From his bio: "Lieutenant Colonel Robert Lucius was commissioned a Second Lieutenant in the U.S. Marine Corps in 1989 and has since served 22 years on active duty in a wide variety of command, staff and diplomatic assignments. He is a specialist in Asian foreign languages and cultures and is now assigned as the Assistant Provost, Dean of Educational Support Services and Dean of Students for the Directorate of Continuing Education at the Defense Language Institute Foreign Language Center in Monterey, CA.
Lt. Col. Lucius graduated from Norwich University in 1989, receiving a Bachelor of Arts in History. He also holds a Master of Forensic Science degree from National University, a Master of Arts degree in National Security Studies from Naval Postgraduate School and a Graduate Certificate in Community Advocacy from George Washington University.
In 2009, Lt. Col. Lucius founded the Kairos Coalition to pilot experimental humane education initiatives and foster youth grassroots advocacy in developing economies. He was 2008′s Sexiest Vegetarian in the Marine Corps and is the founder of Vegan educational and advocacy association called the VegHeads of Monterey Bay."
Trở lại Việt Nam vì muốn cứu trợ động vật
Thủy Anna (thực hiện)
(PL&XH) - Robert thành lập tổ chức Kairos Coalition nhằm kết nối với giới trẻ trên thế giới, để kiến thiết những chương trình giáo dục nhân văn. Hiện giờ anh đang muốn hỗ trợ tổ chức www.yeudongvat.org để nâng cao nhận thức và lan tỏa tình yêu thương của con người dành cho động vật.
Phóng viên báo Pháp luật & Xã hội có cuộc trò chuyện với Robert Lucius về những kế hoạch của anh cho động vật…
Cuộc hội ngộ giữa anh và “thiên sứ” Vi Thảo Nguyên diễn ra như thế nào? Điều gì khiến anh có thể dễ dàng đồng cảm với cô gái Việt nhỏ nhắn, dễ thương đó?
Quả là có duyên khi Vi Thảo Nguyên tình cờ biết đến tôi. Mặc dù tôi có làm việc với một vài tổ chức tại Việt Nam nhưng hầu hết những người bạn đó của tôi đều ở Hà Nội. Khi Nguyên liên lạc với tôi qua trang web www.kairoscoalition.org và cho tôi biết những hoạt động của tổ chức Yêu động vật tại TPHCM. Tôi rất ngạc nhiên và xúc động khi kết bạn với họ bởi trước giờ tôi vẫn luôn tìm kiếm những người bạn VN – những người cũng có cùng suy nghĩ với tôi về tầm quan trọng của việc đối xử nhân đạo và đầy lòng trắc ẩn đối với động vật.
Ở Việt Nam, cái nhìn về động vật rất “khác” so với các quốc gia khác trên thế giới. Vì vẫn còn rất nhiều người Việt luôn coi con vật chỉ là “con vật”, không phải “người bạn nhỏ”. Để thay đổi suy nghĩ này không phải dễ dàng, anh có biện pháp gì để cùng Vi Thảo Nguyên “hành động vì động vật”?
Chúng ta có thể làm một số việc để cải thiện tình hình này. Trước hết, điều quan trọng là phải giúp mọi người hiểu được rằng khoa học đã chứng minh về năng lực nhận thức và tình cảm của động vật. Chúng ta hay nghĩ rằng động vật là ngu dốt, không có tình cảm và không biết đau đớn như con người. Nhưng rõ ràng các nhà khoa học ngày nay đã cho chúng ta thấy nhiều loài động vật, đặc biệt là chó, mèo, heo và thậm chí cả gà… có những phản ứng tình cảm và cảm xúc khá phức tạp. Chúng biết sợ hãi và cũng biết vui sướng. Chúng cũng có mong muốn và nhu cầu riêng, và một khi những nhu cầu này không được đáp ứng hoặc bị con người tước đi một cách tàn nhẫn, chúng cũng bị tổn thương và đau đớn như con người vậy.
Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng động vật không phải là những cái máy, mà chúng là những sinh vật có suy nghĩ và tình cảm không khác gì chúng ta. Có thể chúng không thông minh như chúng ta, nhưng như triết gia Jeremy Bentham từng nói: “Vấn đề không phải là chúng có thể suy nghĩ hay không, mà quan trọng là chúng có cảm giác hay không”. Ngày nay, khoa học đã kết luận động vật cũng có cảm giác như con người, vì vậy chúng ta nên cố gắng hết sức để giảm thiểu những đau đớn mà chúng phải chịu đựng.
Để đánh thức tình yêu đối với động vật ở đất nước chúng tôi, anh có biện pháp nào hiệu quả để thực thi nhiệm vụ hết sức khó khăn này?
Khoa học cũng chứng minh lòng trắc ẩn và nhận thức đạo đức ở con người hoàn toàn có thể được học hỏi và ảnh hưởng lẫn nhau – cũng giống như tội ác vậy thôi. Thế nên khi chúng ta khuyến khích và dạy bảo trẻ em về tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với động vật như chó, mèo, heo, gà… nghĩa là chúng ta đang góp phần giúp trẻ em trở thành những con người tốt và lương thiện.
Hãy tưởng tượng về một thế giới mà ở đó, con người không còn muốn làm hại bất kỳ loài sinh vật nào khác mà xem. Chẳng phải chúng ta luôn muốn con cháu mình được sống trong một thế giới như thế sao? Đó chính là mô hình xã hội mà chúng tôi đang cùng nhau nỗ lực thực hiện.
Tổ chức www.yeudongvat.orgcủa thiên sứ Vi Thảo Nguyên và những người yêu động vật ở Việt Nam đang hình thành và phát triển. Khi gặp Vi Thảo Nguyên và hiểu hơn về những việc cô làm, anh có biện pháp nào giúp Nguyên phát triển tổ chức “tự nguyện” này thành một tổ chức được cộng đồng ủng hộ?
Mong muốn của tôi là được giúp các thành viên của yêu động vật đạt được những mục tiêu mà đang hướng tới, theo góc nhìn và ý muốn của họ. Tôi không thể giúp nếu chỉ làm theo ý và góc nhìn của tôi, bởi như vậy tổ chức Yêu động vật sẽ không thể tồn tại lâu. Chỉ có chính các thành viên YĐV mới biết chính xác họ cần làm những gì để khuyến khích lòng trắc ẩn và tình yêu thương ngày càng phát triển trên đất nước của họ.
Tôi hy vọng sẽ được đồng hành cùng YĐV trong chuyến hành trình đó để tôi có thể làm những gì trong khả năng của mình nhằm biến ước mơ của họ thành hiện thực. Những gì tôi có thể làm là giúp họ có thêm thông tin về những việc mà những người cùng chí hướng với họ ở các quốc gia khác đang làm để họ có thể chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và quan điểm với nhau..
Ấn tượng nào về tình trạng động vật ở Việt Nam chưa được quan tâm khiến anh xúc động nhất?
Tôi luôn cảm thấy đau lòng khi chứng kiến bất kỳ sinh vật có suy nghĩ và cảm xúc – không phân biệt con người hay động vật – phải chịu đựng sự sợ hãi, bị đối xử một cách tàn bạo hoặc không được sống với đúng bản năng tự nhiên của mình. Tôi không nghĩ tình hình này ở VN tệ hơn ở đất nước chúng tôi. Mà thực tế, tình trạng này ở đất nước chúng tôi tồi tệ hơn ở nước các bạn rất nhiều, đặc biệt là đối với bò, heo và gà. Tuy nhiên, VN chưa phạm nhiều sai lầm như chúng tôi khi mà ở Mỹ đã bùng nổ một số lượng khổng lồ các nông trang cùng với rất nhiều hành động tàn ác đi kèm. Chúng ta đối xử tàn bạo với động vật vì chúng ta nghĩ động vật chỉ là những khối thịt chứ không phải là những sinh vật sống cũng có suy nghĩ và cảm xúc như chúng ta. Tôi luôn hy vọng VN sẽ chọn con đường đúng đắn hơn so với con đường mà người Mỹ chúng tôi đã trải qua.
Được biết, hồi đầu tháng 4, với sự tài trợ của anh và tổ chức Kairos Coalition, Vi Thảo Nguyên và nhóm admin của Yêu động vật đã có chuyến công tác sang Thái Lan để gặp gỡ và học hỏi mô hình hoạt động của tổ chức SCAD (Soi Cats and Dogs) nhằm thiết lập một mô hình tương tự tại Việt Nam trong tương lai. Anh có thể cho biết thêm về dự án này?
Mục đích của chuyến đi này là tạo điều kiện để một số thành viên của YĐV có cơ hội trực tiếp học hỏi kinh nghiệm và tìm hiểu những việc cần làm để có thể thành lập một tổ chức cứu hộ động vật chuyên nghiệp tại VN. SCAD Bangkok đã và đang rất thành công trong những việc họ làm.
Để vận hành một tổ chức tương tự như vậy tại VN, có rất nhiều việc chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, phân tích và sau cùng là phát triển thành một kế hoạch chi tiết. Trò chuyện với những người đi trước nhiều kinh nghiệm và đã thành công chính là bước khởi đầu quan trọng trong chuyến hành trình này.
Ngoài ra, vào cuối tháng 7, tổ chức của anh cũng tài trợ để Vi Thảo Nguyên tham dự và phát biểu tại Hội thảo về quyền động vật tổ chức thường niên tại Los Angeles. Được biết đây là một hội thảo lớn với sự tham dự của rất nhiều tổ chức hoạt động vì động vật trên toàn thế giới. Anh mong muốn điều gì sau chuyến đi này?
Tôi cho rằng việc tạo điều kiện để những người đang hoạt động vì động vật và môi trường ở khắp mọi nơi trên thế giới có thể chia sẻ những trải nghiệm và kiến thức với nhau là điều tối quan trọng. Hội thảo quyền động vật được tổ chức tại Los Angeles vào tháng 7 hàng năm là nơi gặp gỡ và trò chuyện giữa các nhà hoạt động xã hội vì quyền động vật tại Mỹ. Đại biểu từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ có mặt ở đây để tham dự hội thảo này.
Một trong những điều tôi thích nhất ở hội thảo đó chính là có sự tham gia của những đại biểu từ rất nhiều phong trào bảo vệ động vật khác nhau. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người với những quan điểm và tầm nhìn khác nhau đều được chào đón. Đây thật sự là một cơ hội tuyệt vời để cùng nhau học hỏi và chia sẻ ý tưởng.
Vi Thảo Nguyên còn rất trẻ nhưng rất tâm huyết với những hoạt động vì động vật. Anh đánh giá thế nào về cô gái này và anh có nhìn nhận gì về giới trẻ hiện nay về những hoạt động xã hội và cộng đồng? Theo anh, nguyên nhân nào khiến số lượng giới trẻ quan tâm đến hoạt động này chỉ là thiểu số?
Có rất nhiều việc cần làm để nâng cao ý thức của mọi người để họ hiểu hơn về nguyên nhân vì sao chúng ta nên quan tâm đến những vấn đề về quyền động vật. Những nguyên nhân này không chỉ liên quan đến động vật mà còn là những vấn đề về sức khỏe cộng đồng, môi trường, bạo lực xã hội và cả sự phát triển kinh tế. Tất cả những vấn đề này đều có liên quan mật thiết với nhau và cần được quan tâm đồng đều vì VN vẫn đang tiếp tục phát triển chính sách công nghiệp hóa.
Tôi tin rằng Vi Thảo Nguyên và Yêu động vật sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong sứ mệnh giáo dục đó vì họ đã chứng minh được họ có một tình yêu thương dành cho cả con người và động vật; và họ cũng hiểu rằng chính tình yêu thương và lòng trắc ẩn là động lực duy nhất có thể thật sự tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Có rất nhiều việc cần làm và hành trình phía trước vẫn còn dài, nhưng tôi tin rằng Nguyên và nhóm bạn Yêu động vật của mình đã sẵn sàng vượt qua mọi thử thách.
Về vấn đề vì sao có rất ít bạn trẻ quan tâm đến các hoạt động xã hội, tôi e mình sẽ không có câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi này. Tôi nghĩ có lẽ giới trẻ ở nước các bạn cũng giống với giới trẻ ở hầu hết các quốc gia khác. Họ đang mải mê lo cho cuộc sống của riêng mình, chuyện học hành, sự nghiệp, gia đình, bạn bè… Rất nhiều người trẻ (và cả những người đã có tuổi) không có thời gian và cũng không có đủ sự quan tâm cần thiết để sống chậm lại và lưu tâm đến những con vật mà chúng ta có toàn quyền quyết định đến cuộc sống của chúng.
Chúng ta có quyền cho chúng ăn hay không, cho chúng ngủ ở đâu và quyết định cho chúng sống hay để chúng chết. Với cái quyền rất lớn như thế, nhưng chúng ta lại không sử dụng cái quyền đó một cách nhân văn và yêu thương.
Xin cám ơn anh về buổi trò chuyện này!
http://phapluatxahoi.vn/2011051009315267p1043c1055/tro-lai-viet-nam-vi-muon-cuu-tro-dong-vat.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét