Blogger templates

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Tin Vui Ăn Chay: Những cầu thủ ăn chay, niệm Phật (Diêu Thùy)

Some well-known Vietnamese soccer (football) players are following the Buddhist tradition of being vegetarian twice a month. They also visit temples and engage in charity work.

Những cầu thủ ăn chay, niệm Phật
Diêu Thùy (BONGDAPLUS)

Ít ai biết rằng nhiều cầu thủ Việt Nam sau khi trút bộ quần áo thi đấu là liền khoác áo nâu sồng, ăn chay, niệm Phật, đi tìm sự bình an từ tôn giáo.

Thủ môn Võ Văn Hạnh

Động cơ thì vô cùng đa dạng. Nhiều người tìm thấy sự thanh thản trong tiếng mõ, câu kinh; người thì ăn năn hối lỗi vì những sai lầm lớn trong sự nghiệp, thậm chí chỉ vì trót đốn hạ đối phương quá đà; người thì theo truyền thống tín ngưỡng gia đình.

Xung quanh thủ môn Võ Văn Hạnh (SHB. Đà Nẵng) có rất nhiều giai thoại tưởng chừng chẳng bao giờ gắn liền với một cầu thủ nổi tiếng như anh. Chàng thủ môn người Phú Yên không dùng điện thoại cho tới khi anh được gọi lên đội tuyển. Khi mùa giải kết thúc, tất cả được nghỉ và Võ Văn Hạnh về quê. Nhưng khi được triệu tập lên tuyển, không ai biết anh ở đâu vì mọi liên lạc bị cắt đứt. Anh chỉ biết đường lên tập trung nhờ đọc thông tin… báo chí.

Nhưng không có câu chuyện nào bất ngờ bằng chuyện Võ Văn Hạnh được biết đến là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ăn chay, niệm Phật, nói lời từ bi. Thậm chí, anh đã được các đồng đội gọi là “Cậu” Hạnh hay “thầy tu đá bóng”. Đức Cường, cựu thủ môn SHB.ĐN, tâm sự rằng anh chưa từng gặp cầu thủ nào mộ đạo Phật và siêng đi chùa, chăm tụng kinh như “Cậu” Hạnh.

Mỗi lần đội đi thi đấu, bao giờ thủ môn Võ Văn Hạnh cũng hỏi thông tin về các ngôi chùa đầu tiên để lui tới thắp hương và nghe lời giáo huấn của các vị hòa thượng.

Hỏi căn cớ thì thủ môn Võ Văn Hạnh bảo, anh là người của Phật đã hơn 10 năm rồi, chính xác là cuối những năm 1990 khi anh còn khoác áo SLNA. Trong phòng anh có đầy đủ y áo nâu sồng, kinh kệ, chuông mõ, những vật cụ không thể thiếu của một Phật tử tại gia…

Nói về những ngày đầu ngộ đạo, “Cậu” Hạnh kể: “Rất tình cờ, như có duyên trời định. Trong một lần vào Huế thi đấu, tôi gặp một nhóm người lớn tuổi đi chùa, tụng kinh nhưng vẫn để tóc. Tôi hỏi chuyện thì được đáp rằng, hễ có tâm sáng, lòng trong, tinh thần hướng thiện và thành tâm đi theo Phật là được, không cần phải cắt tóc xuất gia mới gọi là tu. Kể từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu Phật pháp, đọc kinh sách, nghe các băng đĩa giảng về đạo Phật và chăm đi chùa hơn. Càng theo đạo Phật, tôi càng thấy tâm hồn nhẹ nhõm, thanh thản hơn rất nhiều”.


Tới tận bây giờ, “Cậu” Hạnh ăn chay một tháng 2 lần vào ngày sóc (ngày mồng một âm lịch hàng tháng) và ngày vọng (ngày rằm). Cứ có thời gian là “Cậu” Hạnh lại lên chùa để học hỏi tu tập lòng thiền. Anh bảo nghề cầu thủ có nhiều áp lực, nhất là với thủ môn. Có những thời điểm, anh bị tâm lý nặng nề, để thủng lưới liên tục, khiến dư luận đồn này đoán nọ, người nghi kẻ ngờ. Chính Phật giáo đã giúp anh vượt qua những ái, ố, hỉ, nộ, tham, sân, si của đời thường, để giải thoát tâm hồn.

Tới thời điểm này, Võ Văn Hạnh là một trong những cầu thủ giàu thành tích nhất Việt Nam với những thành tích đáng nể như thủ môn đầu tiên giành danh hiệu QBV, vô địch V.League cùng 3 đội bóng khác nhau (SLNA, HAGL, SHB.ĐN)... Đáng nể hơn, ở tuổi gần 40, anh vẫn vững vàng trong khung gỗ và được nhiều đội bóng lớn chào mời. Hỏi có phải nhờ Phật độ không thì “Cậu” Hạnh trả lời rất thành kính: “Nếu không nhờ cửa thiền, chắc tôi không được như vậy. Phật giáo đã thay đổi cuộc đời tôi”.


Trung vệ Đại Đồng

Trung vệ Đại Đồng (HN.T&T) đã gây nhiều nỗi sợ hãi đối với các cầu thủ đối phương với lối chơi không khoan nhượng, không ngại va chạm và mạnh mẽ trong từng đường bóng. Với một trung vệ, ngoài những đòn dằn mặt đối thủ thì việc phạm lỗi cũng là cách để bảo vệ khung thành đội nhà. Với chiều cao 1m8, cái đầu cạo trọc lóc, gương mặt lì lợm, Đại Đồng là một trong số không nhiều cầu thủ rất có uy trên sân, với vẻ bề ngoài bặm trợn như một “sát thủ”. Biệt danh Đồng “đen” không chỉ nói về làn da ngăm ngăm của anh mà còn là lời cảnh báo mang vận đen chấn thương cho các đối thủ.


Nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau vẻ mặt bặm trợn, Đại Đồng đã ăn chay, niệm Phật từ rất lâu rồi. Mỗi tháng 2 lần, vào 2 ngày sóc - vọng, “sát thủ” Đại Đồng lại ăn chay và rất năng đi chùa, hay làm việc thiện nguyện. Anh tâm sự: “Vị trí của mình đòi hỏi phải chơi mạnh mẽ, quyết đoán nên rất nhiều tình huống, mình làm đau các đồng nghiệp. Thậm chí, nhiều người phải nghỉ cả tháng trời để điều trị chấn thương nên tôi cũng áy náy, ân hận với cảm giác gây tội lỗi nên nhiều lúc cũng dằn vặt, cắn rứt lắm. Do đó, ngoài việc hỏi thăm, động viên “nạn nhân”, tôi muốn tìm sự thanh thản trong tâm hồn qua hướng Phật”.

Trong những ngày trai giới, nếu ở Hà Nội, gia đình Đại Đồng lại phải nấu 2 mâm, một chay, một mặn dù chỉ có 4 người bởi trung vệ này không dùng đồ mặn. Chuyện ăn chay cũng lắm gian nan, nhất là khi thi đấu xa nhà. Khi đó, Đại Đồng phải đi tìm những nhà hàng bán đồ chay hoặc vào chùa xin bữa cơm chay.

Có câu chuyện hài hước là thấy cầu thủ đầu trọc, mắt dữ tợn lại xăm kín 2 cánh tay, các chú tiểu trên lại nghĩ Đại Đồng là tay giang hồ thảo khấu nào đó. Do đó, bây giờ, mỗi lần lên chùa, Đồng “đen” thường mặc áo dài tay để tránh hiểu nhầm.

Vạn nẻo tín ngưỡng tâm linh

Chuyện các Phật tử vượt cả hang trăm cây số để đi lễ chùa không phải là chuyện hiếm, nhưng với giới cầu thủ, điều đó thật đặc biệt. Rất nhiều các cầu thủ miền Nam tận dụng những ngày nghỉ để tới Ninh Bình vãn cảnh chùa Bái Đính (Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình) và bái Phật cầu an. Rất nhiều thế hệ cầu thủ, HLV, lãnh đội đều chọn ngôi chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam để hành hương, lễ Phật. Thậm chí, trước khi lập gia đình, tiền vệ Nguyễn Quý Sửu (HAGL) cũng đã đưa vị hôn thê tới đây để thắp hương cầu phúc.

Không giống như bao đồng nghiệp, Âu Văn Hoàn theo đạo Thiên Chúa và hậu vệ của SLNA này là một con chiên ngoan đạo. Bất kể đi đâu, làm gì Văn Hoàn đều chăm chỉ đi lễ nhà thờ. Khi còn trong mùa giải, những dịp cuối tuần, Âu Văn Hoàn thường đi cầu nguyện. Những lúc nghỉ ngơi và vào dịp cuối tuần, nếu gọi điện mà thấy tắt máy thì người thân, bạn bè chỉ cần ra nhà thờ là gặp Âu Văn Hoàn.

Thế giới cầu thủ đầy phức tạp, lắm thị phi và quá nhiều cám dỗ, cuộc sống sân cỏ đầy sôi động như trái ngược hẳn với thế giới tĩnh lặng, thanh thản và bình yên của cửa Phật. Vì thế, giới quần đùi áo số tìm về chốn thanh tịnh cũng là cách để giữ mình, giữ cân bằng trong cuộc sống đầy biến động của thảm cỏ xanh.


http://bongdaplus.vn/Bong-da-Cuoc-song/Nhung-cau-thu-an-chay-niem-Phat-khoac-ao-nau-song/31252.bbd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét