 đồng/kg, có giá bán 120.000 đồng/kg, chả nấm cũng dao động trong khoảng 120.000-130.000 đồng/kg; chả cá, chả bò có giá 130.000 đồng/kg…

Trong khi đó, những loại thịt chay như: Thịt vịt chay, dăm bông, thịt chay rim tiêu, chả lá lốt, các món súp hải sản chay… có giá từ 60.000-170.000 đồng/món, cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Lê Hằng, nhân viên tại nhà hàng cơm chay Hà Thành (116 Kim Mã, Ba Đình) cho biết, dịp này lượng khách tăng hơn hẳn so với vài ngày trước, nhiều người đặt mâm chay chuẩn bị đi lễ và đặt trước những món chay đầu tháng.

Ngoài những món cơm chay, tại nhiều nhà hàng ăn chay còn làm đầy đủ các mâm cỗ chay với mức giá dao động từ 400.000-700.000 đồng/mâm cho khoảng 7-13 món chay. 

Chị Phạm Thị Hoa (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân) khách mua chia sẻ: “Trước những thông tin về thực phẩm nào là cúm gà H7N9, nào là lợn tai xanh… trong thời gian gần đây khiến mình có sở thích dùng đồ ăn chay hơn, vừa tốt cho sức khỏe, vừa yên tâm không phải lo ngại gì.”

Mặt khác, nhiều chủ hàng bán đồ chay cho biết, lượng khách sẽ bắt đầu tăng mạnh từ hôm nay cho đến vài tuần tới do sắp đến ngày Tết Hàn thực (3-3 âm lịch) và nhu cầu đặt mâm cỗ đi lễ trong tiết thanh minh tăng cao.

Đồng quan điểm, chị Bích (30 Phan Đình Giót) với kinh nghiệm nội trợ đánh giá, mặc dù thực phẩm chay không hề rẻ, song trước những thông tin dịch cúm gia cầm và thực phẩm mất an toàn vẫn bày bán tràn lan, thì lựa chọn ăn đồ chay là tốt hơn cả.

“Hơn nữa, đồ ăn chay cũng rất ngon với đa dạng các món không khác gì đồ ăn mặn, khéo tay và chịu khó thì sẽ có những bữa ăn chay hấp dẫn cho cả nhà,” chị Bích vui vẻ nói.

http://www.vietnamplus.vn/Home/Thuc-pham-chay-hut-khach-do-lo-ngai-ve-cum-H7N9/20134/191735.vnplus

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Cơm rang xoài xanh (Đẹp Online)

Cơm rang xoài xanh
Theo Đẹp Online

Món cơm rang xoài xanh là món ăn chay kiểu Ấn Độ rất thú vị. Bạn sẽ không cảm thấy bị ngán hay ngấy khi thưởng thức món ăn này.

Nguyên liệu:
  • 3 chén gạo, nấu thành cơm
  • 1-2 chén xoài xanh, xắt nhỏ
  • 1-2 quả ớt xanh, thái lát (có thể dùng loại rau khác theo khẩu vị)
  • 1-2 quả ớt đỏ khô
  • 1 thìa cà-phê dầu mè
  • 2 muỗng hạt điều
  • 2 muỗng lạc [đậu phộng] rang
  • 1/4 thì cà-phê nghệ
  • 1 muỗng đậu xanh không vỏ
  • 1/4 thìa cà-phê hạt cà-ri (hoặc dạng bột)
  • 1 thìa cà-phê hạt mù-tạc
  • 2 thìa cà-phê hạt chia
  • 1/2-1 chén cùi dừa tươi, xắt nhỏ
  • Muối
  • Lá cà-ri và vài nhánh rau mùi [ngò] để trang trí

Cách làm:
  1. Ngâm đậu xanh trong nước ấm khoảng 20-30 phút.
  2. Gọt xoài, xắt nhỏ với lượng vừa đủ.
  3. Trong một cái chảo nóng, cho dầu mè và một ít bơ [thực vật]. Bạn cũng có thể chỉ dùng bơ hoặc dầu. Thêm hạt mù-tạc cùng với ớt đỏ, ớt xanh.
  4. Bây giờ cho tiếp đậu xanh đã ngâm và hạt chia, cùng với hạt cà-ri vào chảo.
  5. Tiếp tục cho lạc và hạt điều vào. Rang chúng trong khoảng 1-2 phút ở lửa vừa.
  6. Cho thêm muối và nghệ. Trộn đều.
  7. Cho xoài, cùi dừa tươi xắt nhỏ vào.
  8. Trộn đều các thứ trong chảo. Bạn không cần đảo lâu vì xoài không cần thiết phải chín kỹ.
  9. Cho cơm đã nấu chín vào chảo. Trộn thật đều tay.
  10. Sau khi rang xong, bạn cho ra bát hoặc đĩa và trang trí bằng rau mùi nếu thích.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Góc Đẹp Tâm Hồn: Nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết: “Học Phật để làm người tử tế”


hoc phat de lam nguoi tu te
Học Phật để làm người tử tế
NSND Bạch Tuyết: “Học Phật để làm người tử tế”
Tiểu Trúc thực hiện

[GN] - Không chỉ là một nghệ sĩ nổi danh của sân khấu cải lương, NSND Bạch Tuyết còn được nhiều người biết đến như là một Phật tử thuần thành. Với trường ca “Kinh Pháp cú - Lời Phật dạy”, chị đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận kỷ lục gia dành cho người đầu tiên chuyển thể kinh Phật thành trường ca cải lương.

Sau đó, chị lại tiếp tục bắt tay vào thực hiện những công trình cải lương - Phật giáo tiếp theo như: Trường ca Phật giáo trong lòng dân tộc, Trường ca Kinh Kim Cương, Trường ca Phật hoàng Trần Nhân Tông… 

Và trong những năm qua, chị cũng đã nhận được nhiều lời mời tham gia các buổi trò chuyện về Phật pháp với tư cách là một diễn giả mà gần đây nhất là buổi nói chuyện trong chương trình “Chất lượng cuộc sống” (do Mani Media tổ chức tại Nhà hàng chay Mandala) với chủ đề “Như nó đang là”, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người… 

Phóng viên Báo Giác Ngộ đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với chị để hiểu rõ hơn về một người nghệ sĩ - Phật tử thuần thành. Khi được hỏi về cơ duyên đến với Phật pháp, chị cho biết:

- Mọi việc đến với tôi đều tình cờ nhưng dĩ nhiên có khát vọng của bản thân về sự hướng thiện. Thuở nhỏ, tôi được “tôi luyện” trong tu viện bên cạnh các soeur. Lớn lên, tôi lại ham mê đọc các loại sách triết học để tự tìm kiếm, lý giải cho những thắc mắc của mình về thân phận, về sự sống - cái chết… Bởi sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi đã khiến cho tôi quay quắt trong suốt một thời gian dài với hàng loạt những câu hỏi “Tại sao?”. Tôi cũng nghiền ngẫm Thánh kinh nhưng tất cả chỉ thật sự “bừng sáng” khi tôi đọc sách của các thiền sư, đặc biệt là của Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ. Tôi vui mừng nhận ra đây chính là con đường mà mình muốn tìm.

Theo Phật, học Phật, cho đến bây giờ, điều tinh túy nhất của đạo Phật mà chị nhận ra được và có thể áp dụng cho đời sống của mình là gì?

- NSND Bạch Tuyết: Đó chính là “Đại hùng - Đại lực - Đại từ bi”. Khi chúng ta nhận ra mình trong thế giới, nhận ra được sự lợi ích bản thân khi hòa mình vào thế giới muôn màu thì từ đó chúng ta sẽ có được sự tự tin, khiêm cung, biết ơn và thương yêu hết thảy muôn loài. Và tôi quyết theo Phật, theo thầy học làm “người tử tế”: thấy lỗi mình, không xét lỗi người.

Thế còn việc hành thiền đã giúp ích gì cho chị?

- Sức khỏe được cải thiện, suy nghĩ được quân bình. Ngày trước, tôi hay tự sân si với chính mình và đã hơn một lần tôi tìm đến cái chết. Nhưng từ khi biết thiền, tôi nhìn sự vật một cách nhẹ nhàng, thoải mái và nhờ vậy mà tâm hồn trở nên thanh thản. Bởi theo lời dạy của Phật thì mở cánh cửa thiên đường hay vào cổng địa ngục cũng tự do mình. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải tự biết mình.

Theo chị, vì sao ngày nay người ta lại tìm đến với đạo Phật ngày một nhiều hơn?

- Mỗi người có mặt trong đời, ai cũng ao ước, hy vọng, chờ đợi và khao khát một đời sống an bình, hạnh phúc. Đặc biệt, trong thời kỳ gọi là “mạt pháp”, mọi giá trị hầu như bị nhào lộn; tâm tính con người cũng có sự chuyển đổi đảo điên; thiên nhiên cũng trở nên “thịnh nộ” với những cơn sóng thần, động đất… cho nên con người muốn đi tìm cái họ cần. Và nếu đến được với một tôn giáo như đạo Phật, dĩ nhiên, con người cảm thấy được phần nào sự an tâm cho chính mình.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số người lại “đánh đồng” đạo Phật với mê tín dị đoan. Quan điểm của chị như thế nào về “hiện tượng” một số người đến chùa để xin xăm, bói quẻ, hái lộc hoặc nhét tiền vào các pho tượng trong chùa… đang bị phê phán?

- Có gì quan trọng đâu. Sự tự do và chân lý tuyệt đối của đạo Phật ở chỗ “Mọi người được quyền chọn điều mình thích và tự chịu trách nhiệm”. Chúng ta biết rằng, thế giới không hoàn hảo. Nếu buộc rằng ai cũng phải giống ai thì rất dễ hiểu lầm, làm tổn thương nhau thay vì giúp nhau tăng trưởng thân tâm, giàu có trí tuệ; không so sánh, trách phiền, ghét bỏ, xem thường hay thành kiến.

Vậy theo chị, làm thế nào để giữa bộn bề cuộc sống, mà mình vẫn có thể sống một đời sống an lạc? Và sự an lạc, niềm vui của chị hiện giờ là gì?

- Đâu có gì khó! Cứ sống tử tế, sống bình thường; không ham hố những điều không phải dành cho mình, không thuộc về mình. Hãy sống nhẹ nhàng và luôn luôn “biết đủ”! Và tôi, tôi đã và đang hòa mình thưởng thức cuộc sống. Với tôi, được làm những công việc mình thích và công chúng yêu cải lương cũng thích, tôi an lạc.

Chị vừa nhắc đến cải lương - nơi mà tên tuổi của chị ở hàng thượng thặng. Và khi người nghệ sĩ đã được vây kín bởi những hào quang, thì xem ra, để “buông” được tất cả cũng không phải là việc dễ dàng. Thậm chí, có người cứ sống mãi trong hào quang của quá khứ. Còn chị thì thế nào?

- Hào quang là ảo, thế giới là bụi. Mà nếu đã là bụi thì làm sao thoát khỏi quy luật của muôn đời “Gió cuốn bụi bay”, “Pháp luân thường chuyển” hay “Sinh thành hoại diệt”. Nếu có “hạt bụi” nào lưu lại một chút gì đó tên tuổi thì cũng chỉ là một hạt bụi trong vô cùng vũ trụ. Có gì còn mãi đâu, sao phải bận tâm?

Sắp tới, chị có dự định thực hiện một công trình nghệ thuật Phật giáo nào nữa không?

- Tôi đang chuẩn bị thực hiện trường ca cải lương thứ năm “Kiến tánh thành Phật”, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Hòa thượng - Thiền sư Thích Thanh Từ.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.